HÁN TẠNG
Chánh văn:
Tôi nghe như vầy: Một hôm, Phật đến nước Xá-vệ, ở vườn Cấp Cô Độc tại Thắng lâm. Khi ấy, có một thầy Tỳ-kheo riêng ở chỗ xa lìa, ở nơi vắng vẻ yên lặng, ngồi yên suy tư, tâm khởi nghĩ thế này: “Thế Tôn ủy lạo cho ta, vì ta nói pháp được đầy đủ giới, không bỏ bê thiền, thành tựu quán hạnh ở nơi vắng vẻ”. Tỳ-kheo kia nghĩ thế rồi, vào lúc xế chiều từ thiền định dậy đi đến chỗ Phật.
Thế Tôn trông thấy Tỳ-kheo kia đến, nhân Tỳ-kheo kia bảo các Tỳ-kheo:
1) Các ông phải nguyện: Thế Tôn ủy lạo, vì ta nói pháp được giới đầy đủ, không bỏ bê thiền, thành tựu quán hạnh ở nơi vắng vẻ.
Giảng:
Lý do nói bài kinh này là do một thầy Tỳ-kheo ở riêng suy tư, tâm khởi nghĩ: “Thế Tôn ủy lạo cho ta, vì ta nói pháp.” vào lúc xế chiều từ thiền định dậy đi đến chỗ Phật. Khi thầy Tỳ-kheo tới, Phật liền gọi các thầy Tỳ-kheo và chỉ dạy.
Nguyện thứ nhất là: Phật vì mình nói pháp thì ta phải nguyện giới đức đầy đủ, ta phải không bỏ bê thiền định, ta phải thành tựu quán hạnh, ta phải ở nơi vắng vẻ. Phật bắt buộc mình nguyện không có nghĩa là nguyện suông.
Chánh văn:
2) Tỳ-kheo phải nguyện: Ta có thân tộc, khiến kia nhân nơi ta sau khi chết ắt đến chỗ lành, sanh trên cõi trời, được giới đầy đủ, không bỏ bê thiền, thành tựu quán hạnh ở nơi vắng vẻ.
Giảng:
Thứ hai, nguyện cho thân tộc mình, nhân nơi mình khi chết được sanh chỗ lành, ở cõi trời. Muốn được như thế mình phải làm sao? Phải giới đức đầy đủ, không bỏ bê thiền định, thành tựu quán hạnh, ở chỗ vắng vẻ. Mình phải làm như vậy thân nhân mình mới được kết quả như trên.
Chánh văn:
3) Tỳ-kheo phải nguyện: Những người cúng y phục, ăn uống, giường chõng, thuốc thang và các vật dụng cần thiết cho ta, khiến những người kia thí những món này có công đức lớn, có quang minh lớn, được quả báo lớn, được giới đầy đủ, không bỏ bê thiền, thành tựu quán hạnh ở nơi vắng vẻ.
Giảng:
Thứ ba, muốn cho thí chủ mình được phước lớn, quả báo lớn chúng ta cũng phải làm như vậy, không phải cứ nguyện suông. Chúng ta lúc nào cũng nguyện rất nhiều, nhưng việc tu hành y nguyên không cố gắng, không làm gì hết, vì thế không có lợi ích thiết thực. Phật dạy nguyện nào kết thúc cũng đều bảo ta phải có giới đức đầy đủ, không bỏ bê thiền, thành tựu quán hạnh, ở nơi vắng vẻ. Như thế mới kết quả.
Chánh văn:
4) Tỳ-kheo phải nguyện: Ta hay nhẫn đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, ruồi nhặng, gió nóng áp bức, tiếng ác, roi gậy cũng hay nhẫn được, thân mắc các bệnh thật là đau khổ suýt chết, các thứ không vui đều kham nhẫn cả, được giới đầy đủ, không bỏ bê thiền, thành tựu quán hạnh ở nơi vắng vẻ.
Giảng:
Nguyện thứ nhất lời Phật chỉ dạy, an ủi nên chúng ta phải cố gắng tu. Nguyện thứ hai vì muốn cha mẹ, thân nhân lợi ích nên gắng tu. Nguyện thứ ba là nguyện cho thí chủ có công đức, chúng ta phải cố gắng tu. Bốn là nguyện cho chính mình chịu đựng được mọi cái khó khăn, nào là ruồi, muỗi, gió nắng….. đều kham nhẫn được hết, giữ được giới đầy đủ, không bỏ bê thiền, thành tựu quán hạnh ở nơi vắng vẻ.
