HÁN TẠNG
Chánh văn:
Tôi nghe như vầy: Một hôm, Phật đến nước Xá-vệ, ở vườn Cấp Cô Độc tại Thắng lâm. Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo:
Tôi trước kia khi chưa giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nghĩ thế này: Ta nên phân biệt các niệm chia làm hai phần. Niệm dục, niệm sân, niệm hại là một phần. Niệm không dục, niệm không sân, niệm không hại là một phần.
Giảng:
Đây là Phật kể lại lúc ngài chưa giác ngộ, chưa thành đạo, ngài nghĩ nên phân biệt hai loại: một bên là niệm dục, niệm sân, niệm hại; một bên là niệm không dục, niệm không sân, niệm không hại.
Loại niệm trước là xấu, loại sau là tốt. Loại sau là những niệm nghĩ ngược lại với loại trước, để mình không còn lòng tham muốn, sân giận, gây hại nữa. Chúng ta biết niệm nào là niệm dục, niệm sân, niệm hại; niệm nào là niệm không dục, không sân, không hại. Niệm dục là niệm muốn. Dục ở trong những thứ như mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi thích vị, thân ưa xúc chạm. Đó là ngũ dục. Ngũ dục còn là tài, sắc, danh, thực, thùy. Vừa có niệm ưa một trong những thứ đó, gọi là niệm dục. Niệm không dục là nghĩ về cái không dục, thí dụ như đang ngồi vừa thấy người có sắc đẹp, mình liền biết sắc đẹp là xấu xa, nguy hiểm. Ngay niệm dục, mình nghĩ ngược lại, gọi là niệm không dục, chứ không phải không niệm.
Thí dụ vừa nghĩ tới món ăn ngon là niệm dục; liền nghĩ món ăn ngon nuốt vô khỏi cổ cũng tiêu mất, nó vô thường, là niệm không dục. Niệm sân và niệm không sân thì dễ rồi. Thí dụ vừa dấy niệm tức giận ai là niệm sân, Niệm không sân là thấy người ta làm hoặc nghe người ta nói trái tai, mình biết đó là họ nói chơi, nói đùa, biết nói rồi mất v.v… Không để ý tới, tâm lặng xuống. Niệm này làm cho sân mất đi, lặng xuống.
Niệm hại là niệm nghĩ hận ai đó, tìm cách này cách kia hại người ta, đó là niệm hại. Nếu liền nghĩ người đó tuy có dở có xấu nhưng họ cũng biết tu, họ cũng biết làm lành, chúng ta bỏ tâm hại họ. Niệm chặn đứng tâm hại người, đó là niệm không hại.
Chánh văn:
Sau khi đó, tôi phân các niệm làm hai phần… (như trên)… Tôi hành như thế, riêng ở chỗ xa lìa, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, sanh niệm dục tôi liền biết sanh niệm dục, hại mình, hại người, cả hai đều hại, nhọc nhằn trí tuệ, không được Niết-bàn, liền mau diệt nó. Lại sanh niệm sân, niệm hại, tôi liền biết niệm sân, niệm hại, hại mình, hại người, cả hai đều hại, nhọc nhằn trí tuệ, không được Niết-bàn, liền mau diệt nó.
Giảng:
Dấy niệm dục, chúng ta biết tai họa của nó là làm cho trí tuệ mờ tối, làm cho mình không được Niết-bàn, phải tìm cách diệt nó. Niệm sân, niệm hại cũng vậy, nó làm trí tuệ mờ tối, hại mình, hại người, làm cho mình không đến Niết-bàn, liền ráng mà diệt nó.
Chánh văn
Tôi sanh niệm dục chẳng nhận, đoạn trừ mửa ra. Vì cớ sao? Vì tôi thấy nhân đó ắt sanh vô lượng pháp ác.
Giảng:
Những niệm này vừa sanh trong tâm, phải trừ diệt. Phật dùng chữ “mửa” rất gợi hình. Chúng ta phải tống nó ra, đừng có tích chứa. Phải mửa ra liền.
Ba niệm này là gốc của muôn pháp ác.
Chánh văn:
Ví như tháng sau mùa xuân, vì làm ruộng nên đất thả trâu ăn không được rộng, mục đồng thả trâu ra đồng, trâu vào lúa người, mục đồng liền cầm roi chạy chặn lại. Vì cớ sao? Mục đồng biết nhân đó sẽ có mắng, đánh, trói buộc, các lỗi lầm. Thế nên, mục đồng cầm roi chặn lại. Tôi cũng như thế, sanh niệm dục không nhận, đoạn trừ, mửa ra, sanh niệm sân, niệm hại không nhận, đoạn trừ, mửa ra. Vì cớ sao? Vì tôi thấy nhân đó ắt sanh vô lượng pháp ác.
Giảng:
Niệm dục là thứ độc, nếu chứa lâu là nhiễm độc, gặp phải mửa liền dù những dục thô sơ không đáng trách mấy, cũng không nên chứa. Thí dụ như đôi ba thầy chiều ngồi bàn với nhau bữa nào mình có ít tiền mua cà phê tối nhâm nhi, đó là niệm dục đang khởi. Phải bỏ liền chứ bàn một hồi, có lẽ phải kiếm tiền và gửi người ta mua. Phải mau đoạn trừ, mửa ra, đừng chứa chấp vì nó là tai họa. Đó là niệm dục nhỏ, huống nữa là những niệm dục lớn. Niệm dục lớn thì phải mửa ra gấp, không thì bị nhiễm độc. Nhất là mấy thầy tu trẻ niệm dục về sắc mà không mửa ra, đoạn trừ gấp thì rất nguy hiểm.
Chính đức Phật khi chưa giác ngộ ngài ứng dụng tu. Ngài chỉ cho chúng ta thấy tai họa, giống như chú mục đồng khi lúa cấy đầy đồng rồi, thả trâu ra, nó vừa tới lúa mạ của người thì phải chạy chặn lại, không nó bước thêm một bước nữa. Như vậy mới khỏi bị người mắng hoặc đánh. Người tu cũng vậy, khi niệm dục khởi lên không đoạn trừ mửa ra, cứ tiếp tục thế nào cũng có tai họa. Từ ngữ ở đây dùng rất là hay! Đoạn trừ, vội vàng mửa ra, chứ không để trễ thấm độc.
