Thiền Và Ngộ

Bài 18. Thiền - Anh. Tôi. Anh Ấy



∗ Lời Dẫn

Có một Tổ Sư Thiền sau khi khai ngộ quá vui mừng đến nỗi nhảy múa. Có người hỏi: “Sao Thầy vui vậy?” Ngài đáp: “Bây giờ tôi mới phát hiện ra lỗ mũi hướng xuống dưới.” Người chưa khai ngộ và người đã khai ngộ khác nhau ở chỗ người chưa khai ngộ còn phân biệt, chấp trước, còn phiền não, còn thấy có “Anh. Tôi. Anh ấy”. “Anh. Tôi. Anh ấy” là phản ứng phát sinh giữa người với người. “Tôi” ở giữa, lấy tôi làm chủ, liên quan chặt chẻ với “Anh” ở phía trước và “Anh ấy” ở phía sau. Nhưng trọng tâm của mọi vấn đề đều ở chỗ “Tôi”. Như Kinh Kim Cang nói: “Không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sinh, không tướng thọ giả”, tức là không có sự tồn tại của “Anh. Tôi. Anh ấy”.

Lúc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền pháp Niết Bàn Diệu Tâm cho tôn giả Ca Diếp, Phật chỉ đưa cành hoa và Ca Diếp mỉm cười, giữa Thầy Trò không nói một câu một chữ nào. Tương truyền Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma ở núi Tung Sơn chùa Thiếu Lâm diện bích chín năm, cũng không từng nói. Thiền chân chính là không pháp để nói, tuy nói ra là chắc chắn không phải Thiền, nhưng vẫn phải dùng ngôn ngữ để giới thiệu Thiền là gì.

I/ Thiền là gì?

Thiền là Phật pháp. Thiền, theo tôi hiểu, là Phật pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói, là giáo lý của Phật. Có điều dùng phương pháp Thiền có thể rất trực tiếp và rất nhanh có được thọ dụng, có được lợi ích. Thiền, không phải miệng nói mà là tự thân thể nghiệm trong cuộc sống. Nếu chỉ nói bằng miệng chắc chắn không phải Thiền.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói pháp bốn mươi chín năm, lúc sắp Niết Bàn lại nói “Suốt bốn mươi chín năm chưa từng nói một lời”. Phật pháp chân thật là không pháp có thể nói. Pháp có thể nói chỉ là pháp phương tiện. Ví như ngón tay chỉ mặt trăng, nương theo ngón tay sẽ thấy được mặt trăng. Nếu không có pháp phương tiện để người thể hội Phật pháp thì không có cách gì làm cho người tiếp nhận được lợi ích của Phật pháp.

II/ Thiền lìa văn tự, ngữ ngôn, ký hiệu

Phật pháp là không thể nghĩ bàn. “Không thể nghĩ” là không có cách gì dùng đầu óc tưởng tượng, “không thể bàn” là không có cách gì dùng ngôn ngữ nghị luận, giới thiệu, thuyết minh, cho dù có ngàn vạn lời cũng không thể biểu đạt Phật pháp cho được hoàn hảo. Cho nên, Tổ Hoài Nhượng từng nói: “Nói một vật tức chẳng trúng.” Hay có vị Tổ nói: “Mở miệng liền sai, động niệm liền trái.” Chỉ cần mở miệng nói ra bất cứ việc gì đều là sai lầm.

Có một vị Tổ Sư khi chưa khai ngộ hỏi Thầy: “Phật pháp là gì?” Thầy đáp: “Củ cải ở Nam Kinh.” Hoặc nói: “Vải bố ở Thanh Châu.” Ý của Thầy là củ cải là Thiền, vải bố cũng là Thiền.

Lại có đệ tử hỏi: “Thiền là gì?” Tổ đáp: “Chú ăn cơm chưa?” Đệ tử thưa: “Con chưa ăn.” Tổ bảo: “Đi ăn cơm đi.”

Đệ tử ăn cơm xong, đến hỏi: “Thiền là gì?”

Tổ hỏi: “Rửa chén chưa.”

Đệ tử đáp: “Con chưa rửa.”

Tổ bảo: “Rửa chén đi!”

Đệ tử rửa chén xong lại đến hỏi: “Thiền là gì?”

Mỗi người mỗi ngày đều phải làm các việc như mặc áo, ăn cơm, rửa chén v.v…, nhưng ở ngay trong những việc lặt vặt hàng ngày, nếu còn tồn tại tâm chấp ngã thì sẽ thấy bất cứ sự vật nào đều không phải “Thiền”, ngược lại, buông bỏ chấp ngã thì sẽ thấy tất cả đều là Thiền.

III/ Thiền tại thế gian, không lìa thế gian

Phật pháp cho chúng ta biết thế gian là hư vọng. Vì chúng ta không biết thế gian là hư vọng nên dẫn đến các thứ chấp trước, sinh ra rất nhiều phiền não. Phật nói chúng ta không thể lìa khỏi sinh lão bệnh tử. Chỗ hữu dụng lớn nhất của Phật pháp ở nhân gian là dạy con người làm thế nào thoát khỏi và giải quyết được cái khổ sinh già bệnh chết. Nhân đó cũng tạo ra sự hiểu lầm rất lớn, có người chán ghét sinh tử, lầm cho là phải tự sát, lìa khỏi thế gian mới được hết khổ. Đây chẳng những không phải là cách thoát khổ, mà ngược lại còn làm cho khổ chồng thêm khổ.

