Trích giảng và Đối chiếu Trung A Hàm với Trung Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh Sư Tử Hống (Hán tạng) với Tiểu Kinh Sư Tử Hống (Pali tạng)



HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một hôm, Phật đến Câu-lâu-sấu ở độ ấp Kiếm-ma-sắt-đàm Câu-lâu, Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo: 

Trong đây có Sa-môn thứ nhất, Sa-môn thứ hai, Sa-môn thứ ba, Sa-môn thứ tư, ngoài đây không có Sa-môn, Phạm chí; tất cả đạo khác không có Sa-môn, Phạm chí. Các ông tùy ở trong chúng khởi tiếng sư tử rống như thế. 

Giảng:

Bài kinh này tựa là Sư Tử Hống. Sư tử là chúa trong loài thú, khi nó rống lên, các thú khác đều kinh hoàng chạy trốn. Phật dạy chư Tỳ-kheo tuyên bố bốn điều này: Ở trong đây (Phật pháp) mới có Sa-môn thứ nhất, Samôn thứ hai, Samôn thứ ba, Sa-môn thứ tư, ngoài đây không Samôn, Phạm chí. Nói như vậy là tiếng rống của sư tử. Tại sao? Sa-môn thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư là tứ quả Sa-môn: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Chỉ trong Phật pháp mới có bốn quả Sa-môn này, ngoài ra thì không có. Tuyên bố như vậy có vẻ tự cao, nhưng đó là lối nói thẳng thắn nhất, trung thực nhất. Tại sao vậy? Bởi vì các đạo khác không có một con đò đưa tới giải thoát sanh tử thì làm sao mà có quả giải thoát!

Đa số đều quan niệm tôn giáo nào cũng dạy người ta ăn hiền ở lành nên theo đạo nào cũng được, miễn ăn hiền ở lành. Sự thật không phải như vậy. Phật dạy chư Tỳ-kheo, nói rõ: chỉ trong Phật pháp mới có bốn quả giải thoát, ngoài ra không có. Như vậy tự nhiên là gây chiến với ngoại đạo, vì nói mình cao hơn. Phật nói tiếp:

Chánh văn: 

Tỳ-kheo! Hoặc có kẻ dị học (đạo khác) đến hỏi các ông: “Chư hiền! Ông có hạnh gì? Có sức gì? Có trí gì? Khiến các ông nói thế này: Trong đây có Sa-môn thứ nhất, Sa-môn thứ hai, Sa-môn thứ ba, Sa-môn thứ tư, ngoài đây không có Sa-môn, Phạm chí; tất cả đạo khác không có Sa-môn, Phạm chí. 

Các ông tùy ở trong chúng khởi tiếng sư tử rống như thế?” 

Giảng: 

Nếu bị ngoại đạo nạn vấn: Ông có hạnh gì, sức gì, trí gì mà dám nói như vậy? Nên đáp thế nào?

Chánh văn: 

Tỳ-kheo nên đáp dị học thế này: “Chư hiền! Thế Tôn tôi có biết có thấy, Như Lai Chánh đẳng giác không chấp trước nói bốn pháp, nhân bốn pháp này nên chúng tôi nói như thế. Thế nào là bốn? Chư hiền, chúng tôi tin tôn sư, tin pháp, tin giới đức đầy đủ, yêu mến đồng đạo cung kính phụng sự. Chư hiền! Thế Tôn chúng tôi có biết có thấy, Như Lai chánh đẳng giác không chấp trước nói bốn pháp, nhân bốn pháp này nên chúng tôi nói như thế.” 

Giảng:

Bốn điều kiện đó là: Thứ nhất, tin tôn sư tức là tin Phật. Thứ hai tin pháp là tin giáo pháp của Phật. Thứ ba tin giới đức đầy đủ là tin giới đức. Thứ tư là yêu mến đồng đạo, là tình thương đối với người đồng đạo. Đầy đủ bốn điều đó nên chúng tôi mới dám rống tiếng sư tử. Khi các thầy Tỳ-kheo nêu bốn điều kiện thì ngoại đạo lại bắt bẻ.

Chánh văn: 

Dị học lại hỏi thế này: “Chư hiền! Chúng tôi cũng tin tôn sư là tôn sư của chúng tôi, tin pháp là pháp của chúng tôi, giới đức đầy đủ là giới đức của chúng tôi, yêu mến đồng đạo cung kính phụng sự là đồng đạo xuất gia và tại gia của chúng tôi. Chư hiền! Sa-môn Cù-đàm và chúng tôi lối nói này có gì hơn, có gì khác, có gì sai biệt?” 