Tu cốt dùng tâm trị tâm. Dùng trí tuệ chặn ngừa những tâm xấu của mình. Biết chặn lại thì mọi tội lỗi không có, dung dưỡng thì tội lỗi theo đó mà sanh. Người mới xuất gia vừa dấy niệm nhớ nhà thì phải đoạn trừ, phải mửa liền; để nuôi dưỡng một lát thì chạy đi xin phép, chuyện đó là như vậy. Phải hiểu rõ ràng, biết tai họa của nó, để nó không dẫn mình đi, mất thời giờ. Phải hết sức tế nhị, hết sức cẩn mật, chứ không phải hời hợt buông lung. Nhiều người hời hợt buông lung, nên mười người chưa chắc còn được hai. Tu cẩn mật như Phật thì đâu có rớt dọc đường.
Dung chứa nó nên bị thấm độc, cũng như chú mục đồng cứ lo chơi, để trâu giẫm lúa mạ người nên bị trói bị đánh. Đó là điều rõ ràng. Phật cụ thể lối tu như người chăn trâu khi lúa đầy đồng. Lúa đầy đồng mình chăn trâu không khi nào thong thả được hết. Thong thả là bị người ta mắng vốn.
Chánh văn:
Tỳ-kheo tùy chỗ nghĩ, tùy chỗ niệm tâm vui ở trong đó. Nếu Tỳ-kheo niệm nhiều niệm dục thì bỏ không niệm dục, do niệm nhiều niệm dục nên tâm vui ở trong đó (dục). Nếu Tỳ-kheo niệm nhiều niệm sân, niệm hại thì bỏ không niệm sân, không niệm hại, do nhiều niệm sân, niệm hại tâm vui ở trong đó (sân, hại).
Giảng:
Điều này dễ thấy, thí dụ ba bốn người đề cập đến chuyện ăn uống, thì bàn chuyện ăn uống luôn nửa tiếng đồng hồ. Nếu bàn về sắc đẹp thì bàn luôn nửa giờ về sắc đẹp. Như vậy vừa dấy niệm rồi thích, ở hoài trong đó. Đang bàn hào hứng mà có người cắt ngang thì buồn bực. Như vậy, tâm mình đang ngả về niệm nào thì nó đeo đuổi theo niệm đó, không chịu dừng lại. Tâm mình như mủ mít, đụng tới là dính, nói hoài không chán. Còn nói về chuyện ai bị hiếp đáp hay bị bực tức, bàn tán một hồi cũng quạu với nhau hết. Như vậy nếu niệm dục nhiều, niệm sân nhiều thì bỏ niệm không dục, không sân, hướng tâm về chỗ nào nhiều thì cứ dính hoài khó gỡ ra.
Chánh văn:
Như thế, Tỳ-kheo không lìa niệm dục, không lìa niệm sân, không lìa niệm hại không thể thoát được sanh già bệnh chết, lo buồn khóc than, cũng không lìa tất cả khổ.
Giảng:
Nếu niệm dục, niệm sân, niệm hại còn đeo đuổi theo mình thì không bao giờ thoát khỏi được sanh già bệnh chết, không làm gì tránh khỏi lo buồn khóc than. Như vậy thì tất cả khổ không thể tránh được.
Chánh văn:
Tôi riêng ở chỗ xa lìa hành như thế, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, không niệm dục tôi liền biết sanh không niệm dục, không hại mình, hại người, cũng không hại cả hai, tu trí tuệ không nhọc nhằn, được Niết-bàn, chóng tu tập rộng rãi. Lại sanh niệm không sân, không hại, tôi liền biết sanh niệm không sân, sanh niệm không hại, không hại mình, hại người, cũng không hại cả hai, tu trí tuệ không nhọc nhằn, được Niết-bàn, chóng tu tập rộng rãi.
Giảng:
Phật ở chỗ vắng vẻ, tinh tấn, thường xem chừng mình có niệm dục phải diệt để nuôi dưỡng không niệm dục, niệm sân phải diệt để nuôi dưỡng niệm không sân, niệm hại phải diệt để nuôi dưỡng niệm không hại. Cố gắng tu như vậy lần lần những niệm kia hết, không còn những tai họa nữa.
Chánh văn:
Tôi sanh niệm không dục còn nhiều nghĩ niệm, sanh niệm không sân, niệm không hại còn nhiều nghĩ niệm. Tôi lại nghĩ: Nhiều nghĩ niệm thì thân định ưa lãng quên, tổn hại tâm, ta nên trị nội tâm thường trụ ở trong, dừng bặt một ý, được định thì không tổn hại tâm. Tôi sanh niệm không dục rồi lại sanh niệm hướng pháp, thứ pháp, sanh niệm không sân, niệm không hại rồi lại sanh niệm hướng pháp, thứ pháp. Vì cớ sao? Vì tôi không thấy nhân đó sanh vô lượng pháp ác.
Giảng:
Đây là tiến lên nấc thứ hai. Trước chỉ trừ những niệm dục, niệm sân, niệm hại mà nuôi dưỡng niệm không dục, không sân, không hại. Tuy không có niệm dục, niệm sân, niệm hại, nhưng lúc đó mình chưa hết niệm. Thí dụ như mình không nghĩ tới dục, tới sân, tới hại mà nghĩ lát đi cuốc cỏ, đi làm cái gì lặt vặt, vẫn có niệm. Không có ba niệm kia mà còn những niệm khác, thì sao? Thì thân định ưa lãng quên. Tức là thân mình quên định đi, còn nhiều nghĩ niệm, còn nhớ cái này cái kia thì đâu có định, mà đã không định thì tổn hại tâm, ta nên trị nội tâm thường trụ ở trong. Như vậy tất cả niệm đều buông hết, chỉ còn một tâm yên ổn thôi. Nếu mình được định thì trong tâm không còn tổn hại nữa. Vì thân và tâm ảnh hưởng nhau rất lớn. Khi chúng ta có những vấn đề phiền muộn lao xao trong đầu, ăn không ngon, ngủ không yên. Niệm lăng xăng lộn xộn làm cho thân mình yếu, thì tâm cũng bị ảnh hưởng. Nếu không nghĩ, không có vấn đề nào quan trọng đối với mình hết, ngủ ngon, ăn ngon, thân thể khỏe mạnh. Cho nên mình biết rõ niệm là họa, nhiều niệm thì tổn hại tâm, mà tổn hại tâm cũng đi tới tổn hại thân. Phải hạn chế, phải tiêu diệt nó cho hết.