Chánh văn:
5) Tỳ-kheo phải nguyện: Ta kham nhẫn những việc không vui, nếu sanh việc không vui tâm trọn không dính mắc, được giới đầy đủ, không bỏ bê thiền, thành tựu quán hạnh ở nơi vắng vẻ.
Giảng:
Trên là nguyện kham nhẫn, ở đây thì nguyện thắng được tâm không vui.
Chánh văn:
6) Tỳ-kheo phải nguyện: Ta kham nhẫn những việc kinh sợ, nếu có sanh việc kinh sợ tâm trọn không dính mắc, được giới đầy đủ, không bỏ bê thiền, thành tựu quán hạnh ở nơi vắng vẻ.
Giảng:
Phật dạy chúng ta đầy đủ, nguyện kham nhẫn mọi khó khăn, chịu đựng những điều không vui, thắng được những điều sợ hãi. Có những điều khiến chúng ta không vui, làm chúng ta sợ hãi, nguyện những điều đó không dính mắc tâm mình. Muốn không dính mắc nơi tâm thì chúng ta phải đầy đủ giới đức, không bỏ bê thiền, thành tựu quán hạnh, như vậy sở nguyện mới được thành tựu.
Chánh văn:
7) Tỳ-kheo phải nguyện: Ta nếu sanh ba niệm ác, niệm dục, niệm sân, niệm hại, ba niệm ác này tâm trọn không dính mắc, được giới đầy đủ, không bỏ bê thiền, thành tựu quán hạnh ở nơi vắng vẻ.
8) Tỳ-kheo phải nguyện: Ta lìa dục, lìa pháp ác đến đệ tứ thiền thành tựu tự tại, được giới đầy đủ, không bỏ bê thiền, thành tựu quán hạnh ở nơi vắng vẻ.
Giảng:
Đoạn trên là những điều nguyện trong cuộc sống, nguyện 7 và 8 này là nguyện về sự tu hành. Tu hành để chứng thiền định… chứng từ Sơ thiền đến Tứ thiền. Muốn vậy cũng phải giới đức đầy đủ, không bỏ bê thiền, thành tựu quán hạnh, ở nơi vắng vẻ.
Nếu phân loại, chúng ta thấy những điều nguyện trước hết là vì đền ân Phật, vì cha mẹ, thân thuộc, kế đó là vì đàn-na thí chủ, sau là nguyện chính mình trong cuộc sống kham khổ nhọc nhằn, nội tâm chịu đựng được những việc bất như ý, những điều sợ hãi. Điều nguyện cuối cùng rất quan trọng mà một vị Tỳ-kheo phải ước nguyện, đó là đạt kết quả chứng đắc thiền định, chứng quả vị giải thoát.
Chánh văn:
9) Tỳ-kheo phải nguyện: Ta ba kết đã hết, được quả Tu-đà-hoàn không còn rơi trong pháp ác, quyết định tiến đến chánh giác, tột thọ bảy phen nơi cõi người cõi trời, bảy phen qua lại rồi được đến mé khổ (giải thoát), được giới đầy đủ, không bỏ bê thiền, thành tựu quán hạnh ở nơi vắng vẻ.
Giảng:
Ba kết là thân kiến, giới thủ, và nghi. Đoạn dứt ba kết này là chứng quả Tu-đà-hoàn, chỉ còn bảy lần sanh tử nữa là chứng A-la-hán.
Chánh văn:
10) Tỳ-kheo phải nguyện: Ta ba kết hết rồi, tham sân si được mỏng, còn một phen qua lại cõi người cõi trời, một phen qua lại cõi người cõi trời rồi được đến mé khổ (giải thoát), được giới đầy đủ, không bỏ bê thiền, thành tựu quán hạnh ở nơi vắng vẻ.
Giảng:
Đây là nguyện chứng Tư-đà-hàm, còn một phen qua lại trời người. Tu-đà-hoàn đối với tham sân si dường như chưa dứt được bao nhiêu. Nhiều vị quốc vương hay trưởng giả, ngay buổi Phật thuyết pháp, chứng Tu-đà-hoàn. Họ đoạn tham, sân, si lúc nào? Mấy vị trưởng giả đang có nhiều thê thiếp, nghe Phật nói tại chỗ chứng Tu-đà-hoàn. Như vậy là tham, sân, si chưa dẹp sạch. Chỉ hết ba điều: thân kiến, giới thủ và nghi.
