Thiền Và Ngộ

Bài 19. Thiền - Nhiều. Một. Không



“Nhiều” có nghĩa là càng nhiều càng tốt. “Một” là đại thống nhất. “Không” là không có một pháp, hay đúng hơn là không chấp trước vào một pháp nào cả.

I/ Thiền là vạn pháp

Vạn pháp là tất cả hiện tượng. Giải thích theo danh từ thời nay thì đó là các hiện tượng tự nhiên, vật lý, tâm lý… Tất cả những gì có thể dùng mắt thấy, dùng tai nghe, dùng thân xúc chạm hay dùng tâm suy nghĩ đều gọi là pháp. Pháp cũng là đạo lý, nguyên lý. Do nguyên lý mới sinh ra các hiện tượng hoạt động của người, vật, việc.

Thiền là Phật pháp, Phật pháp không lìa thế gian pháp. Phật pháp dạy người thể nghiệm vạn pháp ngay trong cuộc sống hiện thực, tịnh hóa tâm mình thành bậc giác ngộ. Biết rõ tất cả pháp đều là nhân duyên sinh, chỉ tạm thời có, tạm thời không, biến đổi không dừng. Rõ biết vạn pháp đều do nhân duyên sinh thì phải dùng tinh thần dũng mãnh, nỗ lực không lười biếng tịnh hóa chính mình và ngoại cảnh. Bất cứ ai biết nỗ lực cải thiện nhân duyên, hết sức tu hành đều có thể thành Phật. Thế nên, Phật giáo không phải là sống tiêu cực, mà phải là tích cực nhập thế, phải thuộc về chủ nghĩa “nỗ lực sống hết mình”.

Trong vạn pháp có pháp hư vọng và pháp chân thật. Pháp hư vọng là “nhiều”, là “hai”. Theo thời gian lưu chuyển và vị trí khác nhau của không gian mà sinh ra các thứ biến hóa, đây gọi là “nhiều”, “nhiều” đây có nghĩa là nhiều hiện tượng. Vì chưa nhận thức rõ tất cả hiện tượng đều do nhân duyên sinh, biến hóa vô thường nên lầm cho các hiện tượng là vĩnh viễn tồn tại, rồi truy đuổi tìm cầu, chiếm hữu hoặc bài xích, từ đó phát sinh cái gọi là “nhiều”. Nếu biết vạn pháp là hư vọng thì sẽ dễ dàng thấy thấu suốt, buông được, bỏ được. Nhờ vậy tuy thấy tất cả hiện tượng mà không quan tâm, không trốn chạy, không chấp trước. Đây gọi là “Phản vọng quy chân” (Bỏ vọng về chân).

Tôn giáo hay triết học xem “Chân” là một chân lý hay một chân thần vĩnh viễn không đổi. Phật giáo quan niệm chân lý, chân thần vẫn là một loại chấp trước, Phật pháp nói “Một pháp không thể được”, dù chân lý, chân thần hay bất kỳ pháp nào đều không phải pháp chân thật, đều thuộc về hư vọng chấp trước của con người.

Nhưng tu theo Phật pháp hay tu theo Thiền cũng phải bắt đầu tu từ vọng tưởng phân biệt, tức bắt đầu từ “nhiều”, trải qua giai đoạn thống nhất, tức là giai đoạn “một”, mới có thể đạt đến cấp bậc “không”. Thiền tông có một câu nổi tiếng: “Vạn pháp về một, một về chỗ nào?” Vạn pháp về một là kinh nghiệm tôn giáo, cũng là lý luận triết học. “Vạn pháp” là hình nhi hạ, “Về một” là hình nhi thượng, “một” là điểm quy chung của tôn giáo và triết học.

Các nhà tôn giáo thấy tất cả hiện tượng đều do thần sáng tạo, cuối cùng vẫn quy về thần. Các nhà triết học thấy tất cả sự vật theo hình nhi hạ, tức là đều từ nguyên lý hay nguyên tắc của vũ trụ mà hiện ra. Tất cả sự vật không rời nguyên lý vũ trụ nên là hiện tượng thống nhất.

