Chánh văn:
Tỳ-kheo các ông, sau khi ta diệt độ phải tôn trọng quý kính Giới luật, như tối gặp sáng, như người nghèo được của báu. Phải biết đó là Thầy của các ông. Nếu ta còn ở đời cũng không dạy gì hơn pháp này.
Giảng:
Ba-la-đề-mộc-xoa là tiếng Phạn, Hán dịch là Giới luật, có chỗ dịch là Biệt biệt giải thoát, có nghĩa là giải thoát riêng từng phần. Thí dụ như trong năm giới, nếu không sát sanh thì được giải thoát khỏi cái khổ về đền sanh mạng chúng sanh; nếu không trộm cướp thì thoát khỏi cái khổ về bị trộm cướp; nếu không tà dâm thì thoát khỏi cái khổ phiền lụy về phạm tà dâm v.v…
Nói tóm lại, giữ mỗi giới là được giải thoát mỗi phần, nên gọi là Biệt biệt giải thoát.
Đức Phật nhắc nhở Tỳ-kheo sau khi ngài diệt độ phải tôn trọng quý kính giới luật cũng như đi đêm tối được đèn sáng, như người nghèo được của báu, phải xem giới luật như vị Thầy của mình. Nếu ta còn ở đời cũng không dạy gì hơn pháp này, nghĩa là dù Phật còn ở đời ngài cũng không dạy điều gì khác hơn, vì vậy chúng ta phải y theo đó tu hành.
Đây là giới luật của Tỳ-kheo thuộc về Thanh văn nên rất nghiêm chỉnh. Có những điều hiện nay mình còn giữ được, còn có những điều mình không thể giữ nổi vì không có đủ phương tiện như thời xưa.
Chánh văn:
Người trì giới chẳng được mua bán đổi chác, khai khẩn đất đai, nuôi dưỡng nhân dân, tôi tớ, súc sanh, tất cả mọi sự trồng trọt và các thứ của báu đều phải xa lìa như tránh hầm lửa, không được đốn chặt cây cỏ, đào xới đất đai, điều chế thuốc thang, xem tướng tốt xấu, ngửa xem tinh tú, xét đoán giàu nghèo, coi lịch đoán số đều không nên làm. Phải tiết chế thân, ăn uống hợp giờ, nếp sống thanh tịnh. Không được tham dự việc đời, đi sứ thông tin. Học bùa chú, nấu tiên dược, kết thân người giàu sang, gần gũi kẻ khinh mạn, đều không nên làm. Phải tự giữ tâm chân chánh cầu được giải thoát, không được chứa chấp lỗi lầm, hiển bày sự lạ để mê hoặc người. Đối với bốn món cúng dường phải biết lượng và biết đủ, được vật cúng dường không nên cất chứa.
Giảng:
Người giữ giới thanh tịnh thì không được mua bán đổi chác qua lại, không được khai khẩn điền đất. Súc dưỡng nhân dân là ngày xưa người ta đem dân đi khai hoang và làm chủ điền. Ở đây mình chỉ khai khẩn đất hoang để làm chùa nên không có lỗi giống như vậy. Cũng không được nuôi tôi tớ giúp việc nhà cửa v.v… không được nuôi súc sanh như heo, gà, vịt v.v… Tất cả những thứ trồng trọt Phật cũng cấm, nhưng lỗi này mình khó thoát khỏi.
Ngày xưa tôi hơi buồn, nghĩ Phật không cho mình trồng trọt thì lấy gì ăn, việc trồng trọt đâu có lỗi gì? Nhưng bây giờ tôi mới biết Phật cấm là phải. Khi chúng ta trồng sẽ nảy sanh các thứ tội lỗi. Thí dụ như trồng khoai lang bị sùng ăn mình tức; cây xoài mới ra tược bị sâu đục thân làm hư đọt, bắt sâu ra thì nó chết, phạm tội sát sanh, còn không bắt ra thì hư cây, thật là khó xử. Trồng thứ gì cũng có sâu, không xịt thuốc thì nó ăn hết mình không còn gì ăn, mà xịt thuốc thì làm chết nó. Thế nên Phật cấm là hữu lý.
Như vậy ở đây Phật dạy phải xa lìa tất cả những thứ mua bán đổi chác, khai khẩn đất hoang, đem dân đến cày bừa, nuôi tôi tớ, nuôi súc sanh, trồng trọt, tiền của như xa lìa hầm lửa.
