Chánh văn:
Tỳ-kheo các ông! Đối với các công đức thường phải nhất tâm bỏ các phóng dật như tránh bọn giặc dữ. Đức Thế Tôn đại bi nói những điều lợi ích đều đã rốt ráo hết rồi, các ông chỉ phải siêng năng thực hành. Hoặc ở chỗ núi non, hoặc ở nơi đầm vắng, hoặc ở dưới gốc cây, hay yên ở trong tịnh thất, phải nhớ giáo pháp đã thọ chớ để quên mất, thường tự gắng gổ tinh tấn tu hành, không để trôi qua một đời đến chết, rồi sau có các hối hận. Ta cũng như vị thầy thuốc giỏi biết bệnh nói thuốc, uống hay không uống chẳng phải lỗi của thầy; lại cũng như người dẫn đường giỏi, chỉ người con đường tốt, nghe mà không đi chẳng phải lỗi tại người chỉ đường.
Giảng:
Tỳ-kheo đối với các công đức thường phải nhất tâm bỏ các phóng dật như bỏ bọn giặc dữ. Nghĩa là phải nhất tâm nhớ nghĩ giáo pháp đang tu, đừng buông lung, phóng túng tâm. Ngồi chơi giỡn cười nói chuyện với nhau hàng giờ chính là buông lung. Phải đem hết tâm niệm vào trong một pháp gọi là nhất tâm, phải sợ sự buông lung như sợ bọn giặc dữ.
Đức Thế Tôn đại bi nói những điều lợi ích đều đã rốt ráo hết rồi. Tôi nhắc lại Phật sắp Niết-bàn mà vẫn gọi đệ tử lại dạy, nhắc nhở rằng Ta đã nói hết những điều lợi ích với các ông rồi, các ông chỉ phải siêng năng thực hành. Hoặc là ở chốn núi rừng, hoặc ở nơi đầm vắng, ở dưới gốc cây, hoặc ở trong nhà yên tịnh, phải nhớ pháp mình đã thọ chớ để quên mất, thường phải tự gắng gổ tinh tấn tu hành không để một đời trôi qua suông đến chết, rồi sau hối hận.
Phật nói: Ta cũng như vị thầy thuốc giỏi biết bệnh nói thuốc, uống hay không uống chẳng phải lỗi của thầy. Đã được Phật chỉ bệnh, cho thuốc rồi, mà không chịu uống rồi nói người ta tu giải thoát còn tôi tu hoài không giải thoát. Điều đó không nên trách Phật, lỗi không phải tại Phật mà tại mình không chịu uống thuốc thì làm sao hết bệnh? Uống hay không uống chẳng phải lỗi tại thầy thuốc mà tại kẻ bị bệnh. Đó là thí dụ thứ nhất.
Lại cũng như người dẫn đường giỏi, chỉ người con đường tốt, nghe mà không đi chẳng phải lỗi tại người chỉ đường. Như chúng ta muốn đến chợ, người chỉ đường chỉ đi con đường này, đường này… hết sức rành rẽ, nhưng nghe rồi mình để đó không đi. Như vậy không đến được chợ là tại người chỉ đường hay tại mình nghe mà không chịu đi? Từ trước tới giờ Phật dạy chúng ta cách trị từng bệnh từng bệnh, như bệnh tham trị cách nào, bệnh sân trị cách nào, bệnh lười biếng trị cách nào, bệnh không trí tuệ trị cách nào v.v… mỗi mỗi đều chỉ hết, bây giờ mình phải tự cố gắng theo lời Phật dạy để tu hành.
Phải nhớ Phật là thầy thuốc biết bệnh chỉ thuốc, chúng ta phải uống thuốc thì mới hết bệnh. Nếu mỗi ngày chỉ đọc toa hay cứ đến thầy thuốc lạy lục cầu xin cho hết bệnh mà không chịu uống thuốc thì có hết bệnh không? Giống như người tu mỗi ngày hai ba thời đem kinh ra đọc mà những gì Phật dạy không chịu thực hành, gặp tham thì tham, gặp sân thì sân… thì có hết phiền não không? Hoặc ngày đêm đến trước Phật thắp hương lễ lạy cầu nguyện cho tâm luôn an ổn, hết phiền não khổ sở mà đối duyên xúc cảnh cứ gặp đâu chấp đó thì làm sao tâm an được? Thế nên người tu phải tránh hai lỗi này, một là chỉ đem toa thuốc ra đọc, hai là cầu xin thầy thuốc ban cho hết bệnh mà không chịu uống thuốc. Hoặc muốn đến nơi nào đó, người chỉ đường đã chỉ giùm con đường tốt, mình không chịu đi thì làm sao đến nơi được. Không chịu tu mà cầu Phật độ cho hết khổ sanh già bệnh chết, được Niết-bàn an ổn thì có được không?
Phải nhớ Phật chỉ là ông thầy thuốc giỏi, là người chỉ đường hay chứ không phải ông thần, đem phẩm vật tới cúng để cầu xin việc này việc kia, làm như vậy là sai lời Phật dạy, là phỉ báng Phật. Bài này Phật đã khẳng định ngài chỉ là thầy thuốc, là người chỉ đường, chúng ta phải hiểu cho đúng, đừng lầm nghĩ Phật là ông thần muốn cầu gì cũng được.
Trang trước | Mục lục | Trang sau |