Phương pháp Phật dạy chúng ta là tu học Phật pháp. Trừ bỏ ngã chấp trong tâm, tiêu trừ phiền não thì sẽ không còn sợ hãi sinh tử, được giải thoát, như thế mới chính thức lìa khổ. Lục Tổ Đàn Kinh dạy: “Phật pháp tại thế gian, không lìa thế gian giác, lìa thế tìm bồ đề, giống như tìm sừng thỏ.” Thế nên, chẳng phải lìa khỏi thế gian là thoát ly biển khổ, không phải lìa khỏi thế gian mà cầu được Phật pháp.

Thế gian có người quên được những gian nan, thống khổ của mình, và lấy việc giải quyết khổ nạn của chúng sinh làm bổn phận mình. Đây là người tu Bồ-tát hạnh. Bồ-tát cũng sẽ chịu khổ, chịu đói, gặp hại, bị lăng nhục v.v… nhưng nhận làm chỗ nương tựa, ký thác cho chúng sinh, làm cho chúng sinh thoát khổ được vui, mà không có tâm tự tư của trung tâm tự ngã. Vì vậy không thấy mình đang chịu khổ. Cho nên đệ tử Phật phát tâm Bồ-tát nhìn thế gian khác với người không học Phật.

Phật pháp và pháp thế gian không phải tức không phải ly, chẳng phải có chẳng phải không, không một không khác, nghĩa là Phật pháp không lìa thế gian pháp. Bồ-tát biết khổ mà không cảm giác khổ, nhưng cái khổ thế gian thực tế đang tồn tại. Đối với phàm phu, pháp thế gian là pháp thế gian, Phật pháp là Phật pháp. Bồ-tát hoặc người phát tâm bồ đề ở thế gian làm tất cả việc đều không lìa Phật pháp, do vậy, đối với họ, Phật pháp và thế gian pháp không khác.

IV/ “Anh. Tôi. Anh ấy” là pháp thế gian

Thế gian là chỉ thời gian và không gian. Thời gian là từ xưa đến nay và vị lai, là nhân quả tuần hoàn, là nhân quả liên tục không dứt. Không gian là thế giới rộng lớn vô biên, nó nói rõ mỗi quan hệ đây kia giữa tất cả người, vật, việc, là nhân quả không thể nghĩ bàn, là nhân duyên không thể nghĩ bàn.

Có vài vị cư sĩ nói với tôi: “Đời quá khứ không biết con làm việc gì mà đời nay con thọ khổ thế này. Ở nhà thì vợ chồng con cái đụng chạm cãi vả nhau, ngoài xã hội thì thân thích, bạn bè, đồng nghiệp, đồng học v.v… cũng có lúc không vui vẻ gì, rốt cuộc là con tạo tội gì?” Tôi nói: “Quả báo đời nay chú nhận lãnh đều là việc đời trước chú đã làm cho người khác. Từ vô thủy đến nay, do tham sân si, vô minh ám động mà làm ra các ác nghiệp sát, đạo, dâm, vọng v.v…, ác nghiệp nhiều đời giao nhau dẫn đến nhân quả phức tạp không thể nghĩ bàn, nhân duyên cũng không thể nghĩ bàn.

Do vậy, chỉ cần tu hành Phật pháp, buông bỏ cái “ngã” của trung tâm tự ngã, không phân “Anh. Tôi. Anh ấy” thì tội nghiệp dần tiêu, phiền não dần giảm, đau khổ dần ít. Lúc không còn nhận chịu cái khổ phiền não thì sẽ không thấy mình có thọ báo, thế giới này liền giống như cõi Phật thanh tịnh không khác. Cảnh theo tâm chuyển, những người mình gặp đều là người tốt, những việc mình làm đều là việc tốt, bất luận sống ở cõi Phật, nhân gian hay địa ngục đều an nhiên tự tại, như thế gọi là Thiền.

V/ “Anh. Tôi. Anh ấy” chính là Thiền

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời là muốn cứu độ chúng sinh. Phật pháp tại thế gian được coi trọng là do con người có chấp trước, có phiền não khổ đau nên phải cần Phật pháp. Kinh Phật viết: Bắc Câu Lô Châu ở phía Bắc núi Tu Di, người dân ở chỗ đó muốn ăn có ăn, muốn mặc có mặc, thọ mạng dài lâu, không có các khổ, nên không cần Phật pháp. Lại nói: Cõi trời Dục giới thiên nhân có thiên phúc, không cảm thọ khổ nên không cần Phật pháp, cũng không biết tu hành. Đã không có cơ hội tu hành thì cũng không thể thành Phật. Còn ở nhân gian, có sự tồn tại của “Anh. Tôi. Anh ấy”, có kinh nghiệm khổ, cho nên chư Phật do đây có thể tu thành Phật, cõi Phật Tịnh độ do đây được kiến lập, Bồ-tát La Hán do đây có thể hóa độ lợi mình lợi người. Tuy “ngã” không tốt, nhưng không có “ngã” chúng ta không biết học Phật, không biết tu hành. Vì vậy tu hành được bắt đầu từ “ngã”.