Tôi sanh niệm không dục rồi lại sanh niệm hướng pháp, thứ pháp. Hướng pháp, thứ pháp là sao? Tức là tuy sanh niệm không dục, không sân, không hại, nhưng trong tâm cũng còn lăng xăng, phải nhớ Tứ đế, Thập nhị nhân duyên v.v… Nhớ pháp này thì những niệm lăng xăng không sanh. Nếu chúng ta tu thiền, nhất là thiền Tổ sư thì khi mình ngồi thiền, tâm yên, để êm êm một chút, nó khởi lại. Muốn hết lăng xăng, phải nhớ ông chủ hiện hữu, không thì sẽ dấy khởi niệm. Nguyên thủy thì nhớ Tứ niệm xứ hay nhớ Thập nhị nhân duyên. Thiền tông khi tu lặng lẽ thì tâm thể trùm khắp, những cái lăng xăng mất tiêu. Thí dụ như tôi nằm chơi, nếu không nhớ gì hết thì tâm cũng lăng xăng nghĩ chuyện này chuyện nọ. Nhưng nếu nhớ tâm khắp hết thì niệm không sanh. Nhớ, ở đây dụ cho hướng pháp.
Theo Nguyên thủy thì lấy những pháp Phật đã thực hiện để làm chỗ hướng, tiến lên từ từ gọi là thứ pháp. Như niệm Tứ niệm xứ, ban đầu niệm thân bất tịnh, thọ là khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã, lần lần tiến lên như thế là thứ pháp. Vì cớ sao? Vì tôi không thấy nhân đó sanh vô lượng pháp ác. Nếu không có ba niệm hại mà biết hướng pháp, thứ pháp nữa thì không sanh các pháp ác.
Chánh văn:
Ví như tháng sau mùa thu, tất cả lúa đều gặt hái xong, mục đồng khi thả trâu ra đồng, nghĩ thế này: Trâu ta ở trong bầy. Vì cớ sao? Vì mục đồng không thấy nhân đây phải bị mắng chửi, đánh đập, trói buộc, các lỗi lầm. Thế nên, kia nghĩ: Trâu ta ở trong bầy. Tôi cũng như thế, sanh niệm không dục rồi lại sanh niệm hướng pháp, thứ pháp, sanh niệm không sân, niệm không si rồi lại sanh niệm hướng pháp, thứ pháp. Vì cớ sao? Vì tôi không thấy do đó sanh vô lượng pháp ác.
Giảng:
Mùa lúa gặt hái xong thả trâu ra đồng, chú mục đồng còn trách nhiệm với bầy trâu nữa không? Còn. Tuy không có lúa mạ nhưng phải nhớ nó đang ở trong bầy mới không mất trâu. Cũng vậy, tu dù không có niệm dục, niệm sân, niệm hại, mà không có chỗ hướng pháp thì sẽ mất tâm. Tâm lăng xăng những chuyện không đáng, vì vậy nên phải có chỗ hướng. Đó là giai đoạn trừ niệm, trước thì chỉ trừ ba niệm ác, sau diệt luôn những niệm lăng xăng, gọi là hướng pháp.
Chánh văn:
Tỳ-kheo tùy chỗ nghĩ, tùy chỗ niệm tâm vui trong đó. Nếu Tỳ-kheo niệm nhiều niệm không dục thì bỏ niệm dục, do niệm nhiều niệm không dục tâm vui trong đó. Nếu Tỳ-kheo niệm nhiều niệm không sân, niệm không hại thì bỏ niệm sân, niệm hại, do nhiều niệm không sân, niệm không hại tâm vui trong đó. Kia giác quán đã dứt, ở trong yên lặng nhất tâm, không giác không quán, định sanh hỷ lạc được đệ nhị thiền thành tựu tự tại. Kia lìa hỷ muốn xả không mong cầu, chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc. Nghĩa là chỗ thánh chứng, chỗ thánh xả. Niệm lạc trụ định được đệ tam thiền thành tựu tự tại. Kia lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, được đệ tứ thiền thành tựu tự tại.
Giảng:
Đoạn trên dùng hướng pháp, thứ pháp, tức là dùng những niệm phân biệt quán sát, nhờ phân biệt lành mình xa lìa ác, nhờ hướng pháp nên được ly tham, gọi là Sơ thiền. Đến đây bỏ luôn không niệm, tâm an định lại thì được đệ nhị thiền, rồi xả hỷ chỉ còn lạc. Lạc đối với khổ, xả luôn cái lạc, thì hết lạc, hết xả, hết hỷ, hết ưu. Chừng đó được đệ tứ thiền.
Chánh văn:
Kia tâm định như thế, thanh tịnh không ô uế, không phiền nhiệt, mềm mại khéo trụ, chứng đắc tâm bất động, hướng đến quả vị lậu tận, tự thân chứng ngộ lục thông, liền biết như thật.
Giảng:
Mềm mại là sao? Là khi được thanh tịnh một cách nhẹ nhàng, nhu nhuyến, tâm mềm mại. Được tâm bất động nghĩa là khéo trụ trong chỗ nhẹ nhàng thanh tịnh, lần lần tiến đến sạch lậu, mầm sanh tử được sạch. Hết mầm sanh tử thì chứng được lục thông thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông, túc mạng thông, lậu tận thông. Trước là mắt, kế là tai, kế là ý (tha tâm thông), kế là thần túc tức là thần thông độn thủy, độn thổ, bay lên trời tự do, tự tại; đến túc mạng thông là nhớ lui đời quá khứ, đến lậu tận thông dứt hết mầm sanh tử trong tam giới.
