HÁN TẠNG
Chánh văn:
Tôi nghe như vầy: Một hôm, Phật đến Câu-lâu-sấu (Kurusu) ở tịnh thất thứ nhất của Bà-la-bà (Bhāradvāja). Sáng sớm, Thế Tôn đắpy mang bát vào thôn Kiếm-ma-sắt-đàm (Kammāsadhamma) thứ lớp khất thực. Thọ thực xong, quá ngọ, Thế Tôn dọn dẹp y bát, rửa tay chân, lấy tọa cụ vắt lên vai đi đến một rừng trú hành. Thế Tôn vào rừng kia đến dưới một cội cây, trải tọa cụ, ngồi kiết già. Vào lúc xế chiều, dị học Tu-nhàn-đề (Māgandiya) thong thả đi đến tịnh thất thứ nhất của Bà-la-bà. Dị học Tu-nhàn-đề trông thấy nơi tịnh thất thứ nhất có trải một tòa cỏ, dấu nằm nghiêng bên hông mặt, giống như sư tử nằm, giống như Sa-môn nằm, giống như người hạnh thanh bạch nằm. Tu-nhàn-đề thấy rồi hỏi:
Thất thứ nhất của Bà-la-bà, ai có tòa cỏ này nằm nghiêng hông mặt, giống như sư tử nằm, giống như Sa-môn nằm, giống như người hạnh thanh bạch nằm?
Phạm chí Bà-la-bà đáp:
– Tu-nhàn-đề! Có Sa-môn Cù-đàm con dòng họ Thích, bỏ dòng họ Thích, cạo bỏ râu tóc mặc áo ca-sa, chí tín bỏ nhà, không nhà học đạo, giác ngộ chánh giác vô thượng, tịnh thất thứ nhất này có tòa cỏ nằm nghiêng hông mặt như sư tử nằm, như Sa-môn nằm, như người hạnh thanh bạch nằm.
Giảng:
Nguyên nhân có bài kinh này là do đức Phật đến tịnh thất của Bà-la-bà, có lẽ mùa đông lạnh, nên trải cỏ nằm. Khi Phật đi rồi, dáng nằm còn in trên cỏ. Tu-nhàn-đề thấy bèn hỏi Bà-la-bà dáng nằm đó của ai mà giống dáng nằm của Sa-môn, Phạm chí. Bà-la-bà giới thiệu đó là đức Phật Thích-ca.
Chánh văn:
– Bà-la-bà! Nay tôi không muốn thấy mà thấy, không muốn nghe mà nghe. Nghĩa là tôi thấy chỗ nằm của Sa-môn Cù đàm. Vì cớ sao? Vì Sa-môn Cù-đàm kia là chỗ bại hoại, chỗ bại hoại không thể dùng.
Giảng:
Câu đó là câu mạt sát đức Phật. Ở đời khi nói không muốn thấy, không muốn nghe cái tên của ai đó, thì biết mức độ ghét đến cỡ nào. Tu-nhàn-đề không muốn thấy, không muốn nghe tên đức Phật mà bữa nay phải thấy phải nghe, là việc hết sức bực bội. Vì Sa-môn Cù-đàm đối với ông là kẻ bại hoại không thể dùng, là người bỏ đi. Sự ghét bỏ, chống đối của Tu-nhàn-đề quá cao, tưởng như không muốn gặp mặt Phật. Nghe vậy, Phạm chí Bà-la-bà xót ruột, mới khuyên:
Chánh văn:
Tu-nhàn-đề! Ông không nên đem việc này mắng Sa-môn Cù-đàm. Vì cớ sao? Vì Sa-môn Cù-đàm có nhiều trí tuệ, được tuệ dòng Sát-lợi, tuệ dòng Phạm chí, tuệ dòng cư sĩ, tuệ Sa-môn, nếu nói trí tuệ đều được thánh trí. Tu-nhàn-đề! Tôi muốn đem việc này thuật lại Sa-môn Cù-đàm được chăng?
Giảng:
Nghe Tu-nhàn-đề nói găng quá nên Bà-la-bà khuyên không nên mắng Sa-môn Cù-đàm như thế. Tôi sẽ thuật lại cho Sa-môn Cù-đàm nghe được không, Tu-nhàn-đề nói quả quyết hơn
Chánh văn:
– Bà-la-bà! Nếu muốn nói thì tùy ý ông nói, tôi không ngăn. Bà-la-bà! Nếu thấy Sa-môn Cù-đàm, tôi cũng nói như vậy. Vì cớ sao? Vì Sa-môn Cù-đàm là chỗ bại hoại, chỗ bại hoại không thể dùng.
Giảng:
Tu-nhàn-đề khẳng định như vậy không rút ý kiến. Chúng ta thấy cái tâm chống đối của ông ta tới cực độ.
Chánh văn:
Khi ấy, Thế Tôn đang ở trong rừng, do thiên nhĩ trong sạch hơn người, nghe Phạm chí Bà-la-bà với dị học Tu-nhàn-đề cùng luận việc này. Thế Tôn nghe rồi, đến xế chiều từ thiền định dậy, đi đến tịnh thất thứ nhất của Bà-la-bà, trải tọa cụ trên tòa cỏ, ngồi kiết-già.
Giảng:
Chúng ta nghe nói lén thì sao? Chắc là ngồi không yên, tâm tư đảo lộn. Phật do thiên nhĩ thông nghe Tu-nhàn-đề nói thế, nên xế chiều xả thiền tới nhà Bà-la-bà trải tòa ngồi.
Chánh văn:
Phạm chí Bà-la-bà trông thấy Thế Tôn trang nghiêm đẹp đẽ, như mặt trăng ở giữa các ngôi sao, ánh sáng vằng vặc như núi vàng, tướng tốt đầy đủ, oai thần vòi vọi, các căn lặng lẽ không có che ngại, thành tựu điều ngự, dứt tâm yên tịnh, thấy rồi tiến đến trước chỗ Phật, cùng thăm hỏi rồi lui ngồi một bên.
Giảng:
Đoạn này Bà-la-bà nhìn thấy nghi dung của đức Phật thật trang nghiêm tốt đẹp.
Chánh văn:
Thế Tôn hỏi:
– Bà-la-bà với dị học Tu-nhàn-đề cùng luận chỗ tòa cỏ này chăng?
Phạm chí Bà-la-bà đáp:
– Đúng thế, Cù-đàm! Tôi cũng muốn đem việc này thuật lại Sa-môn Cù-đàm, nhưng Sa-môn Cù-đàm chưa nghe nói đã tự biết. Vì cớ sao? Vì Như Lai đẳng chánh giác không chấp trước.
Thế Tôn cùng Phạm chí Bà-la-bà luận việc này, kế đó dị học Tu-nhàn-đề thong thả đi đến tịnh thất thứ nhất của Bà-la-bà.
Giảng:
Phật và Bà-la-bà đang nói về việc này thì Tu-nhàn-đề đi tới. Đây là phần mở đầu nói về nguyên nhân của kinh.
PĀLI TẠNG
Chánh văn:
Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Kuru, tại thị trấn của dân chúng Kuru tên Kammāssadhamma, trên thảm cỏ trong nhà lửa của một Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhāradvāja. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Kammāssadhamma để khất thực. Đi khất thực ở Kammāssadhamma xong, sau bữa ăn, trên đường đi khất thực về, Thế Tôn đi đến một khu rừng để nghỉ trưa, sau khi đi sâu vào khu rừng ấy, Thế Tôn đến ngồi dưới một gốc cây để nghỉ trưa.
Rồi du sĩ Magandiya, trong khi đi bộ ngao du cùng khắp đến tại ngôi nhà lửa của Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhāradvāja. Du sĩ Māgandiya thấy thảm cỏ đã dọn sẵn trong nhà lửa của vị Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhāradvāja, khi thấy vậy liền nói với Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhāradvāja:
– Tấm thảm cỏ này trong nhà lửa của tôn giả Bhāradvāja đã được sửa soạn cho ai, hình như chỗ nằm của một Sa-môn?
– Thưa tôn giả Magandiya, có Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Sakya (Thích-ca). Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về tôn giả Gotama: “Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn”. Chỗ nằm này được sửa soạn cho tôn giả Gotama ấy.
– Thật sự, này tôn giả Bhāradvāja, chúng tôi thấy một sự bất hạnh khi chúng tôi thấy chỗ ngủ của tôn giả Gotama, một vị phá hoại sự sống (bhunahuno).
– Này Magandiya, hãy thận trọng lời người nói, nhiều vương tộc trí giả, nhiều Bà-la-môn trí giả, nhiều cư sĩ trí giả, nhiều Sa-môn trí giả, có lòng tin nơi tôn giả Gotama ấy, và đã tu tập theo thánh đạo, theo pháp và theo trí thiện.
– Này tôn giả Bhāradvāja, nếu chúng tôi có thấy mặt tôn giả Gotama, chúng tôi sẽ nói như sau trước mặt vị ấy: “Sa-môn Gotama là người phá hoại sự sống. Vì sao vậy? Như vậy đã được truyền lại trong thánh điển của chúng tôi.
– Nếu tôn giả Māgandiya hoan hỷ, tôi sẽ tin lại sự tình này cho Sa-môn Gotama biết.
– Tôn giả Bhāradvāja hãy yên lòng và nói lên những điều gì đã được nói.
Thế Tôn với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân nghe được câu chuyện giữa Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhāradvāja và du sĩ Māgandiya. Và Thế Tôn vào buổi chiều, từ thiền định độc cư đứng dậy, đi đến nhà lửa của Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhāradvāja, sau khi đến liền ngồi trên thảm cỏ đã dọn sẵn. Rồi Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhāradvāja đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, nói những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhāradvāja đang ngồi một bên:
– Này Bhāradvāja, có phải cuộc nói chuyện giữa du sĩ Māgandiya với người về vấn đề thảm cỏ này?
Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Bhāradvāja hoảng hốt, lông tóc dựng ngược bạch Thế Tôn :
– Chính là điều chúng con muốn thưa với tôn giả Gotama và tôn giả Gotama đã đón trước chúng con.
Nhưng cuộc nói chuyện này giữa Thế Tôn và Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhāradvāja chưa xong, du sĩ Māgandiya, khi đi bộ ngao du cùng khắp, đến tại ngôi nhà lửa của Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhāradvāja, đến tại chỗ Thế Tôn, sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn nói với du sĩ Māgandiya đang ngồi một bên.
Giảng:
Đối chiếu thì có vài đoạn sai biệt nhỏ.
Đoạn nói khi Bà-la-bà nghe Tu-nhàn-đề nói ngài Gotama phá hoại sự sống… Pali tạng ghi Bhāradvāja tức Bà-la-bà liền nói: Hãy thận trọng lời người nói, nhiều vương tộc trí giả, nhiều bà-la-môn trí giả, có lòng tin nơi tôn giả Gotama ấy và đã tu tập theo thánh đạo, theo pháp và theo chí nguyện. Hán tạng thì nói: Vì Sa-môn Cù-đàm có nhiều trí tuệ được tuệ dòng Sát-lợi, được tuệ dòng Phạm chí, được tuệ dòng cư sĩ, được trí tuệ Sa-môn… như thế nói không rõ lắm. Pāli tạng nói rõ hơn.
Đoạn sau, Hán tạng có ghi khi Thế Tôn ngồi một chỗ thì Bà-la-bà thấy dáng Phật đáng kính trọng trang nghiêm, bên Pāli không có.
Khi Bà-la-bà bắt đầu muốn nói chuyện với đức Phật, Phật nói trước: Ông và Tu-nhàn-đề đã cùng bàn luận về tòa cỏ này phải chăng? Bà-la-bà thừa nhận phải, vì ông ta định nói lại cho Phật nghe nhưng chưa nói Phật đã nghe, vì Sa-môn Cù-đàm là bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Hán tạng diễn tả bình thường thôi, còn Pāli thì nói Bhāraduāja lông tóc dựng ngược, dường như trọng thần thông hơn, thấy thần thông là quý, sai biệt như thế.