Giảng:

Lối nói giống hệt nhau, có gì khác đâu? Dưới đây Phật vạch ra cái ưu cái khuyết của ngoại đạo và của Phật.

Chánh văn 

Tỳ-kheo! Các ông nên hỏi dị học kia thế này: Chư hiền! Là một cứu cánh hay nhiều cứu cánh? Tỳ-kheo! Nếu dị học đáp thế này: Chư hiền! Có một cứu cánh không phải nhiều cứu cánh. 

Tỳ-kheo! Các ông lại hỏi dị học: Chư hiền! Là có dục được cứu cánh hay không dục được cứu cánh? Tỳ-kheo! Nếu dị học đáp thế này: Không dục được cứu cánh, chẳng phải có dục được cứu cánh. 

Tỳ-kheo! Các ông lại hỏi dị học: Chư hiền! Có sân được cứu cánh hay không sân được cứu cánh? Tỳ-kheo! Nếu dị học đáp thế này: Không sân được cứu cánh, chẳng phải có sân được cứu cánh. 

Tỳ-kheo! Các ông lại hỏi dị học: Chư hiền Có si được cứu cánh hay không si được cứu cánh? Tỳ-kheo! Nếu dị học đáp thế này: Không si được cứu cánh, chẳng phải có sỉ là cứu cánh, 

Tỳ-kheo! Các ông lại hỏi dị học: Chư hiền! Có ái có thủ là cứu cánh hay không ái không thủ là cứu cánh? Tỳ-kheo! Nếu dị học đáp thế này: Không ái không thủ là cứu cánh, chẳng phải có ái có thủ là cứu cánh. 

Tỳ-kheo! Các ông lại hỏi dị học: Chư hiền! Không tuệ chẳng nói tuệ là cứu cánh hay có tuệ có nói tuệ là cứu cánh? Tỳ-kheo! Nếu dị học đáp thế này: Có tuệ có nói tuệ là cứu cánh, chẳng phải không tuệ chẳng nói tuệ là cứu cánh. 

Tỳ-kheo! Các ông lại hỏi dị học: Chư hiền! Có ghét có đấu tranh là cứu cánh hay không ghét không đấu tranh là cứu cánh? Tỳ-kheo! Nếu dị học đáp thế này: Chư hiền! Không ghét không đấu tranh là cứu cánh, chẳng phải có ghét có đấu tranh là cứu cánh. 

Giảng:

Đó là Phật gài bằng phản vấn. Thành ra chúng ta thấy Phật đi từ từ, từ xa xem như Phật chưa có bẻ lý lẽ của họ. Khi dị học thừa nhận không ghét không đấu tranh là cứu cánh, Phật mới dạy:

Chánh văn 

Tỳ-kheo! Các ông vì dị học nên nói thế này: Chư hiền! Thế là như các ông nói: Có một cứu cánh chẳng phải nhiều cứu cánh, không dục được cứu cánh, chẳng phải có dục được cứu cánh, không sân được cứu cánh, chẳng phải có sân được cứu cánh, không si được cứu cánh, chẳng phải có si được cứu cánh, khôngái không thủ được cứu cánh, chẳng phải có ái có thủ được cứu cánh, có tuệ có nói tuệ được cứu cánh, chẳng phải không tuệ chẳng nói tuệ được cứu cánh, không ghét không tranh đấu được cứu cánh, chẳng phải có ghét có tranh đấu được cứu cánh. 

Nếu có Sa-môn, Phạm chí y vô lượng kiến, tất cả kia nương tựa hai kiến: kiến hữu, kiến vô. Nếu người nương kiến hữu liền chấp kiến hữu, tựa vào kiến hữu, đứng nơi kiến hữu ghét và tranh với kiến vô. Nếu người y kiến vô, tựa vào kiến vô, đứng nơi kiến vô ghét và tranh với kiến hữu. 

