Kinh Di Giáo giảng giải

Dạy "Bỏ tâm cong vạy"



Chánh văn: 

Tỳ-kheo các ông! Tâm cong vạy cùng với đạo trái nhau. Thế nên phải có tâm chân chất ngay thẳng. Phải biết tâm cong vạy chỉ là dối trá, người vào đạo không nên có. Thế nên các ông tâm phải đoan chính, lấy chân chất ngay thẳng làm gốc. 

Giảng:

Tâm siểm khúc là tâm dối nịnh hay cong vạy cùng với đạo trái nhau, thế nên phải có tâm chân chất ngay thẳng. Phải biết rằng tâm cong vậy chỉ là dối trá, người vào đạo không thể có được, vì người dối trá không thể vào đạo. Tỳ-kheo tâm phải chân chính, lấy chất trực ngay thẳng làm gốc. Phật dạy phải luôn luôn giữ tâm ngay thẳng chân chất nghĩ sao nói vậy, tâm miệng không hai, nên kinh nói trực tâm thị đạo tràng. Tâm ngay thẳng là đạo tràng. Muốn tâm ngay thẳng phải lấy việc giải thoát làm trên, không nghĩ gì khác. Tâm cong vạy dối trá là thấy hoặc nghĩ thế này nhưng lại nói ra thế khác, hoặc thấy thế này tính thế khác, làm cho điên đảo không đúng sự thật. Hoặc là đối với người có quyền thế, mình chiều uốn theo, đó là trái với đạo. Tâm phải luôn luôn ngay thẳng chân chất, đó là gốc để mình đến với đạo.

Người tu phải ngay thẳng chân chánh, nghiêm chỉnh ít nói, khi cần nói thì nói đàng hoàng. Nếu chiều lòng người thì người ta dở mình không dám nói, sợ người ta buồn, chính tâm đó là trái với đạo. Người tu đừng bao giờ cong vạy, lúc nào cũng phải ngay thẳng. Tâm ngay thẳng tức là đạo tràng, đạo không ở đâu xa, nghĩ quanh co chừng nào càng xa đạo chừng nấy.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.