Thông tin sách

Kinh Di Giáo giảng giải

Kinh Di Giáo giảng giải

 Thể loại:

Kinh

 Tình trạng:

Hoàn thành 0 Chương
Đánh giá: 10 /10 từ 0 lượt

MỞ ĐẦU

Đức Phật Thích-ca-mâu-ni đầu tiên chuyển pháp luân độ A-nhã Kiều-trần như, sau cùng thuyết pháp độ Tu-bạt-đà-la, những người nên độ đều đã độ xong. Bấy giờ ở trong rừng sa-la, giữa hai cây, Phật sắp vào Niết-bàn. Khi đó là lúc nửa đêm, lặng lẽ không có tiếng động, ngài vì các đệ tử lược nói pháp yếu. 

Giảng:

Kinh Di Giáo gọi đủ là Phật Thùy Bát-niết-bàn (Parinirvāna) Lược Thuyết Giáo Giới Kinh, tức là bộ kinh khi sắp Niết-bàn, Phật nói gọn lại để dạy các hàng đệ tử. Bộ kinh tôi giảng đây do Ngài Cưu-ma-la-thập dịch.

Đây là phần tựa mở đầu, kết lại sự giáo hóa của Phật từ thủy chí chung. Lúc mới thành đạo, ở tại vườn Lộc Uyển, ngài nói pháp Tứ đế độ năm anh em ông Kiều-trần-như, đó là thời thuyết pháp ban sơ. Tới rốt sau, tức là còn khoảng một, hai hôm nữa Phật nhập Niết-bàn, có một ông già tám mươi tuổi tên là Tu-bạt-đà-la đến xin xuất gia, ngài độ cho và đó là người đệ tử cuối cùng của Phật. Như vậy, thời thuyết pháp đầu tiên độ năm anh em ông Kiều-trần-như, thời thuyết pháp sau cùng độ ông Tu-bạt-đà-la, còn ở khoảng giữa, những người nên được độ đều đã độ xong. Đến giờ cuối, ở trong rừng sa-la, giữa hai cội cây, Phật sắp vào Niết-bàn, khi ấy là nửa đêm, trong rừng lặng lẽ không một tiếng động, đức Phật chỉ còn những hơi thở cuối cùng mà vẫn cố gắng vì các đệ tử nói một thời pháp chót, đây chính là thời thuyết pháp rốt sau của Phật.

Ngày xưa đi Ấn Độ, tôi có đến rừng sa-la, cây này từ một gốc lên hai thân và rất thẳng nên gọi là sa-la song thọ. Tôi có nhờ người chụp hình nhưng đều bị hư cả nên không đem về được. Nơi đó có ngôi chùa thờ tượng Phật nằm phủ vải vàng, thấy như sắp thị tịch, ai nấy cũng đều cảm động rơi nước mắt.

Chúng ta thấy Phật sắp nhập Niết-bàn mà còn cố gắng kêu đệ tử dạy những lời sau cùng rất thiết tha, cho thấy Phật thương đệ tử không biết bao nhiêu mà nói.

Chánh văn: 

Tỳ-kheo các ông, sau khi ta diệt độ phải tôn trọng quý kính Giới luật, như tối gặp sáng, như người nghèo được của báu. Phải biết đó là Thầy của các ông. Nếu ta còn ở đời cũng không dạy gì hơn pháp này. 

Giảng:

Ba-la-đề-mộc-xoa là tiếng Phạn, Hán dịch là Giới luật, có chỗ dịch là Biệt biệt giải thoát, có nghĩa là giải thoát riêng từng phần. Thí dụ như trong năm giới, nếu không sát sanh thì được giải thoát khỏi cái khổ về đền sanh mạng chúng sanh; nếu không trộm cướp thì thoát khỏi cái khổ về bị trộm cướp; nếu không tà dâm thì thoát khỏi cái khổ phiền lụy về phạm tà dâm v.v…

Nói tóm lại, giữ mỗi giới là được giải thoát mỗi phần, nên gọi là Biệt biệt giải thoát.

Đức Phật nhắc nhở Tỳ-kheo sau khi ngài diệt độ phải tôn trọng quý kính giới luật cũng như đi đêm tối được đèn sáng, như người nghèo được của báu, phải xem giới luật như vị Thầy của mình. Nếu ta còn ở đời cũng không dạy gì hơn pháp này, nghĩa là dù Phật còn ở đời ngài cũng không dạy điều gì khác hơn, vì vậy chúng ta phải y theo đó tu hành.

Đây là giới luật của Tỳ-kheo thuộc về Thanh văn nên rất nghiêm chỉnh. Có những điều hiện nay mình còn giữ được, còn có những điều mình không thể giữ nổi vì không có đủ phương tiện như thời xưa.

Chánh văn: 

Người trì giới chẳng được mua bán đổi chác, khai khẩn đất đai, nuôi dưỡng nhân dân, tôi tớ, súc sanh, tất cả mọi sự trồng trọt và các thứ của báu đều phải xa lìa như tránh hầm lửa, không được đốn chặt cây cỏ, đào xới đất đai, điều chế thuốc thang, xem tướng tốt xấu, ngửa xem tinh tú, xét đoán giàu nghèo, coi lịch đoán số đều không nên làm. Phải tiết chế thân, ăn uống hợp giờ, nếp sống thanh tịnh. Không được tham dự việc đời, đi sứ thông tin. Học bùa chú, nấu tiên dược, kết thân người giàu sang, gần gũi kẻ khinh mạn, đều không nên làm. Phải tự giữ tâm chân chánh cầu được giải thoát, không được chứa chấp lỗi lầm, hiển bày sự lạ để mê hoặc người. Đối với bốn món cúng dường phải biết lượng và biết đủ, được vật cúng dường không nên cất chứa. 

Giảng:

Người giữ giới thanh tịnh thì không được mua bán đổi chác qua lại, không được khai khẩn điền đất. Súc dưỡng nhân dân là ngày xưa người ta đem dân đi khai hoang và làm chủ điền. Ở đây mình chỉ khai khẩn đất hoang để làm chùa nên không có lỗi giống như vậy. Cũng không được nuôi tôi tớ giúp việc nhà cửa v.v… không được nuôi súc sanh như heo, gà, vịt v.v… Tất cả những thứ trồng trọt Phật cũng cấm, nhưng lỗi này mình khó thoát khỏi.

Ngày xưa tôi hơi buồn, nghĩ Phật không cho mình trồng trọt thì lấy gì ăn, việc trồng trọt đâu có lỗi gì? Nhưng bây giờ tôi mới biết Phật cấm là phải. Khi chúng ta trồng sẽ nảy sanh các thứ tội lỗi. Thí dụ như trồng khoai lang bị sùng ăn mình tức; cây xoài mới ra tược bị sâu đục thân làm hư đọt, bắt sâu ra thì nó chết, phạm tội sát sanh, còn không bắt ra thì hư cây, thật là khó xử. Trồng thứ gì cũng có sâu, không xịt thuốc thì nó ăn hết mình không còn gì ăn, mà xịt thuốc thì làm chết nó. Thế nên Phật cấm là hữu lý.

Như vậy ở đây Phật dạy phải xa lìa tất cả những thứ mua bán đổi chác, khai khẩn đất hoang, đem dân đến cày bừa, nuôi tôi tớ, nuôi súc sanh, trồng trọt, tiền của như xa lìa hầm lửa.

Không được đốn chặt cỏ cây. Phật cấm cả việc chặt cây cối, nên ngày xưa có một Tỳ-kheo đi ngang qua rừng bị cướp đón đường lột y. Sợ ngài la nên nó cột ngài vào gốc cây bằng những sợi dây leo. Sợ phạm giới nên ngài không dám bứt dây, đành chịu cho tới khi có người thấy mở giùm.

Không được đào đất vì đào thì gặp trùng v.v… Không được hốt thuốc.

Không được coi lịch coi bói, coi tướng tốt xấu.

Không được coi tinh tú tức là coi trăng sao trên trời, như coi người này tuổi gì, nhằm sao gì… rồi đoán giàu nghèo. Như nói năm nay là năm thịnh hay năm suy rồi bày cúng sao giải hạn v.v… Những điều đó Phật không cho phép.

Phải tiết chế thân, ăn uống hợp thời, đừng ăn uống thất thường. Luôn luôn sống một nếp sống thanh tịnh, đạm bạc, đó là thực tu. Cũng không được tham dự việc đời, tranh luận hơn thua việc phải quấy thế gian. Không được đi sứ, vì hồi xưa vua chúa các nước quan hệ qua lại, nhiều khi nhờ quý thầy đưa tin tức gọi là đi sứ. Không được học bùa chú trị bệnh, nấu tiên dược v.v… những thứ đó Phật cấm.

Không được kết thân với những người giàu có sang trọng. Tại sao? Vì như vậy có vẻ như mình muốn làm thân với người giàu để nhờ vả làm mất đi sự thanh tịnh của người tu.

Không được gần gũi với những người có tánh kiêu mạn tự cao. Phải luôn luôn giữ tâm chân chánh để cầu được giải thoát, chứ không nên nghĩ điều gì khác.

Không được chứa chấp lỗi lầm của mình, che giấu cái dở, hiển bày cái lạ để mê hoặc người. Thí dụ mình tu hành chưa tới đâu mà có ai tới thì nói tôi chiêm bao thấy thần tới mách bảo điều này điều kia, tạo ra những việc lạ để dối gạt người, Hoặc bình thường giải đãi, gặp người thì làm bộ nghiêm chỉnh, khiến người ta lầm tưởng mình tu hay. Đó là che giấu cái dở, bày ra tướng lạ để người ta lầm.

Đối với tứ sự cúng dường tức là bốn món: y phục, sàng tòa, thức ăn uống và thuốc thang, thì phải biết lượng vừa đủ sống chứ không tham nhiều. Nếu được người cúng dường không nên cất chứa, chứa nhiều không tốt.

Chánh văn: 

Đây là lược nói về tướng của trì giới. Giới là gốc tiến tới giải thoát, nên gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa, nhân y nơi giới này mà đắc các thiền định và sanh trí tuệ diệt khổ. 