Đối với Tứ đế của Phật dạy không nghi nữa, đó là không còn hồ nghi. Đối với thân này thấy rõ ràng là hư dối vô ngã, đó là phá được thân kiến. Không chấp nhận giới tà ngoại đạo là dứt kiến thủ. Đó là chứng được Tu-đà-hoàn, chịu khó quay lại bảy lần thì được giải thoát, khỏe rồi. Như thế chúng ta mới thấy mình cũng có phần. Nếu nói hết sạch tham, sân, si thì hơi khó. Tới đệ nhị quả, tham, sân mới mỏng thôi, năm hạ phần kết chưa hết.
Chánh văn:
11) Tỳ-kheo phải nguyện: Ta năm phần kết thấp hết, sanh nơi khoảng kia vào Niết-bàn, được pháp không thối, không trở lại cõi này, được giới đầy đủ, không bỏ bê thiền, thành tựu quán hạnh ở nơi vắng vẻ.
Giảng:
Năm hạ phần kết hết là không còn duyên sanh trong cõi Dục. Tu đến đây sẽ sanh vào cõi trời A-na-hàm, tức là cõi trời Sắc giới và ở đó vào Niết-bàn luôn. Đó là hết năm phần hạ kết, hết tham, sân, thân kiến, giới thủ và nghi. Hết năm thứ này chứng được quả thứ ba, vô minh chưa hết.
Chánh văn:
12) Tỳ-kheo phải nguyện: Ta được dứt, giải thoát, lìa sắc được vô sắc, như tượng định kia thân chứng thành tựu tự tại, dùng tuệ quán đoạn lậu, biết lậu, được giới đầy đủ, không bỏ bê thiền, thành tựu quán hạnh ở nơi vắng vẻ.
Giảng:
Dual Lìa được cõi Dục cõi Sắc tới cõi Vô sắc được tượng định. Tượng là giống, na ná, như quán Không vô biên xứ, quán tất cả rỗng không, không có ngằn mé.
Khi nhập định thì thấy rỗng không. Quán Thức vô biên xứ, tưởng thức cùng khắp. Quán thế nào thì cảnh mình thấy như thế ấy.
Chánh văn:
13) Tỳ-kheo phải nguyện: Ta được như ý túc, trí thiên nhĩ, trí tha tâm, trí túc mạng, trí sanh tử, các lậu đã hết được vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, trong hiện đời tự biết, tự giác, tự chứng thành tựu, mầm sanh đã hết, hạnh thanh bạch tròn đầy, việc làm đã xong, không còn sanh đời sau, biết như thật, được giới đầy đủ, không bỏ bê thiền, thành tựu quán hạnh ở nơi vắng vẻ.
Giảng:
Đây là nguyện chứng A-la-hán đủ lục thông. Mà muốn được vậy thì ta phải được giới đức đầy đủ, không bỏ bê thiền, thành tựu quán hạnh, ở nơi vắng vẻ.
Đó là 13 nguyện từ thấp lên cao, cứu cánh là chứng quả A-la-hán.
Chánh văn:
Thầy Tỳ-kheo kia nghe Phật nói khéo thọ trì, đứng dậy cúi đầu lễ dưới chân Phật nhiễu ba vòng rồi đi. Tỳ-kheo kia khéo thọ trì lời Phật dạy này, đến chỗ vắng vẻ ngồi yên suy tư, tu hành tinh tấn, tâm không buông lung. Nhân ở chỗ vắng vẻ ngồi yên suy tư, tu hành tinh tấn, tâm không buông lung nên mục tiêu của người chân chính, cạo bỏ râu tóc mặc áo ca-sa, chí tín bỏ nhà, không nhà học đạo, duy xong xuôi hạnh thanh bạch, hiện đời tự biết, tự giác, tự chứng thành tựu, mầm sanh đã hết, hạnh thanh bạch tròn đầy, việc làm đã xong, không còn sanh đời sau, biết như thật; tôn giả kia biết pháp rồi đến được quả A-la-hán.
Phật nói như thế, các thầy Tỳ-kheo kia nghe Phật nói hoan hỷ phụng hành.