Nhưng quan niệm này của các nhà tôn giáo và triết học có một mâu thuẫn rất lớn, đã có “một” thì phải có “hai”, bản thân “một” không thể tồn tại độc lập. Ví dụ vẽ một vòng tròn trên bảng đen đại biểu cho một, cái “một” này không tồn tại độc lập mà nhờ có bảng đen mới có thể xuất hiện diện mạo của cái vòng tròn, bảng đen và vòng tròn trên thực tế là “hai”. Nếu Thiền là một thì cái “một” này ở đâu? Nếu nguyên lý hay nguyên tắc là một thì cái “một” này lại ở chỗ nào? “Một” đối lập với “không” mà tồn tại, đã có đối lập liền là “hai”, không phải “một”.

II/ Thiền chủ trương Một tức là Nhiều

Có người hỏi Thiền Sư Triệu Châu: “Vạn pháp về một, một về chỗ nào?”

Sư đáp: “Lão Tăng ở Thanh Châu được một tấm vải bố nặng bảy cân.” Lúc đó Ngài đang mặc một cái áo dài bằng vải bố may ở Thanh Châu, áo dài chính là pháp. Lời đáp của Thiền Sư đã nói rõ tất cả hiện tượng đều không lìa “một”, vạn pháp tức là “một”, “một” cũng do vạn pháp mà có. Đạo gia nói: “Một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật.” “Một sinh hai” nghĩa là một do hai sinh, một không phải viên mãn, một không lìa nhiều, một và vạn pháp là tương đồng.

Nếu muốn ở ngoài các hiện tượng tìm cầu “Một” của Thiền hay của chân lý sợ rằng quá xa lạ, cũng quá trừu tượng, chỉ những nhà tôn giáo hay những nhà triết học mới tìm kiếm kiểu này. Ngược lại, Thiền chỉ dạy chúng ta làm một người bình thường, làm việc của con người, nói lời của con người.

III/ Thiền chủ trương Nhiều tức là Một

Thiền Sư Triệu Châu có lần thăng tòa thuyết pháp khai thị ba câu: “Phật vàng không độ được lò đúc, Phật gỗ không độ được lửa, Phật đất không độ được nước, Phật thật ngồi trong nhà.” “Bồ đề, Niết Bàn, Chân Như, Phật tánh đều là áo mặc trên thân.” “Thực tế lý địa ngụ ở chỗ nào? Một tâm không sinh, muôn pháp không lỗi.”

Bất luận là tượng Phật làm bằng vàng, bằng gỗ hay bằng đất đều là đại biểu cho Phật. Đối với người học Phật, tượng Phật là một công cụ tu hành, hoặc lễ bái hoặc cúng dường. Tu hành đến một trình độ nào đó hiểu rõ tất cả pháp đều không phải chân, hiểu rõ Phật chân chánh không ở ngoài tâm mà ở trong tâm, tâm thanh tịnh tức là Phật. Đạt đến trình độ này chính là Nhiều quy về Một, vạn pháp (Nhiều) ở bên ngoài quy trở về với Phật tánh (Một) ở trong tâm.

Nhưng nếu còn chấp có Phật tánh hay tâm thanh tịnh thì vẫn là phiền não. Câu thứ hai của Thiền Sư: “Bồ đề, Niết Bàn, Chân như, Phật tính đều là áo mặc trên thân.” Phật tánh, Bồ đề, Niết Bàn chỉ như quần áo mặc trên thân, cũng là phiền não. Nếu chân như Phật tánh giống quần áo thì thân thể chúng ta lại là gì? Nếu Bồ đề Niết Bàn là phiền não thì cái gì mới là không phiền não?

