Nội dung:
Người đời nói về nhân gian là chỉ mối quan hệ giữa người với người. Nhưng trên mặt Phật học, “nhân gian” có ý là “làm người”, ở Nhật Bản, chữ “nhân gian” cũng được giải thích là “nhân loại”.
Nhân loại là một loài của chúng sanh. Trong Phật pháp, chúng sanh có ba cách phân: 1. Ngũ thú, tức là năm loại chúng sanh, 2. Lục thú, tức là sáu loại chúng sanh, 3. Thập pháp giới, tức là mười loại chúng sanh.
Ngũ thú và lục đạo đều chỉ phàm phu, thập pháp giới gồm luôn cả phàm phu và Thánh nhân. Người là một trong ngũ thú, ngũ thú là từ “nhân” mà nhìn thấy “quả” khác nhau. Chữ “thú” có nghĩa là “hướng đi”. Xem chúng ta trong một đời rốt ráo tạo những nghiệp gì thì sẽ đi đến nơi mà chúng ta phải đến. Năm loại là: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, trời. Như thế, từ năm nơi này mà biết được chúng ta đã tạo nhân của loại nào. Ví dụ: Tạo nhân địa ngục thì vào địa ngục, tạo nhân người thì đến cõi người.
Người là một trong lục đạo. Đạo có nghĩa là “con đường”, đứng trên vị trí của quả mà nói, chúng ta đang ở con đường nào thì gọi là ‘đạo’ đó. Ví dụ: Đời trước tạo nhân người thì đến nhân đạo, cũng tức là đi trên con đường “người”. Sao gọi là “lục đạo”? Là ngũ thú cộng thêm a-tu-la. Tại sao ngũ thú không có a-tu-la? Vì a-tu-la có thể ở cõi người, cũng có thể ở cõi trời, cõi súc sanh, cõi ngạ quỷ. Hễ người, quỷ, thần nào quá dữ, hoặc động vật nào vừa dữ vừa linh đều có thể gọi là “a-tu-la”.
Theo Kinh Phật ghi chép, a-tu-la thường ở cõi người làm việc mờ ám, hoặc lên trời đánh nhau với thiên nhân như Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung, và mỗi lần đấu với thiên nhân chúng đều thất bại, sau đó thì trốn về nhân gian, nhân gian không chỗ trốn thì trốn vào nước, vào cây cối hoặc và cọng sen, chúng có thể biến lớn, có thể biến nhỏ.
Nói về thập pháp giới thì người là một giới trong đó. Thập pháp giới gồm Tứ Thánh và lục phàm, lục phàm là sáu pháp giới, cộng thêm bốn hạng Thánh là Thanh Văn, Duyên Giác của Tiểu thừa, Bồ-tát của Đại thừa và Phật. Phàm tất cả chúng sanh, từ tầng lớp thấp nhất đến tầng lớp cao nhất, đều ở trong thập giới.
Căn cứ theo kinh điển, ý nghĩa của “nhân gian” là: 1. Trong Trường A-hàm quyển 2, Kinh Thế Ký, phẩm Đao Lợi Thiên, Phật dạy: “Ta xưa ở nhân gian, thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện.”. “Ta” chỉ cho Phật. Lúc Phật tu hành ở nhân gian, thân miệng ý đều thiện, tức là thập thiện nghiệp. Tu Thập thiện nghiệp có thể được quả báo cõi trời người. 2. Trong Trung A-hàm quyển 36, Kinh Văn Đức chép: “Qua lại cõi trời người 7 lần nữa thì đến mé khổ.” Nghĩa là bậc Thánh Nhập Lưu (Tu-đà-Hoàn) muốn chứng Tứ quả (A-la-hán) thì phải đến nhân gian 7 lần nữa, chỉ đến khi chứng được quả A-la-hán thì mới không trở lại nhân gian, và thoát khỏi biển khổ sanh tử.
Có thể định nghĩa nhân gian theo các cách sau:
– “Nhân gian” được phiên dịch từ tiếng Phạn Ma-nô-xà (manusya).
– Luận Lập Thế A-tỳ-đàm quyển 6 giải thích chữ “nhân đạo” có 8 nghĩa: Thông minh, thù thắng, ý vi tế, chánh giác, trí tuệ tăng thượng, có thể biện biệt hư thực, chánh khí của Thánh đạo, nơi phát sinh nghiệp thông huệ. Những định nghĩa này mới nghe dường như phức tạp, thực ra rất đơn giản. Vì người có những năng lực phân biệt, phân tích, ghi nhớ, suy nghĩ, nên gọi là người. Quan trọng hơn là trong sáu đường chúng sanh, chỉ có người là đạo khí để tu hành Phật pháp, tức là thân người là công cụ để tu hành Phật pháp, còn những chúng sanh khác không dễ trở thành công cụ tu hành. Và vì thân chúng sanh không giống nhau, đời này là người, đời sau không chắc là người, nên lúc được thân người là lúc tu hành tốt nhất.
