Thiền Và Ngộ

Bài17. Thiền - Nội Tâm Và Ngoại Cảnh Dung Hòa



I/  Nội tâm ngoại cảnh

Lúc chúng ta hướng vào trong quán sát tâm mình thường sẽ phát hiện tâm ta đang không ở trong tâm mà ở ngoại cảnh. Thế thì, nội tâm và ngoại cảnh có hình thành thế đối lập không? Theo quan điểm Phật giáo, nội tâm và ngoại cảnh thống nhất với nhau chứ không đối lập. Chỉ cần trong tâm an tĩnh, thanh tịnh, thì thế giới bên ngoài cũng sẽ thanh tịnh, an tĩnh. Thế nhưng người bình thường vì trong tâm và thế giới bên ngoài có quá nhiều mâu thuẫn và xung đột nên cảm thấy thống khổ vô vàn. Nếu chúng ta có thể ứng dụng giáo lý Phật giáo và theo pháp tu hành để cho trong ngoài hòa hợp, thì thân tâm chúng ta tự nhiên sẽ được an lạc và tự tại.

II/ Nội tâm và ngoại cảnh theo Phật giáo

Gồm 2 nội dung:

1. Vũ trụ quan và nhân sinh quan Phật giáo

Phật giáo cho vũ trụ là do nội tâm con người tạo thành. Thế giới bên ngoài chỉ là sự phản ánh những tạo tác quá khứ của nội tâm. Vì nghiệp do tâm khởi và vạn pháp duy tâm hiện, tiểu thế giới của cá nhân là hiện báo của nghiệp lực cá nhân, thế giới bên ngoài là cảm ứng cộng nghiệp của mọi người. Do vô minh phiền não làm nhân tạo ra quả là nhân sinh và vũ trụ. Những phiền não vô minh từ vô thủy làm cho con người sinh ra những hành vi về tâm lý và sinh lý, sau đó lại do hành vi của thân tâm mà tạo ra quả báo cho đời sống và sinh mạng đời sau. Cùng lúc với việc nhận quả báo liên tục cho đời sống và sinh mạng này, lại tiếp tục do bản năng chán khổ cầu vui mà không ngừng tạo ra những hành vi mới từ thân tâm. Cứ như thế, từ nhân đến quả, từ quả sinh nhân, hình thành hiện tượng sinh mạng tương tục không dứt. Đây chính là hiện tượng ba đời lưu chuyển. Mà khởi nhân của hiện tượng sinh mạng này là phiền não vô minh trong nội tâm, vì nội tâm cá nhân có phiền não nên không thể thanh tĩnh, do đó tạo nên thế giới cũng không thể yên bình.

2. Thuyết nội tâm và ngoại cảnh thống nhất của Phật giáo

Chúng sinh và Thánh nhân khác nhau ở chỗ tâm nhiễm hay tịnh, tâm chúng sinh tạp nhiễm không thanh tịnh, ngược lại, tâm Thánh nhân thanh tịnh không nhiễm. Vì tâm có nhiễm nên chúng sinh thấy thế giới cũng không thanh tịnh. Phật giáo chia thế giới làm tâm pháp tinh thần và sắc pháp vật chất. Con người và vũ trụ là do tâm pháp tinh thần và sắc pháp vật chất tổ hợp mà thành. Trong hai thứ này, tâm pháp tinh thần đóng vai trò chính, vì tâm pháp tinh thần là động lực sinh mạng trong nội tâm, còn sắc pháp ngoại giới là hiện tượng sinh mạng. Tinh thần “Tâm” cộng vật chất “sắc” tạo ra các loại hiện tượng trong nhân sinh và vũ trụ. Chúng ta phải dựa vào tinh thần nội tâm mới có thể nhận thức thế giới vật chất bên ngoài. Nếu lìa tinh thần thì thế giới vật chất sẽ không tồn tại. Nếu chúng ta muốn thế giới hòa bình, trước tiên nội tâm chúng ta phải bình hòa. Có nhiều người mong thế giới hòa bình nhưng lại sân hận đấu tranh, nội tâm họ không yên bình. Ví dụ, có hai người đang tranh luận, một người chủ trương hòa bình, không cần chiến tranh, người kia ngược lại chủ trương chỉ có chiến tranh mới đạt được mục đích hòa bình. Lúc họ đang tranh luận kịch liệt, người chủ trương chiến tranh hỏi người chủ trương hòa bình: “Anh chủ trương hòa bình tại sao còn cùng tôi tranh luận? Tranh luận tức là không hòa bình.” Những sự việc tương tự như thế này xảy ra ở khắp nơi.