Những người học Phật bình thường đều mong cầu liễu sinh thoát tử, chứng Bồ đề, thấy Phật tánh, nhập Niết Bàn. Ôm ấp một thứ gọi là chân như, Phật tánh. Đây là chưa rời khỏi con đường từ “nhiều” về “một’, từ “một” về “không” nên cũng là chấp trước, cũng là tham. Do vậy, tầng thứ cao nhất của tôn giáo là trở về với Chân lý hay Chân thần vẫn chưa đạt đến giải thoát. Tầng thứ cao nhất của triết học là trở về với Lý niệm cũng chưa đạt giải thoát vì vẫn còn chấp trước.

Câu thứ ba: “Thực tế lý địa trụ ở chỗ nào? Một tâm không sinh, muôn pháp không lỗi?” Một tâm là niệm niệm thống nhất, không đổi, thường ở trong cùng một trạng thái. Một tâm cũng không sinh mới là vô niệm, mới là lìa hư vọng, được giải thoát thực sự. Do vậy, tự nhận mình được giải thoát, hoặc cho mình là người đang ở trong giải thoát đều không được giải thoát.

Muốn đạt đến một tâm không sinh không phải dễ. Chân chánh đạt đến một tâm không sinh chính là vô niệm, không còn tạp niệm, thậm chí một niệm cũng không, đây liền là người đại tự tại, đại trí tuệ. Người đạt đến cảnh giới này tuy ở trong vạn pháp, thấy vạn pháp, theo vạn pháp làm tất cả việc nhưng vẫn không chướng ngại cảnh giới ‘Một tâm không sinh’ của họ.

IV/ Thiền là không phải Nhiều, không phải Một, cũng không phải Không

Trong quá trình tu hành, niệm Phật, lễ bái mà có thể thấy Phật là giai đoạn đầu tiên nhưng đã rất khó rồi. Tông chỉ của Tịnh độ tông là phải thấy Phật. Còn trong quá trình tu Thiền cũng sẽ thấy rất nhiều tướng, nhưng Kinh Kim Cang nói: “Phàm tất cả tướng đều là hư vọng.” Thế nên, khi thấy tướng không nên chấp trước.

Thiền Sư Triệu Châu nói: “Chỗ có Phật không trụ, chỗ không Phật chạy qua gấp.” Ý là bất luận là có Phật hay không Phật đều không được chấp trước. Người bình thường cho rằng Phật ở trong chùa, trong điện Phật hay ở Tây phương Tịnh độ. Tượng Phật trong chùa, trong điện Phật đều không phải Phật thật. Còn Phật ở Tây phương cũng là phương tiện nói mà thôi.

V/ Không có chỗ trụ mà sinh tâm tức là Thiền

Kinh Kim Cang nói: “Nên không có chỗ trụ mà sinh tâm kia.” Không trụ là không chấp trước. “Nhiều”, “một”, “không” đều không chấp. Người chưa tu hành hay người đang tu hành lúc ban đầu đều thấy thế giới là “nhiều”. Người tu đến một trình độ tương đối cao là đi vào cảnh giới “một”.

Trong các tôn giáo, người tu thiền định thế gian khi đạt đến trình độ “một” tức là đã đến tầng bậc Vô tướng định hay Tứ không định của cõi Vô sắc. Tầng Một còn gọi là tầng thống nhất, gồm có thân và tâm thống nhất, nội tâm và ngoại cảnh thống nhất, thời gian và không gian thống nhất. Lúc đạt đến cảnh giới thân tâm thống nhất sẽ có cảm giác thân tâm không còn, phiền não không thấy. Lúc đạt đến cảnh giới nội tâm ngoại cảnh thống nhất sẽ thấy “ngã” và người, vật, việc bên ngoài hợp lại làm một, đối tất cả người cho đến cỏ cây đều sinh lòng nhân từ, đây là lòng từ bác ái. Lúc đạt đến cảnh giới thời gian không gian thống nhất sẽ cảm giác thời gian và không gian không còn tồn tại. Cảnh giới thời gian không gian thống nhất có bốn tầng bậc: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Từ bi có ba bậc là Sinh duyên từ, Pháp duyên từ và Vô duyên từ. Khi tu đến cảnh giới “Vạn pháp về một” sẽ thấy mình và tất cả chúng sinh đồng thể, tự nhiên có bi nguyện muốn độ tất cả chúng sinh, đó là lòng từ bậc hai – Pháp duyên từ. Nếu buông bỏ được “một” thì đến bậc Vô duyên từ của Đại Bồ-tát. Có người nói với tôi: “Hiện giờ tôi đã giải thoát, đã khai ngộ.” Người này có giải thoát, có khai ngộ thật không chúng ta không bình luận, điều trọng yếu là có còn chấp trước không, chấp nơi phiền não thì trụ ở phiền não, chấp nơi khai ngộ, giải thoát cũng là trụ trong phiền não. Vô trụ là không chấp trước, không phiền não, đó mới là chân chính giải thoát. Người thật giải thoát thì tâm không chấp trước mà sinh trí tuệ, tùy duyên độ chúng, ứng cơ giáo hóa.