Nhất thiết trí là sao? Nhất thiết trí là trí biết tất cả những hiện tượng ở trong vòng sanh diệt này nhưng không thấu tột mọi chủng loại, là trí của A-la- hán. Nhất thiết chủng trí là trí biết tất cả chủng loại, là trí của Phật. Trí của Phật và La-hán khác nhau chỗ đó. Bồ-tát thì tu Nhất thiết chủng trí chứ không tu Nhất thiết trí. Chừng nào viên mãn Nhất thiết chủng trí thì thành Phật.
Chánh văn:
Biết cái khổ này như thật, biết khổ tập này, biết khổ diệt này, biết khổ diệt đạo này như thật; cũng biết cái lậu này như thật, biết lậu tập, biết lậu diệt, biết lậu diệt đạo này như thật.
Giảng:
Bởi được Nhất thiết trí nên biết khổ, tập, diệt, đạo đúng như thật.
Chánh văn:
Kia biết như thế, thấy như thế rồi tâm dục lậu được giải thoát, tâm hữu lậu, vô minh lậu được giải thoát, giải thoát rồi biết giải thoát, mầm sanh đã hết, hạnh thanh bạch tròn đầy, việc làm đã xong, không còn sanh đời sau, biết như thật. Tỳ. kheo này lìa niệm dục, lìa niệm sân, lìa niệm hại, được giải thoát sanh già bệnh chết, lo buồn khóc than và lìa tất cả khổ.
Giảng:
Đây nói tâm dục lậu được giải thoát, tâm hữu lậu được giải thoát, tâm vô minh lậu được giải thoát. Tâm dục lậu là tâm còn hướng về Dục giới. Thí dụ như muốn đời sau sanh ra gặp Phật pháp để tu hành. Hoặc nghĩ tu rồi sau sanh về cõi trời Đâu-suất để dễ tu. Tâm hữu lậu tức là tâm hướng về cõi Sắc giới. Hoặc cho có thân là có khổ, nguyện tu được sanh về cõi Không vô biên xứ (chỉ còn thức thôi). Tâm còn hướng về cõi Vô sắc, đó là vô minh lậu. Sanh trong Vô sắc giới thuộc về tâm vô minh lậu vì nó còn chìm trong vô minh. Giải thoát được dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu mới hết mầm sanh tử. Còn vô minh lậu thì còn sanh cõi trời Vô sắc, hết phước rồi cũng đọa. Vì vậy phải không còn mầm sanh Dục giới, không còn mầm sanh Sắc giới, không còn mầm sanh trong Vô sắc giới. Những mầm đó sạch hết mới gọi là giải thoát.
Giải thoát rồi biết giải thoát, mầm sanh đã hết, tức là mầm sanh trong tam giới đã hết. Hạnh thanh bạch tròn đầy là hạnh trong sạch hết không còn gì để kéo lôi lại trong tam giới nữa.
PALI TẠNG
Chánh văn:
Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà lâm), vườn ông Anāthapindika (Cấp Cô Độc). Tại đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Chư Tỷ-kheo.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Thế Tôn thuyết giảng như sau:
– Chư Tỷ-kheo, trước khi ta giác ngộ, khi chưa thành Chánh giác và còn là vị Bồ-tát, ta suy nghĩ như sau: “Ta sống suy tư và chia hai suy tưởng. Chư Tỷ-kheo, phàm có dục tưởng nào, sân tưởng nào, hại tưởng nào, ta phân thành một phần; phàm có ly tham tưởng nào, vô sân tưởng nào, vô hại tưởng nào, ta phân thành phần thứ hai”. Chư Tỷ-kheo, rồi ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Khi dục tưởng khởi lên, ta biết: “Dục tưởng này khởi lên nơi ta, và dục tưởng này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết-bàn”.
Chư Tỷ-kheo, khi ta suy tưởng: “Dục tưởng này đưa đến tự hại”, dục tưởng được biến mất. Chư Tỷ-kheo, khi ta suy tư: “Dục tưởng đưa đến hại người”, dục tưởng được biến mất. Chư Tỷ-kheo, khi ta suy tư: “Dục tưởng đưa đến hại cả hai”, dục tưởng được biến mất. Chư Tỷ-kheo, khi ta suy tư: “Dục tưởng diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết-bàn”, dục tưởng được biến mất. Chư Tỷ-kheo, như vậy ta tiếp tục trừ bỏ, xả ly và đoạn tận dục tưởng. Chư Tỷ-kheo, trong khi ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sân tưởng khởi lên… (như trên)… hại tưởng khởi lên, ta biết: “Hại tưởng này khởi lên nơi ta, và hại tưởng này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết-bàn”, hại tưởng biến mất. Chư Tỷ-kheo, như vậy ta tiếp tục trừ bỏ, xả ly và đoạn tận hại tưởng. Chư Tỷ-kheo, vị Tỳ-kheo suy tư, quán sát nhiều vấn đề gì, thời tâm sanh khuynh hướng đối với vấn đề ấy. Chư Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo suy tư, quán sát nhiều về dục tưởng, vị ấy từ bỏ ly tham tưởng. Khi tâm đã nặng về dục tưởng, thời tâm vị ấy có khuynh hướng về dục tưởng. Chư Tỷ-kheo, nếu vị ấy suy tư quán sát nhiều về sân tưởng… (như trên)… về hại tưởng, vị ấy từ bỏ vô hại tưởng. Khi tâm đã đặt nặng về hại tưởng, thời tâm vị ấy có khuynh hướng về hại tưởng.
Chư Tỷ-kheo, ví như vào cuối tháng mùa mưa, về mùa thu, khi lúa đã trổ hạt, một người mục đồng chăn giữ bò, cầm roi đánh các con bò bên này, đánh bên kia, chế ngự chúng, ngăn chặn chúng. Vì sao vậy? Chư Tỷ-kheo, vì người mục đồng thấy do nhân duyên này, đưa đến sự chết, sự tù tội, sự đánh đập hay sự trách móc. Chư Tỷ-kheo, cũng vậy ta đã thấy sự nguy hại, sự hạ liệt, sự phiền não của các pháp bất thiện, và thấy sự viễn ly, sự lợi ích, và sức tịnh hóa của các thiện pháp.
