Thiền Và Ngộ

Bài 16. Thiền - Tâm Lý Khỏe Mạnh



I/ Phật pháp trị tâm bệnh

Phật giáo ra đời ở Ấn Độ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khai sáng ra đạo Phật vì trị bệnh cho nhân loại. Bệnh của nhân loại là loại bệnh mang theo từ đời trước đi đến đời này, nên vừa sinh là bắt đầu bệnh. Một người nếu đã sinh ra thì chắc chắn sau khi chết mới hết bệnh. Cho nên, con người bất kể là thân hay tâm đều có mang bệnh. Phật dạy: “Bệnh của thân tìm bác sĩ trị, bệnh của tâm dùng Phật pháp trị.”

Tâm con người càng khỏe mạnh thì bệnh nơi thân sẽ càng ít, cảm thọ đau đớn nơi thân cũng sẽ giảm thiểu. Cho nên, Phật giáo cứu tâm bệnh cho người đời quan trọng hơn nhiều so với bác sĩ cứu thân bệnh.

Nếu có thể trị hết mọi bệnh của tâm thì gọi là giải thoát. Nếu thân khỏe mạnh mà tâm không khỏe mạnh, so với thân bệnh càng đau khổ hơn. Cho nên, Phật nói khổ là chỉ cái khổ của sinh lý và tâm lý, nhưng khổ của tâm nghiêm trọng hơn. Nếu thân bệnh mà tâm khỏe mạnh, thì bệnh của thân có thể chịu đựng được.

Bệnh của thân gọi là đau, bệnh của tâm gọi là khổ. Phật pháp không trị đau, vì Phật pháp không phải là thuốc tê, công dụng của Phật pháp là dùng để cứu khổ cho chúng sinh.

II/ Nguyên nhân khổ

Theo Phật giáo, nguyên nhân khổ có hai loại: Một là khổ do vô thủy vô minh sinh, hai là khổ do nhân quả tuần hoàn.

1. Khổ do vô thủy vô minh sinh

Các tôn giáo phương Tây có nói đến việc khởi đầu của vũ trụ. Triết học, khoa học Tây phương cũng đề cập vấn đề vũ trụ khởi đầu từ lúc nào. Có điều, không dễ dàng xác định được lúc nào mới kể là chính thức khởi đầu. Nên Phật giáo nói vô thủy (không có khởi đầu), giống như một vòng tròn, không biết chỗ nào là điểm khởi đầu. Chắc chắn là có chỗ khởi đầu nhưng tìm không ra. Bởi vì, mỗi một điểm đều có thể là điểm khởi đầu, nên nói là không có khởi đầu (vô thủy). Vì vậy, nếu hỏi khổ của chúng ta từ đâu đến, Phật giáo trả lời: Từ khi chưa bắt đầu đã có rồi, nguồn gốc của nó gọi là Vô thủy vô minh.

2. Khổ (hay phiền não) do nhân quả tuần hoàn

Nhân trước sinh quả sau, quả này lại thành một nhân mới, rồi sinh ra quả mới. Cứ như thế, nhân quả lưu chuyển không ngừng theo thời gian, và không ngừng tạo ra các nhân mới cho vị lai.

Trong cuộc sống hiện thực của chúng ta, phiền não tổng cộng có ba loại:

2.1. Phiền não từ môi trường tự nhiên

Tôi lấy ví dụ như Chợ Tam Phiên ở đây. Chợ Tam Phiên được kể là một vùng đất có khí hậu tốt ở Đài Loan, có sương mỏng, gió mát, có vịnh biển làm cảnh quan, nhưng thực ra khí hậu cũng lúc lạnh, lúc nóng. Nhiều người nói chợ Tam Phiên là Thiên đường nhân gian, nhưng người sống ở Chợ Tam Phiên vẫn bị bệnh. Lúc nãy tôi ngồi trên xe, một cư sĩ ách xì, tôi nói: “Cô bệnh rồi.” Cô đáp: “Không phải, con dị ứng với khí lạnh.” Tôi ngỡ là người ở thiên đường sẽ không bệnh, nhưng không phải, giống như Chợ Tam Phiên, một nơi khí hậu tốt như vậy, cũng có người bệnh, hơn nữa còn có một bệnh viện lớn ở đây. Một nơi tốt như Chợ Tam Phiên, thậm chí giả sử có chỗ có khí hậu tốt hơn, không khí trong sạch hơn, thì môi trường vẫn làm chúng ta bệnh như thường. Ở đây thỉnh thoảng còn có địa chấn mạnh, và hạn hán liên tiếp. Và trong một số thực vật thỉnh thoảng cũng có vài loại có độc tố.

