Kinh Di Giáo giảng giải

Dạy "Ít ngủ"



Chánh văn: 

Tỳ-kheo các ông, ban ngày thì siêng năng tu tập các pháp lành không nên để mất thì giờ, đầu hôm và khuya cũng chớ bỏ bê, giữa đêm tụng kinh để tự tiêu tức, không vì nhân duyên ngủ mê khiến cho một đời trôi qua, không được gì! Phải nghĩ nhớ ngọn lửa vô thường đốt cả thế gian mà mau cầu tự độ, chớ có ngủ nghỉ. Các giặc phiền não thường rình giết người hơn kẻ oan gia, đâu thể ngủ mê không tự tỉnh ngộ? Rắn độc phiền não ngủ trong tâm các ông, như rắn rít đang ngủ trong nhà các ông. Các ông phải lấy cây móc trì giới đuổi nó ra, khi rắn ngủ ra rồi, mới có thể ngủ yên. Nếu nó chưa ra mà các ông ham ngủ, ấy là người không biết hổ thẹn. Trong các thứ trang sức, y phục hổ thẹn là bậc nhất. Hổ thẹn ví như móc sắt có thể kềm chế việc phi pháp của người. Thế nên Tỳ-kheo phải thường hổ thẹn, không được tạm quên. Nếu xa lìa hổ thẹn thì mất hết các công đức. Người có hổ thẹn thì có các pháp lành, nếu không biết hổ thẹn thì cùng với loài cầm thú không khác gì cả. 

Giảng:

Phật dạy Tỳ-kheo ban ngày phải siêng năng tu tập các pháp lành, không để mất thì giờ. Đầu hôm và khuya cũng chớ bỏ bê, giữa đêm phải tụng kinh để tự tiêu tức. Tiêu tức là dò thông tin tức trong tâm, nghĩa là xét xem hiện giờ tâm tịnh hay không, yên ổn hay không, tiến hay thối thế nào v.v… nên nói tự tiêu tức, không để nhân duyên ngủ mê khiến một đời trôi qua không được gì. Phải nghĩ nhớ ngọn lửa vô thường thiêu đốt cả thế gian, phải mau cầu tự độ chớ có ngủ mê. Các giặc phiền não thường rình giết người hơn kẻ oan gia, đâu thể ngủ mê không chịu tỉnh ngộ. Giặc phiền não rình giết mình còn hơn kẻ thù rình bên cạnh, làm sao có thể ngủ mê để nó giết mình sao! Phải gắng mà tỉnh ngộ!

Rắn độc phiền não còn ngủ trong tâm như rắn rít đang ngủ trong nhà, đâu thể nào nằm yên mê ngủ để nuôi lớn nó. Phải lấy cây móc trì giới đuổi nó ra, con rắn ngủ ra rồi thì mới an lòng ngủ, nghĩa là rắn phiền não ra khỏi tâm mình rồi thì mới ngủ yên được. Khi nào thấy nổi sân si thì biết con rắn phiền não đang ở trong tâm, phải ráng mà đuổi nó ra. Đuổi ra được rồi thì mặc tình ngủ, không còn sợ gì nữa.

Phật dạy những điều này rất thiết thực, chúng ta phải nhớ lời Phật dạy mà cố gắng vượt qua những bệnh tật của mình. Rắn độc phiền não còn chứa trong bụng, không chịu đuổi ra mà nằm ngủ thì thật là không biết hổ thẹn!

Phật dạy hổ thẹn là y phục trang sức bậc nhất. Tại sao? Như khi thọ giới Sa-di hoặc Tỳ-kheo, chúng ta đã hứa rõ ràng trước Phật, có chư tăng chư ni chứng minh, nếu hôm nào phạm lỗi mà không thấy hổ thẹn thì có tốt không? Lỡ phạm, thấy hổ thẹn vì trái với giới luật đã thọ, nên vội vàng sám hối, không dám làm nữa. Nhờ hổ thẹn mà chúng ta trở nên tốt hơn đẹp hơn, do đó nên nói hổ thẹn là y phục trang sức bậc nhất. Nếu cứ mặc kệ làm liều, ai nói gì cũng không xấu hổ, riết rồi tội lỗi tày trời.

Hổ thẹn giống như móc sắt hay kềm chế việc phi pháp của người. Khi định làm một việc gì trái đạo lý, nhờ hổ thẹn kềm lại mà không làm. Thế nên Tỳ-kheo phải thường hổ thẹn không được tạm quên. Nếu lìa hổ thẹn thì mất hết các công đức. Người có hổ thẹn thì có các pháp lành, người không biết hổ thẹn thì cùng với loài cầm thú không khác chút nào!

Như vậy bài kinh này có hai phần. Phần đầu Phật dạy bớt ngủ để tỉnh táo tu hành, ban ngày tu ban đêm cũng phải tu không để phí thì giờ. Lúc nào cũng phải tinh tấn tu hành, đừng để nhân duyên ngủ nghỉ làm mê tối qua một đời vô ích. Phần kế phải biết hổ thẹn, hổ thẹn là y phục trang sức bậc nhất. Không hổ thẹn giống như loài cầm thú, biết hổ thẹn thì có tất cả pháp lành. Đây là đoạn kinh thứ ba.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.