Chánh văn:
Tỳ-kheo các ông! Phải biết người ham muốn nhiều vì cầu lợi nhiều nên khổ não cũng nhiều; người ít muốn không cầu không muốn thì không có những tai hoạn đó. Ngay nơi hạnh ít muốn còn phải tu tập, huống là ít muốn hay sanh các công đức? Người ít muốn không có tâm dối trá để vừa ý người, cũng không bị các căn lôi cuốn. Người tu hạnh ít muốn tâm thường thản nhiên không lo sợ, gặp việc có dư, thường không thiếu thốn. Người ít muốn thì có Niết-bàn. Thế nên gọi là ít muốn.
Giảng:
Phật dạy người ham muốn nhiều vì cầu tài lợi nhiều nên khổ não cũng nhiều. Người ít muốn không cầu không muốn nên không có những tai hoạn đó. Thí dụ như có người nay muốn mua cái này mai muốn mua cái khác, cứ muốn mua sắm hoài thì phải lo hoài, tính toán đủ thứ nên khổ não cũng nhiều. Nếu người cái gì cũng vừa chừng thôi, không cầu không muốn gì hết, thì không phải tìm cầu, do vậy mà khỏi các tai hoạn đó.
Người ít muốn lại thêm tu tập nữa thì thật là quý! Huống là ít muốn lại hay sanh các công đức. Người ít muốn không có tâm dối trá để làm vừa ý người. Thí dụ như gặp người có tiền mà mình nhiều ham muốn thì phải làm vừa ý họ để được cúng đồ này vật kia. Nếu ít muốn thì mình chỉ đối xử tử tế thôi chứ không nịnh bợ chiều chuộng cho vừa ý họ.
Người ít muốn không bị các căn lôi cuốn. Năm căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân luôn có nhu cầu của nó. Như mắt ưa thích sắc đẹp, tai ưa nghe tiếng hay, mũi thích mùi thơm, lưỡi ưa vị ngon v.v… Những nhu cầu đó là do năm căn đòi hỏi, càng muốn nhiều, năm căn càng đòi hỏi nhiều. Nếu ít muốn thì không bị năm căn lôi, tự làm chủ được.
Người ít muốn thì tâm thường thản nhiên, an nhiên tự tại không rối loạn, không lo phiền, gặp việc có dư, vì thấy đủ không thấy thiếu nên nói là gặp việc có dư, thường không thiếu thốn.
Người ít muốn thì có Niết-bàn. Vì sao? Vì Niết-bàn là an lạc, người ít muốn thì tâm thường an ổn vui vẻ nên có Niết-bàn. Còn người tham muốn nhiều, tâm thường tính toán đủ thứ làm sao an ổn được, nên không có Niết-bàn, chỉ thấy toàn phiền não. Muốn an ổn, muốn Niết-bàn trước hết phải tập ít muốn, ít muốn thì không đòi hỏi, không đòi hỏi thì tâm an ổn, tự tại, gọi đó là tâm thản nhiên. Thế nên Phật dạy hạnh ít muốn.