Kinh Di Giáo giảng giải

Dặn dò rốt sau



Chánh văn: 

Thế nên phải biết cảnh đời đều là vô thường, có hợp phải có chia lìa, chớ ôm lòng buồn thảm, các tướng thế gian là như thế. Phải siêng năng tinh tấn sớm cầu giải thoát, dùng trí tuệ sáng mà diệt hết các tướng si ám. Thế gian giòn bở không có bền chắc, ta nay diệt độ như trừ được bệnh dữ. Đây là xác thân đáng bỏ, là vật tội ác, giả gọi là thân, nó chìm đắm trong biển cả sanh già bệnh chết. Có người trí nào trừ diệt được nó như giết được kẻ giặc dữ mà không vui mừng

Giảng:

Chúng ta phải biết đời là vô thường, có hợp thì phải chia lìa, chớ có buồn thảm. Các tướng thế gian là như thế. Phải siêng năng tinh tấn sớm cầu giải thoát, dùng trí tuệ diệt hết các tướng si mê u ám. Thế gian thật là giòn bở không bền chắc. Phật xem sự diệt độ của ngài như trừ được bệnh dữ, bệnh dữ mà trừ được thì lúc đó khổ hay vui? Như món đồ chứa những thứ dơ xấu thì bỏ đi có tiếc không? Phật nói bệnh dữ, vật chứa đồ xấu do đó giả danh gọi là thân. Vậy mà mình cứ lo mất nó, vì lo mất nên bảo vệ nó từng giờ từng phút, trái lại Phật bỏ nó như bỏ món đồ xấu, như bỏ căn bệnh dữ.

Thân đó đang ở đâu? Đang chìm trong biển lớn sanh già bệnh chết. Có người trí nào trừ diệt được nó như giết được kẻ giặc dữ mà không vui mừng? Người tu khác người thế gian ở chỗ đó. Người tu hiểu đạo, nhận được ý chính rồi tu hành giống như Phật thì khi bỏ thân này không chút luyến tiếc, không chút buồn khổ vì thấy như mình bỏ được món đồ dơ, bỏ được căn bệnh dữ, giết được kẻ oán thù, chứ không có gì đáng sợ. Còn người thế gian bỏ nó thì khóc lên khóc xuống. Khi đang bệnh có ai tới hỏi thăm là đã rơi nước mắt rồi, chưa xả nổi thân này còn cho nó quan trọng, mất rồi không biết nương tựa vào đâu!

Cho nên Phật dạy chúng ta đừng buồn thảm vì có hợp là có ly. Có ai thấy được thân này chỉ là kẻ oán thù, là món đồ dơ, là căn bệnh dữ mà muốn giữ nó lâu không? Nhiều người nói Phật đủ phước, đủ đức, đủ tài năng mà sao không sống lâu lâu một chút, sống tám mươi tuổi ít quá. Đó là vì mình tưởng giữ thân này là quý, đâu ngờ Phật thấy nó chỉ là món đồ đáng bỏ, giữ nó lâu chi cho cực.

Hơn nữa, Phật cũng nói những người có duyên được độ ngài đã độ xong, còn những người chưa có duyên được độ thì Phật cũng gieo nhân duyên để được độ. Chúng ta không ở thời Phật nhưng Phật cũng gieo nhân duyên để bây giờ mình được biết Phật, hiểu lời Phật dạy mà tu, đó là nhân duyên được Phật độ. Cho nên Phật nói ngài đã làm xong bổn phận thì ngài đi, đừng luyến tiếc. Chúng ta tu cũng phải ráng tới chừng ra đi thì chỉ cười đừng khóc, bỏ được món đồ xấu xa mà khóc thì thật tức cười. Ai gần chết mà cười, người đó khả dĩ vào đạo. Còn người nghe chết khóc mếu máo là cách xa đường đạo.

Qua bài kinh này chúng ta thấy thương Phật quá, cả chúng đều không nghi ngờ gì nữa hết mà ngài còn ráng nhắc đi nhắc lại thêm, bảo mỗi người phải nỗ lực tu hành. Riêng về Phật, ngài ra đi là sự an ổn chứ không có gì phải lo buồn.

Chánh văn: 

Tỳ-kheo các ông thường phải nhất tâm siêng năng cần cù tìm cầu con đường ra khỏi trầm luân. Tất cả những pháp động và không động ở thế gian này đều là tướng bại hoại không an. Các ông hãy yên lặng chớ nói gì nữa, thời gian sắp hết, ta sắp diệt độ. Đây là lời nhắc nhở răn dạy rốt sau của ta vậy. 

Giảng:

Ngài lại dạy các Tỳ-kheo thường phải nhất tâm siêng năng cần cù tìm cầu con đường ra khỏi trầm luân, tức là giải thoát Niết-bàn. Tất cả những pháp động và không động ở thế gian này đều là tướng bại hoại không an. Như con người, con vật… là pháp động; cây, cỏ, đá… là pháp bất động. Động hay bất động đều là tướng vô thường bại hoại, không an ổn nên phải sớm cầu được Niết-bàn, được giải thoát, đó mới thật là an ổn.

Lúc Phật sắp Niết-bàn dặn dò các Tỳ-kheo hãy yên lặng đừng nói gì nữa. Thời giờ sắp hết, những lời dạy từ trước đến đây là những lời răn dạy, nhắc nhở cuối cùng của ngài. Do đó kinh này gọi là kinh Di Giáo, chúng ta phải nương đó mà tu.

Trang trước Mục lục Về Trang chủ

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.