HÁN TẠNG
Chánh văn:
Thế Tôn trông thấy dị học Tu-nhàn-đề bèn nói thế này:
– Tu-nhàn-đề không điều phục con mắt, không thầm gìn giữ, không tu ắt chịu khổ báo. Ông đối với tôi, do tôi khéo tự điều phục, khéo thầm gìn giữ, khéo tu, ắt được lạc báo. Tu-nhàn-đề! Ông nhân đây nên nói Sa-môn Cù-đàm là chỗ bại hoại, bại hoại không thể dùng chăng?
Dị học Tu-nhàn-đề đáp:
– Đúng thế, Cù-đàm!
Giảng:
Khởi đầu cuộc đối thoại, Phật bắt Tu-nhàn-đề xác nhận lập trường rõ ràng. Ngài nói; Tu-nhàn-đề, không điều phục con mắt, không thầm gìn giữ, không tu ắt chịu khổ báo, Ông đối với tôi, do tôi khéo tự điều phục, khéo tự thầm gìn giữ. Khéo tu, ắt được lạc báo. Tu nhàn-đề, ông nhân đây nên nói Sa-môn Cù-đàm là chỗ bại hoại, bại hoại không thể dùng được chăng?
Chỗ này đúng ra phải nói như vầy: Tu-nhàn-đề, do ông không điều phục mắt, không gìn giữ, không khéo tu, tức là để mắt đuổi theo sắc. Tôi thì điều phục mắt, hạn chế không cho mắt đuổi theo sắc. Ông cho mắt đuổi theo sắc là hạnh phúc, tôi điều phục không cho mắt đuổi theo sắc là bại hoại, phải không? Tu-nhàn-đề xác nhận đúng vậy.
Chánh văn:
Thế Tôn bảo:
– Tu-nhàn-đề! Như thế tai, mũi, lưỡi, thân không điều phục, ý không thầm gìn giữ, không tu ắt chịu khổ báo. Ông đối với tôi, do tôi khéo tự điều phục, khéo thầm gìn giữ, khéo tu ắt được lạc báo. Tu-nhàn-đề! Ông nhân đây nên nói Sa-môn Cù-đàm là chỗ bại hoại, chỗ bại hoại không thể dùng chăng?
– Đúng thế, Cù đàm!
Giảng:
Tóm lại đoạn này đức Phật muốn Tu-nhàn-đề xác nhận lập trường cho đức Phật là bại hoại: Ông cho rằng thụ hưởng ngũ dục mắt thấy sắc, tai theo thanh, mũi theo hương, lưỡi theo vị, thân theo xúc là hạnh phúc. Nếu ngăn cấm, điều phục không theo ngũ dục là bại hoại phải không? Tu-nhàn-đề chấp nhận. Lập trường hai bên đã rõ ràng rồi. Lý luận mà không có lập trường, cãi một hồi không biết ai đúng ai sai. Đầu tiên Phật nói có tính cách chung.
Chánh văn:
– Tu-nhàn-đề! Ông nghĩ sao? Nếu người trước kia chưa xuất gia học đạo, mắt thấy sắc yêu mến, ý vui thích cùng dục tương ưng, thời gian sau người kia bỏ mắt thấy sắc, cạo bỏ râu tóc mặc áo ca-sa, chí tín bỏ nhà không nhà học đạo, kia thấy sắc tập, vị, hoạn, xuất yếu đúng như thật, trong dứt tâm không duyên theo. Kia nếu thấy người chưa lìa sắc dục, bị sắc đó nuốt sống, bị sắc thiêu đốt, họ thấy sắc yêu mến ý ưa thích cùng dục tương ưng, kia thấy rồi không khen nó, không thích nó. Tu-nhàn-đề! Ông nghĩ sao? Nếu có cái vui nhân các sắc, khi cái vui thấy là thấp kém nên không khen nó, thấp kém nên không thích nó. Tu-nhàn-đề! Đối với việc đó có gì nói chăng?
– Không, Cù đàm.
– Tu-nhàn-đề! Ông nghĩ sao? Nếu người trước kia chưa xuất gia học đạo, như thế, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết xúc yêu mến ý vui thích tương ưng với dục. Thời gian sau, kia bỏ thân biết xúc, cạo bỏ râu tóc mặc áo ca-sa, chí tín bỏ nhà, không nhà học đạo, thân biết xúc tập, diệt, vị, hoạn, xuất yếu, thấy đúng như thật, trong dứt tâm không duyên theo. Kia thấy người chưa lìa xúc dục, bị xúc nuốt sống, bị xúc thiêu đốt, thọ thân biết xúc yêu mến ý vui thích tương ưng với dục, kia thấy rồi không khen nó, không thích nó. Tu-nhàn-đề! Ông nghĩ sao? Nếu thấy cái vui nhân ái, nhân xúc này, khi vui cái vui này là thấp hèn không khen nó, thấp hèn nên không thích nó. Tu-nhàn-đề! Đối với việc đó có gì nói chăng?
– Không, Cù đàm.
– Tu-nhàn-đề! Ông nghĩ sao? Nếu người trước kia chưa xuất gia học đạo đối với công dụng năm dục yêu mến ý vui thích tương ưng với dục. Thời gian sau, kia bỏ công dụng năm dục, cạo bỏ râu tóc mặc áo ca-sa, chí tín bỏ nhà không nhà học đạo. Công dụng năm dục tập, diệt, vị, hoạn, xuất yếu, kia thấy đúng như thật, trong dứt tâm duyên theo. Nếu thấy người chưa lìa dục, bị dục nuốt sống, bị dục thiêu đốt, đối công dụng năm dục yêu mến, ý vui thích tương ưng với dục, kia thấy rồi không khen nó, không thích nó. Tu-nhàn-đề! Ông nghĩ sao? Nếu có cái vui nhân dục nhân ái dục này, khi vui cái vui này là thấp hèn nên không khen nó, thấp hèn nên không thích nó. Tu-nhàn-đề! Đối với việc này có gì nói chăng?
– Không, Cù-đàm.
Giảng:
Phật nói ngày xưa có người trước hưởng đầy đủ ngũ dục, sau chán ngũ dục đi tu. Nhân đi tu rồi biết được sắc dục, sắc tập, sắc vị, sắc hoạn, sắc xuất yếu. Rồi thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng biết đúng như vậy. Khi biết đúng như vậy, thấy người nào còn đắm mê ngũ dục, họ cho người đó là thấp kém, không khen, không thích. Việc họ không khen không thích đó ông có gì nói không? Tu-nhàn-đề trả lời là: “không, không có gì để nói”. Như vậy ngầm chấp nhận là hợp lý. Trước do mê ngũ dục sau bỏ ngũ dục đi tu, thấy rõ bản chất của ngũ dục, biết ngũ dục là tai họa, biết ngũ dục là xấu xa, nên người ta không thích. Bởi không thích, biết đó là thấp kém nên không khen. Đó là Phật nói chung.
Chánh văn:
– Tu-nhàn-đề! Tôi khi xưa chưa xuất gia học đạo được công dụng năm dục rất dễ không khó, yêu mến ý vui thích, tương ưng với dục. Thời gian sau, tôi bỏ công dụng năm dục, cạo bỏ râu tóc mặc áo ca-sa chí tín bỏ nhà không nhà học đạo. Công dụng năm dục tập, diệt, vị, hoạn, xuất yếu, tôi thấy như thật, trong dứt tâm không duyên theo. Tôi thấy người chưa lìa dục, bị dục nuốt sống, bị dục thiêu đốt, đối công dụng yêu mến, ý vui thích tương ưng với dục, thấy rồi tôi không khen nó, tôi không thích nó. Tu-nhàn-đề! Ông nghĩ sao? Nếu có cái vui nhân dục, nhân dục ái này, khi vui cái vui này là thấp hèn nên không khen nó, thấp hèn nên không thích nó. Tu-nhàn-đề! Đối với tôi có gì nói chăng?
– Không, Cù đàm.
Giảng:
Trước kia Phật là thái tử hưởng ngũ dục đầy đủ, bỏ ngũ dục đi tu, thấy năm dục đó đúng như thật, ngài bỏ nó. Thấy ai còn mê ngũ dục, bị ngũ dục thiêu đốt, ngài cho đó là thấp hèn. Như vậy đối với ngài, Tu-nhàn-đề có gì nói không? Tu-nhàn-đề nói không, tức là chấp nhận.
Chánh văn:
– Tu-nhàn-đề! Ví như cha con nhà cư sĩ rất giàu có tiền của vô lượng, nhiều súc vật, phòng hộ thực ấp, các vật dụng cần thiết dư dả, họ được năm dục rất dễ, họ thành tựu hạnh lành nơi thân, hạnh lành nơi miệng, ý, khi sắp chết không chịu bỏ công dụng năm dục, chết rồi được tiến lên chỗ lành, sanh trên cõi trời đầy đủ công dụng năm dục. Tu-nhàn-đề! Cha con vị trời này chịu bỏ công dụng năm dục ở cõi trời, ưa thích công dụng năm dục ở nhân gian chăng?
– Không, Cù-đàm.
Vì cớ sao? Vì năm dục ở nhân gian là hôn ám bất tịnh, ý rất chán ghét không chịu nổi, tranh giành rất khổ. Cù-đàm! Đối năm dục ở nhân gian, năm dục ở cõi trời là tối thượng, tối diệu, tối thắng. Nếu cha con vị trời kia bỏ công dụng năm dục trên trời, ưa thích năm dục ở nhân gian, trọn không có lý.
Giảng:
Cha con người nhà giàu được hưởng ngũ dục đầy đủ, họ lại biết tu; khẩu hành thiện, thân hành thiện, ý hành thiện. Khi tu ba nghiệp thiện mà tâm mến dục vẫn còn nên chết sanh lên cõi trời hưởng ngũ dục. Nhìn lại trần gian, hai cha con ông ta còn thích ngũ dục trần gian không? Tu-nhàn-đề trả lời là không. Vì ngũ dục trần gian là hôn ám, nhớp nhúa, ngũ dục ở cõi trời là thanh tịnh là tối thắng tối diệu.
Chánh văn:
– Như thế, Tu-nhàn-đề! Tôi dứt năm dục ở nhân gian, vượt qua năm dục ở cõi trời, cạo bỏ râu tóc mặc áo ca-sa, chí tín bỏ nhà không nhà học đạo. Công dụng năm dục kia tập, diệt, vị, hoạn, xuất yếu, đối công dụng năm dục yêu mến, ý vui thích tương ưng với dục. Thấy rồi, tôi không khen nó, tôi không thích nó. Tu-nhàn-đề! Ông nghĩ sao? Nếu có cái vui nhân dục, nhân dục ái này, khi vui cái vui này là thấp hèn nên tôi không khen nó, thấp hèn nên tôi không thích nó. Tu-nhàn-đề! Đối với tôi có gì nói chăng?
– Không, Cù đàm.
Giảng:
Đức Phật thật khéo. Ban đầu ngài nói ngũ dục nhân gian thôi. Thấy được lẽ thật ngài chán nên bỏ nó. Kế đó nói tới ngũ dục cõi trời. Tu-nhàn-đề cho đó là thắng diệu. Nhưng ngài chê luôn ngũ dục cõi trời. Dục nhân gian tôi đã qua, dục cõi trời tôi đã bỏ. Tôi đi tu vượt qua mọi dục cõi trời vì tôi không thích, tôi chê ngũ dục đó. Vậy đối với tôi có gì nói không? Không. Vậy là Tu-nhàn-đề chấp nhận ngũ dục cõi người là thấp kém, dục cõi trời thắng diệu mà Phật cũng chê luôn vì thấy đúng như thật nó thấp hèn. Tu-nhàn-đề cũng chấp nhận, không có gì chống đối.