Giảng:

Hai nhóm, một nhóm y vào chấp hữu, nhóm y vào chấp vô. Nhóm y vào hữu thì chống ghét vô, nhóm y vào

y vô thì chống ghét hữu. Như vậy có thương ghét nhau không? Có. Nếu có thì đâu phải là cứu cánh. Đã có tranh đấu, ghét nhau thì đâu phải là cứu cánh. Tất cả ngoại đạo không ngoài kiểu chấp đó, nghĩa là không bên này thì lạc bên kia, không bên kia thì lạc bên này. Rơi vào một bên tức là chấp, mà chấp là có ghét, có đấu tranh. Có ghét có đấu tranh thì đâu phải là cứu cánh. Cho nên ở đây Phật mới dạy:

Chánh văn: 

Nếu có Sa-môn, Phạm chí không biết nhân, không biết tập, không biết diệt, không biết tận, không biết vị, không biết hoạn, không biết xuất yếu như thật, tất cả người ấy có dục, có sân, có si, có ái, có thủ, không tuệ, chẳng nói tuệ, có ghét có tranh, kia ắt không lìa sanh già bệnh chết, cũng không thể thoát khỏi lo buồn than khóc sầu khổ thảm não, không được đến mé khổ (giải thoát). 

Nếu có Sa-môn, Phạm chí nơi đây thấy biết nhân, biết tập, biết diệt, biết tận, biết vị, biết hoạn, biết xuất yếu như thật, tất cả người ấy không dục, không sân, không si, không ái, không thủ, có tuệ nói tuệ, không ghét không tranh, kia ắt lìa sanh già bệnh chết, cũng hay thoát khỏi lo buồn than khóc sầu khổ thảm não, ắt đến mé khổ (giải thoát).

Giảng: 

Như vậy là còn đứng một bên trong hai kiến chấp đó mà không rõ được nguyên nhân của nó tức là biết nhân, biết tập, biết diệt, biết tận, biết vị, biết hoạn, biết xuất yếu, thì người đó không thể nào thoát ly sanh tử được. Chúng ngoại đạo có biết cái đó không? Không. Bởi không biết nên họ không giải thoát, mà không giải thoát làm sao có tứ quả Sa-môn?

Như vậy là Phật nêu lên một vấn đề: Nếu nói tin tôn sư, tin pháp, tin luật, thương bạn đồng học như các ông, mà nếu pháp của các ông lại nằm một trong hai kiến chấp thì sẽ có ghét có tranh. Mà có ghét có tranh thì không phải cứu cánh. Nếu trong hai kiến chấp đó tôn sư các ông không biết được nhân, tập, diệt, tận, vị, hoạn, xuất yếu của nó thì không thể giải thoát. Không giải thoát thì làm sao có tứ quả Sa-môn. Nếu ai biết được nhân, tập, diệt, tận, vị, hoạn, xuất yếu thì người đó được giải thoát.

Chánh văn: 

Hoặc có Sa-môn, Phạm chí lập bày đoạn thủ, nhưng không lập bày đoạn tất cả thủ, lập bày đoạn thủ dục, không lập bày đoạn thủ giới, thủ kiến, thủ ngã. Vì cớ sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia không biết ba chỗ như thật. Thế nên, kia tuy lập bày đoạn thủ, nhưng không lập bày đoạn tất cả thủ. Lại có Sa-môn, Phạm chí lập bày đoạn thủ, nhưng không lập bày đoạn tất cả thủ, lập bày đoạn thủ dục, thủ giới, không lập bày thủ kiến, thủ ngã. Vì cớ sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia không biết hai chỗ như thật. Thế nên, kia tuy lập bày đoạn thủ, nhưng không lập bày đoạn tất cả thủ. Lại có Sa-môn, Phạm chí lập bày đoạn thủ dục, thủ giới, thủ kiến, không lập bày thủ ngã. Vì cớ sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia không biết một chỗ như thật. Thế nên, kia tuy lập bày đoạn thủ, nhưng không lập bày đoạn tất cả thủ. 

Giảng: 

Ba chỗ như thật là ba chỗ nào? Bốn thủ: dục thủ, giới thủ, kiến thủ, ngã thủ. Bây giờ có người lập bày đoạn dục thủ mà không đoạn giới, kiến, ngã, vì họ chưa biết rõ ba điều này. Có người lập bày đoạn hai thủ: dục thủ, giới thủ mà kiến thủ, ngã thủ họ chưa đoạn, vì chưa biết hai điều sau. Có người lập bày đoạn dục thủ, giới thủ, kiến thủ, còn một thủ là ngã thủ không đoạn. Đức Phật thì lập bày đoạn hết bốn thủ,

Dục thủ là gì? Tức là tham mê ngũ dục. Ngũ dục có khi là sắc, thanh, hương, vị, xúc hoặc có khi là tài, sắc, danh, thực, thùy. Bám chặt vào năm thứ đó, gọi là dục thủ. Giới thủ là giữ giới sai lạc, như giữ giới đau không uống thuốc… Giữ những điều cấm không hợp lý, đó là giới thủ. Kiến thủ là chấp chặt vào nhận hiểu của riêng mình hay của nhóm mình. Cuối cùng là ngã thủ. Không có giáo phái Ấn Độ nào chủ trương vô ngã, chỉ có đức Phật. Thành ra nếu đoạn thủ thì họ chỉ phá tối đa là ba thủ, còn ngã thủ không phá. Mà ngã thủ không phá thì không thể nào giải thoát. Phật dạy đoạn hết bốn thủ, ngoại đạo không có đoạn hết.