Giảng:
Phật luôn luôn nhắc mình mục tiêu chân chính của người cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín bỏ nhà học đạo. Mục tiêu đó là duy xong xuôi hạnh thanh bạch. Tức là chỉ làm sao xong xuôi hạnh thanh bạch. Tự biết tự giác, tự chứng thành tựu.
Tóm lại là mục tiêu duy nhất của người xuất gia chân chính là quyết tâm cầu giải thoát sanh tử. Không bao giờ lui sụt ý chí đó.
PĀLI TẠNG
Chánh văn:
Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ đà lâm), vườn ông Anāthapindika (Cấp Cô Độc). Tại đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Chư Tỷ-kheo.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Thế Tôn thuyết giảng như sau:
Giảng:
Về vị trí thuyết kinh, hai bên giống nhau, đều ở vườn ông Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà. Nhưng lý do thuyết kinh, Hán tạng thì do một thầy Tỳ-kheo ở chỗ vắng vẻ nghĩ tới sự ủy lạo của Thế Tôn và tới chỗ Thế Tôn, Thế Tôn nhân đó nói. Pāli thì ghi Phật gọi các thầy Tỳ-kheo lại dạy.
Chánh văn:
– Các Tỷ-kheo, hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chân chánh lãnh thọ và học tập các học giới.
Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta được các vị đồng phạm hạnh thương mến, yêu quý, cung kính và tôn trọng”, vị Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì, nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trú xứ không tịnh.
Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo có ước nguyện:“Mong rằng ta có được các tư cụ như y phục, các món ăn khất thực, trú xứ và các dược phẩm trị bệnh”, vị Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì, nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trú xứ không tịnh.
Này các Tỷ-kheo, nếu có vị Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta nay hưởng thọ các tư cụ như y phục, các món ăn khất thực, trú xứ và các dược phẩm trị bệnh. Mong rằng hành động của những vị tạo ra các tư cụ ấy được quả báo lớn, được lợi ích lớn”. Vị Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên)… trú xứ không tịnh.
Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng những bà con huyết thống với ta, khi họ chết và mạng chung, nghĩ (đến ta) với tâm hoan hỷ (và nhờ vậy) được quả báo lớn, được lợi ích lớn”. Vị Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên). trú xứ không tịnh.
Giảng:
Kế đó là phần thứ tự của bài kinh. Hán tạng, trước là nhớ tới Phật, nhớ tới người thân như cha mẹ, nhớ thí chủ, để mình ước nguyện cho cha mẹ cho thí chủ, v.v… Pāli thì khác, trước là thí chủ rồi dần dần đến người thân sau. Phần thứ tự có sai khác chút ít.
Chánh văn:
Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta nhiếp phục lạc và bất lạc (rati), chứ không phải bất lạc nhiếp phục ta. Mong rằng ta sống luôn luôn nhiếp phục bất lạc được khởi lên”. Vị Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên). trú xứ không tịnh.
Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta nhiếp phục khiếp đảm và sợ hãi, chứ không phải khiếp đảm và sợ hãi nhiếp phục ta. Mong rằng ta sống luôn luôn nhiếp phục khiếp đảm và sợ hãi được khởi lên”. Vị Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên)… trú xứ không tịnh.
Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng, tùy theo ý muốn, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phiền toái, ta chứng được bốn thiền, thuần túy tâm tư, hiện tại lạc trú”. Vị Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên)… trú xứ không tịnh. Trong Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo có ước nguyện: “Có những giải thoát tịch tĩnh, siêu thoát Sắc giới, thuộc Vô sắc giới. Mong rằng ta có thể xúc cảm với thân và sống an trú trong cảnh giới ấy”. Vị Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên). trú xứ không tịnh.
Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta trừ diệt ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, không còn bị đọa lạc, chắc chắn hướng đến Chánh giác”. Vị Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên)… trú xứ không tịnh.
Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta diệt trừ ba kiết sử, làm cho muội lược tham sân si, ta chứng được Nhất lai, chỉ phải trở lại đời một lần nữa để đoạn tận khổ đau”.
Vị Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên)… trú xứ không tịnh.
Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng, trừ diệt năm hạ phần kiết sử, ta được hóa sanh, chứng được Niết-bàn ngay tại cảnh giới ấy, không còn trở lui thế giới này nữa”. Vị Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật.. (như trên). trú xứ không tịnh.
Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta chứng được các loại thần thông. Một thân ta hiện ra nhiều thân, nhiều thân ta hiện ra một thân; ta hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; ta độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; ta đi trên nước không chìm như trên đất liền; ta ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim; với bàn tay, ta chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy. Ta có thể, thân ta có thần thông bay cho đến Phạm thiên”. Vị Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên)… trú xứ không tịnh.
Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng, với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, ta có thể nghe hai loại tiếng, chư thiên và loài người, ở xa hay ở gần”. Vị Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên), trú xứ không tịnh.
Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo có ước nguyện:“Mong rằng với tâm của ta, ta biết được tâm của các chúng sanh, các loài người: Tâm có tham, ta biết có tham. Tâm không tham, ta biết tâm không tham. Tâm có sân, ta biết tâm có sân. Tâm không có sân, ta biết tâm không có sân. Tâm có si, ta biết tâm có si. Tâm không có si, ta biết tâm không có si Tâm chuyên chú, ta biết tâm chuyên chú. Tâm tán loạn, ta biết tâm tán loạn. Tâm đại hành, ta biết tâm đại hành. Tâm không đại hành, ta biết tâm không đại hành. Tâm chưa vô thượng, ta biết tâm chưa vô thượng. Tâm vô thượng, ta biết tâm vô thượng. Tâm thiền định, ta biết tâm thiền định. Tâm không thiền định, ta biết tâm không thiền định. Tâm giải thoát, ta biết tâm giải thoát. Tâm không giải thoát, ta biết tâm không giải thoát”. Vị Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên). trú xứ không tịnh.
Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ rằng: Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ mạng đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Vị Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên)… trú xứ không tịnh
Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, ta thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của chúng. Các tôn giả, chúng sanh nào làm những ác hạnh về thân, ngữ và ý, phỉ báng các bậc thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn các tôn giả chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, ngữ và ý, không phỉ báng các bậc thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy ta với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ”. Vị Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên)… trú xứ không tịnh.
Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo có ước nguyện: “Với sự diệt trừ các lậu hoặc, sau khi tự tri tự chứng, ta chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không có lậu hoặc”.
Vị Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì, nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trú xứ không tịnh.
Này các Tỷ-kheo, hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chân chánh lãnh thọ và tu học các học giới. Như vậy, phàm đã nói gì, chính duyên ở đây mà nói vậy.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các vị Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.
Giảng:
Hán tạng nói nguyện chứng được lục thông, không nói chi tiết. Pāli tạng nói rất chi tiết. Hán tạng nhấn mạnh lẽ thật, nói thần thông đơn sơ. Pāli thì thần thông nói rất chi tiết. Những điểm khác nhau đại khái nhìn qua là thấy.
Kinh này, tôi nhấn mạnh ở điểm Phật dạy mình nguyện: Dù bất cứ nguyện gì, điều kiện vẫn là phải giới đức đầy đủ, không bỏ bê thiền, thành tựu quán hạnh (theo Hán tạng) hay sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chân chánh lãnh thọ và tu học các học giới (theo Pāli). Những điều kiện đó phải luôn có từ lúc nghe Phật dạy cho đến chứng quả A-la-hán, chứ không phải nguyện suông, nguyện để mà nguyện.
Chúng ta hay nguyện suông, nguyện nhiều lắm, nguyện dư nữa, nhưng mà làm rất ít.
Dù nguyện được Tứ thiền, mà không chịu giữ giới đức đầy đủ, bỏ bê thiền, không thành tựu quán hạnh thì làm sao kết quả? Muốn được như nguyện thì phải đủ các điều kiện trên. Đó là thực tế. Chúng ta bây giờ hay tán thán cầu nguyện, nói với Phật tử: “Được, có gì đưa tôi cầu nguyện cho.” Nguyện gì cũng lãnh hết, lãnh mà không làm. Như vậy kết quả ra sao? Đó chỉ là nguyện suông, nguyện rỗng. Người tu chúng ta phải có nhận thức chín chắn. Phật cho mình ước nguyện, nhưng nguyện rồi phải cố gắng làm. Ví dụ như học trò ước nguyện sau này làm bác sĩ hay kỹ sư, thì cha mẹ phải dạy con: Bây giờ một là con phải chăm chỉ học, hai là con đừng bỏ mất thì giờ, ba là con đừng ăn chơi lãng phí. Phải thực hành, nếu không thì khó thành tựu sở nguyện. Đó là ý của bài kinh này.