Chư Tỷ-kheo, trong khi ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, khi ly tham tưởng khởi lên, ta biết như vậy: “Ly dục tưởng này khởi lên nơi ta và ly tham tưởng này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào phiền não, đưa đến Niết-bàn”.
Giảng:
Phần trên thì hai bài kinh Hán tạng và Pāli rất gần với nhau, chỉ có khác vài chữ, còn tư tưởng thì rất hợp.
Chánh văn:
Chư Tỷ-kheo, nếu ban đêm ta suy tư, quán sát (về ly tham tưởng), không phải từ nhân duyên ấy ta thấy sợ hãi; chư Tỷ-kheo, nếu ban ngày ta suy tư, quán sát (về ly tham tưởng), không phải từ nhân duyên ấy ta thấy sợ hãi.
Giảng:
Đoạn này bên Hán tạng hoàn toàn không có. Ý đoạn này nói ban đêm suy tư về ly tham tưởng không có sợ hãi, ban ngày suy tư về ly tham tưởng không có sợ hãi, cả đêm và ngày suy tư về ly tham tưởng đều không sợ hãi. Như ban đêm ngồi thiền ngoài hành lang thiền đường, bị muỗi chích, chúng ta sợ sanh bệnh sốt rét nên sợ muỗi. Hoặc có rắn hay rít bò qua, muốn xách bồ đoàn chạy. Tại sao sợ? Sợ bị cắn chết. Vì còn tham sống, tham mạnh khỏe, còn tham là còn dục. Vì tham sống sợ chết nên sợ rắn. Vì tham mạnh nên sợ bệnh, sợ muỗi. Nếu lúc đó ly tham tưởng có sợ hãi không? Không. Hết tất cả tham kể cả tham sống thì có gì sợ,
Điều này rõ ràng, khi mình quán sát về ly tham tưởng, không còn tham thì ban đêm không sợ, ban ngày không sợ, cả đêm ngày không sợ. Những lẽ đó nếu khéo ứng dụng, sẽ thấy thật sự như vậy. Mọi sợ hãi là do lòng tham mà thôi. Ai sợ nhiều là tham nhiều. Lên xe ngồi nghĩ đến tiền, sợ bị móc túi… cái gì cũng sợ. Mọi sợ hãi phát xuất từ tham dục, tham dục hết thì mọi sợ hãi hết.
Chánh văn:
Và nếu ta suy tư, quán sát quá lâu, thân ta có thể mệt mỏi; khi thân mệt mỏi thì tâm bị chướng ngại, khi tâm bị chướng ngại thì tâm rất khó được định tĩnh. Chư Tỷ-kheo, rồi tự nội thân ta trấn an tâm, trấn định tâm, khiến được nhất tâm, khiến thành định tĩnh.
Giảng:
Chúng ta ngồi thiền, tâm nghĩ lăng xăng, nghĩ hoài không hết. Lúc đó chỉnh đốn nghiêm lại thì hết lăng xăng. Đó là trấn định tâm, trấn an tâm là vậy. Chỉnh lại cho mạnh, nhìn thẳng nó một chút. Thiền tông thì chỉ nhớ ông chủ, tâm lăng xăng phải trấn định lại.
Chánh văn:
Vì sao vậy? Vì để tâm ta khỏi chướng ngại. Chư Tỷ-kheo, trong khi ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, khi vô sân tưởng khởi lên… (như trên)… vô hại tưởng khởi lên, ta biết như vậy: “Vô hại tưởng này khởi lên nơi ta và vô hại tưởng này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào phiền não, đưa đến Niết-bàn.” Chư Tỷ-kheo, nếu ban đêm… không phải từ nhân duyên ấy mà ta thấy sợ hãi. Và nếu ta suy tư, quán sát quá lâu, thân ta có mệt mỏi; khi thân ta mệt mỏi thì tâm bị chướng ngại, khi tâm bị chướng ngại tâm rất khó được định tĩnh. Chư Tỷ-kheo, rồi tự nội thân ta trấn an tâm, trấn định tâm, khiến cho được nhất tâm, khiến thành định tĩnh. Vì sao vậy? Vì để tâm ta khỏi chướng ngại. Chư Tỷ-kheo, trong khi ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, khi vô sân tưởng khởi lên… (như trên)… Vô hại tưởng khởi lên, ta biết như vậy: “Vô hại tưởng này khởi lên nơi ta và vô hại tưởng này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào phiền não, đưa đến Niết-bàn”. Chư Tỷ-kheo, nếu ban đêm… không phải từ nhân duyên ấy mà ta thấy sợ hãi. Và nếu ta suy tư, quán sát quá lâu, thân ta có thể mệt mỏi; khi thân ta mệt mỏi thì tâm bị chướng ngại; khi tâm bị chướng ngại, tâm rất khó được định tĩnh. Chư Tỷ-kheo, rồi tự nội thân ta trấn an tâm, trấn định tâm, khiến được nhất tâm, khiến thành định tĩnh. Vì sao vậy? Vì để tâm ta khỏi chướng ngại. Chư Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo suy tư, quán sát nhiều về vấn đề gì thời tâm sanh khuynh hướng đối với vấn đề ấy. Chư Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo suy tư, quán sát nhiều về ly tham tưởng, vị ấy từ bỏ dục tưởng. Khi tâm đã đặt nặng về ly tham tưởng, tâm vị ấy có khuynh hướng về ly tham tưởng. Chư Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo suy tư, quán sát nhiều về vô sân tưởng. (như trên)… nếu vị Tỷ-kheo suy tư, quán sát nhiều về vô hại tưởng, vị ấy từ bỏ hại tưởng. Khi tâm đã đặt nặng về vô hại tưởng, thời tâm vị ấy có khuynh hướng về vô hại tưởng.
Chư Tỷ-kheo, ví như vào cuối tháng hè, khi tất cả lúa gạo đã cất vào kho thóc, một vị mục đồng chăn giữ các con bò. Khi người mục đồng ở dưới gốc cây hay ở ngoài trời, người ấy có thể nghĩ đến có việc cần phải làm, và người ấy nghĩ: “Đây là những con bò.” Chư Tỷ-kheo, cũng vậy ở đây, có việc cần phải làm và ta nghĩ: “Đây là những pháp”.