Chánh văn: 

Pháp luật như thế, nếu tin tôn sư, kia không phải chánh, không phải đệ nhất. Nếu tin pháp, cũng không phải chánh, không phải đệ nhất. Nếu tin đầy đủ giới đức, cũng không phải chánh, không phải đệ nhất. Nếu yêu kính đồng học cung kính phụng sự, cũng không phải chánh, không phải đệ nhất. 

Giảng:

Nếu không phải chánh, không phải đệ nhất làm sao có tứ quả Sa-môn. Đó là Phật trả lời chỗ bắt bẻ của ngoại đạo.

Chánh văn: 

Nếu có Như Lai ra đời, bậc Chánh đẳng giác không chấp trước, thành tựu tam minh, khéo vượt qua, hiểu biết thế gian, bậc Vô thượng, dùng đạo pháp điều phục, Thầy trời người, Phật, Thế Tôn. 

Giảng:

Đoạn này nói về mười hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri… Ứng cúng là bậc Chánh đẳng giác, thành tựu tam minh là Minh Hạnh Túc, khéo vượt qua là Thiện Thệ, hiểu biết thế gian là Thế Gian Giải, bậc Vô thượng là Vô Thượng Sĩ, đúng pháp điều phục là Điều Ngự Trượng Phu, Thầy trời người là Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Chánh văn: 

Kia lập bày đoạn thủ, ở trong hiện đời lập bày đoạn tất cả thủ, lập bày đoạn thủ dục, thủ giới, thủ kiến, thủ ngã. Bốn cái thủ này, do nhân nào, tập nào? Từ đâu sanh? Lấy cái gì làm gốc? Bốn cái thủ này nhân vô minh, tập vô minh, từ vô minh sanh, lấy vô minh làm gốc. 

Giảng: 

Phật dạy học điều gì phải biết cho tường tận. Bốn thủ do nhân nào? Những kiến chấp từ đâu mà ra, do cái gì tập hợp lại? Phải biết chúng là thứ trói buộc mình, làm sao để giải thoát v.v… Biết rõ ràng, chứ không chỉ nói suông.

Bốn thủ này từ vô minh mà có. Nếu chấp chặt vào dục, dục là vô thường, bám vào đó là ngu si. Bám vào giới không đúng mà chấp cũng ngu si. Chấp vào tà kiến, thiên kiến, thấy có một phần mà chấp cũng như mấy người mù sờ voi, cho tất cả là trật, chỉ có mình là đúng cũng ngu si. Cái ngã duyên hợp hư dối mà chấp vào nó cũng ngu si. Bốn cái chấp đó gốc từ vô minh.

Chánh văn:

Nếu có Tỳ-kheo vô minh đã hết, minh đã sanh, kia từ đây không còn thủ dục, thủ giới, thủ kiến, thủ ngã. Kia đã không thủ thì không kinh sợ, đã không kinh sợ thì đoạn nhân duyên ắt vào Niết-bàn, mầm sanh đã hết, hạnh thanh bạch tròn đầy, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau, biết như thật. Chánh pháp luật như thế, nếu tin tôn sư là chánh, là đệ nhất. Nếu tin pháp là chánh, là đệ nhất. Nếu tin đầy đủ giới đức là chánh, là đệ nhất. Nếu yêu kính đồng học cung kính phụng sự là chánh, là đệ nhất. 

Giảng: 

Phải hết vô minh, không còn bốn dục, rồi tin Phật, pháp, tin đầy đủ giới đức, yêu kính đồng học… là chánh, nên có đủ tứ quả Sa-môn, còn cái chưa phải chánh chưa phải đệ nhất thì không có tứ quả Sa-môn. Tóm lại, sai biệt giữa Phật và ngoại đạo là như thế. Đừng nghe danh từ giống nhau, rồi kết luận tất cả giống nhau.