Ở đây có mấy chữ quan trọng là: tập, diệt, vị, hoạn, xuất yếu. Bởi vì thường thường trong ngũ dục mình phải biết rõ năm cái này. Sắc thì có sắc tập, sắc diệt, sắc vị, sắc hoạn, sắc xuất yếu. Thanh, hương, vị, xúc cũng vậy. Tôi thí dụ tầm thường thôi. Như về vị thuộc lưỡi. Có thức ăn, chúng ta biết ngon là do đâu mà biết? Một là do có lưỡi, hai là do thức ăn, ba là thức phân biệt. Như vậy lưỡi, thức ăn và thức phân biệt, ba cái họp lại mới gọi là vị, biết thức ăn đó ngon hay dở. Tập là họp lại. Ba cái họp lại, nếu thiếu một còn biết không? Thức ăn vừa nhai qua rồi nuốt. Lúc đó lưỡi với thức phân biệt có biết ngon nữa không? Thiếu một cái thì hết vị, gọi đó là vị diệt. Vị vị, thí dụ bốn người ngồi ăn một mâm, trong đó có một dĩa thức ăn đặc biệt, một người gắp vô miệng ăn thấy ngon, lưỡi thích nên gắp thêm đũa thứ hai rồi tới đũa thứ ba… Dục vị thúc ta tìm kiếm cái thích thú, muốn đòi hoài. Mà nếu thích thú, tìm kiếm thì đi đến cái gì? Đến dục hoạn. Nghĩa là thấy ngon cứ gắp hoài. Khi ba người kia muốn gắp thì dĩa đã hết, họ nhìn mình với con mắt không cảm tình. Từ dục vị đi đến dục hoạn.
Thế nào là dục xuất yếu? Xuất yếu là lối ra cấp bách. Chúng ta biết món ngon có hai bản chất. Một là do hợp lại mới biết, đó là hư dối. Trước nó không có, đợi đủ duyên mới có, thì cái đó không thật. Thứ hai, vị ngon dở ở lưỡi một chút rồi hết. Nó không còn lâu dài, là vô thường. Biết rõ bản chất nó là giả dối, là vô thường, không mê, không đắm, nghĩa là dục vị không đáng ưa thích nên bỏ. Đó là xuất yếu. Cái khổ của những dục, khi thụ hưởng người ta không nhớ, chỉ nhớ vị ngọt thôi nên mê lầm. Nhưng đức Phật thấy rất rõ.
Một thí dụ khác, như buổi sáng nào đó ở dưới bếp nấu hủ tiếu ngon. Chúng có bốn mươi người, mà múc được ba mươi chín tô, Tri khố để cho người cuối mấy củ khoai lang. Ngồi ăn mấy củ khoai lang, nếu vị ấy là người nhẫn nhịn lắm trong khi ăn chắc cũng mắc nghẹn, nếu nhịn không nổi nữa nước mắt muốn trào. Như vậy là sao? Thực ra hủ tiếu và mấy củ khoai lang, cốt dùng để làm gì? Trị ghẻ đói. Bao tử đói, bào bọt chịu không nổi nên phải dồn vô cho hết đói, chủ yếu là như vậy. Ngon dở chỉ có chút ở lưỡi thôi mà ăn mấy củ khoai lang thì tủi khổ. Nếu nhẫn nhịn lắm cũng vừa ăn vừa rơi nước mắt. Không thì vừa ăn vừa dằn mâm dằn chén, nói tại sao như vậy. Đó là dục hoạn. Chỉ như thế mà chịu không nổi huống là những thứ khác. Dục hoạn, nếu xét kỹ thì khổ vô cùng.
Năm thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc quay người ta điên đảo. Trẻ trẻ thì chạy theo sắc. Nếu không dùng trí thấy đúng như thật, nó sẽ thúc giục, xúi bảo mình điên đảo. Đó là tai họa. Như vậy mình phải biết rõ năm yếu tố tập, diệt, vị, hoạn, xuất yếu của năm dục, còn không thì bị nó lôi cuốn.
Chánh văn:
– Tu-nhàn-đề! Ví như người bị bệnh hủi, thân thể lở lói, bị trùng ăn, lấy tay quào, đến gần lửa hơ. Tu-nhàn-đề! Ông nghĩ sao? Nếu người bệnh hủi thân thể lở lói, bị trùng ăn, lấy tay quào, đến gần lửa hơ, như thế có thể trừ ngứa không hư cơ thể, được khỏi bệnh hủi, thân thể lành lặn bình phục như xưa chăng?
– Không, Cù-đàm. Vì cớ sao? Nếu người bị bệnh hủi thân thể lở lói, bị trùng ăn, lấy tay quào, đến gần lửa hơ, như thế lại thêm lở, những vết lở cũ càng lớn, nhưng người kia trái lại cho là vui.
Giảng:
Thí dụ như người bị cùi, thân lở lói ngứa chịu không nổi. Tự nhiên lấy tay quào, gãi đã ngứa. Gãi chưa đã ngứa thì kiếm đèn hoặc lửa hơ. Nhưng mà càng gãi thì những vết lở càng lở thêm tức là bệnh trầm trọng thêm. Khi bệnh càng trầm trọng thì khổ hay vui? Đây dụ cho sắc dục trần gian. Xưa nhiều người nghĩ nếu được làm vua thì thích thú biết mấy. Đủ tam cung, lục viện, bao nhiêu mỹ nữ hầu hạ. Nhưng có ông vua nào sống tới sáu mươi, bảy mươi tuổi không? Đa số là bốn mươi mấy, năm mươi mấy tuổi chết. Tại sao? Càng nhiều người hầu càng chết sớm, đi tới tự sát mà không biết, lại cho đó là hạnh phúc. Chạy theo dục lạc chẳng khác nào bị bệnh hủi, cứ gãi, cứ quào, tưởng như vậy là vui lắm. Không ngờ càng làm càng chết sớm, không lợi ích gì.
Ở đây có mấy chú cư sĩ, mỗi khi có gánh hát về Phước Thái, đêm nào cũng nhong nhóng muốn chạy đi xem. Xem một bữa đủ chưa? Chưa. Nếu gánh hát ở một tuần là muốn xem đủ một tuần. Nói xem một bữa mà xem rồi muốn xem nữa, xem hoài. Như vậy là chúng sanh không dừng được đối với năm dục, Tai, mũi, thân cũng như vậy. Tất cả cái dục của năm căn không có chỗ dừng, chạy theo đòi hỏi của nó thì bị nó thiêu đốt nuốt sống. Thỏa mãn dục là điều không bao giờ thực hiện được, chỉ từ khổ đến khổ mà thôi.
Như tay mình ngứa, xoa sơ một chút rồi lấy thuốc xức thì khả dĩ nó hết, chứ càng gãi cho đã ngứa thì lở càng to. Muốn hơ cho đã ngứa thì thêm bệnh. Đuổi theo thì không bao giờ cùng. Phật dùng hình ảnh người cùi quá rõ ràng. Cái vui của năm dục giống như cái vui của người cùi khi gãi ngứa. Không phải vui thật mà là cái khổ trá hình.
Chánh văn:
– Tu-nhàn-đề! Như người bệnh hủi thân thể lở lói bị trùng ăn, lấy tay quào, đến gần lửa hơ, như thế lại thêm lở, những vết lở cũ càng lớn, nhưng người kia trái lại cho là vui. Tu-nhàn-đề! Như thế, chúng sanh chưa lìa dục bị ái nuốt sống, bị dục thiêu đốt, mà hành dục. Tu-nhàn-đề! Như thế, chúng sanh chưa lìa dục, bị ái dục nuốt sống, bị dục thiêu đốt, mà hành dục, như thế dục càng thêm nhiều, ái dục càng rộng, nhưng kia trái lại cho ái dục là vui. Kia nếu không dứt dục, không lìa dục ái, mà ở trong dứt tâm đã hành, sẽ hành và đang hành, trọn không có lý. Vì cớ sao? Vì đây không phải đạo lý đoạn dục, lìa dục ái. Nghĩa là hành dục.
Giảng:
Cũng như khuyên người đừng uống rượu, uống rồi sau ghiền nguy lắm. Họ trả lời: Tôi uống thì uống chứ đâu có say, đâu có ghiền. Thuốc cũng hút thì hút đâu có ghiền. Tôi theo ngũ dục chơi chứ đâu có nhiễm. Làm gì có chuyện đó! Nếu họ không quyết tâm dứt thì sẽ nhiễm, chứ không thể nói dối như vậy được.
Chánh văn:
– Tu-nhàn-đề! Ví như vua và đại thần được ngũ dục dễ không khó, kia nếu không đoạn dục, không lìa dục ái, trong dứt tâm đã hành, sẽ hành, đang hành, trọn không có lý. Vì cớ sao? Vì đây không phải là đạo lý đoạn dục. Nghĩa là hành dục. Như thế, Tu-nhàn-đề! Chúng sanh chưa lìa dục, bị ái dục nuốt sống, bị dục thiêu đốt, mà hành dục. Tu-nhàn-đề! Nếu chúng sanh chưa lìa dục, bị ái dục nuốt sống, bị dục thiêu đốt, mà hành dục, như thế dục càng thêm nhiều, dục ái càng rộng, nhưng kia trở lại cho dục là vui. Kia nếu không đoạn dục, không lìa dục ái, trong dứt tâm đã hành, sẽ hành, đang hành, trọn không có lý. Vì cớ sao? Vì đây không phải đạo lý đoạn dục, lìa dục ái. Nghĩa là hành dục.
Giảng:
Người không lìa dục mà nói trong tâm tôi nó dứt rồi, tâm đã hành, đang hành, sẽ hành dứt hết, nói như vậy là vô lý. Vì họ đang hành dục.
Chánh văn:
Tu-nhàn-đề! Ví như người bệnh hủi thân thể lở lói, bị trùng ăn, lấy tay quào, lại gần lửa hơ, có người vì thương xót họ cầu lợi ích, cầu an ổn khoái lạc đem cho thứ thuốc rất hay, cho thuốc hay rồi, có công dụng trừ bệnh không hư các bộ phận, được khỏi bệnh hủi, thân thể lành lặn, bình phục như xưa. Kia nếu thấy người có bệnh hủi thân thể lở lói, bị trùng ăn, lấy tay quào, lại gần lửa hơ. Tu-nhàn-đề! Người kia thấy rồi, ý vui vẻ khen ngợi chăng?
– Không, Cù-đàm. Vì cớ sao? Vì có bệnh cần thuốc, không bệnh chẳng cần.
Tu-nhàn-đề! Ông nghĩ sao? Nếu người bệnh hủi kia trị được lành, các bộ phận lành lặn, đã khỏi bệnh hủi, thân thể mạnh khỏe bình phục như xưa, trở về chỗ mình, có hai lực sĩ nắm bắt người kia đem hơ lửa. Khi ấy, người kia kinh sợ né tránh thân nghe nóng rát. Tu-nhàn-đề! Ông nghĩ sao? Lửa này nay sao lại nóng, khổ lớn đáng sợ hơn ngày trước?
– Không, Cù-đàm! Người kia trước bị bệnh hủi thân thể lở lói, vi trùng ăn, lấy tay quào, đến gần lửa hơ, kia đối khổ lớn lại tưởng là vui, tâm họ mê loạn nên có tưởng điên đảo.