Giảng:
Gạo lúa cho vào kho, mục đồng chăn giữ các con bò. Khi ở dưới gốc cây hay ở ngoài trời, mục đồng có thể nghĩ đến có việc cần phải làm, đó là nghĩ đến các con bò. Tuy bò không ăn lúa mạ ai, nhưng bổn phận mục đồng là phải nhớ, phải nghĩ tới bò. Chúng ta tuy không có ba niệm ác nhưng trách nhiệm của mình là phải nhớ phải nghĩ pháp. Bên Hán tạng nói trâu, Pāli nói bò. Vì Ấn Độ phần nhiều dùng bò chứ không dùng trâu. Bò đi đầy đường đầy xá, người ta không ăn thịt bò.
Chánh văn:
“Chư Tỷ-kheo, ta phát tâm dõng mãnh, tinh tấn, không có tiêu cực, niệm không tán loạn được an trú, tâm được khinh an không có cuồng nhiệt, tâm được định tĩnh nhất tâm. Chư Tỷ-kheo, ta ly tham, ly ác, bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly tham sanh, có tầm, có tứ. Diệt tầm và tứ, ta chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, ta chứng và an trú thiền thứ ba. Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, ta chứng và trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Với tâm định tĩnh như vậy. Chư Tỷ-kheo, đó là minh thứ ba ta đã chứng được cuối đêm canh thứ ba.
Vô minh được đoạn trừ, minh sanh khởi, bóng tối được đoạn trừ, ánh sáng sanh khởi, trong khi ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
Giảng:
Phật chứng đạo, có đủ lục thông hay tam minh. Một, thiên nhãn minh cũng gọi là sanh tử trí. Tức là trí thấu suốt được manh mối sanh tử, thấy rõ người tạo nhân gì, đi đâu (tam giới). Hai, túc mạng minh là biết suốt được muôn kiếp về trước. Ba, lậu tận minh cũng giống như lậu tận thông. Nói gọn là ba, nói rộng là sáu.
HÁN TẠNG
Chánh văn:
Ví như một nơi vắng vẻ có dòng suối lớn, có bầy nai đến ở trong ấy, có một người đến tìm cách hại bầy nai kia nên lấp đường cái, mở lối hiểm, đào hầm lớn, đặt người ở coi chừng. Như thế, tất cả bầy nai đều bị chết. Lại có người vì đem lại sự lợi ích an ổn khoái lạc cho bầy nai kia nên dọn đường cái, lấp lối hiểm, đuổi người coi chừng. Như thế, bầy nai đều được an ổn khỏi chết.
Giảng:
Một bầy nai đến dòng suối. Có người muốn hại bầy nai nên đầu tiên họ lấp đường cái, mở lối tẻ rồi đào cái hầm sâu và rộng, gác cây ở trên, đặt người coi chừng. Họ tìm cách đuổi bầy nai chạy, bầy nai đó chạy theo đường cũ, bây giờ đường bị lấp rồi, phải chạy theo lối tẻ, và lọt xuống hầm.
Chánh văn:
Tỳ-kheo nên biết, tôi nói dụ này cần phải hiểu nghĩa, người trí dụ thì hiểu lý thú. Dụ này có nghĩa: Dòng suối lớn là ngũ dục mến ưa yêu thích. Thế nào là ngũ dục? Là mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết xúc. Dòng suối lớn nên biết là ngũ dục vậy. Bầy nai nên biết là Sa-môn, Phạm chí. Có người lại muốn hại bầy nai là ma Ba-tuần. Lấp đường cái, mở lối hiểm là ba niệm ác: niệm dục, niệm sân, niệm hại. Lối hiểm nên biết là ba niệm ác. Lại có lối hiểm khác là tám tà đạo: tà kiến cho đến tà định. Đào hầm lớn là vô minh. Đặt người coi chừng là quyến thuộc ma Ba-tuần.
Giảng:
Người muốn hại bầy nai dụ cho ma Ba-tuần. Bầy nai là dụ cho các Tỳ-kheo và chúng sanh, dòng suối dụ cho ngũ dục, đường cái dụ cho Bát chánh đạo hoặc ba niệm thiện, lối hiểm là ba niệm ác hay tám pháp tà. Hầm sâu là vô minh, mấy người giữ chờ nai rớt xuống để chụp bắt là quyến thuộc của ma. Thí dụ này rõ ràng lắm, chúng ta là mấy con nai đó, ăn cỏ xong, khô cổ thích xuống uống nước. Lúc đi xuống đường rộng lớn dễ đi, lúc đi lên họ bít lối, mở một lối khác, đường cái không đi được phải đi lối tẻ. Muốn bắt mình, họ ở sau hù la, chúng ta cứ chạy ào và rớt xuống hầm. Rớt xuống hầm là bị ma bắt. Đó là người ác và việc làm ác.
Chánh văn:
Lại có người đến vì đem lợi ích an ổn cho bầy nai là Như Lai Chánh đẳng giác không chấp trước vậy. Lấp lối hiểm, mở đường cái là ba niệm thiện: niệm không dục, niệm không sân, niệm không hại, đường cái là ba niệm thiện. Lại đường cái là tám thánh đạo, chánh kiến cho đến chánh định.
Giảng:
Rồi cũng có người thiện thương xót bầy nai, người đó trước hết lấp lối hiểm, mở đường cái, lấp bằng hầm lớn, đuổi mấy người giữ hầm. Như vậy để cho bầy nai uống nước rồi đi lên an ổn. Người đó dụ cho Phật. Phật thương mình lấp lối hiểm tức là lấp ba đường ác và tám đường tà, rồi mở đường thẳng Bát chánh đạo và ba niệm thiện. Lấp hố là lấp vô minh, đuổi người coi chừng là đuổi quyến thuộc của ma. Qua thí dụ này, Phật chỉ cho chúng ta thấy ma luôn luôn rình rập muốn hại mình. Nếu mình mê ngũ dục, như nai xuống uống nước, mới bị chặn đuổi. Vì mình đuổi theo ngũ dục nên bị ma tìm cách hại. Phật mở đường rộng, dẹp lối hiểm, đuổi bọn ma để cứu mình.