VI/ Phiền não là nguồn gốc phát sinh trí tuệ

Lục Tổ Đàn Kinh nói: “Trong nhà tối phiền não, phải sinh mặt trời huệ. Tà đến phiền não đến, chánh đến phiền não trừ.” Học Phật là để trừ phiền não, cầu trí tuệ, chứ không phải chán ghét phiền não. Nếu không có phiền não thì không cần có trí tuệ, cũng không cần biết trí tuệ là gì. Lúc phát giác ra phiền não là phiền não thì phiền não không còn là phiền não nữa. Người có tu mới có thể phát hiện có phiền não. Người tu hành lúc nào cũng cảnh giác, canh chừng dòng phiền não trong tâm lúc khởi lúc diệt, và chú ý không để phiền não lôi chuyển.

Có người hỏi tôi: “Lúc tọa thiền trong đầu thường có vọng niệm, trong đó thường có niệm xấu xuất hiện, và lúc tụng kinh, niệm Phật cũng hay sinh vọng niệm và niệm xấu, như vậy, có phải tội càng lớn hơn không?”

Tôi nói với anh ta: “Nghiệp của chú đang tiêu, phiền não đang giảm, trí tuệ đang tăng nên mới có thể phát hiện vọng tưởng đang khởi khi tụng kinh, niệm Phật.”

Có chánh niệm thanh tịnh mới có thể phát hiện mình có tà niệm phiền não. Người tu hành đừng sợ có phiền não, vọng niệm hoặc tà niệm. Có một trung tâm tự ngã làm chủ tể, lúc mình phát hiện có tà niệm thì tà niệm không còn tồn tại. Phiền não chắc chắn có đối tượng, không phải “Anh”(ngôi hai) thì chính là “Anh ấy” (ngôi ba), bất luận “Anh. Anh ấy” là vật hay người, nếu không có “Anh. Anh ấy” thì không thể có phiền não. Do vậy, lúc phát hiện mình khởi phiền não phải cảm ơn người, vật, việc khiến mình sinh phiền não, vì họ đang giúp mình tu hành.

VII/ Không tâm phân biệt tức là Thiền

Trong Thiền Tông có câu “Phiền não tức Thiền”, nghĩa là người đang tu hành hay đã phát sinh trí tuệ, vì trí tuệ biết có phiền não nên đó là Thiền. Nếu không tu hành sẽ không biết có phiền não, trí tuệ không sinh thì phiền não vẫn là phiền não.

Lục Tổ Đàn Kinh nói: “Tà chánh đều không dùng, thanh tịnh đến vô dư. Bồ đề vốn tự tánh, khởi tâm tức là vọng. Tâm tịnh ở trong vọng, chỉ chánh không ba chướng.” Đây là cảnh giới sau khi ngộ. Nếu dựa trên công phu thiền định thế gian, tu hành đến thân tâm thống nhất, nội tâm ngoại cảnh thống nhất, không còn phân biệt “Anh. Tôi. Anh ấy”, đây thuộc về cảnh giới thiền định thế gian. Tuy tâm phiền não không hiện tiền, nhưng “Ngã” vẫn còn tồn tại giữa “có” và “không có”. Tưởng như chỉ có cái “không có”, nhưng sự thực, ngoài cái “không có” vẫn còn có cái “có”. Khi đến cảnh giới thân tâm thống nhất, thấy dường như không còn cái “ngã” là không còn chấp gì nữa, nhưng thực tế, chấp ngã tuy hết nhưng vẫn còn có cái chấp “không ngã”.

Thiền ngộ trong Phật pháp khác với thiền định thế gian, đối với “Anh. Tôi. Anh ấy” hiểu rõ trong tâm, chứ không phải nhìn mà không thấy, cũng không có tâm chấp trước vào các pháp tương đối.

Còn muốn cầu trí tuệ hoặc muốn trừ phiền não là nguyên nhân làm tăng phiền não, vì có một cái “ngã” muốn cầu trí tuệ, có một cái “ngã” muốn trừ phiền não. Phương pháp của Thiền tông là dọn dẹp sạch sẽ cái “ngã” này thì trí tuệ mới hiển hiện. Cho nên, bất luận là khởi tâm thanh tịnh hay tâm phiền não đều là vọng tâm.

Do vậy người tu hành không được chán ghét tâm phiền não, tâm phiền não sẽ dần dần giảm ít. Câu “Phiền não tức bồ đề, sinh tử tức Niết Bàn” là dạy người tu hành đừng cầu bồ đề cũng đừng ghét phiền não, biết có phiền não tức là đang tu hành, bản thân phiền não là nhân để sinh trí tuệ. ¤


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.