Chánh văn:
Tỳ-kheo các ông! Cầu thiện tri thức, cầu thiện hộ trợ không bằng không quên niệm của mình. Vì người không quên niệm, các giặc phiền não không thể xâm nhập. Thế nên các ông phải thường nhiếp niệm tại tâm. Nếu để mất niệm sẽ mất các công đức. Nếu sức niệm cứng chắc rồi, tuy vào chỗ ngũ dục mà không bị giặc ngũ dục làm hại. Thí như người mặc giáp vào trận thì không còn sợ gì nữa. Đó gọi là không quên chánh niệm.
Giảng:
Tỳ-kheo cầu thiện tri thức, cầu thiện hộ trợ, tức là cầu những người bạn tốt, những người ủng hộ tốt, không bằng không quên niệm của mình. Niệm mình là niệm pháp đang tu, luôn luôn nhớ không quên. Thí dụ như quán Tứ niệm xứ, tức là quán thân bất tịnh, thọ là khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã. Bốn pháp quán đó đi đứng nằm ngồi chúng ta cũng nhớ mãi, gọi là không quên chánh niệm, quên gọi là thất niệm. Nếu tu pháp khác như quán tất cả pháp là giả, thân này do tứ đại hòa hợp giả có v.v… thì mình cũng phải luôn luôn nhớ pháp mình đang quán. Nếu không quên pháp quán của mình còn hơn là có những thiện hữu tri thức, có những người hộ trợ tốt. Tại sao? Vì người không quên niệm, các giặc phiền não không thể xâm nhập được.
Như chúng ta đi đứng nằm ngồi luôn luôn nhớ thân mình hư giả không thật, giả sử có ai chọc tức, nhớ thân mình hư giả không thật thì cái giận có làm chủ được mình không? Trừ khi nhớ thân mình là thật thì cái giận sẽ làm chủ mình. Cho nên thiện tri thức, thiện hộ trợ bậc nhất chính là không quên chánh niệm, nó bảo vệ mình khỏi bị các giặc phiền não xâm phạm.
Thế nên phải thường nhiếp niệm tại tâm. Nhớ pháp tu không lúc nào quên gọi là nhiếp niệm, nhiếp niệm tại tâm không cho nó chạy nơi khác. Thất niệm thì sẽ mất tất cả công đức. Nếu sức niệm cứng chắc rồi, tuy vào chỗ ngũ dục mà không bị giặc ngũ dục làm hại. Người luôn nhiếp niệm thì không sợ giặc ngũ dục làm hại. Lúc nào cũng nhớ thân mình không thật, dù gặp gánh hát hay chỗ ăn uống rượu thịt bánh trái v.v… sẽ không thấy thèm, tâm yên tịnh. Nếu mình không giữ chánh niệm, tới đâu sẽ nhiễm đó. Cho nên nói người giữ được chánh niệm dù đi vào giữa chỗ giặc ngũ dục cũng không bị nó làm hại.
Thí dụ như người mặc giáp vào trận thì không sợ gì nữa. Vì giáp chắc, vào trận gươm đao đâm không thủng nên họ an ổn không sợ. Cũng vậy người có chánh niệm đi đâu cũng không sợ.
Bài kinh này Phật dạy phải nhớ giữ chánh niệm. Chánh niệm mất rồi sẽ bị giặc ngũ dục lôi kéo, phiền não xâm nhập. Chánh niệm không mất, giặc ngũ dục không lôi kéo nổi, phiền não không xâm nhập nổi. Đó là thiện hữu tri thức bậc nhất, thiện hộ trợ bậc nhất, là áo giáp chắc nhất của mình khi ra trận. Thế nên không được quên chánh niệm của mình, phải cố gắng mà nhớ.
Trang trước | Mục lục | Trang sau |