Chánh văn: 

Chư hiền! Chúng tôi có hạnh này, có lực này, có trí này, nhân đây khiến chúng tôi nói như thế: Đây có Sa-môn thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư, ngoài đây không có Sa-môn, Phạm chí; tất cả đạo khác không có Sa-môn, Phạm chí. Do đó nên chúng tôi ở trong chúng nói tiếng sư tử rống như thế. 

Phật nói như thế, các thầy Tỳ-kheo kia nghe Phật nói hoan hỷ phụng hành. 

Giảng:

Phật nêu lên sự sai biệt giữa Phật pháp và ngoại đạo. Chúng ta nhận xét chín chắn mới thấy do sai biệt nên chứng quả cũng không giống nhau. Chỉ trong Phật pháp mới có đủ tứ quả Sa-môn. Do đoạn được bốn thủ và phá được hai kiến chấp hữu và vô. Các kiến chấp trên thế gian này đều nằm trong hai chấp hữu vô. Đạo Phật không nghiêng theo bên nào cả.

Vừa rồi có một Phật tử hỏi tôi:

– Thưa Thầy, tâm mình trùm khắp thì bao trùm hết cây cối, nhà cửa… Như vậy cây cối, nhà cửa, núi sông là tâm mình phải không?

Tôi hỏi lại:

– Hư không có bao trùm tất cả nhà cửa núi sông… không? – Dạ phải.

– Vậy nhà cửa, núi sông… có phải là hư không không? – Thưa không.

– Tâm cũng như vậy, bao trùm hết, nhưng tâm thì biết mà cây cối nhà cửa núi sông thì không biết, nó là vô tri, không phải là tâm, đó là bất tức. Nhưng cây cối nhà cửa núi sông không rời hư không mà có, đó là bất ly. Bất tức bất ly là chỗ đó. Rất là sâu. Cây cối nhà cửa núi sông không phải là tâm nhưng chúng không rời tâm mà có. Nếu rời tâm thì cái gì biết cây cối nhà cửa núi sông? Nó không liên hệ với nhau thì làm sao biết. Biết tức là có liên hệ nhau, nên nói “bất tức” mà “bất ly”. Nói tức cũng không được, nói ly cũng không được. Pháp môn bất nhị của nhà Phật là tinh thần này, tâm vật liên hệ không tách rời.

Đạo Phật không chủ trương một bên, ai nói một bên là sai rồi. Chủ trương một bên là chấp, mà chấp là có ghét, có đấu tranh. Đạo Phật không có đấu tranh, thấy biết tất cả mà không chấp. Chúng ta phải hiểu cho chính xác.

PALI TẠNG

Chánh văn: 

Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ đà lâm), vườn ông Anāthapindika (Cấp Cô Độc). Tại đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: 

– Chư Tỷ-kheo. 

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. 

Thế Tôn thuyết giảng như sau: 

– Này các Tỷ-kheo, chỉ ở đây là có Sa-môn thứ nhất, ở đây là có Sa-môn thứ hai, ở đây là có Sa-môn thứ ba, ở đây là có Sa-môn thứ tư, các ngoại đạo khác không có Sa-môn. Này các Tỷ-kheo, các ông hãy chân chánh rống tiếng rống sư tử như vậy. Này các Tỷ-kheo, sự tình này xảy ra khi ở đây những du sĩ ngoại đạo có thể nói: “Chư tôn giả có tin tưởng gì, có sức lực gì mà chư tôn giả tuyên bố: chỉ ở đây là có Sa-môn thứ nhất, ở đây là có Sa-môn thứ hai, ở đây là có Sa-môn thứ ba, ở đây là có Sa-môn thứ tư, các ngoại đạo khác không có Sa-môn?” 

Này các Tỷ-kheo, nếu được các vị du sĩ ngoại đạo nói như vậy, cần phải trả lời cho họ như sau: “Chư hiền, vì chúng tôi tự chánh kiến bốn pháp, được Thế Tôn tuyên bố cho chúng tôi biết, bậc đã thấy, đã biết, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác nên chúng tôi nói: chỉ ở đây là có Sa-môn thứ nhất, ở đây là có Sa-môn thứ hai, ở đây là có Sa-môn thứ ba, ở đây là có Sa-môn thứ tư, các ngoại đạo khác không có Sa-môn.” Thế nào là bốn? Chư hiền, chúng tôi có lòng tin bậc đạo sư, có lòng tin pháp, có sự thành tựu viên mãn các giới luật, và những pháp hữu của chúng tôi, những người cư sĩ và những người xuất gia, được chúng tôi thương, chúng tôi mến. Chư hiền, vì chúng tôi tự chánh kiến bốn pháp, được Thế Tôn tuyên bố cho chúng tôi biết, bậc đã thấy, đã biết, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác nên chúng tôi nói: chỉ ở đây là có Sa-môn thứ nhất, ở đây là có Sa-môn thứ hai, ở đây là có Sa-môn thứ ba, ở đây là có Sa-môn thứ tư” 