Giảng:
Người bệnh đã bình phục rồi, da thịt liền lại, nếu có ai bắt hơ lửa thì họ thế nào? Sợ. Hồi xưa còn bị bệnh hủi, gãi, hơ lửa thì thích. Hết bệnh rồi ai mà đem hơ lửa là khổ. Thí dụ khi chúng ta chưa tu, ăn thịt ăn cá. Khi ăn thịt ăn cá, ngon không, thơm không? Ngon thơm béo. Đi tu khoảng mười năm về sau, ai dọn thịt cá lên nghe tanh quá. Vậy thịt cá ngày xưa và thịt cá bây giờ có khác không? Mà sao xưa nghe thơm mà bây giờ nghe tanh? Xưa còn mê ăn mặn, thích ăn mặn, cái gì tầm phào ăn cũng ngon nữa, ăn nhiều cái thấy ghê gớm mà cũng ăn. Bây giờ đi tu rồi thấy ai ăn như vậy là mình sợ.
Cũng một sự việc khi tỉnh khác khi mê. Khi mê thì thấy nó ngon, vui, tỉnh thấy nó không ngon, khổ. Cũng vậy, người còn dục, thấy dục họ say mê. Người lìa dục rồi, thấy dục họ sợ họ gớm. Rõ ràng như vậy. Ai thấy theo năm dục là vui, đó là mê, là điên đảo. Khổ tưởng là vui. Phật quở chúng sanh điên đảo là ở chỗ này. Chúng ta là người không bệnh, là thầy thuốc, thấy người bệnh, ngứa mà quào, hơ lửa như vậy, khen hay chê? Chê. Cái làm cho bệnh tăng mà người bệnh cho đó là vui, đó là thấy điên đảo. Chúng sanh chạy theo năm dục cũng giống như vậy. Việc không có giá trị, hôn ám, bất tịnh mà thấy là vui là thích, không phải ngu si là gì? Khi tỉnh rồi thấy nó là hôn ám, bất tịnh, cho nên không theo, ai lôi mình tới đó mình cũng la nữa. Cái khác của người tỉnh và người mê ở chỗ đó. Tỉnh rồi mới thấy đúng như thật, khi mê thì thấy điên đảo.
Chánh văn:
– Tu-nhàn-đề! Như người bệnh hủi thân thể lở lói, bị trùng ăn, lấy tay quào, lại gần lửa hơ, kia đối khổ lớn lại tưởng là vui, tâm họ mê loạn nên có tưởng điên đảo. Như thế, Tu-nhàn-đề! Chúng sanh không lìa dục, bị dục ái nuốt sống, bị dục thiêu đốt, mà hành dục, kia đối với khổ dục có tưởng là lạc, tâm họ mê loạn nên có tưởng điên đảo. Tu-nhàn-đề! Ví như người kia trị bệnh được lành, không hư các bộ phận, đã khỏi bệnh hủi, thân thể mạnh khỏe bình phục như xưa, lại về chỗ cũ. Kia đối khổ lớn tưởng tướng khổ, tâm họ thối nhiên không tưởng điên đảo.
Giảng:
Bây giờ hết bệnh rồi họ thấy khổ biết là khổ, không còn điên đảo nữa.
Chánh văn:
Như thế, Tu-nhàn-đề! Tôi đối khổ dục có tưởng khổ dục được đúng như thật không tưởng điên đảo.
Vì cớ sao? Tu-nhàn-đề! Thời quá khứ dục là hội hám nhơ nhớp, ý rất chán ghét không thể nghĩ đến, chán chê chạm phải khổ; vị lai, hiện tại dục cũng là hôi hám nhơ nhớp, ý rất chán ghét không thể nghĩ đến, chán chê chạm phải khổ. Tu-nhàn-đề! Như Lai đẳng chánh giác không chấp trước nói: “Không bệnh lợi bậc nhất, Niết-bàn vui bậc nhất.”
Giảng:
Dục quá khứ khổ, hiện tại cũng khổ, vị lai cũng khổ. Người quá khứ bệnh, thấy dục là vui; hết bệnh thấy dục là khổ. Chứ sự thật quá khứ khổ, hiện tại khổ, vị lai cũng khổ. Không phải trước khổ bây giờ vui, hay bây giờ vui sau khổ. Bản chất nó không đổi, cũng như cá tôm không phải trước không tanh bây giờ mới tanh, tùy theo chỗ tỉnh mê mà khác. Tu-nhàn-đề cho dục là vui, như vậy là kẻ mê loạn điên đảo, Phật thấy được dục là khổ, là chán ghét v.v.. Tới đây kết thúc thấy rõ lý đức Phật đưa ra đã hạ Tu-nhàn-đề một cách xác đáng. Tu-nhàn-đề đuối lý, bị nhiếp phục.
PĀLI TẠNG
Chánh văn:
– Này Magandiya, con mắt ưa thích sắc, ái lạc sắc, hoan hỷ sắc, và Như Lai nhiếp phục, thủ hộ, hộ trì con mắt và thuyết pháp để phòng hộ con mắt. Này Māgandiya, có phải vì vậy mà người nói: Sa-môn Gotama là người phá hoại sự sống.
– Chính vì vậy, tôn giả Gotama mà tôi nói: “Sa-môn Gotama phá hoại sự sống”. Vì sao vậy? Như vậy đã được truyền lại trong thánh điển của chúng tôi.
– Này Magandiya, tai ưa thích tiếng…. Này Magandiya, mũi ưa thích hương… Này Magandiya, lưỡi ưa thích vị… Này Māgandiya, thân ưa thích xúc… Này Magandiya, ý ưa thích pháp, ái lạc pháp, hoan hỷ pháp và Như Lai nhiếp phục, thủ hộ, hộ trì ý và thuyết pháp để phòng hộ ý. Này Magandiya, có phải vì vậy mà ông nói: Sa-môn Gotama là người phá hoại sự sống?
– Chính vì vậy, tôn giả Gotama mà tôi nói: “Sa-môn Gotama là người phá hoại sự sống”. Vì sao vậy? Như đã được truyền lại trong thánh điển của chúng tôi.
– Ông nghĩ thế nào, này Māgandiya? Ở đây có người trước kia đam mê các sắc pháp do mắt nhận thức, các sắc pháp này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Người ấy sau một thời gian, sau khi chân biết được sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các sắc pháp, sau khi đoạn tận sắc ái, sau khi trừ diệt nhiệt não đối với sắc pháp, người này trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Này Magandiya, ông có nói gì về người này?
– Không có gì, tôn giả Gotama.
Ông nghĩ thế nào, này Magandiya, ở đây có người trước kia đam mê các tiếng do tai nhận thức, các hương do mũi nhận thức, các vị do lưỡi nhận thức, các xúc do thân nhận thức, các xúc này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục hấp dẫn. Người ấy sau một thời gian, sau khi như chân biết được sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các xúc, sau khi đoạn tận xúc ái, sau khi trừ diệt nhiệt não đối với các xúc, người này trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Này Māgandiya, ông có nói gì về người này?
– Không có gì, tôn giả Gotama.
Này Magandiya, ta thuở trước, khi còn tại gia, ta sống hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn, năm dục trưởng dưỡng, các sắc pháp do mắt nhận thức, các sắc pháp này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức… (như trên).. các hương do mũi nhận thức… (như trên)… các vị do lưỡi nhận thức… (như trên)… các xúc do thân nhận thức, các xúc này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này Magandiya, ta có ba tòa lâu đài, một cho mùa mưa, một cho mùa đông, một cho mùa hạ.
Này Magandiya, trong bốn tháng mùa mưa, ta sống hưởng thụ trong lâu đài mùa mưa, được những nữ nhạc công giúp vui và không bước xuống khỏi lâu đài ấy. Rồi ta sau một thời gian, sau khi như chân biết được sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các dục vọng, sau khi đoạn tận dục ái, sau khi trừ diệt nhiệt não của các dục, ta trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Rồi ta thấy các chúng sanh khác, chưa xả ly tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, đang chạy theo các dục. Ta không ước vọng được như chúng, ở đây ta không ham thích. Vì sao vậy? Này Māgandiya có hỷ lạc (rati) này, ly tham, ly bất thiện pháp, sau khi chứng đạt thiên lạc, được an trú hoan hỷ trong hỷ lạc ấy ta không ao ước cái gì thấp kém, ở đây ta không ham thích.
Giảng:
Hán tạng nói đơn giản, Pali nói rất chi li. Thí dụ như đoạn Phật kể lại hồi nhỏ được hưởng ngũ dục. Bên Hán tạng nói dễ dàng không khó, Pāli thì nói nào là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, ngài được hưởng đầy đủ, mùa lạnh có lầu ấm, mùa nóng có lầu mát v.v… để chỉ cho sự thụ hưởng của ngài rất sung túc. Hai bên khác đôi chút thôi.
Chánh văn:
– Ví như này Magandiya, một gia chủ hay con một người gia chủ, giàu sang, tài vật nhiều, sở hữu nhiều, sống thọ hưởng một cách đầy đủ, một cách sung mãn, năm dục trưởng dưỡng, các sắc pháp do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức… (như trên)… các hương do mũi nhận thức… (như trên)… các vị do lưỡi nhận thức… (như trên). các xúc do thân nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Vị ấy, sau khi làm thiện thân hành, sau khi làm thiện khẩu hành, sau khi làm thiện ý hành, khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, thiên giới, đời này, vị ấy ở đây, trong rừng Nandana, được chúng thiên nữ vây quanh, thọ hưởng năm thiên dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một cách sung mãn. Vị ấy thấy người gia chủ hay con người gia chủ đang thọ hưởng năm dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một cách sung mãn. Này Māgandiya ông nghĩ thế nào? Thiên tử ấy, được chúng thiên nữ vây quanh, thọ hưởng năm thiên dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một cách sung mãn, vị ấy có ước vọng được như người gia chủ ấy, hay con người gia chủ ấy, hay năm dục trưởng dưỡng thuộc loài người, hay trở lui về với các dục thuộc loài người?
Không có vậy, này tôn giả Gotama! Vì sao vậy? Vì thiên dục thưa tôn giả Gotama, là kỳ diệu hơn, là vi diệu hơn nhân dục.
Cũng vậy, này Māgandiya, ta thuở trước khi còn tại gia, ta hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn các dục trưởng dưỡng, các sắc pháp do mắt nhận thức, các sắc pháp này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức… (như trên)… các hương do mũi nhận thức… (như trên)… các vị do lưỡi nhận thức… (như trên)… các xúc do thân nhận thức, các xúc này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Rồi ta sau một thời gian, sau khi như chân biết được sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các dục, sau khi đoạn tận dục ái, sau khi trừ diệt nhiệt não của các dục, ta trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Rồi ta thấy các chúng sanh khác, chưa xả ly tham ái đối với các dục đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục não thiêu đốt, đang chạy theo các dục. Ta không ước vọng được như họ, ở đây ta không ham thích. Vì sao vậy? Vì rằng này Magandiya! Có hỷ lạc này, ly tham, ly bất thiện pháp, sau khi chứng đạt thiên lạc được an trú. Hoan hỷ trong hỷ lạc ấy, ta không ao ước cái gì thấp kém. Ở đây, ta không ham thích.
Giảng:
Hán tạng dùng thí dụ về người gia chủ cư sĩ, sau đó Phật nói dục ở thế gian Phật đã bỏ, dục ở cõi trời ngài đã vượt qua. Pāli kết thúc thí dụ người cư sĩ này bằng những câu: Vì rằng này Magandiya! Có hỷ lạc này, ly tham, ly bất thiện pháp, sau khi chứng đạt thiên lạc được an trú. Hoan hỷ trong hỷ lạc ấy ta không ao ước cái gì thấp kém. Điều đó làm cho mình liên tưởng tới đức Phật vì thụ hưởng cái vui cõi trời nên không màng cái vui của thế gian. Ở đây có thể nói như thế này: “Ta thụ hưởng cái vui trong thiền định của Tứ thiền là những thiền định của cõi trời, không màng cái vui ở thế gian” thì hợp lý, nói cái vui thiên lạc chứng đạt an trú, nói như vậy không hợp lý.
