Chánh văn:
Tỳ-kheo các ông! Nếu muốn khỏi các khổ não phải quán xét hạnh biết đủ, pháp biết đủ tức là chỗ giàu có, an ổn, vui vẻ. Người biết đủ tuy nằm trên đất mà vẫn an vui; người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý. Người không biết đủ tuy giàu mà nghèo, còn người biết đủ tuy nghèo mà giàu. Người không biết đủ thường bị năm dục lôi kéo, khiến người biết đủ thương xót. Ấy gọi là biết đủ.
Giảng:
Ở trên Phật dạy ít muốn, đến đây Phật dạy biết đủ. Biết đủ là luôn luôn thấy mình đã đủ, có áo mặc vừa ấm là đủ, bao tử vừa no là đủ, có nhà đỡ mưa đỡ nắng là đủ v.v… biết đủ thì được an ổn. Nên Phật dạy Tỳ-kheo nếu muốn khỏi các khổ não phải quán xét hạnh biết đủ, pháp biết đủ là chỗ giàu có, an ổn, vui vẻ.
Người biết đủ tuy nằm trên đất mà vẫn an vui, còn người không biết đủ dù ở thiên đường qũng không vừa ý. Người biết đủ ở chỗ nào cũng bằng lòng dù nằm trên đất, còn người không biết đủ dù nằm trên giường ngà chiếu ngọc vẫn không thấy an ổn, vì muốn tìm cái gì hơn nữa. Người tu cũng thế, biết đủ thì ở chùa đất cũng an vui. Nếu không thì dù chùa to Phật lớn cũng thấy khổ sở, than van rên rỉ như thường. Đệ tử Phật ngày xưa chỉ ngủ dưới gốc cây, đâu có cái chùa nào, mình bây giờ thấy chùa xấu một chút là muốn sửa đổi thành tốt, đó là muốn nhiều.
Người không biết đủ tuy giàu mà nghèo, còn người biết đủ tuy nghèo mà giàu. Tại sao? Thiếu là nghèo, đủ là giàu. Người không biết đủ dù là triệu phú nhưng vẫn thấy chưa đủ, cứ lo tìm kiếm thêm hoài, vì thấy thiếu nên gọi là nghèo. Còn người không có đồng xu dính túi nhưng luôn thấy mình đủ rồi, không cần cầu gì nữa, vì thấy đủ nên gọi là giàu. Cho nên nói người không biết đủ tuy giàu mà nghèo, còn người biết đủ tuy nghèo mà giàu. Người tu đáng lý là người giàu hơn hết vì luôn luôn biết đủ, không thấy thiếu bao giờ. Nếu không biết đủ thì có bao nhiêu tiền cũng không thấy đủ, nên vẫn là kẻ nghèo, vẫn tham như thường.
Người không biết đủ thường bị năm dục lôi kéo, khiến người biết đủ thương xót. Năm dục là tài, sắc, danh, thực, thùy hay sắc, thanh, hương, vị, xúc. Sắc là sắc đẹp, thanh là tiếng hay, hương là mùi thơm, vị là vị ngon, xúc là những xúc chạm vui vẻ thích thú ở thế gian. Người không biết đủ bị năm dục làm chủ, lôi kéo họ, khiến cho người biết đủ thấy mà thương xót, Cho nên người tu thấy ai đang chìm đắm trong ngũ dục chẳng những không khinh bỉ, xem thường mà trái lại còn thương xót vì họ bị chìm đắm trong ngũ dục, chắc chắn phải trầm luân không biết bao giờ ra khỏi.
Như vậy hai bài kinh ít muốn và biết đủ này đủ để chúng ta an ổn tu hành rồi. Biết như vậy ráng hiểu lời Phật dạy mà tu, chứ không nên nghe rồi để đó!
Trang trước | Mục lục | Trang sau |