2.2. Phiền não từ quan hệ giao tế ngoài xã hội

Quan hệ giữa người với người sẽ khiến chúng ta phiền não. Những hạng người nào đem cho chúng ta phiền não nhiều nhất? Nhiều người cho rằng là kẻ thù. Sự thực không hẳn, rất có thể người đem phiền não cho mình nhiều nhất lại là những người trong gia đình, như chồng, vợ, con cái… Gây gổ với mình nhiều nhất không nhất định là kẻ thù, mà có thể là người thân của mình. Trên xã hội, những người bạn thông thường có quan hệ với mình, có một số giúp đỡ mình, có một số đem phiền não cho mình. Hoặc có khi giúp mình, có khi làm mình phiền não. Người với người sống chung thường có cạnh tranh. Hôm qua tôi giảng ở trường Đại  Học Tư Thản Phúc, có người nói với tôi: “Giới học thuật là hắc ám nhất, đấu tranh ghê gớm nhất.” Theo lý thường, học giả học vấn cao, tư tưởng cao minh, đầu óc thông minh, lẽ ra nên biết thông cảm nhau, giúp đỡ nhau, không nên có tình trạng tôi đấu anh tranh mới phải. Nhưng người học vấn càng cao, tranh đấu càng dữ dội. Người bậc hạ thì tranh quyền, tranh danh, tranh lợi. Người bậc thượng thì tranh tư tưởng, quan niệm, tranh cách nghĩ, cách nhìn. Loại hiện tượng này nơi nào cũng có, chỉ cần có người là có cạnh tranh. Anh xem thường tôi, tôi giỏi hơn anh v.v… Xin hỏi: Các vị đã từng bị ai cạnh tranh qua chưa, hay đã từng cạnh tranh với người chưa? Đạt-nhĩ-văn nói: “Vật tranh trời chọn, thích nghi thì sinh tồn.” Nhưng đây là tính cách của loài vật, chứ không phải tính cách của con người, càng không phải là tính cách của Phật. Nếu làm người mà sống theo tính cách của loài vật thì sẽ tự đem lại phiền não cho mình.

2.3. Phiền não từ sự đấu tranh nội tâm

Kẻ địch lớn nhất của chúng ta không phải ở ngoài, mà là chính mình. Vì chúng ta thường thay đổi chủ ý và tư tưởng của mình. Hoặc hối hận việc hôm qua, hoặc kiêu ngạo việc hôm trước, thế là dẫn đến tâm trạng thường đổi thay, và đó là đặc điểm của phiền não. Chúng ta thường bị những vấn đề quan hệ đến khinh trọng, chậm gấp, thân sơ, lợi hại, lớn nhỏ, nhiều ít, cao thấp, sâu cạn v.v… làm cho mình không biết làm sao quyết định. Chúng ta thường bị những suy nghĩ được mất, đúng sai, chính phụ v.v… làm cho mình bối rối, chẳng biết đi nước cờ nào. Đây là việc đau khổ nhất. Hơn nữa, người nào tự cho trong tâm mình không có gì não phiền, nhưng lại thường sinh nóng giận, là người không thực sự hiểu mình. Tôi từng hỏi một người: “Sao chú nhiều phiền não vậy?” Anh nói: “Tự tôi không có phiền não, đều là tại mấy người đó đem phiền não cho tôi.” Thực tế, những người này tự tâm họ có phiền não mới làm phát sinh những vấn đề não phiền trong giao tế.

Hôm qua tôi ngồi chung xe với bốn người khác, họ vui vẻ nói đủ thứ chuyện. Sau đó, một người xin lỗi tôi: “Sư phụ, chúng con ồn ào thế này, thật có lỗi với Thầy.” Tôi nói: “Mấy chú ồn việc của mấy chú, chẳng can hệ gì đến tôi.” Thực ra, họ nói chuyện tôi đều nghe rõ, có điều nội dung không liên quan tôi, nên âm thanh không quan trọng nữa. Một người khác liền nói: “Thưa Thầy, có một số người sợ ồn, chỉ cần nghe tiếng ồn là nổi sân liền.” Những người này thường cho rằng phiền não của họ đến từ bên ngoài, kỳ thực, tự bản thân họ mang sẵn phiền não trong tâm mới dẫn đến họ dễ bực bội với những tình huống bên ngoài.

III/ Năm loại phiền não

Theo cách phân loại trong Phật giáo, phiền não chia làm năm loại lớn: Tham dục, sân hận, ngu si, ngạo mạn và hoài nghi.