Chánh văn:
Ví như này Māgandiya, một người bị bệnh cùi, với thân đầy những lở lói, với thân hư thối, nứt chảy, bị các loài trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, hơ đốt thân mình trên hố than hừng. Các bạn bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy, mời một y sĩ khoa mổ xẻ. Vị y sĩ khoa mổ xẻ này cho người ấy thuốc. Người ấy dùng thuốc được khỏi bệnh cùi, không bệnh, an lạc, tự do, tự tại, có thể đi chỗ nào nó muốn. Người ấy thấy một người bị bệnh cùi khác, với thân đầy những lở lói, với thân hư thối, nứt chảy, bị các loài trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, hơ đốt thân mình trên hố than hừng. Này Māgandiya, ông nghĩ thế nào? Người ấy có ước vọng như người cùi kia, hay hố than hừng, hay sự thọ dụng dược liệu không?
– Thưa không, thưa tôn giả Gotama! Vì sao vậy? Thưa tôn giả Gotama, khi có bệnh thì cần thuốc trị, khi không bệnh thời không cần thuốc trị bệnh.
– Cũng vậy này Magandiya, ta thuở trước, khi còn tại gia, ta hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn, các dục trưởng dưỡng, các sắc pháp do mắt nhận thức, các sắc pháp này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức… (như trên)… các hương do mũi nhận thức… (như trên)… các vị do lưỡi nhận thức… (như trên)…các xúc do thân nhận thức, các xúc ấy là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Rồi ta sau một thời gian, sau khi như chân biết được sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các dục, sau khi đoạn tận dục ái, sau khi trừ diệt nhiệt não của các dục, ta trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Rồi ta thấy các chúng sanh khác, chưa xả ly tham ái đối với các dục, đang bị các dục nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, đang chạy theo các dục. Ta không ước vọng được như chúng ở đây, ta không ham thích. Vì sao vậy? Vì rằng này Māgandiya, có hỷ lạc này, ly tham, ly bất thiện pháp sau khi chứng được thiên lạc, được an trú. Hoan hỷ trong hỷ lạc ấy, ta không ao ước cái gì thấp kém. Ở đây ta không ham thích.
Giảng:
Hán tạng đoạn Phật hỏi Tu-nhàn-đề: Người được khỏi bệnh hủi, thân thể lành lặn, bình phục như xưa. Kia nếu thấy người có bệnh hủi thân thể lở lói, bị trùng ăn, lấy tay quào, lại gần lửa hơ. Người kia thấy rồi, ý vui vẻ khen ngợi chăng? Tu-nhàn-đề trả lời: Không, Cù-đàm. Vì cớ sao? Vì có bệnh cần thuốc, không bệnh chẳng cần. Có vẻ lạc đề. Pāli nói khá rõ, Phật hỏi: Người lành bệnh rồi có muốn hủi trở lại hoặc là có muốn hơ mình trong lửa hực, hoặc muốn dùng dược liệu lại không?
Māgandiya trả lời: Thưa không, tôn giả Gotama, khi có bệnh thì cần thuốc trị, khi không bệnh thì không cần thuốc hợp lý hơn.
Chánh văn:
Ví như này Māgandiya, một người bị bệnh cùi, với thân đầy những lở lói, với thân hư thối nứt chảy, bị các loại trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, hơ đốt thân mình trên hố than hừng. Các bạn bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ khoa mổ xẻ. Vị y sĩ mổ xẻ này cho người ấy thuốc. Người ấy dùng thuốc được khỏi bệnh cùi, không bệnh, an lạc, tự do, tự tại, có thể đi chỗ nào người ấy muốn. Rồi có hai lực sĩ, nắm chặt (hai) cánh tay người ấy và lôi kéo người ấy đến chỗ hố than hừng. Này Magandiya, ông nghĩ thế nào? Người ấy có co rút thân, vật qua vật lại phía này phía kia không?
Thưa tôn giả Gotama, có. Vì sao vậy? Vì sự xúc chạm với lửa là đau khổ, thưa tôn giả Gotama, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não.
– Này Māgandiya, ông nghĩ thế nào? Có phải chỉ hiện tại sự xúc chạm với lửa ấy là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não hay là trước đây, sự xúc chạm với lửa ấy là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não?
– Thưa tôn giả Gotama, hiện tại sự xúc chạm với lửa ấy đã là đau khổ, rất là nồng cháy và rất là nhiệt não. Tuy vậy, thưa tôn giả Gotama, kẻ bị bệnh cùi này, với thân đầy những lở lói, với thân hư thối nứt chảy, bị các loài trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, với các căn bị hư hoại do sự xúc chạm đau khổ với ngọn lửa, lại có phản tưởng là được lạc thọ.
– Cũng vậy này Magandiya, sự xúc chạm với các dục trong thời quá khứ cũng là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não, và sự xúc chạm với các dục trong thời vị lai cũng là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não, và sự xúc chạm với các dục trong thời hiện tại cũng là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não. Và này Magandiya, những chúng sanh này, chưa đoạn trừ tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, với các căn bị hư hoại, do sự xúc chạm đau khổ với các dục, lại có phản tưởng là được lạc thọ.
Ví như này Magandiya, một người bị bệnh cùi thân đầy lở lói, thân bị hư thối nứt chảy, bị các loài trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, hơ đốt thân mình trên hố than hừng. Này Māgandiya, người bị bệnh cùi, với thân đầy lở lói, thân bị hư thối nứt chảy, bị các loài trùng đục khoét, càng cào rách miệng các vết thương với móng tay, càng hơ đốt thân mình trên hố than hừng chừng nào thời miệng các vết thương ấy lại càng thêm bất tịnh, càng thêm hôi thối và càng thêm thối nát, và người ấy chỉ có cảm giác dễ chịu, thỏa thích do nhân duyên gãi ngứa miệng các vết thương. Cũng vậy này Magandiya, các chúng sanh, chưa đoạn trừ tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, chạy theo các dục. Này Māgandiya, các chúng sanh chưa đoạn trừ tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, càng chạy theo dục chừng nào, thời dục ái các chúng sanh ấy càng tăng trưởng, càng bị dục nhiệt não thiêu đốt, và chúng chỉ có cảm giác dễ chịu, thỏa thích do duyên năm dục trưởng dưỡng.
Giảng:
Phật dùng thí dụ cụ thể là người cùi sau khi đã được lành. Khi được lành rồi có ai muốn cùi lại để gãi cho đã ngứa nữa không? Không. Phật nhắc tới nhắc lui, khi đã lành rồi không ai muốn cùi lại. Người chưa cùi, thấy người ta gãi, người ta hơ lửa đừng bắt chước. Đừng muốn cho mình cùi để hơ lửa cho vui. Nếu ai muốn vậy thì ngu si tới bậc nào? Người ta đã lỡ cùi, người ta ráng trị cho hết để thành người lành lặn. Lành rồi thấy gãi, hơ lửa người ta đã sợ, huống nữa là người chưa cùi thấy gãi, hơ lửa mà không sợ? Thật là ngu không thể tưởng tượng!
Chánh văn:
Này Magandiya, ông nghĩ thế nào? Ông có thấy hay nghe một vị vua hay một vị đại thần của vua, hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn năm dục trưởng dưỡng, dục ái chưa được đoạn tận, dục nhiệt não chưa được diệt trừ, đã trú, đang trú hay sẽ trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh không?
– Thưa không, tôn giả Gotama.
– Lành thay, này Māgandiya! Ta cũng không thấy, cũng không nghe một vị vua hay một vị đại thần của vua, hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn năm dục trưởng dưỡng, dục ái chưa được đoạn tận, dục nhiệt não chưa được trừ diệt, đã trú, đang trú hay sẽ trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Nhưng này Magandiya, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, đã sống, đang sống hay sẽ sống với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh, tất cả những vị này, sau khi như chân biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các dục ấy, với dục ái được đoạn tận, với dục nhiệt não được trừ diệt, đã trú, đang trú hay sẽ trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm được an tịnh.
Giảng:
Phần sau, Hán tạng và Pali phù hợp nhau, ngôn ngữ thì có sai biệt chút ít, như bên Hán tạng nói nuốt sống, bên Pāli nói nhai nghiến.
Chánh văn:
Rồi Thế Tôn thời ấy nói lên lời cảm hứng như sau:
Không bệnh, lợi tối thắng,
Niết-bàn lạc tối thắng,
Bát chánh là độc đạo,
An ổn và bất tử.
Giảng:
Khi Phật nói tới đây, ngài cảm hứng nói: Không bệnh lợi bậc nhất, Niết-bàn vui bậc nhất.
Tu-nhàn-đề đã đầu hàng lý thụ hưởng ngũ dục rồi.
HÁN TẠNG
Chánh văn:
Dị học Tu-nhàn-đề bạch Thế Tôn:
– Cù-đàm! Tôi cũng đã từng từ những vị kỳ cựu tôn đức trưởng lão học hạnh thanh bạch đã lâu, nghe: Không bệnh lợi bậc nhất, Niết-bàn vui bậc nhất.
Thế Tôn hỏi:
– Tu-nhàn-đề! Nếu ông đã từng từ những vị kỳ cựu tôn đức trưởng lão học hạnh thanh bạch đã lâu, nghe: Không bệnh lợi bậc nhất, Niết-bàn vui bậc nhất. Tu-nhàn-đề! Thế nào là không bệnh? Thế nào là Niết-bàn?
Giảng:
Nếu ông đã nghe những vị kỳ cựu tôn đức học, vậy thế nào là không bệnh? Thế nào là Niết-bàn?
Chánh văn:
Lúc đó, dị học Tu-nhàn-đề hai tay bám vào thân thể này nói:
– Cù-đàm! Đây là không bệnh, đây là Niết-bàn.
Thế Tôn bảo:
– Tu-nhàn-đề! Ví như người mù từ thuở nhỏ, nghe người có mắt nói: “Trắng sạch không nhơ, trắng sạch không nhơ.” Người mù nghe rồi bèn cầu trắng sạch, có người dối trá không vì kia cầu lợi ích, cầu an ổn khoái lạc, lấy áo nhơ nhớp không sạch đem đến bảo: “Ông nên biết, đây là cái áo trắng sạch không nhơ, ông nên hai tay kính nhận mặc vào thân.” Người mù kia vui mừng liền hai tay kính nhận mặc vào thân, nói thế này: “Trắng sạch không nhơ, trắng sạch không nhơ.” Tu-nhàn-đề! Người kia là tự biết mà nói, hay là không biết mà nói? Là tự thấy mà nói, hay là không tự thấy mà nói?
– Cù-đàm! Nói như thế thật không biết, không thấy.
– Như thế, Tu-nhàn-đề! Như người mù không mắt, thân tức là bệnh, là nhọt, là tên, là rắn, là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã, mà lấy hai tay bám vào nói rằng: Cù-đàm! Đây là không bệnh, đây là Niết-bàn. Tu-nhàn-đề! Ông còn chẳng biết không bệnh, huống là biết thấy Niết-bàn? Nói là biết thấy, trọn không có lý. Tu-nhàn-đề! Như Lai đẳng chánh giác không chấp trước nói:
Không bệnh lợi bậc nhất,
Niết-bàn vui bậc nhất,
Các đạo bát chánh đạo,
Đến an ổn cam lồ.
Nhiều người đồng được nghe, nhiều chúng dị học nghe bài kệ này rồi, lần lượt truyền nhau mà không biết nghĩa. Kia nghe rồi muốn cầu dạy, họ mờ mịt lừa dối nhau. Họ nơi thân hiện tại là giống tứ đại, từ cha mẹ sanh, ăn uống nuôi lớn, thường che đậy xoa bóp, tắm gội, là pháp áp bức, phá hoại, tiêu diệt, lìa tan, nhưng thấy là ngã, nhận là ngã, duyên nơi thủ mà có, duyên hữu mà sanh, duyên sanh có lão tử, duyên lão tử có sầu than, khóc lóc, buồn khổ, như thế, đời này thuần khổ ấm lớn.