III/ Mục đích của Phật giáo là làm cho nội tâm ngoại cảnh hòa hợp

Gồm 2 nội dung:

1. Thế gian là khổ

Gồm 2 nội dung:

1.1. Tự ngã cùng ngoại giới đối lập và xung đột

Thế giới chúng ta ở đầy dẫy đau khổ, mà nguyên nhân khổ xuất phát từ cá nhân mình, lúc nào cũng đối lập và xung đột với môi trường tự nhiên và hoàn cảnh xã hội bên ngoài. Trong xã hội, chúng ta thường thấy người người xung đột nhau, cha con đấu nhau, bạn bè thân thích tranh nhau, đây là những hiện tượng vô cùng phổ biến. Bạn có thấy qua cặp vợ chồng nào không hề cãi vả nhau không? Lúc vợ chồng cãi nhau, ai cũng cho đối phương sai. Vì đối phương sai nên đem vô lượng đau khổ đến cho mình.

Có một người vợ thường cãi nhau với chồng nên cảm thấy vô cùng phiền não. Lúc tôi hỏi cô ấy sao phiền não như vậy, cô đáp: “Tự con không có phiền não, nhưng chồng con đem vô số phiền não cho con.”

1.2. Xung đột mâu thuẫn trong nội tâm tự ngã

Gồm 4 nội dung:

1.2.1. Xung đột giữa lấy bỏ, lợi hại

Lúc chúng ta đối mặt với sự chọn lựa giữa lấy và bỏ thường không biết nên chọn cái nào cho thích hợp, sau khi đã quyết định rồi lại sợ được sợ mất.

Một hôm, có một nữ đệ tử ngũ giới hỏi tôi cô muốn kết hôn, không biết có tốt không? Tôi đáp: “Con muốn kết hôn sao lại hỏi Thầy?” Cô đáp: “Con có ba đối tượng đều rất tốt, không biết nên kết hôn với ai là tốt nhất, con không biết chọn ai trong số ba người họ, nên đến thỉnh giáo Thầy.” Thế là tôi đề nghị cô lựa một người đến gặp tôi, ngày sau quả thật cô đưa một bạn trai đến gặp tôi, tôi liền nói: “Đây là người tốt nhất.” Cô nói: “Nhưng Thầy còn chưa thấy hai người kia, họ cũng rất được.” Tôi nói: “Thôi, vậy con bóc thăm quyết định đi. Nhưng con phải biết rằng sở dĩ con mang người này đến đây trước hơn hết chắc chắn là có nguyên nhân của con.” Sau đó cô đã kết hôn với người bạn trai mà cô dẫn đến gặp tôi.

1.2.2. Xung đột giữa lý trí và tình cảm

Người bình thường thường dùng lý trí xử lý việc của người khác, nhưng lại dùng tình cảm xử lý việc của mình. Đây chính là câu mà dân gian thường nói: “Người ở trong cuộc thì mê.”

Có một bác sĩ, lúc con trai anh bệnh, anh nhờ bác sĩ khác trị giùm, có người hiếu kỳ hỏi: “Anh là bác sĩ, sao không trị bệnh cho con mình?” Anh đáp: “Bởi vì đó là con tôi, tôi sợ tôi không đủ lý trí để chẩn đoán và trị liệu, có thể tạo nên kết quả phán đoán sai lầm. Bác sĩ khác không có quan hệ thân tình với con tôi, anh ta sẽ đủ tĩnh lặng để dùng lý trí chẩn đoán và trị liệu chính xác.” Thế nên, nếu chúng ta dùng tình cảm xử lý sự việc thì thường dễ tạo ra sai lầm.

1.2.3. Xung đột giữa niệm trước và niệm sau

Những suy nghĩ hôm qua, hôm nay đã thay đổi, hôm qua cho là đúng, hôm nay lại thấy là sai. Việc hôm nay quyết định, ngày mai có thể lại thay đổi, có người thay đổi rất nhanh, vì đối với quyết định của mình đã khởi nghi. Nếu người nào thường hay thay đổi quyết định của mình, chắc chắn người đó trong tâm không an. Nội tâm không an thì cuộc sống của họ cũng sẽ không an.

1.2.4. Đánh mất tự ngã và mờ mắt truy cầu

Có một thanh niên, mỗi lần tôi gặp anh, anh đều đang nổi giận. Thế là tôi hỏi anh: “Tại sao chú lại hay nổi nóng vậy?” Anh đáp: “Thế giới này đã điên cuồng rồi, sự việc tôi mới hoạch định xong hôm qua, hôm nay tình hình đã thay đổi rồi, tôi vĩnh viễn không cách gì đuổi kịp thế giới này, cho nên tôi rất giận.” Mục tiêu của người này không có nguyên tắc, luôn trôi nổi lăn lộn theo sóng gió của hoàn cảnh, mờ mắt tìm cầu, hôm nay thấy phía đông tốt liền chạy về phía đông, ngày mai thấy phía tây tốt lại chạy về phía tây. Do sự hấp dẫn của ngoại cảnh không ngừng biến dịch, nên kéo theo nội tâm anh ta hỗn loạn và bất an, từ đó mất đi sự an định và cảm giác an toàn.

