Chánh văn:
Tỳ-kheo các ông! Nếu siêng năng tinh tấn thì không có việc gì khó. Thế nên các ông phải cố siêng năng tinh tấn. Thí như giọt nước nhỏ chảy mãi có thể xoi thủng đá. Nếu tâm của hành giả thường lười biếng bỏ bê thì như kéo lửa chưa nóng mà nghỉ, tuy muốn được lửa, lửa cũng khó được. Đó gọi là tinh tấn.
Giảng:
Tinh tấn tức là siêng năng gắng gổ. Tỳ-kheo nếu siêng năng tinh tấn thì không có việc gì khó, kể cả việc làm Phật, hễ muốn là được. Lúc nào cũng cố gắng đi cho tới kỳ cùng thì không có gì khó. Thế nên phải cố siêng năng tinh tấn, chớ lôi thôi.
Thí như giọt nước nhỏ chảy mãi thì sẽ xoi thủng đá. Như chúng ta thấy một giọt nước trong hốc đá cứ nhỏ từng giọt từng giọt năm này qua tháng kia, chỗ đá đó sẽ lõm sâu xuống. Một giọt nước nhỏ chảy mãi còn làm mòn đá, nước chảy đá mòn! Nếu mình cứ cố gắng tinh tấn chăm bẳm tiến tới, không lúc nào dừng nghỉ thì không việc gì làm không được.
Nếu tâm của hành giả thường lười biếng bỏ bê thì cũng như người kéo lửa, chưa nóng đã ngừng. Hồi xưa muốn có lửa người ta dùng hai thanh tre và bùi nhùi; cọ xát hai thanh tre cho tới khi nó nóng lên tóe lửa bắt qua bùi nhùi bùng cháy, Nếu cọ xát hơi ấm ấm đã ngừng, cứ ấm ấm rồi ngừng… Như vậy hoài thì không khi nào có lửa được. Muốn có lửa phải nỗ lực cọ xát dù đổ mồ hôi cũng phải ráng cọ cho ra lửa rồi mới nghỉ. Cứ than phiền tôi tu nhiều năm nhiều đời mà sao không được gì hết, đó là lỗi tại không cố gắng. Phật dạy phải tinh tấn, cố gắng tiến mãi không dừng, như kéo lửa phải dụng công cho tột, ráng cho tới có lửa mới thôi, chứ vừa kéo vừa nghỉ thì suốt năm suốt đời cũng không bao giờ có được lửa.
Người tu phải nhớ hai thí dụ này, người tinh tấn thì thế nào, người giải đãi thì thế nào. Người tinh tấn như nước chảy mãi đá cũng phải mòn, người giải đãi như người kéo lửa một lát nghỉ một lát nghỉ, không biết năm tháng nào mới có lửa. Thế nên phải cố gắng tinh tấn luôn luôn, đừng có tha thứ cho mình hoài là không được!