Khi tâm chúng ta khởi phiền não có thể phân tích xem nó thuộc loại nào. Khi biết nó thuộc loại nào thì phiền não này tự nhiên sẽ giảm xuống. Lúc có tham dục phải quán xét lại chính mình, biết là đang tham và tự nói “Mình đang tham”, ngay đó tham dục tự nhiên sẽ giảm mạnh.

Lúc đang thống khổ vì sân giận, bạn cũng quay lại quán xét tâm mình, biết mình đang sân giận và rất đau khổ, tự nói với mình: “Tại sao ta lại tự làm khổ mình, tự tìm phiền não?” Khi nghĩ như thế, đau khổ và sân giận sẽ dần dần giảm xuống. Những lúc này nên quay lại xem tâm mình, đừng nhìn ngoại cảnh, đừng nhìn vào phiền não, mà hãy tự dặn mình: “Không cần thiết phải phiền não như thế.”

Khi do ngu si mà sinh phiền não, phải nên biết rõ mình đang ngu si, thì khổ não cũng theo đó giảm thiểu. Khi bạn nói: “Ta ngu ghê”, là bạn đã biết mình ngu, như vậy phiền não do ngu sinh cũng sẽ không trị mà tự lành.

Khi kiêu mạn khởi lên cũng dùng những cách như trên để diệt trừ. Kiêu mạn mới nhìn dường như không phải phiền não. Thực sự, nguyên nhân của kiêu mạn là tự ti, nguyên nhân của tự ti là không tự tin, nguyên nhân của không tự tin là do thiếu cảm giác an toàn, nên đây cũng là một loại phiền não.

Hoài nghi cũng hay đem lại đau khổ. Vì hoài nghi nên không dám quyết định, không dám tin mình, cũng không có tâm lượng tin người. Đối việc, đối người, đối mình đều hồ nghi không tin, nhu nhược không quyết đoán, nên rất khổ não. Nếu bạn biết hoài nghi hay đem đến khổ đau, nên nghĩ thế này: “Ta muốn hoàn thành tốt việc này thì phải chấp nhận tin việc này là tốt, là đúng, đừng hoài nghi.” Nghĩ vậy bạn mới có thể dùng được, làm được. Có người trước khi kết hôn đã quyết định kết hôn nhưng còn hoài nghi: “Ta kết hôn rồi không biết sau này có ly hôn không? Đối phương sau này có bỏ rơi ta không? Có khi nào đối phương nói dối trước khi kết hôn?” v.v… Vì hoài nghi đối phương, nên nếu muốn sau khi kết hôn có được một gia đình hạnh phúc, hòa hợp rất khó, vì trước khi kết hôn bạn đã tự đau khổ rồi. Vốn là không có việc ly hôn, nhưng vì nghi, nghi đối phương sinh hai tâm, nghi bào thai trong bụng không phải của mình v.v…, thế là rất nhanh đi đến ly hôn. Cho nên, khi tâm bạn sinh nghi, nên tự nói: “Nếu ta thật sự nghi ngờ thì đừng đụng đến người ấy, nếu thật không thể thiếu người ấy thì phải chấp nhận người ấy, tin người ấy.” Nếu không như vậy thì cũng giống như dân gian thường nói: “Dù biết trong núi có cọp mà vẫn đi vào”, tự tìm khổ cho mình, chớ khổ nào có tự đến! Có điều, một người không thể hoàn toàn không có tâm nghi ngờ, có một chút nghi là điều bình thường, cũng như nhà Phật thường nói: “Phàm phu có bệnh là việc bình thường.”

IV/ Nguyên nhân tâm không quân bình

Gồm 5 nguyên nhân:

1. Không tự lượng sức tìm cầu hoặc kháng cự

Bất kể sức mình bao lớn, không nghĩ đến sức chịu đựng của thân, tham cầu không chán. Đối với những sự việc không thể trốn tránh, không thể kháng cự lại cố cưỡng lý trốn tránh, ngu si kháng cự. Có không ít người mắc phải bệnh này, đặc biệt là tuổi trẻ, phần lớn hay cho là mình có năng lực, có thể làm được, tiềm lực mạnh mẽ, người khác làm được mình cũng sẽ làm được, những gì người có được mình cũng phải có được v.v… Nhưng vừa gặp phải thất bại, hay nghịch cảnh không như ý liền muốn ngoan cố chống cự, phản kháng. Vì sức không đủ nên nhất định sẽ thất bại.