Giảng:

Đây là lược nói về tướng của người trì giới.

Giới là gì? Giới là gốc để tiến tới sự giải thoát nên gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa. Nhân y nơi giới này mà được sanh các thiền định. Theo ba vô lậu học Giới Định Tuệ, trong đó giới làm đầu. Nhân giới này mà được định, nhân định mới có tuệ, có được trí tuệ thì diệt hết gốc khổ.

Chánh văn: 

Thế nên Tỳ-kheo phải giữ giới cho thanh tịnh chớ để phạm hay thiếu. Nếu người nào hay giữ giới thanh tịnh thì hay có được pháp lành. Nếu giới không thanh tịnh, các công đức lành không thể sanh được. Thế nên các ông phải biết giới là chỗ công đức an trụ yên ổn bậc nhất. 

Giảng:

Tỳ-kheo phải giữ giới cho thanh tịnh chớ để phạm hay khuyết. Thí dụ như giới sát sanh là không được giết người, nếu giết người là phạm giới, còn không giết chết nhưng làm người tàn tật đau khổ gọi là khuyết giới.

Nếu người giữ giới thanh tịnh thì có được các pháp lành. Nếu giới không thanh tịnh thì các công đức lành đều không thể sanh được. Thế nên phải biết giới là chỗ công đức an trụ yên ổn nhất.

Bài kinh này mở đầu Phật dạy các Tỳ-kheo phải lấy giới làm trước. Phải lấy giới luật mà tu, xem giới luật là Thầy của mình. Đó là phần thứ nhất.

Chánh văn:

Tỳ-kheo các ông, đã hay trụ giới phải cố kềm chế năm căn, chớ để buông lung vào trong năm dục. Ví như người chăn trâu cầm gậy dòm chừng nó không để nó chạy tự do phạm vào lúa mạ của người. Nếu phóng túng năm căn, chẳng những nó chạy theo năm dục mà còn tạo tội lỗi không có ngằn mé nào tính cho hết, không thể nào chế ngự được. Cũng như ngựa dữ, nếu không có dây cương kềm giữ, nó sẽ lôi người cỡi rớt xuống hầm. Nếu bị giặc cướp khổ chỉ một đời, còn bị giặc năm căn hại thì họa ương đến nhiều kiếp, gây hại rất nặng, không thể không dè dặt! Thế nên người trí phải kềm chế không chạy theo nó, giữ nó như giữ giặc, không cho buông lung. Giả sử để nó buông lung đều chẳng bao lâu thấy nó hoại diệt. 

Giảng:

Tỳ-kheo các ông đã hay trụ giới, tức là đã giữ giới được rồi thì bây giờ phải cố kềm chế năm căn. Năm căn là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân chớ khiến nó buông lung chạy vào trong năm dục. Năm dục là tài, sắc, danh, thực, thùy hay sắc, thanh, hương, vị, xúc. Ở đây nhắm vào sắc thanh hương vị xúc. Phải giữ năm căn không để nó chạy theo năm dục giống như người chăn trâu tay cầm gậy dòm chừng con trâu, không để nó chạy tự do phạm vào lúa mạ người. Nếu nó chạy vào lúa mạ người thì bị người rượt đánh. Cũng vậy, nếu giữ năm căn thì khi mắt thấy cảnh ưa thích muốn chạy theo, phải giật dây lại đừng cho nó chạy nữa, tai nghe tiếng ưa thích cũng giật dây lại không cho nó chạy theo v.v…

Người chăn trâu dụ cho mình, con trâu dụ cho năm căn, lúa mạ dụ cho năm trần bên ngoài. Nếu buông lung năm căn chẳng những nó chạy theo năm dục, mà còn tạo không biết bao nhiêu tội lỗi, không thể kềm chế được. Phật thí dụ thêm, như con ngựa dữ không có dây cương nó sẽ lôi người cưỡi rớt xuống hầm. Ngựa dữ dụ cho năm căn. Năm căn chạy theo năm trần sẽ lôi mình đọa trong các đường ác cũng như ngựa dữ kéo ông chủ rơi xuống hầm.

Phật lại thêm một thí dụ nữa, người bị giặc cướp hại khổ chỉ một đời, còn người bị giặc năm căn hại thì họa ương nhiều kiếp. Người thế gian bị trộm cướp lấy hết tài sản, nghèo khổ chỉ một đời, còn năm căn chạy theo năm dục lôi mình đọa không biết bao nhiêu kiếp, khổ hơn người bị trộm cướp nhiều. Năm căn hay sáu căn còn gọi là ngũ tặc hay lục tặc, gây hại rất nhiều đời, rất nặng nề, không thể không dè dặt. Thế nên người trí phải gìn giữ năm căn như canh giữ đứa giặc, không để nó buông lung.

Giả sử để nó buông lung thì chẳng bao lâu thấy nó đi tới chỗ hoại diệt. Phật dạy chúng ta phải hạn chế cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm. Nếu như lưỡi thích nếm vị ngon, đòi cái gì mình cho cái nấy, cho ăn ngon suốt đời rồi cũng phải chết, cũng phải tan hoại. Như lỗ tai, có người kềm chế không cho nghe tiếng đàn tiếng nhạc, có người cứ nghe cho thỏa thích, dù không nghe hay nghe một thời gian sau lỗ tai cũng hoại. Nhưng người biết kềm chế thì không bị lôi xuống chỗ trầm luân, người buông lung không biết kềm chế, thì sẽ lưu cái hại nhiều đời, khác nhau là ở chỗ đó. Không phải tại kềm chế mà nó mau hoại, còn tha hồ buông lung thì lâu hoại, nghĩ như vậy là lầm. Dù kềm chế hay buông lung nó cũng hoại như thường. Biết nó sẽ hoại thì tội gì để nó lưu hại cho mình. Vì vậy tốt hơn phải kềm chế. Đoạn này Phật dạy về ngũ căn đối với ngũ dục.

Chánh văn: 

Năm căn này lấy tâm làm chủ, thế nên các ông phải khéo chế phục tâm mình. Tâm rất đáng sợ còn hơn rắn độc, thú dữ, giặc thù, lửa lớn, chưa có gì đủ để thí dụ cho nó. Thí như người tay bưng chén mật đầy, bước đi vội vàng, chỉ nhìn chén mật mà không thấy hố sâu. Lại như voi điên không câu móc, khỉ vượn gặp được cây, nhảy nhót, leo trèo, khó mà cấm cản. Phải mau kềm nó không cho buông lung. Nếu buông thả tâm này sẽ làm mất việc lành của người, kềm tâm một chỗ thì không việc gì chẳng xong. Thế nên Tỳ-kheo phải siêng năng tinh tấn chế phục tâm mình. 

Giảng:

Phật dạy năm căn này lấy tâm làm chủ, là nói về ý bên trong. Phải chế phục tâm mình. Tâm đáng sợ hơn rắn độc. Tại sao? Vì tâm thay đổi luôn luôn, một lát nghĩ thế này, một lát nghĩ thế kia. Như nghe giảng kinh, nhớ Phật dạy như vậy, nhưng khi gặp việc ưa thích, nó lại biện lý khác rồi bắt mình làm theo. Cho nên phải dè dặt gìn giữ nó, phải sợ nó hơn sợ rắn độc, vì buông ra là nó hại thiên hạ ngay, mà trước hết là hại mình.

Tâm cũng đáng sợ hơn thú dữ, hơn giặc thù, hơn lửa lớn, không gì đủ thí dụ về cái hại của nó. Nếu buông lung tâm thì nó gây hại không thể lường được. Như người tay bưng chén mật đầy, bước đi vội vàng, chỉ nhìn chén mật vì sợ đổ, mà không thấy hố sâu ở phía trước, không ngờ bị lọt xuống hố. Đổ chén mật với lọt xuống hố, cái nào quan trọng hơn? Đổ chén mật không quan trọng, lọt xuống hố mới nguy hiểm. Cũng vậy, người mê ngũ dục chăm chăm giữ gìn, không cho mất, không mất ngũ dục thì phải rớt xuống hố trầm luân, nguy hiểm ở trước mà không biết.

Lại như voi điên không có móc, không có búa để trị nó. Voi điên dụ cho tâm, nếu buông lung tâm thì giống như voi điên không có móc sắt chế ngự, nó sẽ hại người không biết bao nhiêu mà kể. Hay như khỉ vượn gặp được cây thì nó mặc tình nhảy nhót leo trèo, không thể nào kềm chế được.

Thế nên phải gấp kềm chế tâm không cho buông lung. Buông lung tâm sẽ mất hết các việc lành, còn kềm chế tâm một chỗ thì không việc gì chẳng xong. Nếu buông lung tâm chạy đây chạy kia, tính toán đủ thứ thì tất cả việc lành của mình bị mất hết. Kềm chế tâm một chỗ tức là định, đã định thì muốn gì cũng được.

Thế nên Tỳ-kheo phải siêng năng tinh tấn kềm chế tâm mình. Nhớ là tinh tấn kềm chế tâm chứ không phải tinh tấn đi công quả cả ngày, hay tinh tấn lạy Phật cả ngày đâu! Tinh tấn kềm chế tâm mới là thật tinh tấn.

Bài này Phật dạy chúng ta phải nhiếp phục năm căn, kế là ý căn, tức là luôn luôn nhiếp phục sáu căn đừng cho chạy theo sáu trần. Nhiếp phục được sáu căn thì việc gì làm cũng xong, còn sáu căn chạy theo sáu trần thì họa nào cũng dính. Thế nên đối với người tu, nhiếp phục sáu căn quan trọng vô cùng. Nếu buông lung thì giặc sáu căn sẽ phá hết các công đức lành của mình, còn kềm chế được thì sáu căn chính là sáu công đức lớn giúp chúng ta tu hành giải thoát.