“Đói đến thì ăn, mệt ngủ khì.” là câu nói nổi tiếng của các Tổ Sư Thiền Tông, ý rằng người khai ngộ vẫn như người bình thường không khác, sống một cuộc sống bình thường, không hề có những kiểu lập dị, cổ quái, khác thường nào.

Thiền Sư Triệu Châu có câu: “Minh châu trong tay, Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán.” Bản thân minh châu không có màu sắc chủ quan. Minh châu dụ cho tâm, khi giáo hóa chúng sinh không có thành kiến chủ quan, ứng theo yêu cầu khác nhau của chúng sinh mà cứu giúp khác nhau. Ngài lại nói: “Người bậc thượng đến ta ngồi trên giường tiếp, người bậc trung đến ta xuống giường tiếp, người bậc hạ đến ta ra cổng tam quan tiếp.” Người thượng căn lòng tin đối với Tam Bảo kiên định; người trung căn tuy biết Phật pháp nhưng lòng tin chưa đủ; Người hạ căn không hiểu Phật pháp, dùng các phương thức tiếp đãi, giáo hóa khác nhau hoặc khiến cho lòng tin kiên định, hoặc làm cho tâm sinh hoan hỉ mà hộ trì Tam Bảo.

VI/ Tu Thiền

Lục Tổ Đàn Kinh nói: “Vô niệm làm tông, vô tướng làm thể, vô trụ làm bổn.” Tâm không bị ngoại giới làm ô nhiễm, không bị ngoại cảnh làm động là vô niệm. Lìa tất cả tướng bên ngoài là vô tướng. Có một vị Tăng hỏi Thiền Sư Triệu Châu: “Con chó có Phật tánh không?” Thiền Sư đáp: “Không.” Lại hỏi: “Trên từ chư Phật dưới đến côn trùng đều có Phật tánh, tại sao con chó không có?” Chúng sinh do nghiệp thức phân biệt chấp trước hiển hiện mà cho là có Phật tánh, còn người khai ngộ không còn chấp trước, vì để phá sự chấp trước vào Phật tánh của người hỏi nên mới đáp “Không.” Tông chỉ tu thiền là ở chỗ Không nhưng cũng không chấp Không.

VII/ Phương pháp tu thiền

Tu thiền có ba giai đoạn:

Giai đoạn một “Thấy núi là núi”: Như niệm Phật, lễ bái, trì chú, tọa thiền v.v… làm cho vọng niệm tán loạn dần dần tập trung làm “một”.

Giai đoạn hai “Thấy núi không phải núi”: Do tham thoại đầu khai ngộ khiến phát sinh nghi tình, kế đến phá vỡ khối nghi, là từ “một” bước vào “không”.

Giai đoạn ba “Thấy núi vẫn là núi”: Không còn chấp vào “một” và “nhiều”, “không” cũng buông bỏ, trở về thế giới hiện thực, sống như một người bình thường, dùng tâm trí tuệ, tâm thanh tịnh sống ở nhân gian mà quảng độ chúng sinh. ¤


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.