2. Lìa khổ được vui chính là sự yên tĩnh và bình hòa của nội tâm và ngoại cảnh

Gồm 2 nội dung:

2.1. Dùng giáo lý Phật giáo có thể khai thông cho chúng ta

Gồm 2 nội dung:

2.1.1. Lý nhân quả

Tất cả mọi việc tốt xấu mà chúng ta gặp phải đều có nguyên nhân của nó. Nếu không phải là nhân mới tạo trong đời này thì chắc chắn là nhân đã tạo trong vô lượng kiếp về trước. Cho nên gặp việc tốt không nên kiêu mạn, gặp việc xấu cũng không nên não hận, kịp thời nỗ lực cầu tiến bộ, cầu cải thiện, mới là hành động sáng suốt nhất.

Sơ Tổ Thiền Tông Bồ Đề Đạt Ma nói: 1. Gặp cảnh nghịch nên tu “Báo oán hạnh”. Tức là nhân ác tự tạo đời quá khứ hiện nay tự chịu ác quả. Giống như tự làm dơ tay mình, nhanh chóng rửa sạch tay là việc nên làm trước hết, không chịu rửa tay trước, lại đi oán trách cái tay dơ. 2. Gặp cảnh thiện nên tu “Tùy duyên hạnh”. Đời trước tự tạo thiện nhân, đời nay nhận lãnh quả lành. Giống như tự để một số tiền lớn vào ngân hàng nay rút số tiền đó ra, tiền đó vốn là của mình, nếu cho đó là món tiền trên trời rơi xuống mà vui mừng thì có phải là ngốc nghếch không?

2.1.2. Lý nhân duyên

Các hiện tượng ở thế gian không thể do một người làm thành, mà do chúng duyên hòa hợp thành. Từng có một ông chủ của một đại công ty, rất kiêu ngạo nói với tôi: “Công ty tôi có ba vạn nhân viên, đều là dựa vào tôi để kiếm sống.” Tôi hỏi ông: “Nếu tất cả những nhân viên này không làm việc cho công ty ông, hoặc ông không có cách gì tìm đủ nhân viên thích hợp, lúc đó công ty ông có còn tồn tại không?” Ông chủ này đại biểu cho những người không hiểu lý nhân duyên. Môi trường chúng ta sống đều do nhiều nhân duyên hợp lại mà có. Nhân duyên không ngừng biến hóa, hiện tượng cũng theo đó thay đổi. Cho nên tốt cũng không bền, xấu cũng không bền, bất tất phải quá vui mừng hay quá đau thương, cứ nỗ lực sống theo hướng tốt mới là điều quan trọng.

2.2. Dùng phương pháp tu hành

Phương pháp tu hành để đạt đến tâm yên tĩnh có rất nhiều, như tụng kinh, trì chú, lễ bái, niệm Thánh hiệu Phật Bồ-tát v.v…, đều là phương pháp tu hành. Nhưng theo lý thường thì phương pháp tọa thiền dễ đạt đến nội tâm yên tĩnh nhất. Đương nhiên, lúc tọa thiền, trước tiên phải có thế ngồi và phương pháp hô hấp chính xác khiến cho toàn thân thư thái, sau mới dùng phương pháp điều tâm, làm cho tâm tán loạn tập trung lại, kế đó, do tâm cảnh đã tập trung mới tiến thêm một bước đạt đến niệm trước niệm sau thống nhất.

Do đó, trong quá trình đạt đến nội tâm thống nhất, có ba tầng bậc:

Bậc 1. Thân tâm thống nhất: Lúc đó chúng ta sẽ quên mất sự tồn tại của thân thể, đồng thời sẽ cảm thấy vô cùng nhẹ nhàng.

Bậc 2. Nội tâm và ngoại cảnh thống nhất: Lúc đạt đến cảnh giới này, hành giả sẽ thấy ngoại cảnh bên ngoài và thân tâm mình là một thể. Cái lớn nhất không phải ở ngoài, cái sâu nhất không phải ở trong, lúc này nội tâm và ngoại cảnh thống nhất thành một thể, sẽ thể nghiệm được câu “Trời đất cùng ta đồng gốc, vạn vật cùng ta đồng thể.” Cho nên sẽ có được tâm lượng thương người mến vật. Lúc hành giả có được kinh nghiệm này, đối với mọi việc tốt dở đẹp xấu trên thế gian chẳng những không còn phân biệt mà còn thương yêu vô cùng.