Chánh văn:

Tỳ-kheo các ông, khi nhận các thức ăn uống phải xem như uống thuốc, dù ngon dù dở cũng chớ sanh thêm bớt, cốt để thân này trừ được đói khát. Như ong hút mật, chỉ hút nhụy hoa chẳng làm hại đến hương sắc. Tỳ-kheo cũng vậy, thọ người cúng dường cốt tự trừ khổ, không được cầu nhiều làm mất lòng tốt của người. Thí như kẻ trí biết lượng sức trâu kham chở được nhiều ít, không chất lên quá phần làm nó kiệt sức. 

Giảng: 

Tỳ-kheo các ông khi nhận các thức uống ăn phải xem như uống thuốc. Uống thuốc để trừ bệnh, ăn là để trừ đói khát, bao tử trống rỗng đói không chịu nổi nên phải ăn. Đối với món ngon món dở chớ sanh thêm bớt, ăn là để trừ bệnh như uống thuốc, không nói thuốc này ngon thuốc kia dở. Nói món này ngon phải thêm, món kia dở phải bớt, như vậy là còn nghĩ đến ngon dở ở lưỡi, chứ không nghĩ đến việc trị bệnh. Ăn uống là để giúp thân khỏe mạnh, trừ bệnh đói khát, chứ không phải cốt ở ngon dở.

Phật thí dụ như con ong hút nhụy hoa chỉ lấy mật mà không làm tổn đến hương sắc của hoa. Tỳ-kheo cũng vậy, thọ người cúng dường phải nhận vừa đủ để trừ khổ đói khát, không được cầu nhiều làm mất lòng tốt của người. Ở đây Phật dạy rất kỹ, người ta cúng bao nhiêu nhận bấy nhiêu, tùy theo sức của người mà nhận ít ít thôi chứ đừng đòi nhiều. Nếu đòi nhiều quá, người phát tâm sẽ đâm ra ngán, là làm mất lòng tốt của người. Giống như ong hút nhụy hoa, hút rồi đi, không làm cho hoa bị hư. Chúng ta nhận của tín thí cũng vậy, đủ để sống tạm qua ngày, đừng làm mất lòng tốt của thí chủ.

Thí như người trí biết lượng sức con trâu kham chở được nhiều ít, không chất lên quá sức của nó. Người tu cũng vậy, phải biết lượng sức của thí chủ, đừng đòi hỏi quá phần làm cho họ kiệt lực.

Đoạn kinh này Phật dạy người tu khi nhận cúng dường phải biết lượng sức của thí chủ, đừng đòi hỏi quá làm hoại lòng tốt của người, phần mình cũng bị tổn phước.

Chánh văn: 

Tỳ-kheo các ông, ban ngày thì siêng năng tu tập các pháp lành không nên để mất thì giờ, đầu hôm và khuya cũng chớ bỏ bê, giữa đêm tụng kinh để tự tiêu tức, không vì nhân duyên ngủ mê khiến cho một đời trôi qua, không được gì! Phải nghĩ nhớ ngọn lửa vô thường đốt cả thế gian mà mau cầu tự độ, chớ có ngủ nghỉ. Các giặc phiền não thường rình giết người hơn kẻ oan gia, đâu thể ngủ mê không tự tỉnh ngộ? Rắn độc phiền não ngủ trong tâm các ông, như rắn rít đang ngủ trong nhà các ông. Các ông phải lấy cây móc trì giới đuổi nó ra, khi rắn ngủ ra rồi, mới có thể ngủ yên. Nếu nó chưa ra mà các ông ham ngủ, ấy là người không biết hổ thẹn. Trong các thứ trang sức, y phục hổ thẹn là bậc nhất. Hổ thẹn ví như móc sắt có thể kềm chế việc phi pháp của người. Thế nên Tỳ-kheo phải thường hổ thẹn, không được tạm quên. Nếu xa lìa hổ thẹn thì mất hết các công đức. Người có hổ thẹn thì có các pháp lành, nếu không biết hổ thẹn thì cùng với loài cầm thú không khác gì cả. 

Giảng:

Phật dạy Tỳ-kheo ban ngày phải siêng năng tu tập các pháp lành, không để mất thì giờ. Đầu hôm và khuya cũng chớ bỏ bê, giữa đêm phải tụng kinh để tự tiêu tức. Tiêu tức là dò thông tin tức trong tâm, nghĩa là xét xem hiện giờ tâm tịnh hay không, yên ổn hay không, tiến hay thối thế nào v.v… nên nói tự tiêu tức, không để nhân duyên ngủ mê khiến một đời trôi qua không được gì. Phải nghĩ nhớ ngọn lửa vô thường thiêu đốt cả thế gian, phải mau cầu tự độ chớ có ngủ mê. Các giặc phiền não thường rình giết người hơn kẻ oan gia, đâu thể ngủ mê không chịu tỉnh ngộ. Giặc phiền não rình giết mình còn hơn kẻ thù rình bên cạnh, làm sao có thể ngủ mê để nó giết mình sao! Phải gắng mà tỉnh ngộ!

Rắn độc phiền não còn ngủ trong tâm như rắn rít đang ngủ trong nhà, đâu thể nào nằm yên mê ngủ để nuôi lớn nó. Phải lấy cây móc trì giới đuổi nó ra, con rắn ngủ ra rồi thì mới an lòng ngủ, nghĩa là rắn phiền não ra khỏi tâm mình rồi thì mới ngủ yên được. Khi nào thấy nổi sân si thì biết con rắn phiền não đang ở trong tâm, phải ráng mà đuổi nó ra. Đuổi ra được rồi thì mặc tình ngủ, không còn sợ gì nữa.

Phật dạy những điều này rất thiết thực, chúng ta phải nhớ lời Phật dạy mà cố gắng vượt qua những bệnh tật của mình. Rắn độc phiền não còn chứa trong bụng, không chịu đuổi ra mà nằm ngủ thì thật là không biết hổ thẹn!

Phật dạy hổ thẹn là y phục trang sức bậc nhất. Tại sao? Như khi thọ giới Sa-di hoặc Tỳ-kheo, chúng ta đã hứa rõ ràng trước Phật, có chư tăng chư ni chứng minh, nếu hôm nào phạm lỗi mà không thấy hổ thẹn thì có tốt không? Lỡ phạm, thấy hổ thẹn vì trái với giới luật đã thọ, nên vội vàng sám hối, không dám làm nữa. Nhờ hổ thẹn mà chúng ta trở nên tốt hơn đẹp hơn, do đó nên nói hổ thẹn là y phục trang sức bậc nhất. Nếu cứ mặc kệ làm liều, ai nói gì cũng không xấu hổ, riết rồi tội lỗi tày trời.

Hổ thẹn giống như móc sắt hay kềm chế việc phi pháp của người. Khi định làm một việc gì trái đạo lý, nhờ hổ thẹn kềm lại mà không làm. Thế nên Tỳ-kheo phải thường hổ thẹn không được tạm quên. Nếu lìa hổ thẹn thì mất hết các công đức. Người có hổ thẹn thì có các pháp lành, người không biết hổ thẹn thì cùng với loài cầm thú không khác chút nào!

Như vậy bài kinh này có hai phần. Phần đầu Phật dạy bớt ngủ để tỉnh táo tu hành, ban ngày tu ban đêm cũng phải tu không để phí thì giờ. Lúc nào cũng phải tinh tấn tu hành, đừng để nhân duyên ngủ nghỉ làm mê tối qua một đời vô ích. Phần kế phải biết hổ thẹn, hổ thẹn là y phục trang sức bậc nhất. Không hổ thẹn giống như loài cầm thú, biết hổ thẹn thì có tất cả pháp lành. Đây là đoạn kinh thứ ba.

Chánh văn: 

Tỳ-kheo các ông! Giả như có người đến cắt đứt từng phần từng phần nơi thân của ông, ông cũng phải tự nhiếp tâm không cho giận hờn, và cũng phải dè dặt giữ miệng chớ thốt ra lời nói dữ. Nếu buông lung tâm cho nó giận hờn thì tự chướng đạo, mất những cái lợi của công đức. Công đức của nhẫn, trì giới khổ hạnh không thể bằng được. Người hay hành nhẫn nhục mới có thể gọi là người đại lực. Nếu người nào không thể vui vẻ nhẫn chịu những sự cay độc của lời mắng ác như uống nước cam lồ thì không thể gọi là người trí tuệ được đạo. Tại sao? Vì cái hại của nóng giận sẽ phá hoại các pháp lành và cả tiếng tốt, đời này và đời sau người không ưa thấy. Phải biết lòng sân còn hơn lửa dữ, thường phải phòng hộ không cho nó xâm nhập vào tâm mình. Giặc cướp công đức không gì bằng nóng giận. Người cư sĩ còn hưởng dục lạc không phải là người tu hành, không có pháp tự kềm chế, nổi sân còn có thể tha thứ; người xuất gia học đạo không còn theo ngũ dục mà ôm lòng nóng giận thì không thể nào tha thứ được! Thí như trong lúc bầu trời trong xanh mà sấm chớp nổi lên là điều không hợp lý. 

Giảng: 

Phật dạy Tỳ-kheo khi có người đến cắt từng phần từng phần thân mình cũng phải tự nhiếp tâm đừng để giận hờn. Họ cắt từng phần thân phải ráng kềm giữ tâm không cho khởi giận hờn, cũng dè dặt giữ miệng không để thốt ra lời nói dữ. Nếu buông lung tâm giận hờn sẽ làm chướng ngại đạo, mất hết các công đức.

Như vậy người ta cắt từng phần thân, còn phải giữ tâm không sân, giữ miệng không nói lời ác, huống là chỉ những lời nói không đâu, chưa động tới thân, mới nói bóng gió thôi mà đã giận hờn rồi, đó là quá nhẹ so với những điều Phật dạy mà không giữ được thì thật là vô lý! Tâm sân hận làm chướng đạo, mất hết công đức lành.

Công đức của nhẫn, trì giới và tu khổ hạnh không thể nào bằng được. Dù người giữ giới bao nhiêu, tu khổ hạnh bao nhiêu cũng không bằng người nhẫn. Dù giữ đúng thời khóa, chân thành tụng kinh sám hối v.v… mà không nhẫn thì cũng không có lợi gì hết. Công đức của nhẫn là hơn tất cả.