Không được đốn chặt cỏ cây. Phật cấm cả việc chặt cây cối, nên ngày xưa có một Tỳ-kheo đi ngang qua rừng bị cướp đón đường lột y. Sợ ngài la nên nó cột ngài vào gốc cây bằng những sợi dây leo. Sợ phạm giới nên ngài không dám bứt dây, đành chịu cho tới khi có người thấy mở giùm.
Không được đào đất vì đào thì gặp trùng v.v… Không được hốt thuốc.
Không được coi lịch coi bói, coi tướng tốt xấu.
Không được coi tinh tú tức là coi trăng sao trên trời, như coi người này tuổi gì, nhằm sao gì… rồi đoán giàu nghèo. Như nói năm nay là năm thịnh hay năm suy rồi bày cúng sao giải hạn v.v… Những điều đó Phật không cho phép.
Phải tiết chế thân, ăn uống hợp thời, đừng ăn uống thất thường. Luôn luôn sống một nếp sống thanh tịnh, đạm bạc, đó là thực tu. Cũng không được tham dự việc đời, tranh luận hơn thua việc phải quấy thế gian. Không được đi sứ, vì hồi xưa vua chúa các nước quan hệ qua lại, nhiều khi nhờ quý thầy đưa tin tức gọi là đi sứ. Không được học bùa chú trị bệnh, nấu tiên dược v.v… những thứ đó Phật cấm.
Không được kết thân với những người giàu có sang trọng. Tại sao? Vì như vậy có vẻ như mình muốn làm thân với người giàu để nhờ vả làm mất đi sự thanh tịnh của người tu.
Không được gần gũi với những người có tánh kiêu mạn tự cao. Phải luôn luôn giữ tâm chân chánh để cầu được giải thoát, chứ không nên nghĩ điều gì khác.
Không được chứa chấp lỗi lầm của mình, che giấu cái dở, hiển bày cái lạ để mê hoặc người. Thí dụ mình tu hành chưa tới đâu mà có ai tới thì nói tôi chiêm bao thấy thần tới mách bảo điều này điều kia, tạo ra những việc lạ để dối gạt người, Hoặc bình thường giải đãi, gặp người thì làm bộ nghiêm chỉnh, khiến người ta lầm tưởng mình tu hay. Đó là che giấu cái dở, bày ra tướng lạ để người ta lầm.
Đối với tứ sự cúng dường tức là bốn món: y phục, sàng tòa, thức ăn uống và thuốc thang, thì phải biết lượng vừa đủ sống chứ không tham nhiều. Nếu được người cúng dường không nên cất chứa, chứa nhiều không tốt.
Chánh văn:
Đây là lược nói về tướng của trì giới. Giới là gốc tiến tới giải thoát, nên gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa, nhân y nơi giới này mà đắc các thiền định và sanh trí tuệ diệt khổ.
Giảng:
Đây là lược nói về tướng của người trì giới.
Giới là gì? Giới là gốc để tiến tới sự giải thoát nên gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa. Nhân y nơi giới này mà được sanh các thiền định. Theo ba vô lậu học Giới Định Tuệ, trong đó giới làm đầu. Nhân giới này mà được định, nhân định mới có tuệ, có được trí tuệ thì diệt hết gốc khổ.
Chánh văn:
Thế nên Tỳ-kheo phải giữ giới cho thanh tịnh chớ để phạm hay thiếu. Nếu người nào hay giữ giới thanh tịnh thì hay có được pháp lành. Nếu giới không thanh tịnh, các công đức lành không thể sanh được. Thế nên các ông phải biết giới là chỗ công đức an trụ yên ổn bậc nhất.
Giảng:
Tỳ-kheo phải giữ giới cho thanh tịnh chớ để phạm hay khuyết. Thí dụ như giới sát sanh là không được giết người, nếu giết người là phạm giới, còn không giết chết nhưng làm người tàn tật đau khổ gọi là khuyết giới.
Nếu người giữ giới thanh tịnh thì có được các pháp lành. Nếu giới không thanh tịnh thì các công đức lành đều không thể sanh được. Thế nên phải biết giới là chỗ công đức an trụ yên ổn nhất.
Bài kinh này mở đầu Phật dạy các Tỳ-kheo phải lấy giới làm trước. Phải lấy giới luật mà tu, xem giới luật là Thầy của mình. Đó là phần thứ nhất.