Bậc 3. Niệm trước niệm sau thống nhất: Khi hành giả đạt đến cảnh giới này, cảm giác về thời gian và khái niệm về không gian không còn tồn tại, vì đối với họ trước và sau không còn sai biệt, đây gọi là nhập định. Lúc đang nhập định, thân tâm, thế giới, thời gian, không gian đều không sai biệt, chỉ có sự tồn tại hiện thực. Đối với họ, cả vũ trụ là sự tồn tại của một tổng thể. Người có kinh nghiệm này, sau khi xuất định, vẫn sẽ giữ được cảm thọ nội tâm ngoại cảnh thống nhất trong một thời gian.

IV/ Phương pháp tham thiền

Gồm 2 nội dung:

1. Kinh Duy Ma Cật nói:

“Thành tựu chúng sinh thì cõi Phật tịnh.” Lại nói: “Tâm kia tịnh thì cõi Phật tịnh.”

Nếu có thể phát nguyện cứu giúp tất cả chúng sinh liền có thể không oán không thù, liền có thể có được nội tâm an tĩnh và thế giới hòa bình. Nếu người nào mọi việc đều không vì mình, chỉ vì chúng sinh, người này sẽ sinh khởi tâm đại bi, người có tâm đại bi chắc chắn có trí tuệ tương ứng, người có trí tuệ chắc chắn có giải thoát tự tại tương ứng.

Trong mắt của chư Phật, thế giới hiện thực vốn thanh tịnh, tất cả chúng sinh đều là bình đẳng. Chỉ vì tâm chúng sinh không yên, không thanh tịnh, tâm có tạp nhiễm, nên thế giới mà chúng sinh thấy cũng không yên tĩnh, không thanh tịnh, chúng sinh mà chúng sinh thấy cũng không thể bình đẳng.

2. Pháp an tâm của thiền tông

Thiền tông nói: “Tham thiền không ở đôi chân”, tức là tham thiền không nhất định phải dựa vào tọa thiền, và khai ngộ cũng không nhất định là nhờ tu hành, chỉ cần tâm được bình an thì vạn sự đều giải quyết dễ dàng.

Nhị Tổ Thiền Tông Huệ Khả lúc đầu gặp Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma cầu xin Sơ Tổ cho Ngài pháp an tâm, Tổ nói: “Đem tâm ra ta an cho.” Tổ Huệ Khả tìm tâm không được, Tổ Đạt Ma nói: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi.” Tâm tức là niệm, khảo sát mỗi một niệm, nếu không thuộc về quá khứ thì thuộc về vị lai. Quá khứ đã qua, vị lai chưa đến, cho nên vĩnh viễn không thể tìm được niệm hiện tại.

Ngưu Đầu Pháp Dung, đồng môn với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, lúc Ngài gặp Tứ Tổ Đạo Tín, Tứ Tổ hỏi: “Ai đang quán tâm? Tâm là vật gì?” Nhị Tổ Huệ Khả tìm không được tâm, đương nhiên Ngưu Đầu Pháp Dung cũng không tìm được tâm, do vậy, Ngưu Đầu nghe lời hỏi của Tứ Tổ liền khai ngộ.

Lục Tổ Đàn Kinh nói: “Thương ghét chẳng bận lòng, nằm dài duỗi chân ngủ.” Khi thương ghét không còn liên hệ đến ta thì ta sẽ có thể nằm dài duỗi thẳng hai chân mà ngủ ngon. Điều này không có nghĩa là người khai ngộ không còn việc gì để làm, mà là nói trong tâm không có việc phiền não. Như Thiền Sư Vân Nham hỏi Thiền Sư Bách Trượng: “Thầy trọn ngày bận rộn vì ai?” Bách Trượng đáp: “Vì tự ta không có việc làm, nên chuyên làm việc cho những người cần ta.”

Nếu chúng ta có thể dùng giáo lý Phật giáo và ứng dụng tu hành khiến nội tâm mình được quân bình, an định. Thế là, thế giới mà chúng ta thấy tất nhiên cũng hòa bình. Chúng ta càng cần phải nỗ lực giúp đỡ người khác khiến cho tất cả những người có duyên với Phật pháp cũng sẽ có được nội tâm ngoại cảnh yên định, bình hòa, những tranh đấu trên thế giới cũng nhờ đó mà càng ngày càng giảm xuống. ¤


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.