– Kinh Đại Niết Bàn quyển 18 viết: “Người, nghĩa là nhiều nhân nghĩa; lại nữa, người, thân miệng mềm mại; lại, người có nghĩa là kiêu mạn; lại, người có nghĩa là phá kiêu mạn.” Thực ra còn nhiều thứ khác mà con người sở hữu, như ngoài kiêu mạn còn có tật đố. Các động vật khác có lẽ cũng có tâm tật đố, nhưng tâm tật đố của con người mạnh hơn hết. Các động vật khác có thể có tâm hoài nghi. Nhưng kiêu mạn thì chỉ có người mới có. Tại sao? Vì con người có khả năng suy nghĩ, lấy tự ngã làm trung tâm, cộng thêm suy xét, so sánh v.v… sẽ sinh ra tâm kiêu mạn.
– Từ tiếng Phạn “Ma-nô-xà” (nhân gian), phiên dịch thành tiếng Trung là “suy nghĩ” và “người suy nghĩ”. Điều kiện cấu tạo của động vật có 4: Tế bào, thần kinh, ghi nhớ, suy nghĩ. Càng là động vật hạ tầng, điều kiện cấu thành càng ít, chỉ có con người là 4 điều kiện đều có đủ. Những động vật cao tầng khác, như chó, khỉ v.v… nhiều lắm là có chút ít khả năng ghi nhớ. Duy nhất chỉ có con người là có khả năng suy nghĩ.
Chúng ta đã biết rõ con người sống ở thế gian này, nhưng không phải chỉ có thế giới này có người. Kinh Phật nói thế giới này ở trên một ngọn núi hữu hình, nhưng chúng ta không nhìn thấy, đó là “núi Tu Di”.
Đỉnh núi Tu Di là nơi thiên nhân cư trú, tầng cuối cùng là nơi ở của chúng sanh địa ngục, bốn bên núi Tu Di là bốn đại châu mà con người có thể ở. Chúng ta ở phía Nam núi Tu Di, phía Đông, Tây, Bắc cũng có người trú. Thọ mạng, phúc báo và cảnh giới thiên nhiên ở 4 nơi này đều khác nhau. Chúng ta không biết Đông, Tây, Bắc của núi Tu Di ở chỗ nào. Nhưng trong kinh Phật nói con người có thọ mạng lâu dài nhất là ở phương Bắc, mỗi người sống đến 1000 tuổi.
Ngoài quả địa cầu mà chúng ta biết, nơi khác có hay không có người ở? Có người hỏi “thân người khó được”, hay “một phen mất thân người, muôn kiếp khó được lại.”, tựa hồ như nói rất khó được làm người, khả năng mất thân người rất lớn, cơ hội được làm người rất nhỏ, nhưng người trên trái đất càng ngày càng nhiều, đây phải chăng là không tương ứng với Phật pháp?
Trong Kinh Phật nói, thế giới Ta bà lấy núi Tu Di làm trung tâm, mà thế giới lấy núi Tu Di làm trung tâm chỉ là một tiểu thế giới, một ngàn tiểu thế giới là một trung thiên thế giới, một ngàn trung thiên thế giới là một đại thiên thế giới. Thế giới Ta bà này của chúng ta có bao nhiêu nơi giống trái đất này? Tuy mắt chúng ta không nhìn thấy, nhưng cả thế giới ta bà này chính là phạm vi giáo hóa của một Đức Phật, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Giáo chủ cõi ta bà. Các vị đừng lầm cho là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ là Giáo chủ trên trái đất chúng ta, Ngài là Giáo chủ của cả Đại thiên thế giới. Và trước khi thế giới này xuất hiện đã có rất nhiều thế giới tồn tại, lúc thế giới chúng ta hoại diệt thì sẽ có nhiều thế giới khác được hình thành.
Con người lúc ban sơ nhất từ đâu đến? Đạo Thiên Chúa nói con người do Thượng đế tạo ra, Thượng đế tạo ra trái đất, thế giới trước rồi mới tạo ra người. Chúng ta không luận thuyết này đúng hay không, mà xem trong kinh Phật nói thế nào.