Người hay hành nhẫn nhục mới có thể gọi là bậc đại nhân hữu lực. Chánh điện thờ Phật còn gọi là Đại hùng bửu điện, tức là điện báu thờ vị có sức mạnh phi thường. Đại hùng là chỉ Phật. Phật không đánh ai, không làm gì ai cả, ngài chỉ có nhẫn. Ai mắng chửi, vu oan gì ngài cũng làm thinh không giận, đó mới gọi là Đại hùng. Chúng ta đừng sợ nhẫn sẽ thua thiệt. Thua là khi không nhẫn được, động một chút mà nổi nóng là thua, là bại trận, là bị ma kéo, còn nghe chửi mà không giận là thắng. Chỉ tu bao nhiêu đó thôi là đủ làm bậc đại nhân hữu lực rồi.

Nếu người nào không thể vui vẻ nhẫn chịu những sự mắng chửi cay độc của kẻ ác như uống nước cam lồ thì không thể gọi là người trí tuệ được đạo. Nếu người ta mắng chửi mà xem như được uống nước cam lồ ngọt mát, mới là người có trí tuệ vào đạo. Chỉ xem điều này cũng biết mình thuộc người trí hay người ngu rồi!

Nóng giận phá hoại các pháp lành và cả tiếng tốt nữa. Vì khi nóng giận, miệng sẽ nói những lời dữ, tâm sẽ nghĩ những điều hại người. Chẳng những như vậy mà đời này và đời sau người không muốn nhìn, vì khi giận gương mặt trông rất dữ tợn!

Tâm sân giận còn hơn đống lửa dữ, lửa cháy mạnh còn biết mà tránh, người giận lên cái gì cũng dám làm, dám nói, không biết sợ gì cả. Thế nên phải luôn luôn đề phòng, gìn giữ, không để nóng giận chen vào tâm. Nóng giận là giặc cướp lớn nhất, cướp hết các công đức.

Người bạch y là cư sĩ, còn hưởng dục lạc thế gian, chưa phải người tu hành, không có pháp tự kềm chế, nên họ nóng giận còn có thể tha thứ. Người xuất gia hành đạo, không còn chạy theo ngũ dục mà còn ôm lòng sân giận thì không thể tha thứ. Tại sao? Vì sân từ tham mà ra, người thế gian còn tham danh, thích được khen nên khi bị chê thì họ dễ nổi nóng, người tu không còn tham danh, nghe chê sao lại nổi nóng? Người thế gian còn tham tiền bạc nên khi mất họ nổi sân, còn người tu bỏ lòng tham, mất thì thôi sao lại tức? Có tham thì nổi sân khi mất mát thiệt thòi còn tha thứ được, chứ đã bỏ lòng tham mà còn giận tức thì không thể nào chấp nhận được.

Phật thí dụ như trời trong xanh mà nổi sấm chớp là điều không hợp lý, sấm chớp chỉ có khi có mây mù. Như kẻ phàm phu ở thế gian, tâm họ còn tham lam nên còn nổi sân như trời có mây mù nên nổi sấm chớp thì hợp lý. Còn người tu đã bỏ tham dục mà còn nổi sân ví như trời trong không mây mà nổi sấm chớp là điềm bất tường, kỳ quái. Người tu mà nổi nóng là điều kỳ quái, bất tường, không thể tha thứ được. Bài kinh này Phật dạy thật là chí lý!

Chánh văn: 

Tỳ-kheo các ông! Phải tự vò đầu, đã xả hết những trang sức đẹp đẽ, mặc áo hoại sắc, ôm bình bát đi xin ăn để tự sống, tự thấy như thế, nếu khởi tâm kiêu mạn phải mau diệt nó. Tăng trưởng lòng kiêu mạn kẻ thế tục còn không nên, huống nữa là người xuất gia nhập đạo, vì giải thoát nên tự hạ mình mà đi xin ăn. 

Giảng:

Bài kinh này Phật dạy người xuất gia phải luôn luôn nhớ vò đầu mình, mỗi buổi sáng vò đầu thấy đầu trọc lóc vì mình đã cạo bỏ râu tóc rồi, người thế gian còn tóc nên họ còn trang sức đẹp đẽ thứ này thứ kia, còn mình đã cạo tóc rồi thì đâu còn đẹp đẽ nữa. Mặc áo thì hoại sắc, trắng không ra trắng, đen không ra đen, tím tím nâu nâu không ra màu sắc gì hết. Ôm bình bát đi xin ăn tự sống, làm kẻ ăn mày đầu trọc. Nếu khởi tâm kiêu mạn ta là hơn thiên hạ thì phải mau diệt nó đi. Người thế gian còn không được tăng trưởng lòng kiêu mạn, huống là người xuất gia vào đạo vì sự giải thoát. Phải tự hạ mình, thấy thân xấu xa luôn luôn nhớ mình chỉ là kẻ ăn mày để diệt trừ tâm kiêu mạn.

Phật dạy chúng ta phải trừ tâm kiêu mạn. Người tu cạo tóc là phá những gì thế gian cho là đẹp đẽ. Cạo đầu, mặc áo nhuộm, thêm đi xin ăn từng bữa, hết còn gì đẹp đẽ nữa. Ở thế gian đi xin là xấu rồi, còn trong nhà binh, ai phạm lỗi thì bị nhốt và cạo đầu. Như vậy cạo đầu, đi xin ăn, mặc áo nhuộm xấu xí, không còn gì để kiêu mạn được, có hơn ai đâu mà kiêu mạn.

Người thế gian còn không nên kiêu mạn huống là người xuất gia vào đạo vì cầu giải thoát, mà lại kiêu mạn sao? Chúng ta tu nếu tự làm tự ăn, không thấy mình là kẻ ăn mày, thì có khi cũng khinh thiên hạ cho là không hơn gì mình. Còn ở đây ai cũng là thí chủ, là ân nhân, mình đâu dám khinh khi ai. Tuy không đi khất thực, không trực tiếp xin ăn nhưng có ai tới chùa cúng, dù chỉ cúng một đồng thôi cũng phải nhận. Người lớn cúng mình nhận, đứa bé năm bảy tuổi cúng năm ba đồng cũng nhận, người tật nguyền bệnh hoạn v.v… cúng cũng nhận. Ai cũng là thí chủ, là ân nhân của mình hết, đã ăn mày khắp tất cả thì có gì mà kiêu mạn.

Người tu phải luôn luôn nhớ như thế thì dứt được tâm kiêu mạn, còn quên tưởng mình là tú tài, cử nhân hay gì gì đó thì tâm kiêu mạn sẽ nổi lên. Tỳ-kheo nghĩa là Khất sĩ, tức là kẻ ăn mày, tự cao tự đại thì chướng cho sự giải thoát. Đức Phật xưa là con vua mà đi tu rồi vẫn ôm bình bát đi xin ăn. Ngay cả khi về thăm vua cha Tịnh Phạn, ngài vẫn ôm bình bát đi khất thực trong thành. Đức vua giận trách con về thăm cha, trong cung có sắp sẵn cơm nước, tại sao con còn đi xin ăn làm nhục nhã cho cha? Phật đáp: Tôi làm theo thường lệ của ba đời chư Phật.

Tóm lại, người xuất gia là kẻ ăn mày, dù ăn mày trực tiếp từng bữa cơm, hay ăn mày gián tiếp là người ta tới chùa cúng, rốt cuộc đều là ăn mày. Mọi người đều là ân nhân của mình, phải ráng tu làm sao để độ họ thì bao nhiêu tâm kiêu mạn hết. Mình đã mang nợ, mỗi ngày ăn một bữa cơm là mang nợ của người thí chủ, có nợ mà không trả thì phải chịu trầm luân mà đền. Phật dạy chúng ta khất thực để nhớ mọi người đều là ân nhân của mình, phải tự lo giải thoát rồi giải thoát cho người. Chủ trương tự túc tuy cũng có mặt hay, nhưng cũng dễ làm tâm kiêu mạn nổi lên, nếu nhớ mình là ăn mày thì không bao giờ có tâm kiêu mạn. Những thứ phung phí đều không phải đạo, phải xả bỏ hết mới hợp với đạo. Tóm lại, Phật dạy chúng ta phải dứt trừ ngã mạn, khiêm hạ với mọi người mới dễ tu hành.

Chánh văn: 

Tỳ-kheo các ông! Tâm cong vạy cùng với đạo trái nhau. Thế nên phải có tâm chân chất ngay thẳng. Phải biết tâm cong vạy chỉ là dối trá, người vào đạo không nên có. Thế nên các ông tâm phải đoan chính, lấy chân chất ngay thẳng làm gốc. 

Giảng:

Tâm siểm khúc là tâm dối nịnh hay cong vạy cùng với đạo trái nhau, thế nên phải có tâm chân chất ngay thẳng. Phải biết rằng tâm cong vậy chỉ là dối trá, người vào đạo không thể có được, vì người dối trá không thể vào đạo. Tỳ-kheo tâm phải chân chính, lấy chất trực ngay thẳng làm gốc. Phật dạy phải luôn luôn giữ tâm ngay thẳng chân chất nghĩ sao nói vậy, tâm miệng không hai, nên kinh nói trực tâm thị đạo tràng. Tâm ngay thẳng là đạo tràng. Muốn tâm ngay thẳng phải lấy việc giải thoát làm trên, không nghĩ gì khác. Tâm cong vạy dối trá là thấy hoặc nghĩ thế này nhưng lại nói ra thế khác, hoặc thấy thế này tính thế khác, làm cho điên đảo không đúng sự thật. Hoặc là đối với người có quyền thế, mình chiều uốn theo, đó là trái với đạo. Tâm phải luôn luôn ngay thẳng chân chất, đó là gốc để mình đến với đạo.

Người tu phải ngay thẳng chân chánh, nghiêm chỉnh ít nói, khi cần nói thì nói đàng hoàng. Nếu chiều lòng người thì người ta dở mình không dám nói, sợ người ta buồn, chính tâm đó là trái với đạo. Người tu đừng bao giờ cong vạy, lúc nào cũng phải ngay thẳng. Tâm ngay thẳng tức là đạo tràng, đạo không ở đâu xa, nghĩ quanh co chừng nào càng xa đạo chừng nấy.

