Chánh văn:
Tỳ-kheo các ông, khi nhận các thức ăn uống phải xem như uống thuốc, dù ngon dù dở cũng chớ sanh thêm bớt, cốt để thân này trừ được đói khát. Như ong hút mật, chỉ hút nhụy hoa chẳng làm hại đến hương sắc. Tỳ-kheo cũng vậy, thọ người cúng dường cốt tự trừ khổ, không được cầu nhiều làm mất lòng tốt của người. Thí như kẻ trí biết lượng sức trâu kham chở được nhiều ít, không chất lên quá phần làm nó kiệt sức.
Giảng:
Tỳ-kheo các ông khi nhận các thức uống ăn phải xem như uống thuốc. Uống thuốc để trừ bệnh, ăn là để trừ đói khát, bao tử trống rỗng đói không chịu nổi nên phải ăn. Đối với món ngon món dở chớ sanh thêm bớt, ăn là để trừ bệnh như uống thuốc, không nói thuốc này ngon thuốc kia dở. Nói món này ngon phải thêm, món kia dở phải bớt, như vậy là còn nghĩ đến ngon dở ở lưỡi, chứ không nghĩ đến việc trị bệnh. Ăn uống là để giúp thân khỏe mạnh, trừ bệnh đói khát, chứ không phải cốt ở ngon dở.
Phật thí dụ như con ong hút nhụy hoa chỉ lấy mật mà không làm tổn đến hương sắc của hoa. Tỳ-kheo cũng vậy, thọ người cúng dường phải nhận vừa đủ để trừ khổ đói khát, không được cầu nhiều làm mất lòng tốt của người. Ở đây Phật dạy rất kỹ, người ta cúng bao nhiêu nhận bấy nhiêu, tùy theo sức của người mà nhận ít ít thôi chứ đừng đòi nhiều. Nếu đòi nhiều quá, người phát tâm sẽ đâm ra ngán, là làm mất lòng tốt của người. Giống như ong hút nhụy hoa, hút rồi đi, không làm cho hoa bị hư. Chúng ta nhận của tín thí cũng vậy, đủ để sống tạm qua ngày, đừng làm mất lòng tốt của thí chủ.
Thí như người trí biết lượng sức con trâu kham chở được nhiều ít, không chất lên quá sức của nó. Người tu cũng vậy, phải biết lượng sức của thí chủ, đừng đòi hỏi quá phần làm cho họ kiệt lực.
Đoạn kinh này Phật dạy người tu khi nhận cúng dường phải biết lượng sức của thí chủ, đừng đòi hỏi quá làm hoại lòng tốt của người, phần mình cũng bị tổn phước.
Trang trước | Mục lục | Trang sau |