Trong Trường A-hàm quyển 14 Kinh Phạm Động, quyển 22 Kinh Thế Ký phẩm Thế Bổn Duyên v.v… đều có giới thiệu khởi nguyên của con người. Trong đó nói: Thế giới từ hình thành đến hủy diệt gồm 4 giai đoạn là thành, trụ, hoại, không. Qua 4 giai đoạn này là một đại kiếp. Khi thế giới kết thúc giai đoạn thành, bước vào giai đoạn trụ thì có một số chúng sanh là thiên nhân ở cõi trời Quang Âm đệ nhị Thiền, do phúc báo đã tận, thọ mạng kết thúc, dần rơi xuống cõi Phạm thiên, tiếp đó là rơi xuống thế giới địa cầu vật chất này.
Cõi trời chia làm Trời Dục giới, Trời Sắc giới, Trời Vô sắc giới. Thiên nhân cõi Dục giới đều có hình tướng, thiên nhân cõi sắc giới chỉ có hiện tượng tâm lý, tinh thần, không tồn tại hiện tượng vật chất. Những chúng sanh vốn ở cõi trời Quang Âm đệ nhị Thiền không có hiện tượng vật lý, tức là không có thân thể, chỉ có hiện tượng tinh thần, tâm lý. Nhưng sau khi rơi xuống quả địa cầu, ban đầu vẫn có thể bay lượn tự tại, chưa cảm giác có thân thể, nhưng dần dần nhiễm khí của quả đất, ăn những thức ăn trên quả đất, thân từ từ thô ráp, không thể bay lượn, tiếp đó là sẽ bị già đi và chết, đó chính là tổ tiên của chúng ta.
Thế thì, người ở cõi trời Quang Âm từ đâu đến? Họ từ các thế giới khác nhau tu Thiền định, đắc định, sau khi mệnh chung sanh vào cõi trời Thiền định. Cho nên chúng sanh từ vô thủy đến nay đã có, không có chỗ bắt đầu, nhưng người trên trái đất thì có khởi điểm.
Ngoại trừ tổ tiên của chúng ta là những chúng sanh ở cõi trời Quang Âm rơi xuống, con người về sau làm sao sanh ra?
* Kinh Tạp A-hàm viết: “Làm 10 điều bất thiện sẽ sanh vào địa ngục, nếu sanh làm người phải chịu các thứ khổ nạn. Nếu hành 10 điều thiện sẽ sanh lên cõi trời, nếu sanh làm người thì không bị các thứ khổ nạn.” Đây là giảng về nhân quả báo ứng. Mười điều bất thiện tức là 10 điều ác, gồm: Sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói thô ác, nói thêu dệt, tham, sân, si. Tức là thân nghiệp có ba, khẩu nghiệp có bốn, ý nghiệp có ba. Nếu tạo nhân đủ 10 điều bất thiện này liền đọa địa ngục. Nếu chỉ tạo một phần thì có thể sanh vào nhân gian, nhưng phải chịu nhiều thứ khổ nạn. Ngược lại, 10 điều thiện là: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói thô ác, không nói thêu dệt, không tham, không sân, không si. Lúc làm người, thực hiện hết 10 điều lành này không dễ dàng, nếu làm được hết sẽ sanh vào cõi trời, nếu chỉ làm được một phần thì sanh vào nhân gian, nhưng không bị các khổ nạn.
* Kinh Phật Thuyết Nghiệp Báo Sai Biệt Cho Trưởng Giả Thủ Già viết: “Do làm mười nghiệp lành nhưng không trọn vẹn, nên hưởng quả báo cõi người.”
* Trong Biện Chính Luận quyển 1 dẫn Kinh Ma Hóa Tỳ Kheo viết: “Năm giới là gốc cõi người, thập thiện là nhân cõi trời.” Tức là người giữ năm giới sẽ sanh trở lại nhân gian, người tu mười điều lành sẽ sanh lên cõi trời. Năm giới là không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
* Trong Sớ giải Kinh Vu Lan Bồn quyển thượng viết: “Xe của người (nhân thừa) là tam quy ngũ giới, chở chúng sanh vượt khỏi tam đồ, sanh vào nhân đạo.” Nhân thừa tức là chỉ cho công cụ giao thông mà con người cưỡi, tức là công cụ giao thông, là điều kiện đầy đủ để cưỡi đến nhân gian. Đến cõi trời cũng có công cụ giao thông, gọi là thiên thừa (xe của trời). Điều kiện để thành Thanh Văn, Duyên Giác là Nhị thừa, điều kiện để thành Bồ-tát là Đại Thừa. Công cụ giao thông cao nhất là Phật thừa. Làm sao để thành Phật? Chính là tu theo Phật pháp. Tu theo Phật pháp chia làm 5 bậc, thấp nhất là nhân thừa, thiên thừa, tức là tam quy, ngũ giới, thập thiện. Nghĩa là thọ tam quy, trì ngũ giới, hành thập thiện thì được sanh vào cõi người, cõi trời.
