Chánh văn:
Tỳ-kheo các ông, đã hay trụ giới phải cố kềm chế năm căn, chớ để buông lung vào trong năm dục. Ví như người chăn trâu cầm gậy dòm chừng nó không để nó chạy tự do phạm vào lúa mạ của người. Nếu phóng túng năm căn, chẳng những nó chạy theo năm dục mà còn tạo tội lỗi không có ngằn mé nào tính cho hết, không thể nào chế ngự được. Cũng như ngựa dữ, nếu không có dây cương kềm giữ, nó sẽ lôi người cỡi rớt xuống hầm. Nếu bị giặc cướp khổ chỉ một đời, còn bị giặc năm căn hại thì họa ương đến nhiều kiếp, gây hại rất nặng, không thể không dè dặt! Thế nên người trí phải kềm chế không chạy theo nó, giữ nó như giữ giặc, không cho buông lung. Giả sử để nó buông lung đều chẳng bao lâu thấy nó hoại diệt.
Giảng:
Tỳ-kheo các ông đã hay trụ giới, tức là đã giữ giới được rồi thì bây giờ phải cố kềm chế năm căn. Năm căn là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân chớ khiến nó buông lung chạy vào trong năm dục. Năm dục là tài, sắc, danh, thực, thùy hay sắc, thanh, hương, vị, xúc. Ở đây nhắm vào sắc thanh hương vị xúc. Phải giữ năm căn không để nó chạy theo năm dục giống như người chăn trâu tay cầm gậy dòm chừng con trâu, không để nó chạy tự do phạm vào lúa mạ người. Nếu nó chạy vào lúa mạ người thì bị người rượt đánh. Cũng vậy, nếu giữ năm căn thì khi mắt thấy cảnh ưa thích muốn chạy theo, phải giật dây lại đừng cho nó chạy nữa, tai nghe tiếng ưa thích cũng giật dây lại không cho nó chạy theo v.v…
Người chăn trâu dụ cho mình, con trâu dụ cho năm căn, lúa mạ dụ cho năm trần bên ngoài. Nếu buông lung năm căn chẳng những nó chạy theo năm dục, mà còn tạo không biết bao nhiêu tội lỗi, không thể kềm chế được. Phật thí dụ thêm, như con ngựa dữ không có dây cương nó sẽ lôi người cưỡi rớt xuống hầm. Ngựa dữ dụ cho năm căn. Năm căn chạy theo năm trần sẽ lôi mình đọa trong các đường ác cũng như ngựa dữ kéo ông chủ rơi xuống hầm.
Phật lại thêm một thí dụ nữa, người bị giặc cướp hại khổ chỉ một đời, còn người bị giặc năm căn hại thì họa ương nhiều kiếp. Người thế gian bị trộm cướp lấy hết tài sản, nghèo khổ chỉ một đời, còn năm căn chạy theo năm dục lôi mình đọa không biết bao nhiêu kiếp, khổ hơn người bị trộm cướp nhiều. Năm căn hay sáu căn còn gọi là ngũ tặc hay lục tặc, gây hại rất nhiều đời, rất nặng nề, không thể không dè dặt. Thế nên người trí phải gìn giữ năm căn như canh giữ đứa giặc, không để nó buông lung.
Giả sử để nó buông lung thì chẳng bao lâu thấy nó đi tới chỗ hoại diệt. Phật dạy chúng ta phải hạn chế cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm. Nếu như lưỡi thích nếm vị ngon, đòi cái gì mình cho cái nấy, cho ăn ngon suốt đời rồi cũng phải chết, cũng phải tan hoại. Như lỗ tai, có người kềm chế không cho nghe tiếng đàn tiếng nhạc, có người cứ nghe cho thỏa thích, dù không nghe hay nghe một thời gian sau lỗ tai cũng hoại. Nhưng người biết kềm chế thì không bị lôi xuống chỗ trầm luân, người buông lung không biết kềm chế, thì sẽ lưu cái hại nhiều đời, khác nhau là ở chỗ đó. Không phải tại kềm chế mà nó mau hoại, còn tha hồ buông lung thì lâu hoại, nghĩ như vậy là lầm. Dù kềm chế hay buông lung nó cũng hoại như thường. Biết nó sẽ hoại thì tội gì để nó lưu hại cho mình. Vì vậy tốt hơn phải kềm chế. Đoạn này Phật dạy về ngũ căn đối với ngũ dục.