Chánh văn:
Tỳ-kheo! Tôi vì các ông mở đường cái, bít lối hiểm, lấp bằng hầm lớn, đuổi người coi chừng, như tôn sư vì đệ tử khởi lòng đại từ thương xót tưởng nhớ, cầu nghĩa và nhiều lợi ích, cầu an ổn khoái lạc. Nay tôi đã làm, các ông cũng phải tự làm, đến chỗ vắng vẻ, nơi núi rừng, dưới cội cây, chỗ trống vắng, ngồi yên tư duy, chớ có buông lung, gắng sức tinh tấn, không để sau này hối hận. Đây là lời tôi nhắc nhở, lời tôi dạy bảo.
Phật nói như thế, các thầy Tỳ-kheo nghe Phật nói hoan hỷ phụng hành.
Giảng:
Tóm lại, Phật nói những bậc tôn sư thương xót đệ tử, muốn cho đệ tử được an ổn khoái lạc nhiều lợi ích, Phật cũng vậy. Ngài muốn chúng ta được an ổn, được khoái lạc, được nhiều lợi ích. Những điều gì Phật đã làm, ngài dạy mình phải gắng làm. Câu cuối ngài nói: Nay tôi đã làm, các ông cũng phải tự làm, đến chỗ vắng vẻ, nơi núi rừng, dưới cội cây, chỗ trống vắng, ngồi yên tư duy, chớ có buông lung, gắng sức tinh tấn không để sau này hối hận. Đây là lời tôi nhắc nhở, lời tôi dạy bảo. Lúc nào Phật cũng nhắc cũng dạy hết mà chúng ta lúc học thì nhớ, hết học thì quên. Thật giống hệt mấy đứa con nít, nhà ở gần đường cứ chạy tới chạy lui. Mẹ chúng bảo con đừng chạy ra ngoài nắng. Nó dạ, rồi cũng chạy ra nắng, chạy ra đường. Lôi vào một lát cũng chạy ra. Phật bảo chúng ta đừng có ba niệm ác, niệm tà, thói xấu phải bỏ, đi theo lối Phật dạy để hết khổ. Lúc Phật dạy thì cố gắng lắm, sau đó quên hết, cũng y nguyên như cũ. Cho nên Phật nói mình giống bầy nai cũng đúng, dốt nát quá, không sáng suốt, nghe hoài mà không nhớ.
PĀLI TẠNG
Chánh văn:
Chư Tỷ-kheo, giống như trong một khu rừng rậm rạp có một hồ nước lớn thâm sâu, và một đoàn nai lớn sống gần một bên. Có một người đến, không muốn chúng được lợi ích, không muốn chúng được hạnh phúc, không muốn chúng được an ổn khỏi các ách nạn. Nếu có con đường nào được yên ổn, được an toàn, đưa đến hoan hỷ, người ấy sẽ chặn đóng con đường này lại, sẽ mở con đường nguy hiểm, sẽ đặt con mồi đực, sẽ đặt con mồi cái. Chư Tỷ-kheo, như vậy, sau một thời gian, đoàn nai lớn ấy gặp ách nạn và hao mòn dần.
Chư Tỷ-kheo, có một người đến, muốn đoàn nai ấy được lợi ích, muốn chúng được hạnh phúc, muốn chúng được an ổn khỏi các ách nạn. Nếu có con đường nào được yên ổn, được an toàn, người ấy sẽ mở con đường này, sẽ đóng con đường nguy hiểm lại, sẽ đem con mồi đực đi, sẽ hủy bỏ con mồi cái. Chư Tỷ-kheo, như vậy đoàn nai lớn ấy sau một thời gian sẽ được tăng trưởng, hưng thịnh, thành mãn.
Chư Tỷ-kheo, ta nói ví dụ ấy để giải thích ý nghĩa như sau: Chư Tỷ-kheo, hồ nước lớn thâm sâu chỉ cho các dục vọng. Chư Tỷ-kheo, đoàn nai lớn chỉ cho các loài hữu tình. Chư Tỷ-kheo, con người không muốn chúng được hạnh phúc, chúng được an ổn khỏi các ách nạn chỉ cho ác ma. Chư Tỷ-kheo, con đường nguy hiểm chỉ cho con đường tà đạo có tám ngành, tức là tà tri kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Chư Tỷ-kheo, con mồi đực chỉ cho hỷ và tham. Chư Tỷ-kheo, con mồi cái chỉ cho vô minh. Chư Tỷ-kheo, con người muốn chúng được lợi ích, muốn chúng được an ổn khỏi các ách nạn chỉ cho Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Con đường yên ổn, an toàn, đưa đến hoan hỷ, chỉ cho con đường thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chư Tỷ-kheo, như vậy ta mở con đường yên ổn, an toàn, đưa đến hoan hỷ, ta đóng con đường nguy hiểm, ta mang đi con mồi đực, ta hủy bỏ con mồi cái. Chư Tỷ-kheo, những gì vị đạo sư cần phải làm cho các đệ tử vì lòng thương tưởng họ, những điều ấy ta đã làm, vì lòng thương tưởng các ông. Chư Tỷ-kheo, đây là các gốc cây, đây là các không xứ. Hãy thiền định, chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc về sau. Đó là lời giáo huấn của ta.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.
Giảng:
Bên Hán tạng thì nói đào hầm. Hầm đó là dụ cho vô minh, những người giữ hầm là dụ cho quyến thuộc của ác ma. Bên Pali thì nói con mồi đực, con mồi cái. Con mồi cái dụ cho vô minh, con mồi đực dụ cho ngũ dục, nói nhử từ từ thì không được rõ. Vì nếu dùng con mồi đực, chỉ nhử được ít con nai cái, con mồi cái thì nhử được ít con nai đực thôi. Còn Hán tạng nói đào hầm lót cây, hô một cái, bầy nai nhảy thì rơi xuống hầm cả đám. Nai uống nước là chạy theo ngũ dục, tất cả chạy theo ngũ dục thì tất cả rơi xuống hầm. Vậy mới thực tế đủ nghĩa hơn, rõ hơn.
