Chánh văn:
Tỳ-kheo các ông! Giả như có người đến cắt đứt từng phần từng phần nơi thân của ông, ông cũng phải tự nhiếp tâm không cho giận hờn, và cũng phải dè dặt giữ miệng chớ thốt ra lời nói dữ. Nếu buông lung tâm cho nó giận hờn thì tự chướng đạo, mất những cái lợi của công đức. Công đức của nhẫn, trì giới khổ hạnh không thể bằng được. Người hay hành nhẫn nhục mới có thể gọi là người đại lực. Nếu người nào không thể vui vẻ nhẫn chịu những sự cay độc của lời mắng ác như uống nước cam lồ thì không thể gọi là người trí tuệ được đạo. Tại sao? Vì cái hại của nóng giận sẽ phá hoại các pháp lành và cả tiếng tốt, đời này và đời sau người không ưa thấy. Phải biết lòng sân còn hơn lửa dữ, thường phải phòng hộ không cho nó xâm nhập vào tâm mình. Giặc cướp công đức không gì bằng nóng giận. Người cư sĩ còn hưởng dục lạc không phải là người tu hành, không có pháp tự kềm chế, nổi sân còn có thể tha thứ; người xuất gia học đạo không còn theo ngũ dục mà ôm lòng nóng giận thì không thể nào tha thứ được! Thí như trong lúc bầu trời trong xanh mà sấm chớp nổi lên là điều không hợp lý.
Giảng:
Phật dạy Tỳ-kheo khi có người đến cắt từng phần từng phần thân mình cũng phải tự nhiếp tâm đừng để giận hờn. Họ cắt từng phần thân phải ráng kềm giữ tâm không cho khởi giận hờn, cũng dè dặt giữ miệng không để thốt ra lời nói dữ. Nếu buông lung tâm giận hờn sẽ làm chướng ngại đạo, mất hết các công đức.
Như vậy người ta cắt từng phần thân, còn phải giữ tâm không sân, giữ miệng không nói lời ác, huống là chỉ những lời nói không đâu, chưa động tới thân, mới nói bóng gió thôi mà đã giận hờn rồi, đó là quá nhẹ so với những điều Phật dạy mà không giữ được thì thật là vô lý! Tâm sân hận làm chướng đạo, mất hết công đức lành.
Công đức của nhẫn, trì giới và tu khổ hạnh không thể nào bằng được. Dù người giữ giới bao nhiêu, tu khổ hạnh bao nhiêu cũng không bằng người nhẫn. Dù giữ đúng thời khóa, chân thành tụng kinh sám hối v.v… mà không nhẫn thì cũng không có lợi gì hết. Công đức của nhẫn là hơn tất cả.
Người hay hành nhẫn nhục mới có thể gọi là bậc đại nhân hữu lực. Chánh điện thờ Phật còn gọi là Đại hùng bửu điện, tức là điện báu thờ vị có sức mạnh phi thường. Đại hùng là chỉ Phật. Phật không đánh ai, không làm gì ai cả, ngài chỉ có nhẫn. Ai mắng chửi, vu oan gì ngài cũng làm thinh không giận, đó mới gọi là Đại hùng. Chúng ta đừng sợ nhẫn sẽ thua thiệt. Thua là khi không nhẫn được, động một chút mà nổi nóng là thua, là bại trận, là bị ma kéo, còn nghe chửi mà không giận là thắng. Chỉ tu bao nhiêu đó thôi là đủ làm bậc đại nhân hữu lực rồi.
Nếu người nào không thể vui vẻ nhẫn chịu những sự mắng chửi cay độc của kẻ ác như uống nước cam lồ thì không thể gọi là người trí tuệ được đạo. Nếu người ta mắng chửi mà xem như được uống nước cam lồ ngọt mát, mới là người có trí tuệ vào đạo. Chỉ xem điều này cũng biết mình thuộc người trí hay người ngu rồi!
Nóng giận phá hoại các pháp lành và cả tiếng tốt nữa. Vì khi nóng giận, miệng sẽ nói những lời dữ, tâm sẽ nghĩ những điều hại người. Chẳng những như vậy mà đời này và đời sau người không muốn nhìn, vì khi giận gương mặt trông rất dữ tợn!
Tâm sân giận còn hơn đống lửa dữ, lửa cháy mạnh còn biết mà tránh, người giận lên cái gì cũng dám làm, dám nói, không biết sợ gì cả. Thế nên phải luôn luôn đề phòng, gìn giữ, không để nóng giận chen vào tâm. Nóng giận là giặc cướp lớn nhất, cướp hết các công đức.
Người bạch y là cư sĩ, còn hưởng dục lạc thế gian, chưa phải người tu hành, không có pháp tự kềm chế, nên họ nóng giận còn có thể tha thứ. Người xuất gia hành đạo, không còn chạy theo ngũ dục mà còn ôm lòng sân giận thì không thể tha thứ. Tại sao? Vì sân từ tham mà ra, người thế gian còn tham danh, thích được khen nên khi bị chê thì họ dễ nổi nóng, người tu không còn tham danh, nghe chê sao lại nổi nóng? Người thế gian còn tham tiền bạc nên khi mất họ nổi sân, còn người tu bỏ lòng tham, mất thì thôi sao lại tức? Có tham thì nổi sân khi mất mát thiệt thòi còn tha thứ được, chứ đã bỏ lòng tham mà còn giận tức thì không thể nào chấp nhận được.
Phật thí dụ như trời trong xanh mà nổi sấm chớp là điều không hợp lý, sấm chớp chỉ có khi có mây mù. Như kẻ phàm phu ở thế gian, tâm họ còn tham lam nên còn nổi sân như trời có mây mù nên nổi sấm chớp thì hợp lý. Còn người tu đã bỏ tham dục mà còn nổi sân ví như trời trong không mây mà nổi sấm chớp là điềm bất tường, kỳ quái. Người tu mà nổi nóng là điều kỳ quái, bất tường, không thể tha thứ được. Bài kinh này Phật dạy thật là chí lý!