Chánh văn:
Năm căn này lấy tâm làm chủ, thế nên các ông phải khéo chế phục tâm mình. Tâm rất đáng sợ còn hơn rắn độc, thú dữ, giặc thù, lửa lớn, chưa có gì đủ để thí dụ cho nó. Thí như người tay bưng chén mật đầy, bước đi vội vàng, chỉ nhìn chén mật mà không thấy hố sâu. Lại như voi điên không câu móc, khỉ vượn gặp được cây, nhảy nhót, leo trèo, khó mà cấm cản. Phải mau kềm nó không cho buông lung. Nếu buông thả tâm này sẽ làm mất việc lành của người, kềm tâm một chỗ thì không việc gì chẳng xong. Thế nên Tỳ-kheo phải siêng năng tinh tấn chế phục tâm mình.
Giảng:
Phật dạy năm căn này lấy tâm làm chủ, là nói về ý bên trong. Phải chế phục tâm mình. Tâm đáng sợ hơn rắn độc. Tại sao? Vì tâm thay đổi luôn luôn, một lát nghĩ thế này, một lát nghĩ thế kia. Như nghe giảng kinh, nhớ Phật dạy như vậy, nhưng khi gặp việc ưa thích, nó lại biện lý khác rồi bắt mình làm theo. Cho nên phải dè dặt gìn giữ nó, phải sợ nó hơn sợ rắn độc, vì buông ra là nó hại thiên hạ ngay, mà trước hết là hại mình.
Tâm cũng đáng sợ hơn thú dữ, hơn giặc thù, hơn lửa lớn, không gì đủ thí dụ về cái hại của nó. Nếu buông lung tâm thì nó gây hại không thể lường được. Như người tay bưng chén mật đầy, bước đi vội vàng, chỉ nhìn chén mật vì sợ đổ, mà không thấy hố sâu ở phía trước, không ngờ bị lọt xuống hố. Đổ chén mật với lọt xuống hố, cái nào quan trọng hơn? Đổ chén mật không quan trọng, lọt xuống hố mới nguy hiểm. Cũng vậy, người mê ngũ dục chăm chăm giữ gìn, không cho mất, không mất ngũ dục thì phải rớt xuống hố trầm luân, nguy hiểm ở trước mà không biết.
Lại như voi điên không có móc, không có búa để trị nó. Voi điên dụ cho tâm, nếu buông lung tâm thì giống như voi điên không có móc sắt chế ngự, nó sẽ hại người không biết bao nhiêu mà kể. Hay như khỉ vượn gặp được cây thì nó mặc tình nhảy nhót leo trèo, không thể nào kềm chế được.
Thế nên phải gấp kềm chế tâm không cho buông lung. Buông lung tâm sẽ mất hết các việc lành, còn kềm chế tâm một chỗ thì không việc gì chẳng xong. Nếu buông lung tâm chạy đây chạy kia, tính toán đủ thứ thì tất cả việc lành của mình bị mất hết. Kềm chế tâm một chỗ tức là định, đã định thì muốn gì cũng được.
Thế nên Tỳ-kheo phải siêng năng tinh tấn kềm chế tâm mình. Nhớ là tinh tấn kềm chế tâm chứ không phải tinh tấn đi công quả cả ngày, hay tinh tấn lạy Phật cả ngày đâu! Tinh tấn kềm chế tâm mới là thật tinh tấn.
Bài này Phật dạy chúng ta phải nhiếp phục năm căn, kế là ý căn, tức là luôn luôn nhiếp phục sáu căn đừng cho chạy theo sáu trần. Nhiếp phục được sáu căn thì việc gì làm cũng xong, còn sáu căn chạy theo sáu trần thì họa nào cũng dính. Thế nên đối với người tu, nhiếp phục sáu căn quan trọng vô cùng. Nếu buông lung thì giặc sáu căn sẽ phá hết các công đức lành của mình, còn kềm chế được thì sáu căn chính là sáu công đức lớn giúp chúng ta tu hành giải thoát.
Trang trước | Mục lục | Trang sau |