Giảng:
Phật nêu cho Tu-nhàn-đề thấy mình lầm lẫn lớn giống hệt như kẻ mù, chỉ bắt chước nói theo. Không thấy không biết mà nói, là mù rồi. Thân tức là bệnh, là ung nhọt, là mũi tên, là rắn độc, là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã. Thân tức là bệnh, tất cả mọi người từ bé đến lớn ai cũng có bệnh, dù ít hay nhiều. Như vậy rõ ràng thân là bệnh mà nói là không bệnh, có phải là ngu si không? Thân nào cũng là thân bệnh hết. Thân là ung nhọt, từ đầu tới chân chỗ nào máu huyết không lưu thông được thì thành ung nhọt. Thân là mũi tên, da thịt rờ chỗ nào cũng đau, tối nằm xoay qua trở lại đau nhức như bị tên bắn. Cỡ ông Kiến Chánh, Kiến Pháp chắc dễ thấy lắm, đau như tên cắm vào chứ có an ổn gì đâu. Là rắn độc, rắn độc cắn vào mình, đau lăn lộn trằn trọc. Thân là vô thường… Thân như vậy mà dám nói rằng thân không bệnh, là Niết-bàn, có phải là mù không. Phật quở nặng, ông là kẻ ngu si, là người mù và lặp lại bài kệ:
Không bệnh lợi bậc nhất,
Niết-bàn vui bậc nhất.
Các đạo bát chánh đạo,
Đến an ổn cam lồ.
Phật lại quở thêm lần nữa: Thân này hiện tại là giống tứ đại, từ cha mẹ sanh, từ ăn uống nuôi lớn, thường che đậy xoa bóp tắm gội, là pháp áp bức, phá hoại, tiêu diệt, lìa tan nhưng thấy là ngã, nhận là ngã, duyên nơi thủ mà có, duyên nơi hữu mà sanh, duyên sanh có lão tử, duyên lão tử có sầu than, khóc lóc, buồn khổ, như thế đời này thuần khổ ấm lớn. Đó là một khối khổ ấm lớn, vậy mà nói là vui, là không bệnh, là Niết-bàn. Phật đi từ nhè nhẹ tới đây là rất mạnh.
PALI TẠNG
Chánh văn:
Khi được nghe vậy, du sĩ Magandiya bạch Thế Tôn: cho đến
– Thật hy hữu thay, tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, tôn giả Gotama! Lời này được tôn giả Gotama khéo nói: Không bệnh lợi tối thắng! Niết-bàn lạc tối thắng. Con cũng vậy, thưa tôn giả Gotama, con cũng đã được nghe lời này, do các vị tôn sư, đại tôn sư, các du sĩ đã nói: Không bệnh, lợi tối thắng! Niết-bàn, lạc tối thắng. Như vậy, thưa tôn giả Gotama, lời nói này lời nói kia phù hợp nhau.
– Nhưng này Māgandiya, điều mà ông đã được nghe do các vị tôn sư, đại tôn sư của các du sĩ đã nói:
“Không bệnh, lợi tối thắng! Niết-bàn, lạc tối thắng.” Thế nào là không bệnh? Thế nào là Niết-bàn?
Khi được nói như vậy, du sĩ Māgandiya, tự lấy tay xoa bóp chân tay của mình và nói:
– Thế nào là không bệnh, thưa tôn giả Gotama, thế nào là Niết-bàn, thưa tôn giả Gotama. Tôi nay không bệnh, an lạc, không có bệnh tật gì ở tôi.
– Này Magandiya, ví như người sanh ra đã mù, không thấy sắc đen hay sắc trắng, không thấy sắc xanh, không thấy sắc vàng, không thấy sắc đỏ, không thấy sắc tía, không thấy cái gì thăng bằng, không thấy các vì sao, không thấy mặt trăng, mặt trời. Người ấy nghe một người có mắt nói như sau: “Thật tốt đẹp thay tấm vải trắng, xinh đẹp không cấu uế, thanh tịnh”. Và người ấy đi tìm tấm vải trắng. Rồi có một người khác đánh lừa người ấy với một tấm y thô, dính dầu và đất và nói: “Này bạn, đây là tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh cho bạn.” Người ấy lấy tấm y ấy, sau khi lấy, người ấy đắp trên mình, người ấy hoan hỷ thốt lên lời nói tự mãn: “Thật tốt đẹp thay tấm vải trắng xinh đẹp, không cấu uế thanh tịnh.” Này Magandiya, ông nghĩ thế nào? Kẻ sanh ra đã mù kia, do biết, do thấy, lấy tấm y thô, dính dầu và đất ấy. Sau khi lấy người ấy đắp trên mình, sau khi đắp trên mình, người ấy hoan hỷ thốt lên lời nói tự mãn: “Thật tốt đẹp thay, tấm vải trắng xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh” hay là lòng tin người có mắt?
– Thưa tôn giả Gotama, do không biết, không thấy, kẻ sanh ra đã mù kia lấy tấm y thô, dính dầu và đất ấy. Sau khi lấy, người ấy đắp trên mình, sau khi đắp trên mình, người ấy hoan hỷ thốt lên lời nói tự mãn: “Thật tốt đẹp thay tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh” vì lòng tin người có mắt.
– Cũng vậy này Māgandiya, các du sĩ mù lòa, không có mắt, không biết không bệnh, không thấy Niết-bàn nhưng nói lên câu kệ này:
Không bệnh, lợi tối thắng!
Niết-bàn, lạc tối thắng.
Này Magandiya, câu kệ này trong thời quá khứ đã được các bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác nói lên:
Không bệnh, lợi tối thắng!
Niết-bàn, lạc tối thắng.
Bát chánh là độc đạo,
An ổn và bất tử.
Và câu kệ ấy được dần dần lan tràn đến dân chúng phàm phu. Nhưng này Māgandiya, thân này trở thành bệnh khổ, trở thành cục bướu, trở thành mũi tên, trở thành bất hạnh, trở thành bệnh chướng và với thân trở thành bệnh khổ, trở thành cục bướu, trở thành mũi tên, trở thành bất hạnh, trở thành bệnh chướng này, ông nói: “Thưa tôn giả Gotama, cái này là không bệnh ấy, cái này là Niết-bàn ấy.” Như vậy này Māgandiya, ông không có thánh nhãn ấy, với thánh nhãn ấy ông có thể biết không bệnh, có thể thấy Niết-bàn.
Giảng:
Đoạn này cả hai bên đều ăn khớp với nhau. Chỉ có đoạn sau mới quan trọng.
HÁN TẠNG
Chánh văn:
Dị học Tu-nhàn-đề liền đứng dậy, bày vai áo, chắp tay hướng Phật bạch:
– Cù-đàm! Nay tôi rất tin Sa-môn Cù-đàm, cúi xin Cù-đàm khéo vì tôi nói pháp khiến tôi được biết đây là không bệnh, đây là Niết-bàn.
Giảng:
Đoạn này thật quan trọng, chúng ta phải thấy cho thật rõ mới nhận ra cái hay của nó. Tới đây Tu-nhàn-đề bị khuất phục, không còn kiêu ngạo phách lối như buổi đầu nữa. Oai nghi tề chỉnh thưa: Xin ngài nói cho tôi biết “không bệnh”, biết “Niết-bàn”. Tới đây thì Phật không nói. Lúc trước có lắm học giả đặt nghi vấn: Sao có nhiều đệ tử Phật hoặc ngoại đạo hỏi tới chỗ này, Phật né tránh không nói, không giải thích Niết-bàn. Họ nói tu Phật mục đích cứu cánh là Niết-bàn mà hỏi tới đó, Phật lại né tránh không nói. Như vậy e không có Niết-bàn nên ngài không nói. Không phải chỉ đoạn kinh này mà nhiều bài kinh khác cũng vậy.
Chánh văn:
Thế Tôn bảo:
– Tu-nhàn-đề! Nếu ông con mắt thánh tuệ chưa sạch, tôi vì ông nói không bệnh, Niết-bàn, trọn không thể biết, luống nhọc nhằn tôi. Tu-nhàn-đề! Ví như người mù từ bé, nhân người khác đến bảo: Ông nên biết, đây là sắc xanh, vàng, đỏ, trắng. Tu-nhàn-đề! Người mù kia nhân người khác nói, biết được sắc xanh, vàng, đỏ, trắng chăng?
– Không, Cù-đàm.
– Như thế, Tu-nhàn-đề! Nếu ông con mắt thánh tuệ chưa sạch, tôi vì ông nói không bệnh, Niết-bàn, trọn không thể biết, luống nhọc nhằn tôi. Tu-nhàn-đề! Tôi vì ông nói thuốc hay như thế, khiến con mắt thánh tuệ của ông chưa sạch, sẽ được trong sạch. Tu-nhàn-đề! Nếu con mắt thánh tuệ của ông trong sạch rồi, ông liền tự biết đây là không bệnh, đây là Niết-bàn. Tu-nhàn-đề! Ví như người mù từ bé, có người thân vì họ thương xót cầu lợi ích, cầu an ổn khoái lạc nên đi tìm thầy thuốc trị mắt. Thầy thuốc kia cho các thứ thuốc để trị, hoặc mửa, hoặc hạ, hoặc rót lỗ mũi, hoặc rót xuống, hoặc chích mạch, hoặc cho nước mắt chảy. Tu-nhàn-đề! Tháng hoặc có thứ thuốc trị lành hai mắt. Tu-nhàn-đề! Nếu người kia hai mắt được sáng rồi thì tự thấy đây là sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, thấy kia là áo nhơ nhớp không sạch, bèn nghĩ thế này: những người kia là kẻ thù, lâu nay lấy áo nhơ nhớp dối gạt ta, liền sanh tâm oán ghét. Tu-nhàn-đề! Người này thảng hoặc giết hại người kia. Như thế, Tu-nhàn-đề! Tôi vì ông nói thuốc hay như thế, khiến con mắt thánh tuệ của ông chưa sạch được trong sạch. Tu-nhàn-đề! Nếu con mắt thánh tuệ của ông được trong sạch, ông liền tự biết đây là không bệnh, đây là Niết-bàn.
Giảng:
Ở đây đức Phật không nói không phải vì không có Niết-bàn. Ngài dùng thí dụ quá hay. Người mù từ cha mẹ mới sanh nghe nói đây xanh, kia vàng, nọ đỏ, tía… Họ yêu cầu ông làm ơn giải thích giùm tôi coi thế nào là xanh. Dù chúng ta giải thích khô cổ họ cũng không thể biết xanh là thế nào. Đưa họ tới rờ, họ cũng không biết được. Như vậy chỉ tốn công vô ích. Phật nói tôi không thể giải thích cho ông hiểu, không có nghĩa là không có màu xanh, màu vàng, màu trắng, màu đỏ. Vì mắt ông mù và tôi thương ông, muốn cho hiểu thấy xanh, trắng, đỏ, vàng đúng như thật, chỉ cách ông trị lành con mắt. Nghĩa là nếu mắt ông sáng rồi thì thấy rõ ràng, khỏi cần giải thích câu nào.
Thương họ chỉ còn chỉ cách trị bệnh mắt cho họ. Tìm thuốc trị bệnh, đó là thương, chứ giải thích không phải là thương, là lợi ích cho họ. Qua thí dụ này chúng ta mới thấy cái hay của Phật. Vì tất cả chúng ta sống duyên theo pháp đối đãi, ngôn ngữ cũng theo pháp đối đãi mà lập. Nghĩ theo đối đãi, nói theo đối đãi, Niết-bàn là cái vượt khỏi đối đãi, làm sao nói cho hiểu được. Nói gì chúng ta cũng hiểu theo đối đãi thôi chứ không thấy được lẽ thật. Phật dạy tu cho sạch tâm đối đãi thì thấy Niết-bàn. Như vậy mới là thương.