Này các Tỷ-kheo, sự tình này xảy ra, khi ở đây những du sĩ ngoại đạo có thể nói: “Chư hiền, chúng tôi cũng có lòng tin bậc đạo sư, vị ấy là đạo sư của chúng tôi. Chúng tôi có lòng tin pháp, pháp ấy là pháp của chúng tôi, chúng tôi thành tựu viên mãn các giới luật, những giới luật ấy là giới luật của chúng tôi. Và những pháp hữu của chúng tôi, những người cư sĩ và cả những người xuất gia, được chúng tôi thương, được chúng tôi mến. Chư hiền, như vậy có sự sai biệt gì, có sự đặc thù nào, có sự khác biệt gì giữa quý vị và chúng tôi?” 

Chư Tỷ-kheo, nếu được các du sĩ ngoại đạo nói như vậy, cần phải trả lời họ như sau: “Chư hiền, cứu cánh là một hay cứu cánh là đa diện?” Nếu trả lời đúng đắn, các du sĩ ngoại đạo phải trả lời: “Chư hiền, cứu cánh ấy là một, cứu cánh không phải đa diện.” “Chư hiền, cứu cánh ấy cho người có tham, hay cho người không tham?” Nếu trả lời đúng đắn, các du sĩ ngoại đạo phải trả lời: “Chư hiền, cứu cánh ấy cho người không tham, không phải cho người có tham.” “Chư hiền, cứu cánh ấy cho người có sân hay cho người không sân?” Nếu trả lời đúng đắn, các du sĩ ngoại đạo phải trả lời: “Chư hiền, cứu cánh ấy cho người không sân, không phải cho người có sân.” “Chư hiền, cứu cánh ấy cho người có si hay cho người không si?” Nếu trả lời đúng đắn, các du sĩ ngoại đạo phải trả lời: “Chư hiền, cứu cánh ấy cho người không si, không phải cho người có si.” “Chư hiền, cứu cánh ấy cho người có ái hay cho người không ái?” Nếu trả lời đúng đắn, các du sĩ ngoại đạo phải trả lời: “Chư hiền, cứu cánh ấy cho người không ái, không phải cho người có ái” “Chư hiền, cứu cánh ấy cho người có chấp thủ hay cho người không chấp thủ?” Nếu trả lời đúng đắn, các du sĩ ngoại đạo phải trả lời: “Chư hiền, cứu cánh ấy cho người không chấp thủ, không phải cho người chấp thủ.” “Chư hiền, cứu cánh ấy cho người có trí hay người không có trí?” Nếu trả lời đúng đắn, các du sĩ ngoại đạo phải trả lời: “Cứu cánh ấy cho người có trí, không phải cho người không có trí.” 

“Chư hiền, cứu cánh ấy cho người chịu áp lực chi phối hay người không chịu áp lực chi phối?” Nếu trả lời đúng đắn, các du sĩ ngoại đạo phải trả lời: “Chư hiền, cứu cánh ấy cho người không chịu áp lực, không chịu chi phối, không phải cho người chịu áp lực, chịu chi phối.” “Chư hiền, cứu cánh ấy cho người hỷ chướng, lạc chướng hay cho người không hỷ chướng, lạc chướng?” Nếu trả lời đúng đắn, các du sĩ ngoại đạo phải trả lời: “Chư hiền, cứu cánh ấy cho người không hỷ chướng, không lạc chướng, không phải cho người hỷ chướng, lạc chướng.” 