2. Khuếch trương, chinh phục mãi không biết đủ

Mong muốn khuếch trương mình là tính thường của thế nhân. Hiển bày tư tưởng, hành vi của mình để làm ảnh hưởng người khác, kéo dài sức ảnh hưởng của mình ra mãi không biết hạn chế. Một số người tranh đấu vì  danh, muốn cả thế giới biết mình. Một số người tranh đấu vì quyền, muốn chinh phục hết thảy mọi người, thậm chí là chinh phục cả thế giới. Một số người tranh đấu vì lợi, muốn trở thành phú ông, tài sản ức vạn, giàu nhất thiên hạ. Cho dù ở trong gia đình cũng thường thấy hiện tượng tranh đoạt này, vợ muốn chinh phục chồng, chồng muốn làm chủ vợ. Người ta vì danh lợi, quyền lực mà tranh đấu với nhau như nước lửa không dung nhau. Những đấu tranh này phát sinh giữa người với người, đoàn thể với đoàn thể, xã hội với xã hội, quốc gia với quốc gia, dân tộc với dân tộc, chúng nhiều đến mức không còn là lạ nữa, vĩnh viễn không kết thúc.

3. Kiêu mạn

Khi đã có thành tựu liền có kiêu mạn. Kiêu và mạn luôn đi chung nhau, trái ngược với tính khiêm hư (khiêm hạ rỗng rang). Hư (rỗng) nên hay chứa vật, hay chứa nên lớn. Còn kiêu quá sẽ thành cuồng, cuồng thì tự hại mình và hại người.

4. Oán trách

 Gặp thất bại vẫn ngẩng cao đầu không nhụt chí, nỗ lực không buông xuôi, hạng người này rất ít. Phần lớn khi gặp thất bại liền chán nản, nhụt chí, oán trời, trách người. Họ không biết những cảnh ngộ mình gặp phải trên đường đời đều có nguyên nhân. Không tin nhân quả, chỉ biết nguyền rủa, càng không lợi ích.

5. Nghi sợ

Người có tâm hoài nghi mạnh chắc chắn không có được cảm giác an toàn.

V/ Làm sao để quân bình tâm lý?

Người bình thường thường dùng ba cách dưới đây để trị bệnh tâm lý:

Cách thứ nhất là tự gạt mình, nói mình không bệnh, đó là cách kỵ bệnh, sợ bệnh, rất đáng thương.

Cách thứ hai là biết mình có bệnh, thừa nhận tâm lý của mình không quân bình, nhưng họ cho rằng có thể dùng cách khống chế, đè nén để trị bệnh. Nhưng đè nén càng lâu bệnh càng trầm trọng, cũng rất đáng thương

Cách thứ ba là đi bác sĩ tâm lý, dùng phương pháp phân tích, giải thích để cởi mở tâm, dùng thuốc để trị bệnh, nhưng chỉ có thể giúp đỡ một phần, và giúp trong một thời gian mà thôi. Vì bác sĩ chỉ hiểu được bệnh nhân một phần, bệnh nhân cũng chỉ tự biết mình một phần, không hoàn toàn biết được mình bị bệnh gì, bác sĩ cũng không biết hết nguyên nhân bệnh của bệnh nhân là gì. Trải qua giao lưu trao đổi khai thông cho bệnh nhân, bệnh tưởng như hết rồi, nhưng sau một thời gian, bệnh lại tái phát. Cho nên, có người đi bác sĩ tâm lý mười mấy năm, hai mươi mấy năm, bệnh vẫn không hết. Còn bác sĩ tâm lý trị bệnh cho nhiều bệnh nhân như thế trong một thời gian dài, tự họ cũng sẽ mắc bệnh tâm lý.

VI/ Pháp trị tâm bệnh của Thiền Phật giáo

Làm sao để dùng pháp Thiền Phật giáo trị được bệnh khổ trong tâm?

1. Dùng giáo lý

Có thể tạm nêu ba pháp:

1.1. Giáo lý nhân quả

Giáo lý nhân quả là tín ngưỡng tôn giáo, và cũng là chân lý, là sự thật. Gọi là sự thật là vì trong đời sống hiện thực, chúng ta làm bất cứ việc gì đều có phản ánh, có kết quả. Nếu theo tín ngưỡng tôn giáo thì trước đời này còn có đời trước và đời trước nữa, vô lượng vô số đời trước. Sau đời này còn có đời sau, nếu không giải thoát thì sẽ có vô lượng vô số đời sau. Các kết quả chúng ta nhận đời này, có khi thấy rất không công bình. Những việc không công bình này là quả báo từ nhân đời trước. Nếu chúng ta có đủ lòng tin đối với giáo lý này, khi gặp bất cứ việc bất công nào không thể khắc phục, vô pháp giải quyết, vô pháp kháng cự, chúng ta vẫn thản nhiên như không mà đối mặt nó, đón nhận nó.