Phật dùng thí dụ này rõ ràng vô cùng. Người ta mù mà muốn biết sắc xanh, vàng, trắng, đỏ thì không gì hơn là trị giùm con mắt của họ cho hết bệnh. Họ sáng mắt rồi thì tự thấy, khỏi cần giải thích gì cả mà họ vẫn thấy đúng như thật. Bây giờ giải thích họ có hiểu cũng hiểu theo cái mù của họ thôi. Đó là thí dụ thứ nhất để giải thích lý do Phật không nói Niết-bàn.
Thí dụ thứ hai cũng trong kinh A-hàm. Có người ngoại đạo từ thành Vương Xá tới gặp Phật hỏi: Ngài Cù-đàm, trong giáo pháp của Ngài có Niết-bàn và có con đường đưa đến Niết-bàn không? Phật nói có. Ngoại đạo hỏi: Như vậy thì đệ tử Ngài ai cũng đạt được Niết-bàn hay có người đạt được, có người không đạt được? Phật trả lời: Có người được có người không được. Ngoại đạo bẻ lại: Giáo pháp của Ngài có Niết-bàn, có con đường đến Niết-bàn mà sao đệ tử Ngài có người được, có người không được? Phật liền hỏi lại: Ông từ thành Vương Xá đến đây. Vậy ông có biết thành Vương Xá và biết đường tới Vương Xá không? Ngoại đạo nói: Biết. Phật nói: Như vậy có người tới hỏi ông, tôi muốn tới thành Vương Xá, ông chỉ giùm đường. Ông chỉ họ đi thẳng đường cái, rồi tới ngã ba quẹo phải, qua một hoa viên, khỏi hoa viên là tới thành Vương Xá. Người đó nghe lời ông đi tới ngã ba, thay vì quẹo phải họ lại quẹo trái. Vậy người đó có tới thành Vương Xá không? Ngoại đạo trả lời: Không. Rồi người thứ hai cũng nhờ ông chỉ giùm thành Vương Xá, ông cũng chỉ đúng như vậy, tới ngã ba họ quẹo phải, đi thấu hoa viên họ thấy thành Vương Xá. Vậy tại sao có thành Vương Xá, có đường về Vương Xá, ông chỉ rành đường mà có người đi đến, có người không đi đến? Ngoại đạo nói: Lỗi tại họ chứ không phải tại tôi. Tôi bảo đi tay phải mà không đi nên không tới, lỗi tại họ chứ đâu phải tại tôi.
Phật nói: Cũng vậy, ta có Niết-bàn, có con đường đi đến Niết-bàn, ta thấy rất rành rõ điều đó, ta dạy đệ tử ta, người nào y đúng lời dạy của ta thì họ đi đến Niết-bàn. Họ làm khác đi thì làm sao mà đến được. Như vậy, họ không đến không phải lỗi tại ta. Bởi tu chưa đúng nên chưa được Niết-bàn, đâu phải không có Niết-bàn, không có phương pháp tu đến Niết-bàn. Đến được hay không là tại mình.
Cuốn “Đức Phật và Phật Pháp” của đại đức Narada viết có kể chuyện con cá và con rùa. Con rùa lên bờ dạo chơi, nó thấy núi sông, nhà cửa, cây cối đủ thứ. Xuống nước kể chuyện cho cá nghe, trên đất liền tôi thấy như vậy, như vậy đó. Cá không tin hỏi, vậy núi có giống cục đá ngầm này không? Không phải. Nhà có giống như mấy cái hang mình ở đây không? Không phải. Cây mà anh thấy đó có giống như rong rêu ở đây không? Không phải. Hỏi cái gì rùa cũng nói không phải hết. Cá kết luận: Như vậy làm gì có núi sông nhà cửa như anh nói chứ! Rùa đành chào thua.
Niết-bàn cũng vậy. Phật không chịu giải thích là vì nói không tới được, người ta không hiểu, mà phải tự thấy. Con cá muốn biết chuyện con rùa nói thì phải lên mặt đất mới thấy. Đem đối chiếu vật dưới biển thì không có cái gì đúng hết. Thí dụ rất hay. Vì vậy khi Phật né tránh không giải thích Niết-bàn, họ cho là không có Niết-bàn. Chưa tới chỗ đó nên không hiểu, Phật nói con mắt thánh tuệ của Tu-nhàn-đề chưa mở, có giải thích chỉ nhọc nhằn thôi. Bây giờ chỉ cho ông thuốc trị lành bệnh mắt thì ông tự thấy, khỏi cần giải thích.
Chánh văn:
Tu-nhàn-đề! Có bốn thứ phép con mắt thánh tuệ được trong sạch. Thế nào là bốn? Gần gũi thiện tri thức thờ phụng cung kính, nghe pháp lành, khéo suy nghĩ, thú hướng pháp thứ pháp.
Giảng:
Gần gũi thiện tri thức, nghe pháp lành là văn, khéo suy nghĩ là tư, thú hướng pháp thứ pháp là tu chứng. Chứng Tu-đà-hoàn rồi tiến lên chứng Tư-đà-hàm, tiến lên chứng A-na-hàm, tiến lên chứng A-la-hán, đó là chứng từng bậc nên gọi là thứ pháp. Thú là thú hướng tức là hướng tu. Thứ là chứng, đi thứ tự từ thấp lên cao, đạt từng pháp từng pháp. Có tu mới chứng.
Chánh văn:
Tu-nhàn-đề! Nên học như thế. Tu nhàn đề! Ông gần gũi thiện tri thức thờ phụng cung kính rồi bèn nghe pháp lành, nghe pháp lành rồi bèn khéo suy nghĩ, khéo suy nghĩ rồi bèn thú hướng pháp thứ pháp, thú hướng pháp thứ pháp rồi bèn biết khổ này như thật, biết nguyên nhân khổ này, biết diệt nguyên nhân khổ này, biết đạo diệt khổ này như thật. Thế nào là biết khổ như thật? Nghĩa là khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ thù oán chung hội, khổ thương yêu xa lìa, khổ mong cầu không được, tóm lược khổ năm ấm hưng thịnh.
Giảng:
Bốn cái khổ sanh, già, bệnh, chết, dễ bỏ hay khó bỏ? Có ai thoát khỏi không? Kế đó là khổ oán thù chung hội, thương yêu xa lìa, mong muốn không được. Bốn cái khổ trước là khổ của bản thân, ba cái khổ sau là khổ của ngoại cảnh. Tại sao? Vì oán thù chung hội là mình gặp người thù thì khổ. Thương yêu xa lìa, người mình thương mà xa lìa thì khổ. Mong cầu mà không được như ý thì khổ. Cái khổ chót là ngũ ấm hưng thịnh, đó là chung cả khổ ngoài và khổ trong. Tóm lại một khối khổ.
Từ đầu tới chân cái nào cũng khổ hết, lúc nào cũng khổ. Trong khổ ngoài khổ. Đó là Phật chỉ thân này có tám cái khổ khó tránh. Vậy mà nhiều người tưởng thân này là vui, đó là lầm.
Chánh văn:
Như thế, biết khổ như thật. Thế nào là biết nguyên nhân khổ như thật? Nghĩa là cái ái này sẽ thủ cái hữu đời vị lai, cùng với ưa dục đồng, mong những cái kia nó có. Như thế, biết nguyên nhân khổ như thật.
Giảng:
Ái sẽ thủ cái hữu đời vị lai, cùng với ưa dục đồng. Như vậy ái là nguyên nhân của khổ. Khổ sanh, già, bệnh, chết do ái mà ra. Tại sao? Nếu tôi không ái trẻ thì tôi có sợ già không? Không. Nếu ai nói: Đầu Thầy bạc. Tôi nói: À, đầu bạc đẹp, ông già đầu bạc thì đẹp chứ sao? Thấy như vậy có khổ không? Không. Nói thầy răng rụng. Tôi nói, răng rụng đẹp, già rồi thì răng phải rụng. Như vậy, không tiếc cái trẻ thì mình không khổ.
Nếu bệnh đau đớn, mình biết có thân là có bệnh, là lẽ đương nhiên có gì mà sợ. Chúng ta muốn mạnh nên bị bệnh thì không vui, vì ái cái mạnh nên khổ. Ái cái sanh nên nghe nói tử, mình khổ. Nếu coi cái chết như trò chơi thì còn gì khổ nữa. Ái là thế. Ở đây có hai thứ: oán tắng hội và ái biệt ly. Tại sao tôi chỉ nói ái? Vì ái gồm cả thương và ghét. Thí dụ mình thương ông A mà ông B ăn hiếp ông A, mình có ghét không? Có. Vậy nên nói có thương là có ghét. Thương ghét tương đối thôi. Nếu mình thương ông A nhiều, mà ông A không thương lại thì sao? Thì thương sẽ biến thành thù. Bởi vậy nên có nhiều người vì ghen mà giết người mình thương. Tất cả khổ đều do thương mà ra. Vậy nói khổ do ái là đủ rồi. Nếu mình không yêu thân mình, cũng không yêu thân người khác thì hết ghét, oán tắng hội và ái biệt ly cũng không còn.
Mong cầu cái này cái kia là vì mình thích. Nếu không thích thì đâu có mong cầu. Mà mong cầu không được như ý là khổ. Bởi vậy “cầu bất đắc” cũng từ ái mà ra. Như vậy bốn cái sanh, già, bệnh, chết từ ái; rồi oán tắng hội, ái biệt ly và cầu bất đắc cũng từ ái mà ra. Thấy rõ nhân của nó, bây giờ vừa dấy niệm ái liền biết là bớt khổ liền. Thí dụ người chăm sóc hoa kiểng, thương hoa kiểng của mình quá. Ai ngắt một cái hoa thì nổi giận muốn đánh người đó. Do thương mà có giận, chuyện hết sức rõ ràng. Ái là gốc khổ. Hết ái hết khổ. Ái là nguyên nhân có đời vị lai, nghĩa là do ái có thủ, từ thủ đưa đến hữu đời vị lai. Có ái là có giữ có tìm, có tìm có giữ tức nhiên là có đời sau. Dứt ái thì thủ hữu hết. Biết vậy là biết như thật nguyên nhân của khổ.
Chánh văn:
Thế nào là diệt nguyên nhân khổ như thật? Nghĩa là cái ái này sẽ thủ cái hữu đời vị lai, cùng với ưa dục đồng, mong những cái kia nó có. Diệt hết không còn sót, trọn không dục, lặng dừng bặt. Như thế, biết diệt nguyên nhân khổ như thật.
Giảng:
Lặng dừng sạch không còn để một mầm nào hết. tức là biết diệt nguyên nhân khổ như thật.
Chánh văn:
Thế nào là đạo diệt khổ như thật? Nghĩa là tám thánh đạo: chánh kiến cho đến chánh định. Như thế, biết đạo diệt khổ như thật.
Giảng:
Người tu muốn giải thoát phải thực hành theo những điều mà Phật dạy ở đây. Chúng ta xuất gia tu như vậy đã hết ngũ dục chưa? Chưa. Có giảm không? Có. Cạo đầu là dẹp bớt sắc dục, vì ở đời người ta chải tóc cho láng, làm cho đẹp để tăng trưởng sắc dục, cạo tóc đi, làm cho nó xấu là dẹp bớt sắc dục. Ngày xưa Phật nói cạo tóc là xấu, mấy người ở tù bị cạo tóc là làm xấu làm nhục. Phật bắt mình phải xấu. Bây giờ thiên hạ đổi cách nhìn làm mấy thầy bị chướng. Mặc áo nhuộm là hủy hoại cái đẹp về sắc. Lỗ tai cấm nghe nhạc là giảm dục về thanh, lỗ mũi cấm xài dầu thơm, lưỡi thì bắt ăn chay, thân thì cho vải gì mặc vải nấy không đòi hỏi.