Chánh văn: 

Tỳ-kheo các ông! Phải biết người ham muốn nhiều vì cầu lợi nhiều nên khổ não cũng nhiều; người ít muốn không cầu không muốn thì không có những tai hoạn đó. Ngay nơi hạnh ít muốn còn phải tu tập, huống là ít muốn hay sanh các công đức? Người ít muốn không có tâm dối trá để vừa ý người, cũng không bị các căn lôi cuốn. Người tu hạnh ít muốn tâm thường thản nhiên không lo sợ, gặp việc có dư, thường không thiếu thốn. Người ít muốn thì có Niết-bàn. Thế nên gọi là ít muốn. 

Giảng:

Phật dạy người ham muốn nhiều vì cầu tài lợi nhiều nên khổ não cũng nhiều. Người ít muốn không cầu không muốn nên không có những tai hoạn đó. Thí dụ như có người nay muốn mua cái này mai muốn mua cái khác, cứ muốn mua sắm hoài thì phải lo hoài, tính toán đủ thứ nên khổ não cũng nhiều. Nếu người cái gì cũng vừa chừng thôi, không cầu không muốn gì hết, thì không phải tìm cầu, do vậy mà khỏi các tai hoạn đó.

Người ít muốn lại thêm tu tập nữa thì thật là quý! Huống là ít muốn lại hay sanh các công đức. Người ít muốn không có tâm dối trá để làm vừa ý người. Thí dụ như gặp người có tiền mà mình nhiều ham muốn thì phải làm vừa ý họ để được cúng đồ này vật kia. Nếu ít muốn thì mình chỉ đối xử tử tế thôi chứ không nịnh bợ chiều chuộng cho vừa ý họ.

Người ít muốn không bị các căn lôi cuốn. Năm căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân luôn có nhu cầu của nó. Như mắt ưa thích sắc đẹp, tai ưa nghe tiếng hay, mũi thích mùi thơm, lưỡi ưa vị ngon v.v… Những nhu cầu đó là do năm căn đòi hỏi, càng muốn nhiều, năm căn càng đòi hỏi nhiều. Nếu ít muốn thì không bị năm căn lôi, tự làm chủ được.

Người ít muốn thì tâm thường thản nhiên, an nhiên tự tại không rối loạn, không lo phiền, gặp việc có dư, vì thấy đủ không thấy thiếu nên nói là gặp việc có dư, thường không thiếu thốn.

Người ít muốn thì có Niết-bàn. Vì sao? Vì Niết-bàn là an lạc, người ít muốn thì tâm thường an ổn vui vẻ nên có Niết-bàn. Còn người tham muốn nhiều, tâm thường tính toán đủ thứ làm sao an ổn được, nên không có Niết-bàn, chỉ thấy toàn phiền não. Muốn an ổn, muốn Niết-bàn trước hết phải tập ít muốn, ít muốn thì không đòi hỏi, không đòi hỏi thì tâm an ổn, tự tại, gọi đó là tâm thản nhiên. Thế nên Phật dạy hạnh ít muốn.

Chánh văn: 

Tỳ-kheo các ông! Nếu muốn khỏi các khổ não phải quán xét hạnh biết đủ, pháp biết đủ tức là chỗ giàu có, an ổn, vui vẻ. Người biết đủ tuy nằm trên đất mà vẫn an vui; người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý. Người không biết đủ tuy giàu mà nghèo, còn người biết đủ tuy nghèo mà giàu. Người không biết đủ thường bị năm dục lôi kéo, khiến người biết đủ thương xót. Ấy gọi là biết đủ. 

Giảng: 

Ở trên Phật dạy ít muốn, đến đây Phật dạy biết đủ. Biết đủ là luôn luôn thấy mình đã đủ, có áo mặc vừa ấm là đủ, bao tử vừa no là đủ, có nhà đỡ mưa đỡ nắng là đủ v.v… biết đủ thì được an ổn. Nên Phật dạy Tỳ-kheo nếu muốn khỏi các khổ não phải quán xét hạnh biết đủ, pháp biết đủ là chỗ giàu có, an ổn, vui vẻ.

Người biết đủ tuy nằm trên đất vẫn an vui, còn người không biết đủ dù ở thiên đường qũng không vừa ý. Người biết đủ ở chỗ nào cũng bằng lòng dù nằm trên đất, còn người không biết đủ dù nằm trên giường ngà chiếu ngọc vẫn không thấy an ổn, vì muốn tìm cái gì hơn nữa. Người tu cũng thế, biết đủ thì ở chùa đất cũng an vui. Nếu không thì dù chùa to Phật lớn cũng thấy khổ sở, than van rên rỉ như thường. Đệ tử Phật ngày xưa chỉ ngủ dưới gốc cây, đâu có cái chùa nào, mình bây giờ thấy chùa xấu một chút là muốn sửa đổi thành tốt, đó là muốn nhiều.

Người không biết đủ tuy giàu mà nghèo, còn người biết đủ tuy nghèo mà giàu. Tại sao? Thiếu là nghèo, đủ là giàu. Người không biết đủ dù là triệu phú nhưng vẫn thấy chưa đủ, cứ lo tìm kiếm thêm hoài, vì thấy thiếu nên gọi là nghèo. Còn người không có đồng xu dính túi nhưng luôn thấy mình đủ rồi, không cần cầu gì nữa, vì thấy đủ nên gọi là giàu. Cho nên nói người không biết đủ tuy giàu mà nghèo, còn người biết đủ tuy nghèo mà giàu. Người tu đáng lý là người giàu hơn hết vì luôn luôn biết đủ, không thấy thiếu bao giờ. Nếu không biết đủ thì có bao nhiêu tiền cũng không thấy đủ, nên vẫn là kẻ nghèo, vẫn tham như thường.

Người không biết đủ thường bị năm dục lôi kéo, khiến người biết đủ thương xót. Năm dục là tài, sắc, danh, thực, thùy hay sắc, thanh, hương, vị, xúc. Sắc là sắc đẹp, thanh là tiếng hay, hương là mùi thơm, vị là vị ngon, xúc là những xúc chạm vui vẻ thích thú ở thế gian. Người không biết đủ bị năm dục làm chủ, lôi kéo họ, khiến cho người biết đủ thấy mà thương xót, Cho nên người tu thấy ai đang chìm đắm trong ngũ dục chẳng những không khinh bỉ, xem thường mà trái lại còn thương xót vì họ bị chìm đắm trong ngũ dục, chắc chắn phải trầm luân không biết bao giờ ra khỏi.

Như vậy hai bài kinh ít muốn và biết đủ này đủ để chúng ta an ổn tu hành rồi. Biết như vậy ráng hiểu lời Phật dạy mà tu, chứ không nên nghe rồi để đó!

Chánh văn: 

Tỳ-kheo các ông muốn cầu cái tịch tịnh, an vui trong pháp vô vi, phải xa lìa chỗ ồn náo, riêng ở nơi vắng vẻ. Người ở nơi vắng vẻ được Đế-thích, chư thiên thảy đều kính trọng. Thế nên phải bỏ chúng mình và chúng người, ở chỗ vắng vẻ, suy nghĩ diệt cái gốc khổ. Nếu người ưa ở chỗ đông phải chịu các phiền não. Thí như cây lớn nhiều chim làm tổ thì sẽ bị cái họa gãy nhánh. Còn bị thế gian ràng buộc thì phải chìm trong các khổ; thí như con voi già mắc lầy, không thể tự ra được. Đó gọi là xa lìa. 

Giảng:

Tỳ-kheo muốn cầu tịch tịnh, tịch tịnh là yên lặng, an vui trong pháp vô vi, pháp vô vi là pháp giải thoát, phải xa lìa chỗ ồn náo, riêng ở chỗ vắng vẻ. Người ở chỗ vắng vẻ thì Đế-thích chư thiên kính trọng. Thế nên phải bỏ chúng của mình và chúng của người, ở chỗ vắng vẻ để suy nghĩ diệt gốc khổ. Bỏ chúng mình là bỏ quyến thuộc của mình, bỏ chúng người là bỏ quyến thuộc của người. Nhiều khi mình bỏ bà con thân thuộc của mình mà lại kết bà con thân thuộc với kẻ khác. Bỏ chúng này lại dính với chúng khác thì cũng như không. Cho rằng cha mẹ anh em ở nhà ồn náo khó tu, vô chùa tu cho yên tĩnh nhưng rồi lại kết bè kết phái, năm bảy người làm thành một nhóm. Cứ như vậy bỏ chúng này theo chúng khác, rốt cuộc vẫn ở trong vòng lẩn quẩn, không đi tới đâu hết.

Phật dạy phải bỏ chúng mình tức là những người thân thuộc, rồi bỏ luôn chúng người tức là những người chưa thân thì đừng kết, đừng cột thêm. Tôi thấy người tu bị nạn này khá đông. Bỏ chúng này chạy theo chúng kia, mở cái này kết lại cái khác, thành ra cứ trì níu hoài, gỡ ra không nổi. Phải ở chỗ vắng vẻ suy nghĩ diệt cái gốc khổ, luôn luôn suy tư về các pháp làm mình trầm luân trong sanh tử. Phải làm sao diệt được hết cái trầm luân sanh tử này. Phải biết rõ khổ đế, tập đế và tu đạo đế, diệt đế, đó là diệt hết các gốc khổ.

Nếu người nào ưa ở chỗ đông phải chịu các phiền não. Như cây lớn bị chim đậu nhiều thì phải chịu cái nạn gãy nhánh. Bị thế gian ràng buộc nên phải chìm trong các khổ. Như voi già bị mắc lầy không thể tự leo lên được. Thế nên phải xa lìa. Người tu sức yếu mà cứ gặp phiền não hoài, riết rồi chịu không nổi, thoát ra không được, phải chịu chết chìm trong các phiền não đó, như con voi già mắc lầy vậy. Cho nên Phật dạy phải xuất ly, phải xa lìa. Người tu nào muốn giải thoát thì phải can đảm ngồi một mình cả ngày không buồn, phải can đảm mới giải thoát được, nếu ngồi một mình thấy buồn là không giải thoát nổi, tức là không xa lìa được chúng mình và chúng người. Kết chúng thì không an ổn, thế nên Phật dạy phải xa lìa.