1.2. Giáo lý nhân duyên

Tất cả hiện tượng trên thế gian này đều do nhiều nhân tố khác nhau tập hợp mà thành, và cũng do nhân duyên khác nhau mà tiêu tán. Khi chúng ta gặp việc thành công không nên quá hưng phấn, cũng không nên kiêu ngạo, vì hoàn thành bất cứ việc gì đều không phải chỉ dựa vào sức của một người, mà nó là tập hợp lực lượng từ nhiều nhân duyên khác nhau của thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nếu gặp nghịch cảnh, gặp tình huống xấu cũng không cần phải quá buồn khổ. Có một vị triết gia Tây phương nói: “Lúc tối nhất trong đêm là lúc cách trời sáng gần nhất.” Bất cứ hiện tượng gì phát sinh hay biến mất đều do nhân duyên, nhân duyên sinh, nhân duyên diệt. Lý nào lại vì nhân duyên mà buồn, mà vui? Nếu nội tâm thường thanh tĩnh thì sẽ trường thọ, khỏe mạnh.

1.3. Giáo lý từ bi

Người bình thường hay muốn người khác từ bi với mình, còn mình thì không từ bi với người ta. Rất nhiều người khi làm việc quấy đều muốn người ta tha thứ cho mình, nói: “Mong các vị đừng dùng thước đo của bậc Thánh đòi hỏi tôi.” Nhưng khi người khác làm gì sai liền nhất định không tha cho người, nói: “Anh phải làm đúng, tại sao anh lại làm sai?” Đây là không từ bi.

Từ bi có bốn nguyên tắc: 1. Phải điều hòa những mâu thuẫn trong tâm mình, 2. Phải thương xót sự mê muội của người, 3. Phải tha thứ những sai lầm của người, 4. Phải quan tâm những khổ nạn của người. Trong đó, điều đầu tiên điều hòa mâu thuẫn trong tâm mình là quan trọng nhất. Nếu muốn tâm mình an định, bình ổn, trước phải hiểu và ứng dụng giáo lý nhân quả và giáo lý nhân duyên. Tự tâm bình hòa, sau mới có thể có lòng từ bi chân thật quan tâm người khác. Người nào biết thương xót người, tha thứ người, quan tâm người, mới bảo đảm nội tâm người đó tương đối khỏe mạnh.

2. Dùng phương pháp tu hành

Có thể tạm nêu hai phương pháp:

2.1. Niệm Phật

Niệm Phật có hai tác dụng: 1. Niệm Phật cầu sinh Phật quốc: Chúng ta có thể ký thác hy vọng của mình vào một tương lai vĩnh hằng, buông bỏ không lưu tâm đến những phiền phức, rắc rối trong hiện tại. 2. Có thể cải tạo nội tâm: Lúc tâm không quân bình, dùng niệm Phật để cải đổi nó, chuyên chú tâm vào Thánh hiệu Phật, Bồ-tát liền có thể buông bỏ những vấn đề khiến tâm không quân bình. Thế nên, tôi khuyên người niệm Phật thường nói: “Lúc anh nổi nóng muốn mắng người hãy niệm Phật A Di Đà.” Tức là, khi mình nổi giận, hãy giao cái giận đó cho Phật.

2.2. Tọa thiền

Tọa thiền có công năng làm cho tâm tán loạn được tập trung, tâm bất an được an định, sau đó, tạp niệm tiêu mất, chánh niệm liên tục, liền bước vào giai đoạn nhập định. Khi đã nhập định, bất cứ ai, bất cứ việc gì cũng không thể làm bạn phiền não. Kế đó, từ trình độ định, tiến một bước tiếp cận và thân chứng trí tuệ vô ngã, đó gọi là khai ngộ. Lúc ngộ cảnh xuất hiện, nội tâm chắc chắn rất hoàn hảo. Nhưng ngộ có lớn nhỏ, nếu là tiểu ngộ thì ngay khi đang ngộ tâm sẽ không phát sinh phiền não, sau một thời gian, có thể tâm sẽ lại sinh não phiền. Nhưng người đã có ngộ qua thì sẽ biết làm sao để giải quyết các phiền não này. Cho nên, dù là tiểu ngộ cũng tốt hơn rất nhiều so với chưa từng ngộ. ¤


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.