Như vậy với người xuất gia, Phật đã giới hạn ngũ dục. Vậy mà đôi khi chúng ta cũng đòi đi ngoài đường của Phật chỉ. Phật bảo quẹo phải mà mình quẹo trái. Đó là lỗi tại mình, không phải tại Phật. Bớt ngũ dục là bớt ái, theo ngũ dục là theo ái.
Chánh văn:
Phật nói pháp rồi, dị học Tu-nhàn-đề xa lìa trần cấu, đối các pháp sanh pháp nhãn. Nơi đây Tu-nhàn-đề thấy pháp được pháp, giáo pháp bạch tịnh, dứt nghi lầm, lại không tôn trọng ai khác, không theo ai, không có do dự, đã trụ nơi chứng quả, đối với pháp Thế Tôn được không sợ sệt, liền đứng dậy, cúi đầu dưới chân Phật, bạch:
Thế Tôn! Xin cho con được xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc được làm Tỳ-kheo.
Thế Tôn bảo:
– Khéo đến, Tỳ-kheo! Tu hành hạnh thanh bạch. Dị học Tu-nhàn-đề xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc, được làm Tỳ-kheo. Tu-nhàn-đề xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc, biết pháp rồi đến được quả A-la-hán.
Phật nói như thế, tôn giả Tu-nhàn-đề nghe Phật nói hoan hỷ phụng hành.
Giảng:
Người công kích mạnh chừng nào chúng ta cũng không sợ, vì họ thấy mình có điều trái với họ. Người dám công kích là người nhiệt tình, không nhút nhát.
Người dám nói khẳng khái như vậy tức là người gan dạ. Khi tỉnh rồi thì họ theo cũng mạnh mẽ. Còn người nói gì cũng gật hết thì chịu, nếu có theo cũng không có kết quả tốt. Công kích mãnh liệt tới chừng phát tâm cũng mãnh liệt. Tu-nhàn-đề tượng trưng hạng người này. Lúc đầu ông coi Phật là kẻ thù. Nhưng bây giờ lại kính Phật vô kể. Chứng quả Tu-đà-hoàn rồi xin Phật xuất gia tu đến khi chứng A-la-hán. Một buổi nói pháp của đức Phật, đưa người từ mê đến tỉnh.
PALI TẠNG
Chánh văn:
– Con có lòng tin tôn giả Gotama như sau: Tôn giả Gotama có thể thuyết pháp cho con để con có thể biết không bệnh, có thể thấy Niết-bàn.
– Này Māgandiya, ví như người sanh ra đã mù, không thấy sắc đen hay sắc trắng, không thấy sắc xanh, không thấy sắc vàng, không thấy sắc đỏ, không thấy sắc tía, không thấy cái gì thăng bằng, không thăng bằng, không thấy các vì sao, không thấy mặt trăng, mặt trời. Các bạn bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ khoa mổ xẻ. Vị y sĩ khoa mổ xẻ này cho người ấy thuốc. Người ấy sau khi dùng thuốc, mắt không khởi lên, mắt không được sáng tỏ. Này Māgandiya, ông nghĩ thế nào? Có phải vị thầy thuốc ấy cảm thấy mệt mỏi, phiền não không?
– Thưa vâng, tôn giả Gotama.
– Cũng vậy này Magandiya, nếu ta thuyết pháp cho ông: “Đây là không bệnh ấy, đây là Niết-bàn ấy”, và ông không biết không bệnh, không biết Niết-bàn thời như vậy làm ta mệt mỏi, làm ta phiền não.
Giảng:
Sự sai biệt của hai bản Hán tạng và Pāli: Đầu tiên đoạn đức Phật từ chối không giải thích về không bệnh và Niết-bàn cho Tu-nhàn-đề. Theo Pāli, ngài từ chối rằng ngài không giảng cho nghe được. Ví như người mù không thấy sắc v.v… Bây giờ có tìm một người y sĩ giỏi về khoa mổ xẻ trị bệnh cho mà con mắt không sáng, làm y sĩ mệt mỏi, nhọc nhằn. Dụ này có làm sáng thêm ý trên không? Dụ Phật như y sĩ không làm người sáng mắt, mà nhọc nhằn phiền não thì hơi lạ, Hán tạng không có.
Chánh văn:
– Con có lòng tin tôn giả Gotama như sau: Tôn giả Gotama có thể thuyết pháp cho con để có thể biết không bệnh, có thể thấy Niết-bàn.
– Này Magandiya, ví như người sanh ra đã mù, không thấy sắc đen hay sắc trắng, không thấy sắc xanh, không thấy sắc vàng, không thấy sắc đỏ, không thấy sắc đỏ tía, không thấy cái gì thăng bằng, không thăng bằng, không thấy các vì sao, không thấy mặt trăng, mặt trời. Người ấy nghe một người có mắt nói như sau: “Thật tốt đẹp thay tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh” và người ấy đi tìm tấm vải trắng. Rồi một người khác đánh lừa người ấy với một tấm y thô, dính dầu và đất và nói: “Này bạn, đây là tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh cho bạn”. Người ấy lấy tấm y ấy. Sau khi lấy, người ấy đắp trên mình, sau khi đắp trên mình nó, các bạn bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ khoa mổ xẻ. Vị y sĩ khoa mổ xẻ này cho người ấy thuốc, bài tiết các nhơ bẩn về phía trên, bài tiết các nhơ bẩn về phía dưới, xức thuốc mắt, thoa dầu cho mắt, thoa thuốc qua lỗ mũi. Người ấy sau khi dùng thuốc, mắt được khởi lên, mắt được sáng tỏ. Với mắt được khởi lên, người ấy đoạn trừ tham dục đối với tấm y thô, dính dầu và dính đất kia, và người ấy có thể xem người kia là không phải bạn, có thể xem người kia là thù địch và nghĩ đến sát hại sinh mạng (của người kia): Thật sự trong một thời gian dài, ta bị người này lường gạt, lừa dối, phỉnh gạt với tấm y thô, dính dầu và đất: “Này bạn, đây là tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh cho bạn”. Cũng vậy này Magandiya, nếu ta thuyết pháp cho ông: “Đây là không bệnh ấy, đây là Niết-bàn ấy” ông có thể biết không bệnh, ông có thể thấy Niết-bàn. Và với mắt được khởi lên cho ông, lòng tham dục đối với năm thủ uẩn được đoạn trừ; và ông có thể nghĩ như sau: “Thật sự trong một thời gian dài, ta bị tâm này lừa gạt, lừa dối, phỉnh gạt, chấp thủ sắc, ta đã chấp thủ, chấp thủ thọ, ta đã chấp thủ, chấp thủ tưởng, ta đã chấp thủ, chấp thủ các hành, ta đã chấp thủ, chấp thủ thức, ta đã chấp thủ. Do duyên chấp thủ ấy nơi ta, nên có hữu, do duyên hữu có sanh; do duyên sanh có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn.
– Con có lòng tin tôn giả Gotama như sau: Tôn giả Gotama có thể thuyết pháp cho con, khiến con có thể từ chỗ ngồi này đứng dậy, không còn mù nữa.
– Vậy này Magandiya, hãy thân cận các vị chân nhân. Này Māgandiya, do ông thân cận các vị chân nhân, thời này Māgandiya, ông sẽ được nghe diệu pháp. Này Magandiya, do ông được nghe diệu pháp, thời này Māgandiya, ông sẽ sống đúng với chánh pháp và tùy pháp. Này Magandiya, do ông sống đúng với chánh pháp và tùy pháp, thời này Māgandiya, ông sẽ tự mình biết, tự mình thấy: “Đây là những bệnh chướng, những cục bướu, những mũi tên. Ở đây những bệnh chướng, những cục bướu, những mũi tên được diệt trừ, không có dư tàn. Do chấp thủ được diệt ở ta, nên hữu diệt. Do hữu diệt, sanh diệt; do sanh diệt, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được diệt trừ. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.”
Giảng:
Đoạn sau người mù được y sĩ tới trị bệnh con mắt lành mới thấy được màu sắc. Hai bên Hán tạng và Pāli hợp nhau. Dụ đó chỉ có giá trị ở đoạn sau. Đó là chỗ phê phán sai biệt.
Chánh văn:
Khi được nghe nói vậy, du sĩ Māgandiya bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, tôn giả Gotama! Thưa tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy chánh pháp đã được tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Và nay con xin quy y tôn giả Gotama, quy y pháp và quy y Tỷ-kheo tăng. Con xin xuất gia với tôn giả Gotama, con xin thọ đại giới.
Giảng:
Tới đoạn sau chót, Hán tạng nói nhân đó ông Tu-nhàn-đề xa lìa trần cấu phát tâm xuất gia, tu hành chứng quả A-la-hán. Pāli thì ông tán thán Phật rất là kỳ đặc và phát tâm xuất gia.
Chánh văn:
– Này Magandiya, ai trước kia là ngoại đạo nay muốn xuất gia, muốn thọ đại giới trong pháp và luật này phải sống bốn tháng biệt trú. Sau khi sống bốn tháng biệt trú, các Tỷ-kheo nếu đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo. Nhưng ta nhận thấy cá tánh con người sai biệt nhau.
– Thưa tôn giả Gotama, nếu những người xưa kia là ngoại đạo, nay muốn xuất gia, muốn thọ đại giới trong pháp và luật này, phải sống bốn tháng biệt trú, sau khi sống bốn tháng biệt trú, các Tỷ-kheo nếu đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới, thời con sẽ xin sống biệt trú bốn năm, sau khi sống biệt trú bốn năm, nếu các Tỷ-kheo đồng ý, hãy cho con xuất gia, hãy cho con thọ đại giới để thành Tỷ-kheo.
Và du sĩ Māgandiya được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới. Thọ đại giới không bao lâu, tôn giả Māgandiya ở một mình an tịnh, không phóng dật, sống nhiệt tâm, cần mẫn. Và không bao lâu, vị này chứng được mục đích tối cao mà con cháu các lương gia đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Đó là mục đích của vô thượng Phạm hạnh, ngay trong hiện tại với thượng trú tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này sẽ không có đời sống khác nữa.” Tôn giả Māgandiya hiểu biết như vậy.
Tôn giả Māgandiya trở thành một vị A-la-hán nữa.
Giảng:
Nguyên tắc phát tâm xuất gia thì ngoại đạo nào xuất gia trong chánh pháp phải qua bốn tháng thí nghiệm. Nhưng ở đây Phật nói, tuy vậy ngài biết được bản tánh của chúng sanh mỗi khác, nghĩa là biết ông chí thành tôi có thể cho ông xuất gia liền. Māgandiya chứng tỏ quyết tâm nên nói, chẳng những bốn tháng mà ông chấp nhận bốn năm để cho chư Tỳ-kheo kiểm chứng lại nếu thấy không được thì thôi. Do phát tâm mãnh liệt nên ông vào đạo chứng quả sớm. Chúng ta nên nhớ bốn thứ thuốc trị bệnh. Một là thiện tri thức, hai là được nghe pháp lành, ba là suy tư, bốn là tu chứng. Điều kiện thiện tri thức là điều kiện tiên quyết. Có nhiều người phát tâm tu mà không có duyên gặp thiện tri thức, nên phí cả đời tu. Nếu ai phát tâm tu mà chỉ nghĩ vô chùa là tu thì sai lầm. Phải có thiện tri thức mới nghe được pháp, nghe được pháp mới suy nghĩ tìm kiếm cho đúng, tìm kiếm đúng mới ứng dụng tu hành được. Cho nên yếu tố thiện tri thức không thể thiếu. Thiếu điều đó coi như những điều sau không có. Đó là căn bản của người muốn mắt được lành.
Trang trước | Mục lục | Trang sau |