Chánh văn: 

Tỳ-kheo các ông! Nếu siêng năng tinh tấn thì không có việc gì khó. Thế nên các ông phải cố siêng năng tinh tấn. Thí như giọt nước nhỏ chảy mãi có thể xoi thủng đá. Nếu tâm của hành giả thường lười biếng bỏ bê thì như kéo lửa chưa nóng mà nghỉ, tuy muốn được lửa, lửa cũng khó được. Đó gọi là tinh tấn. 

Giảng:

Tinh tấn tức là siêng năng gắng gổ. Tỳ-kheo nếu siêng năng tinh tấn thì không có việc gì khó, kể cả việc làm Phật, hễ muốn là được. Lúc nào cũng cố gắng đi cho tới kỳ cùng thì không có gì khó. Thế nên phải cố siêng năng tinh tấn, chớ lôi thôi.

Thí như giọt nước nhỏ chảy mãi thì sẽ xoi thủng đá. Như chúng ta thấy một giọt nước trong hốc đá cứ nhỏ từng giọt từng giọt năm này qua tháng kia, chỗ đá đó sẽ lõm sâu xuống. Một giọt nước nhỏ chảy mãi còn làm mòn đá, nước chảy đá mòn! Nếu mình cứ cố gắng tinh tấn chăm bẳm tiến tới, không lúc nào dừng nghỉ thì không việc gì làm không được.

Nếu tâm của hành giả thường lười biếng bỏ bê thì cũng như người kéo lửa, chưa nóng đã ngừng. Hồi xưa muốn có lửa người ta dùng hai thanh tre và bùi nhùi; cọ xát hai thanh tre cho tới khi nó nóng lên tóe lửa bắt qua bùi nhùi bùng cháy, Nếu cọ xát hơi ấm ấm đã ngừng, cứ ấm ấm rồi ngừng… Như vậy hoài thì không khi nào có lửa được. Muốn có lửa phải nỗ lực cọ xát dù đổ mồ hôi cũng phải ráng cọ cho ra lửa rồi mới nghỉ. Cứ than phiền tôi tu nhiều năm nhiều đời mà sao không được gì hết, đó là lỗi tại không cố gắng. Phật dạy phải tinh tấn, cố gắng tiến mãi không dừng, như kéo lửa phải dụng công cho tột, ráng cho tới có lửa mới thôi, chứ vừa kéo vừa nghỉ thì suốt năm suốt đời cũng không bao giờ có được lửa.

Người tu phải nhớ hai thí dụ này, người tinh tấn thì thế nào, người giải đãi thì thế nào. Người tinh tấn như nước chảy mãi đá cũng phải mòn, người giải đãi như người kéo lửa một lát nghỉ một lát nghỉ, không biết năm tháng nào mới có lửa. Thế nên phải cố gắng tinh tấn luôn luôn, đừng có tha thứ cho mình hoài là không được!

Chánh văn:

Tỳ-kheo các ông! Cầu thiện tri thức, cầu thiện hộ trợ không bằng không quên niệm của mình. Vì người không quên niệm, các giặc phiền não không thể xâm nhập. Thế nên các ông phải thường nhiếp niệm tại tâm. Nếu để mất niệm sẽ mất các công đức. Nếu sức niệm cứng chắc rồi, tuy vào chỗ ngũ dục mà không bị giặc ngũ dục làm hại. Thí như người mặc giáp vào trận thì không còn sợ gì nữa. Đó gọi là không quên chánh niệm. 

Giảng:

Tỳ-kheo cầu thiện tri thức, cầu thiện hộ trợ, tức là cầu những người bạn tốt, những người ủng hộ tốt, không bằng không quên niệm của mình. Niệm mình là niệm pháp đang tu, luôn luôn nhớ không quên. Thí dụ như quán Tứ niệm xứ, tức là quán thân bất tịnh, thọ là khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã. Bốn pháp quán đó đi đứng nằm ngồi chúng ta cũng nhớ mãi, gọi là không quên chánh niệm, quên gọi là thất niệm. Nếu tu pháp khác như quán tất cả pháp là giả, thân này do tứ đại hòa hợp giả có v.v… thì mình cũng phải luôn luôn nhớ pháp mình đang quán. Nếu không quên pháp quán của mình còn hơn là có những thiện hữu tri thức, có những người hộ trợ tốt. Tại sao? Vì người không quên niệm, các giặc phiền não không thể xâm nhập được.

Như chúng ta đi đứng nằm ngồi luôn luôn nhớ thân mình hư giả không thật, giả sử có ai chọc tức, nhớ thân mình hư giả không thật thì cái giận có làm chủ được mình không? Trừ khi nhớ thân mình là thật thì cái giận sẽ làm chủ mình. Cho nên thiện tri thức, thiện hộ trợ bậc nhất chính là không quên chánh niệm, nó bảo vệ mình khỏi bị các giặc phiền não xâm phạm.

Thế nên phải thường nhiếp niệm tại tâm. Nhớ pháp tu không lúc nào quên gọi là nhiếp niệm, nhiếp niệm tại tâm không cho nó chạy nơi khác. Thất niệm thì sẽ mất tất cả công đức. Nếu sức niệm cứng chắc rồi, tuy vào chỗ ngũ dục mà không bị giặc ngũ dục làm hại. Người luôn nhiếp niệm thì không sợ giặc ngũ dục làm hại. Lúc nào cũng nhớ thân mình không thật, dù gặp gánh hát hay chỗ ăn uống rượu thịt bánh trái v.v… sẽ không thấy thèm, tâm yên tịnh. Nếu mình không giữ chánh niệm, tới đâu sẽ nhiễm đó. Cho nên nói người giữ được chánh niệm dù đi vào giữa chỗ giặc ngũ dục cũng không bị nó làm hại.

Thí dụ như người mặc giáp vào trận thì không sợ gì nữa. Vì giáp chắc, vào trận gươm đao đâm không thủng nên họ an ổn không sợ. Cũng vậy người có chánh niệm đi đâu cũng không sợ.

Bài kinh này Phật dạy phải nhớ giữ chánh niệm. Chánh niệm mất rồi sẽ bị giặc ngũ dục lôi kéo, phiền não xâm nhập. Chánh niệm không mất, giặc ngũ dục không lôi kéo nổi, phiền não không xâm nhập nổi. Đó là thiện hữu tri thức bậc nhất, thiện hộ trợ bậc nhất, là áo giáp chắc nhất của mình khi ra trận. Thế nên không được quên chánh niệm của mình, phải cố gắng mà nhớ.

Chánh văn:

Tỳ-kheo các ông! Nếu người nhiếp tâm thì tâm ở trong định, vì tâm ở trong định nên hay biết được các pháp tướng sanh diệt ở thế gian. Thế nên các ông phải thường tinh tấn tu tập các định, nếu được định thì tâm không tán loạn. Thí như người giữ nước khéo giữ đê điều. Người tu hành cũng vậy, vì nước trí tuệ nên phải khéo tu các thiền định khiến cho không bị chảy mất. Đó gọi là định

Giảng:

Ở trên đức Phật dạy giữ chánh niệm, đến đây ngài dạy thiền định. Tỳ-kheo phải nhiếp tâm thì tâm sẽ ở trong định. Vì tâm ở trong định nên hay biết được các pháp tướng sanh diệt ở thế gian. Nếu tâm ở trong định thì chúng ta sẽ biết được sự thật của các pháp trong thế gian. Thế nên phải thường tinh tấn tu tập các định. Nếu được định thì tâm không tán loạn.

Thí như người giữ nước khéo giữ đê điều. Người tu hành cũng vậy, vì nước trí tuệ nên phải khéo tu các thiền định khiến cho không bị chảy mất. Phật thí dụ người thế gian muốn giữ nước trong ruộng, phải khéo đắp bờ đê cho chắc, bờ chắc rồi thì nước không chảy. Cũng vậy, người tu muốn giữ cho trí tuệ phát triển phải khéo vun đắp thiền định khiến cho tâm mình không bị chảy, không bị lọt. Đó gọi là định.

Chánh văn: 

Tỳ-kheo các ông! Nếu có trí tuệ thì không có tham trước, thường tự tỉnh sát không để có tội lỗi, thế là ở trong giáo pháp của ta hay được giải thoát. Nếu không như vậy đã chẳng phải là bậc đạo nhân, cũng chẳng phải là người bạch y, không biết gọi là gì! Trí tuệ chân thật là chiếc thuyền chắc chắn, kiên cố vượt qua biển già bệnh chết; cũng là ngọn đèn sáng lớn chiếu phá vô minh hắc ám; là thứ thuốc hay trị lành tất cả bệnh; là chiếc búa bén chặt đứt những cây phiền não. Thế nên các ông phải lấy trí tuệ văn tư tu mà tự làm tăng ích. Nếu người có trí tuệ chiếu soi tuy là mắt thịt cũng là người thấy sáng. Đó gọi là trí tuệ. 

Giảng:

Phật dạy Tỳ-kheo nếu có trí tuệ thì không có tham trước, không tham đắm gì hết, thường tự tỉnh sát, luôn luôn phản tỉnh tự xét lấy mình, không để phạm lỗi. Thế là ở trong giáo pháp của Phật hay được giải thoát. Nếu không có trí tuệ, không chịu phản tỉnh như vậy đã chẳng phải là bậc đạo nhân, cũng không phải là người bạch y, không biết gọi là gì. Người bạch y là người thế tục. Vì không biết phản tỉnh, không có trí tuệ, cứ nhiễm theo thế tục nên không thể gọi là người tu. Nhưng cạo đầu mặc áo nhuộm nên cũng không phải là người thế gian. Vậy gọi là gì? Có chỗ gọi là “phóc cư sĩ” tức là cư sĩ trọc. Vì tâm không biết tu nên giống như cư sĩ, người thế gian, nhưng cạo đầu nên gọi là cư sĩ trọc. Cho nên phải luôn luôn dùng trí tuệ quán chiếu, không nhiễm không dính với ngũ dục thế gian thì mới xứng với danh nghĩa người tu.