Một Phật tử vốn là giáo sư trường Pétrus Ký hỏi: Bạch Thầy, có tu hữu lậu và vô lậu. Tu hành còn hữu lậu là còn có thiện ác, đến vô lậu rồi thì không còn thiện ác đối đãi. Như vậy thì ranh giới nào, cái mốc nào để quyết định bên này là hữu lậu, bên kia là vô lậu? Nếu tu tới chỗ không còn thiện, không còn ác; giả sử thấy người té sông chết chìm, mình không cần cứu vì đâu thấy đó là thiện. Có thể cầm súng bắn người vì ác cũng không có thật, phải không? Trên đường từ nhà tới đây, ngồi xe nói cười vui vẻ. Tới chùa lễ Phật, thấy phải nghiêm chỉnh, như vậy cũng còn đối đãi. Một thiền sư Nhật Bản, vào chùa phun nước bọt vào tượng Phật. Vị trụ trì nói sao ông bất kính phun nước bọt vào Phật? Thiền sư hỏi lại: Ông chỉ chỗ nào không Phật để tôi phun nước bọt. Trụ trì bí. Trường hợp thứ hai là ngài Đơn Hà khiêng tượng Phật xuống chẻ, đốt, hơ. Ông nghi chỗ này. Nếu có thiện có ác thì mình biết làm lành, tránh dữ. Hết thiện hết ác thì cái gì cũng làm hết sao?
Tôi dẫn câu chuyện để trả lời:
Một hôm ngài Bá Trượng giảng xong, mọi người về hết, còn lại một ông già. Ngài hỏi:
– Sao ông không về?
– Thưa Ngài, con không phải là người thường.
– Vậy ông là người gì?
– Dạ con là dã hồ tinh. Thời Phật Tỳ-bà-thi con làm Tỳ-kheo, có người hỏi người đại tu hành có rơi vào nhân quả không, con trả lời không, nên đọa làm hồ tinh năm trăm kiếp. Xin ngài nói cho con một chuyển ngữ để thoát kiếp hồ tinh.
– Ông hỏi lại ta đi.
– Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không?
– Không lầm nhân quả.
Liền đó ông già hết kiếp hồ tinh và Tổ làm đám tang cho ông theo nghi thức Tỳ-kheo,
Không lầm nhân quả và không rơi vào nhân quả khác nhau chỗ nào? Câu không rơi vào nhân quả lỗi ở chỗ nào mà bị đọa tới năm trăm kiếp? Giáo lý của đức Phật lập cước trên lý nhân quả, nếu cho rằng người đại tu hành không còn nhân quả nữa, đó là phủ nhận giáo lý của đức Phật. Trong kinh nói Phật còn bị nạn kim thương mã mạch, còn phải trả nhân trước, nếu nói người tu hành không còn nhân quả là trái ngược. Bị đọa là do hiểu sai giáo lý căn bản của Phật.
Tại sao nói không lầm nhân quả liền chuyển được kiếp hồ tinh? Bởi vì người đại tu hành thấy rõ nhân quả không còn nghi lầm, mờ tối. Như tôi lúc chưa biết tu, có thể đã làm ác, gây nhân ác với một người. Người đó oán hờn tôi. Bây giờ tôi biết tu, hiểu đạo rồi, gặp lại người kia, bị họ trả đũa, chửi nói đủ thứ. Tôi chỉ cười, nghĩ mình đã làm cho họ khổ đau bao nhiêu năm. Như vậy là có trả hay không có trả? Có nhân quả hay không nhân quả? Có mà không có. Vì biết rõ nhân mình làm trước bây giờ phải trả, trả nhưng không thấy quan trọng, chỉ cười thôi. Trả mà vui như không trả thì đâu có khổ đau. Đặc biệt ở chỗ đó.
Việc phun nước bọt vào tượng Phật là phương tiện độ sanh của bậc tu hành cao. Vì thấy vị trụ trì kính tượng Phật mà không nhận ra Phật tâm trùm khắp, nên thiền sư làm một cử chỉ tổn hại cho mình để Trụ trì hỏi, thiền sư gạn lại: Chỗ nào không Phật chỉ cho tôi nhổ. Trụ trì ngay đó tỉnh ngộ. Như vậy là vì độ sanh, mà làm hành động thô tháo.
Ngài Đơn Hà chẻ tượng Phật cũng thế. Thấy Viện chủ cho tượng Phật gỗ trên bàn thờ là thật, nên ngài mới khiêng xuống chẻ ra, đốt hơ. Viện chủ nổi tức hỏi: Tại sao đem Phật tôi chẻ đốt? Ngài nói: Tôi đốt để tìm xá-lợi. Viện chủ nói: Phật bằng gỗ thì làm gì có xá-lợi? Ngài trả lời: Nếu không có, đem thêm một tượng nữa đốt. Viện chủ giật mình tỉnh ngộ, hết chấp, nên có câu:
Đơn Hà thiêu mộc Phật,
Viện chủ lạc mi mao.
Các ngài làm vì mục đích độ sanh, tùy căn cơ để giáo hóa, chứ không phải làm vì không thấy thiện không thấy ác. Hơn nữa, chính khi không còn niệm thiện ác, vẫn có tâm vô duyên từ. Vô duyên từ là lòng từ không có nhân duyên, thấy khổ thì cứu, không bao giờ làm khổ ai. Phật thấy con kiến rơi xuống nước cũng vớt, đâu phải ngài nghĩ vớt là có phước. Đó là vô duyên từ. Vấn đề này rất tế nhị. Phải nhớ người tu khi tới chỗ dứt hết niệm ác niệm thiện, lúc đó không phải gặp gì làm nấy, mà là thuần thiện. Vận lòng từ vô duyên, điều gì lợi ích chúng sanh là làm, không bao giờ làm đau khổ chúng sanh. Như vậy đâu có ác, mà hoàn toàn là thiện.
Chúng ta học đạo cần phải tu để tỉnh giác, nhưng cũng không thể thiếu phần học rộng. Vậy phải ráng vừa tu để đạo lực thâm sâu, vừa học rộng để lợi tha được thông suốt.
Trang trước | Mục lục | Về Trang chủ |