Chư Tỷ-kheo, có hai loại tư kiến này: hữu kiến và vô hữu kiến. Chư Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào chấp trước hữu kiến, thân thiết hữu kiến, cố chấp hữu kiến, những vị ấy bị chướng ngại đối với vô hữu kiến. Chư Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào chấp trước vô hữu kiến, thân thiết vô hữu kiến, cố chấp vô hữu kiến, những vị ấy bị chướng ngại bởi hữu kiến. Chư Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không như thật biết sự tập khởi và sự đoạn diệt của hai loại kiến này, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của họ, những vị này là những vị có tham, có sân, có si, có ái, có chấp thủ, không có trí, chịu áp lực, chịu chi phối, có hỷ chướng, có lạc chướng, những vị ấy không giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, khổ, ưu, não. Ta nói những vị ấy không giải thoát khỏi đau khổ. Chư hiền, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào như thật biết sự tập khởi và sự đoạn diệt của hai loại kiến này, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của họ, những vị này là những vị không tham, không sân, không si, không ái, không chấp thủ, có trí, không chịu áp lực, không chịu chi phối, không có hỷ chướng, lạc chướng, những vị ấy giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bị, khổ, ưu, não. Ta nói những vị ấy giải thoát khỏi đau khổ. 

Chư Tỷ-kheo, có bốn chấp thủ. Thế nào là bốn: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ. Chư Tỷ-kheo, có những vị Sa-môn, Bà-la-môn, tuy tự xưng liễu tri tất cả thủ, họ hiển thị sự liễu tri về dục thủ, nhưng không hiển thị sự liễu tri về kiến thủ, về giới cấm thủ, về ngã luận thủ. Vì sao vậy? Những tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy không như thật biết ba sự. Do vậy những tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy, tuy tự xưng liễu tri tất cả thủ, nhưng không chân chánh hiển thị sự liễu trị tất cả thủ. Họ hiển thị sự liễu tri về dục thủ, nhưng không hiển thị sự liễu trị về kiến thủ, về giới cấm thủ, về ngã luận thủ. Chư Tỷ-kheo, có những vị Sa-môn, Bà-la-môn, tuy tự xưng liễu tri tất cả thủ, nhưng không chân chánh hiển thị sự liễu tri tất cả thủ. Họ hiển thị sự liễu tri về dục thủ, sự liễu tri về kiến thủ nhưng không hiển thị sự liễu tri về giới cấm thủ, sự liễu tri về ngã luận thủ. Vì sao vậy? Những tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy, tuy tự xưng liễu tri tất cả thủ, nhưng không chân chánh hiển thị sự liễu tri tất cả thủ. họ hiển thị sự liễu tri về dục thủ, sự liễu tri về kiến thủ, nhưng không hiển thị sự liễu tri về giới cấm thủ, sự liễu tri về ngã luận thủ. Chư Tỷ-kheo, có những Sa-môn, Bà-la-môn, tuy tự xưng liễu tri tất cả thủ, nhưng không chân chánh hiển thị sự liễu trị tất cả thủ. Họ hiển thị sự liễu tri về dục thủ, sự liễu tri về kiến thủ, sự liễu tri về giới cấm thủ, nhưng không hiển thị sự liễu tri về ngã luận thủ. Vì sao vậy? Những tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy không như thật biết mọi sự. Do vậy, những tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy, tuy tự xưng liễu tri tất cả thủ, nhưng không chân chánh hiển thị sự liễu trị tất cả thủ. Họ hiển thị sự liễu tri về dục thủ, sự liễu tri về kiến thủ, sự liễu tri về giới cấm thủ, nhưng không hiển thị sự liễu tri về ngã luận thủ. Chư Tỷ-kheo, trong pháp luật như vậy, nếu có tịnh tín đối với đạo sư, tịnh tín ấy được xem là không hoàn toàn; nếu có thành tựu viên mãn với các giới luật, sự thành tựu ấy được xem là không hoàn toàn; nếu có sự thương mến đối với những pháp hữu, sự thương mến ấy được xem là không hoàn toàn.Vì sao vậy? Chư Tỷ-kheo, sự tình là như vậy, trong một pháp luật không khéo thuyết giảng, không khéo hiển thị, không có hướng thượng, không dẫn đến tịch tịnh, không được bậc Chánh đẳng giác hiển thị. 

Và chư Tỷ-kheo, bậc Như Lai, A-la-hán, Chánh đẳng giác, tự xưng liễu tri tất cả thủ, chân chánh hiển thị sự liễu tri tất cả thủ. Ngài hiển thị sự liễu tri về dục thủ, sự liễu trị về kiến thủ, sự liễu tri về giới cấm thủ, sự liễu tri về ngã luận thủ. 