Người có trí tuệ chân thật như được chiếc thuyền chắc chắn kiên cố đưa qua biển già bệnh chết. Cũng là ngọn đèn sáng lớn chiếu phá vô minh đen tối. Cũng là thứ thuốc hay trị lành tất cả bệnh. Cũng là chiếc búa bén chặt đứt hết những cây phiền não. Thế nên phải lấy trí tuệ văn tư tu, tức là văn tuệ tư tuệ tu tuệ, mà tự làm tăng trưởng lợi ích cho mình. Nghe lời Phật dạy là văn tuệ; nghe rồi chưa đủ, phải nghiền ngẫm suy xét ý nghĩa, thí dụ… để thâm hiểu được nghĩa thú, gọi là tư tuệ; suy xét rồi áp dụng những lời Phật dạy mà tu gọi là tu tuệ. Đó gọi là ba trí tuệ giải thoát. Nếu có trí tuệ chiếu soi tuy là mắt thịt mà vẫn là người thấy sáng. Nghĩa là tuy mang con mắt thịt như mọi người thế gian nhưng nhờ trí tuệ nên biết được những gì mà người thường không biết được.

Bài này Phật dạy người tu phải luôn luôn dùng trí tuệ quán xét, diệt hết những tham đắm thế gian, đừng lúc nào quên, Nếu người có trí tuệ thì có thể ở trong Phật pháp được giải thoát. Nếu không có trí tuệ thì không phải người tu, cũng không phải người thế tục, hỗn độn không ra người gì.

Đức Phật dùng bốn thí dụ để chỉ trí tuệ chân thật. Một là chiếc thuyền chắc đưa mình qua biển già bệnh chết. Hai là ngọn đèn sáng lớn phá trừ vô minh tối tăm. Ba là thứ thuốc hay trị lành tất cả bệnh. Bốn là chiếc búa bén chặt hết cây phiền não.

Lúc nào Phật cũng nhắc mình phải học, phải tu, có trí tuệ để trừ vô minh phiền não được giải thoát. Trí tuệ gồm có văn tư tu, nghĩa là nghe pháp, suy xét và thực hành. Người có trí tuệ thật thì tuy mắt phàm phu mà hay biết được những việc quá hơn kẻ phàm phu. Thế nên chúng ta tu phải có trí tuệ.

Chánh văn:

Tỳ-kheo các ông! Các thứ hý luận làm cho tâm mình rối loạn, tuy xuất gia mà chưa được giải thoát. Thế nên Tỳ-kheo phải gấp xa lìa loạn tâm hý luận này. Nếu các ông muốn được cái vui tịch diệt, chỉ phải khéo diệt cái hoạn hý luận. Đó gọi là không hý luận. 

Giảng:

Phật dạy Tỳ-kheo nếu có các chuyện đùa giỡn, tranh cãi suông để mong thắng lý kẻ khác, dù là đạo lý cũng thuộc hý luận, thì tâm sẽ rối loạn. Tăng ni ngày nay hay tập lối xã giao, bước vô nhà người liền kiếm chuyện nói đùa nói cợt để người ta cười, cái đó nguy lắm. Những người hay nói đùa như vậy tâm rất tán loạn.

Tâm tán loạn thì tuy xuất gia mà chưa được giải thoát. Vì sao? Vì hay nghĩ lăng xăng lộn xộn, cứ kiếm chuyện nói đùa hoài, hết chuyện này đến chuyện khác sợ người ta buồn, bên ngoài đùa thì bên trong rối loạn, không an ổn tịch diệt được.

Thế nên Tỳ-kheo phải gấp xa lìa loạn tâm hý luận. Nếu muốn được cái vui tịch diệt lặng lẽ phải khéo diệt lỗi hý luận, vì hý luận chỉ thêm loạn tâm loạn tưởng, không được giải thoát. Không giải thoát thì tu làm chi? Chúng ta thấy Phật dạy quá kỹ, mỗi cái mỗi nhắc, từ những bệnh nhỏ đến những bệnh lớn. Pháp Phật dạy là cốt trị tâm bệnh chúng sanh, người nào có bệnh thì phải lấy thuốc này uống, phải thấy hổ thẹn mà xả bỏ.

Chánh văn: 

Tỳ-kheo các ông! Đối với các công đức thường phải nhất tâm bỏ các phóng dật như tránh bọn giặc dữ. Đức Thế Tôn đại bi nói những điều lợi ích đều đã rốt ráo hết rồi, các ông chỉ phải siêng năng thực hành. Hoặc ở chỗ núi non, hoặc ở nơi đầm vắng, hoặc ở dưới gốc cây, hay yên ở trong tịnh thất, phải nhớ giáo pháp đã thọ chớ để quên mất, thường tự gắng gổ tinh tấn tu hành, không để trôi qua một đời đến chết, rồi sau có các hối hận. Ta cũng như vị thầy thuốc giỏi biết bệnh nói thuốc, uống hay không uống chẳng phải lỗi của thầy; lại cũng như người dẫn đường giỏi, chỉ người con đường tốt, nghe mà không đi chẳng phải lỗi tại người chỉ đường. 

Giảng:

Tỳ-kheo đối với các công đức thường phải nhất tâm bỏ các phóng dật như bỏ bọn giặc dữ. Nghĩa là phải nhất tâm nhớ nghĩ giáo pháp đang tu, đừng buông lung, phóng túng tâm. Ngồi chơi giỡn cười nói chuyện với nhau hàng giờ chính là buông lung. Phải đem hết tâm niệm vào trong một pháp gọi là nhất tâm, phải sợ sự buông lung như sợ bọn giặc dữ.

Đức Thế Tôn đại bi nói những điều lợi ích đều đã rốt ráo hết rồi. Tôi nhắc lại Phật sắp Niết-bàn mà vẫn gọi đệ tử lại dạy, nhắc nhở rằng Ta đã nói hết những điều lợi ích với các ông rồi, các ông chỉ phải siêng năng thực hành. Hoặc là ở chốn núi rừng, hoặc ở nơi đầm vắng, ở dưới gốc cây, hoặc ở trong nhà yên tịnh, phải nhớ pháp mình đã thọ chớ để quên mất, thường phải tự gắng gổ tinh tấn tu hành không để một đời trôi qua suông đến chết, rồi sau hối hận.

Phật nói: Ta cũng như vị thầy thuốc giỏi biết bệnh nói thuốc, uống hay không uống chẳng phải lỗi của thầy. Đã được Phật chỉ bệnh, cho thuốc rồi, mà không chịu uống rồi nói người ta tu giải thoát còn tôi tu hoài không giải thoát. Điều đó không nên trách Phật, lỗi không phải tại Phật mà tại mình không chịu uống thuốc thì làm sao hết bệnh? Uống hay không uống chẳng phải lỗi tại thầy thuốc mà tại kẻ bị bệnh. Đó là thí dụ thứ nhất.

Lại cũng như người dẫn đường giỏi, chỉ người con đường tốt, nghe mà không đi chẳng phải lỗi tại người chỉ đường. Như chúng ta muốn đến chợ, người chỉ đường chỉ đi con đường này, đường này… hết sức rành rẽ, nhưng nghe rồi mình để đó không đi. Như vậy không đến được chợ là tại người chỉ đường hay tại mình nghe mà không chịu đi? Từ trước tới giờ Phật dạy chúng ta cách trị từng bệnh từng bệnh, như bệnh tham trị cách nào, bệnh sân trị cách nào, bệnh lười biếng trị cách nào, bệnh không trí tuệ trị cách nào v.v… mỗi mỗi đều chỉ hết, bây giờ mình phải tự cố gắng theo lời Phật dạy để tu hành.

Phải nhớ Phật là thầy thuốc biết bệnh chỉ thuốc, chúng ta phải uống thuốc thì mới hết bệnh. Nếu mỗi ngày chỉ đọc toa hay cứ đến thầy thuốc lạy lục cầu xin cho hết bệnh mà không chịu uống thuốc thì có hết bệnh không? Giống như người tu mỗi ngày hai ba thời đem kinh ra đọc mà những gì Phật dạy không chịu thực hành, gặp tham thì tham, gặp sân thì sân… thì có hết phiền não không? Hoặc ngày đêm đến trước Phật thắp hương lễ lạy cầu nguyện cho tâm luôn an ổn, hết phiền não khổ sở mà đối duyên xúc cảnh cứ gặp đâu chấp đó thì làm sao tâm an được? Thế nên người tu phải tránh hai lỗi này, một là chỉ đem toa thuốc ra đọc, hai là cầu xin thầy thuốc ban cho hết bệnh mà không chịu uống thuốc. Hoặc muốn đến nơi nào đó, người chỉ đường đã chỉ giùm con đường tốt, mình không chịu đi thì làm sao đến nơi được. Không chịu tu mà cầu Phật độ cho hết khổ sanh già bệnh chết, được Niết-bàn an ổn thì có được không?

Phải nhớ Phật chỉ là ông thầy thuốc giỏi, là người chỉ đường hay chứ không phải ông thần, đem phẩm vật tới cúng để cầu xin việc này việc kia, làm như vậy là sai lời Phật dạy, là phỉ báng Phật. Bài này Phật đã khẳng định ngài chỉ là thầy thuốc, là người chỉ đường, chúng ta phải hiểu cho đúng, đừng lầm nghĩ Phật là ông thần muốn cầu gì cũng được.

Chánh văn: 

Các ông đối với Khổ đế v.v… bốn món Thánh đế có chỗ nào nghi ngờ phải mau thưa hỏi, không nên ôm lòng hoài nghi không cầu giải quyết. 

Bấy giờ đức Thế Tôn lặp lại như thế ba lần mà không có người hỏi. Vì cớ sao? Vì cả chúng đều không nghi ngờ. Khi ấy ông A-nậu-lâu-đà xem xét tâm của chúng mà bạch Phật rằng: Thế Tôn! Mặt trăng có thể nóng, mặt trời có thể lạnh, Phật nói pháp Tứ đế không thể nào khiến dời đổi được. Phật nói Khổ đế thật là khổ không thể nào khiến cho nó được vui; Tập đế thật là nhân, không thể có nhân nào khác. Khổ nếu diệt tức là nhân diệt, nhân diệt nên quả diệt. Đạo diệt khổ thật là chân đạo, không có đạo nào khác. Bạch Thế Tôn, các Tỳ-kheo đối với pháp Tứ đế quyết định không có nghi ngờ.

Giảng:

Tỳ-kheo các ông đối với khổ v.v… bốn món Thánh đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo có chỗ nào nghi ngờ phải mau thưa hỏi, không nên ôm lòng hoài nghi không cầu giải quyết. Thế Tôn lặp lại như thế ba lần mà không có người hỏi. Vì cả chúng đều không nghi ngờ.

Ông A-nậu-lâu-đà xem xét tâm của chúng mà bạch Phật rằng: Thế Tôn! Mặt trăng có thể nóng, mặt trời có thể lạnh, Phật nói pháp Tứ đế không thể nào khiến dời đổi được. Phật nói Khổ đế thật là khổ không thể nào khiến cho nó vui. Nói Tập thật là nhân lại không có nhân nào khác. Nói khổ diệt tức nhân diệt, nhân diệt thì quả diệt. Đạo diệt khổ thật là chân đạo lại không có đạo nào khác. Thế nên các Tỳ-kheo đối với pháp Tứ đế quyết định không có nghi ngờ.

Chánh văn: 

Ở trong chúng đây, hoặc có những người việc làm chưa xong, thấy Phật diệt độ sẽ có lòng buồn bã, hoặc có những người mới vào đạo pháp nghe lời Phật nói đều tức thời được độ, thí như đêm tối mà thấy lằn điện chớp liền thấy đường đi; hoặc có những người việc làm đã xong, qua được biển khổ nhưng khởi nghĩ thế này: “Đức Thế Tôn diệt độ sao mau quá vậy?” 

Giảng:

Ở trong chúng đây, hoặc có những người việc làm chưa xong, thấy Phật diệt độ sẽ có lòng buồn bã, những người nào mới vào được chánh pháp (tức là chứng quả Tu-đà-hoàn) nghe Phật nói rồi liền được độ, thí như trong bóng đêm thấy lằn điện chớp liền thấy đường đi. Nếu những người việc làm đã xong, qua được biển khổ thì khởi nghĩ đức Thế Tôn diệt độ sao mau quá!

Chánh văn: 

Ông A-nậu-lâu-đà tuy nói rằng trong chúng thảy đều liễu đạt nghĩa Tứ thánh đế, nhưng đức Thế Tôn muốn khiến cho đại chúng này đều được kiên cố nên dùng tâm đại bi lại vì chúng nói: Tỳ-kheo các ông chớ ôm lòng buồn thảm, nếu ta còn ở đời đến một kiếp, rốt cuộc cũng phải diệt; có hợp mà không xa lìa trọn không thể được. Các pháp tự lợi lợi tha đều đã đầy đủ, nếu ta còn ở đời cũng không còn lợi ích gì nữa. Những người đáng độ, hoặc ở cõi trời hoặc ở nhân gian ta thảy đều độ xong; những người chưa được độ ta cũng đều đã làm các nhân duyên để cho họ được độ, từ nay về sau các đệ tử của ta sẽ lần lượt thực hành. Thế là Pháp thân Như Lai thường còn không bao giờ diệt mất vậy. 

Giảng: 

Ông A-nậu-lâu-đà tuy nói rằng trong chúng thảy đều liễu đạt nghĩa Tứ thánh đế, nhưng đức Thế Tôn muốn khiến cho đại chúng đều được kiên cố, nên dùng tâm đại bi nói các Tỳ-kheo chớ buồn thảm, nếu Phật còn ở đời thêm một kiếp thì rốt cuộc cũng phải diệt, có hợp mà không có xa lìa trọn không thể được. Có sum hợp là có xa lìa, lâu mau gì cũng phải xa lìa, không tránh khỏi.

Phật nói phần tự lợi và lợi người, pháp Phật đã đầy đủ, nếu ngài còn ở đời cũng không lợi ích gì nữa. Những người đáng được độ hoặc ở cõi trời hoặc ở nhân gian thảy đều độ xong, những người chưa được độ đều đã làm nhân duyên để được độ. Từ nay về sau các hàng đệ tử của Phật sẽ lần lượt thực hành. Thế là Pháp thân của Như Lai thường còn không bao giờ diệt mất.

Chánh văn: 

Thế nên phải biết cảnh đời đều là vô thường, có hợp phải có chia lìa, chớ ôm lòng buồn thảm, các tướng thế gian là như thế. Phải siêng năng tinh tấn sớm cầu giải thoát, dùng trí tuệ sáng mà diệt hết các tướng si ám. Thế gian giòn bở không có bền chắc, ta nay diệt độ như trừ được bệnh dữ. Đây là xác thân đáng bỏ, là vật tội ác, giả gọi là thân, nó chìm đắm trong biển cả sanh già bệnh chết. Có người trí nào trừ diệt được nó như giết được kẻ giặc dữ mà không vui mừng

Giảng:

Chúng ta phải biết đời là vô thường, có hợp thì phải chia lìa, chớ có buồn thảm. Các tướng thế gian là như thế. Phải siêng năng tinh tấn sớm cầu giải thoát, dùng trí tuệ diệt hết các tướng si mê u ám. Thế gian thật là giòn bở không bền chắc. Phật xem sự diệt độ của ngài như trừ được bệnh dữ, bệnh dữ mà trừ được thì lúc đó khổ hay vui? Như món đồ chứa những thứ dơ xấu thì bỏ đi có tiếc không? Phật nói bệnh dữ, vật chứa đồ xấu do đó giả danh gọi là thân. Vậy mà mình cứ lo mất nó, vì lo mất nên bảo vệ nó từng giờ từng phút, trái lại Phật bỏ nó như bỏ món đồ xấu, như bỏ căn bệnh dữ.

Thân đó đang ở đâu? Đang chìm trong biển lớn sanh già bệnh chết. Có người trí nào trừ diệt được nó như giết được kẻ giặc dữ mà không vui mừng? Người tu khác người thế gian ở chỗ đó. Người tu hiểu đạo, nhận được ý chính rồi tu hành giống như Phật thì khi bỏ thân này không chút luyến tiếc, không chút buồn khổ vì thấy như mình bỏ được món đồ dơ, bỏ được căn bệnh dữ, giết được kẻ oán thù, chứ không có gì đáng sợ. Còn người thế gian bỏ nó thì khóc lên khóc xuống. Khi đang bệnh có ai tới hỏi thăm là đã rơi nước mắt rồi, chưa xả nổi thân này còn cho nó quan trọng, mất rồi không biết nương tựa vào đâu!

Cho nên Phật dạy chúng ta đừng buồn thảm vì có hợp là có ly. Có ai thấy được thân này chỉ là kẻ oán thù, là món đồ dơ, là căn bệnh dữ mà muốn giữ nó lâu không? Nhiều người nói Phật đủ phước, đủ đức, đủ tài năng mà sao không sống lâu lâu một chút, sống tám mươi tuổi ít quá. Đó là vì mình tưởng giữ thân này là quý, đâu ngờ Phật thấy nó chỉ là món đồ đáng bỏ, giữ nó lâu chi cho cực.

Hơn nữa, Phật cũng nói những người có duyên được độ ngài đã độ xong, còn những người chưa có duyên được độ thì Phật cũng gieo nhân duyên để được độ. Chúng ta không ở thời Phật nhưng Phật cũng gieo nhân duyên để bây giờ mình được biết Phật, hiểu lời Phật dạy mà tu, đó là nhân duyên được Phật độ. Cho nên Phật nói ngài đã làm xong bổn phận thì ngài đi, đừng luyến tiếc. Chúng ta tu cũng phải ráng tới chừng ra đi thì chỉ cười đừng khóc, bỏ được món đồ xấu xa mà khóc thì thật tức cười. Ai gần chết mà cười, người đó khả dĩ vào đạo. Còn người nghe chết khóc mếu máo là cách xa đường đạo.

Qua bài kinh này chúng ta thấy thương Phật quá, cả chúng đều không nghi ngờ gì nữa hết mà ngài còn ráng nhắc đi nhắc lại thêm, bảo mỗi người phải nỗ lực tu hành. Riêng về Phật, ngài ra đi là sự an ổn chứ không có gì phải lo buồn.

Chánh văn: 

Tỳ-kheo các ông thường phải nhất tâm siêng năng cần cù tìm cầu con đường ra khỏi trầm luân. Tất cả những pháp động và không động ở thế gian này đều là tướng bại hoại không an. Các ông hãy yên lặng chớ nói gì nữa, thời gian sắp hết, ta sắp diệt độ. Đây là lời nhắc nhở răn dạy rốt sau của ta vậy. 

Giảng:

Ngài lại dạy các Tỳ-kheo thường phải nhất tâm siêng năng cần cù tìm cầu con đường ra khỏi trầm luân, tức là giải thoát Niết-bàn. Tất cả những pháp động và không động ở thế gian này đều là tướng bại hoại không an. Như con người, con vật… là pháp động; cây, cỏ, đá… là pháp bất động. Động hay bất động đều là tướng vô thường bại hoại, không an ổn nên phải sớm cầu được Niết-bàn, được giải thoát, đó mới thật là an ổn.

Lúc Phật sắp Niết-bàn dặn dò các Tỳ-kheo hãy yên lặng đừng nói gì nữa. Thời giờ sắp hết, những lời dạy từ trước đến đây là những lời răn dạy, nhắc nhở cuối cùng của ngài. Do đó kinh này gọi là kinh Di Giáo, chúng ta phải nương đó mà tu.

***************

Về Trang Chủ

Sách mới nhất

Mục lục

Bình luận