Chư Tỷ-kheo, trong một pháp luật như vậy, nếu có tịnh tín đối với bậc đạo sư, tịnh tín ấy được xem là hoàn toàn; nếu có tịnh tín đối với pháp, tịnh tín ấy được xem là hoàn toàn; nếu có sự thành tựu viên mãn các giới luật, sự thành tựu viên mãn ấy được xem là hoàn toàn; nếu có sự thương mến đối với pháp hữu, sự thương mến ấy được xem là hoàn toàn. Vì sao vậy? Chư Tỷ-kheo, sự tình là như vậy, trong một pháp luật khéo thuyết giảng, khéo hiển thị, có hướng thượng, dẫn đến tịch tịnh, được bậc Chánh đẳng giác hiển thị. 

Chư Tỷ-kheo, bốn loại chấp thủ này, lấy gì làm duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm chủng, lấy gì làm nhân? Bốn loại chấp thủ này lấy ái làm duyên, lấy ái làm tập khởi, lấy ái làm chủng, lấy ái làm nhân. Chư Tỷ-kheo, ái này lấy gì làm duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm chủng, lấy gì làm nhân? Chư Tỷ-kheo, ái này lấy thọ làm duyên, lấy thọ làm tập khởi, lấy thọ làm chủng, lấy thọ làm nhân. Chư Tỷ-kheo, thọ này lấy gì làm duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm chủng, lấy gì làm nhân? Chư Tỷ-kheo, thọ này lấy xúc làm duyên, lấy xúc làm tập khởi, lấy xúc làm chủng, lấy xúc làm nhân. Chư Tỷ-kheo, xúc này lấy gì làm duyên… lấy gì làm nhân? Chư Tỷ-kheo, xúc này lấy sáu nhập làm duyên… lấy sáu nhập làm nhân. Chư Tỷ-kheo, sáu nhập lấy gì làm duyên… lấy gì làm nhân? Chư Tỷ-kheo, sáu nhập lấy danh sắc làm duyên… lấy danh sắc làm nhân. 

Chư Tỷ-kheo, danh sắc lấy gì làm duyên… lấy gì làm nhân? ChưTỷ-kheo, danh sắc này lấy thức làm duyên… lấy thức làm nhân. Chư Tỷ-kheo, thức này lấy gì làm duyên… lấy gì làm nhân? Chư Tỷ-kheo, thức này lấy hành làm duyên… lấy hành làm nhân. Chư Tỷ-kheo, hành này lấy gì làm duyên… lấy gì làm nhân? Chư Tỷ-kheo, hành này lấy vô minh làm duyên… lấy vô minh làm nhân. Và chư Tỷ-kheo, khi một vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ vô minh, đã làm minh sanh khởi, vị ấy do vô minh được đoạn trừ, do minh sanh khởi nên không chấp thủ dục thủ, không chấp thủ kiến thủ, không chấp thủ giới cấm thủ, không chấp thủ ngã thủ nên không hoảng hốt tháo động, nhờ không hoảng hốt tháo động nên tự thân chứng được Niết-bàn. Vị ấy biết sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn sanh trở lại đời này nữa. 

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các vị Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời dạy Thế Tôn. 

Giảng:

Đối chiếu hai bản, chúng ta thấy sai biệt về vị trí giảng kinh. Hán tạng nói ở Câu-lâu-sấu, ấp Kiếm-ma-sắc-đàm Câu-lâu. Pāli nói ở Xá-vệ, Kỳ-đà lâm, vườn ông Cấp Cô Độc. Đó là sự sai biệt về vị trí. Nhưng nội dung kinh không khác, có khác một vài chỗ nho nhỏ thôi.

Đoạn nói: Chợ hiền, cứu cánh ấy cho người không chịu áp lực, không chịu chi phối, không phải cho người chịu áp lực, chịu chi phối. Chư hiền, cứu cánh ấy cho người không hỷ chướng, không lạc chướng… Những cái đó rất là khó hiểu. Bên Hán tạng nói rất rõ: Không ghét không tranh đấu được cứu cánh, chẳng phải có ghét có tranh đấu được cứu cánh. 

Hán tạng nói gọn, có chỗ quá tắt, không chủ từ. Pāli tạng thì nói rộng hơn, nhiều khi thấy chi li. Như đoạn cuối Hán tạng nói: Bốn cái thủ nhân đâu mà có? Nhân vô minh, tập minh, từ minh mà sanh. Pāli nói bốn cái thủ từ ái mà có, ái từ thọ, thọ từ xúc, xúc từ lục nhập, lục nhập từ danh sắc và cuối cùng là vô minh. Pāli thì nói hết mười hai nhân duyên, vòng vo một chút. Hán tạng đi thẳng vô minh. Về tinh thần, hai bản kinh không khác chút nào.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.