* Phật Pháp Khái Luận của Ấn Thuận Pháp sư chương 3 viết: Nhân gian có 4 pháp thù thắng: 1. Ngoại cảnh có khổ có vui, 2. Biết tàm quý, 3. Có trí tuệ, 4. Giỏi kiên nhẫn. Đủ những điều kiện này mới có thể làm người, cho nên nói thân người khó được. Hơn nữa, chỉ có thân thể con người mới là công cụ tu hành tốt nhất nên thân người càng đáng quý.
Gồm 3 phần:
Tịnh độ có nghĩa là cõi nước mà Phật, Bồ-tát, Thánh nhân cư trú. Là thế giới do công đức hay do nguyện lực của Phật tạo thành. Khác với thế giới chúng ta, nơi đó không có các cảnh bệnh hoạn, phiền não, khổ đau… Nhưng vì thành quả tu hành khác nhau nên Tịnh độ hình thành cũng khác nhau. Cũng vậy, Tịnh độ do Phật tạo ra và Tịnh độ do phàm phu tạo ra cũng khác nhau. Thế nên, Tịnh độ có thể chia làm 4 tầng bậc.
Gồm 3 cấp bậc
Là nơi cư trú của pháp thân, tồn tại vĩnh hằng và có mặt ở khắp nơi, là cõi không hình tướng, nhưng cũng có thể nói không có một hình tướng nào không ở trong Tịnh độ này.
Báo thân là thân công đức của Phật, công đức của Phật có thể chia cho các vị Bồ-tát, Thánh nhân chung hưởng, có thể khiến cho các vị Bồ-tát Thánh nhân ở trong Tịnh độ của Phật tiếp tục đạo nghiệp hướng về quả vị Phật hay Bồ-tát.
Là Tịnh độ của Phật hóa thân, hóa thân Phật dùng để độ phàm phu. Thế giới của chúng ta cũng là Tịnh độ, nếu học Phật, tiếp xúc với Phật pháp thì sẽ cảm nhận được tịnh độ ở ngay trước mắt. Đương nhiên cũng có thế giới sau khi chết vãng sanh là ở trong cõi Phật, nhưng cõi Phật mà phàm phu cư ngụ cũng là Tịnh độ của hóa thân.
Cho dù chúng ta đến bất cứ cõi Phật nào, Tây phương hay Đông phương, chúng ta vẫn là phàm phu, tuy có thể gặp được rất nhiều Bồ-tát, La-hán và Phật, cùng sống với chư vị một nơi, nhưng Tịnh độ mà Bồ-tát cảm nhận và tịnh độ mà phàm phu cảm nhận không giống nhau, đây gọi là Tịnh độ của phàm Thánh đồng cư ngụ.
Theo kinh điển, Tịnh độ có thể chia làm 4 loại:
Kinh Duy Ma nói: “Tùy theo tâm tịnh mà cõi Phật tịnh.” Nghĩa là nếu tâm thanh tịnh thì thế giới cũng thanh tịnh. “Tâm tịnh” ở đây có nghĩa là tâm không phiền não, trong tâm chỉ có ánh sáng của trí tuệ, không có bóng tối của phiền não. Lúc này thế giới trở thành tịnh độ. Dù ở địa ngục mà tâm không phiền não thì địa ngục cũng biến thành tịnh độ. Cho nên sự thay đổi của ý niệm khiến cho thế giới hoàn toàn khác nhau, như: Nếu tâm quá phiền não thì thế giới này trở thành địa ngục, nếu mở lòng ra, nghĩ thông suốt thì thế giới lại trở thành tịnh độ. Nên có câu : “Biến lửa hực thành sen hồng, biến sen hồng thành lửa hực.” Đây là nói chỉ cần chuyển ý niệm thì thế giới sẽ theo đó mà chuyển.
Là tịnh độ của 10 phương chư Phật, trong đó có nhân duyên lớn nhất, cảm giác thân thiết nhất với thế giới chúng ta là thế giới cực lạc của Đức Phật A-di-đà.
Là cõi trời Đâu Suất trong Dục giới thiên, chia làm nội viện và ngoại viện, ngoại viện là nơi ở của phàm phu, nội viện là nơi Đức Phật Di Lặc giáo hóa chúng sanh.
Có thể thấy ở mấy nơi: Một là xuất hiện vào lúc Đức Phật Di Lặc xuống nhân gian thành Phật. Hai là ở Bắc Câu Lô Châu, phía Bắc núi Tu Di, hiện giờ nơi đó là Tịnh độ nhân gian, chỉ tiếc là không có phương tiện giao thông nào có thể đưa người đến đó tham quan. Cho nên, tốt nhất là chúng ta cố gắng xây dựng tịnh độ nhân gian ngay nơi thế giới này.
Xây dựng tịnh độ nhân gian và cảnh giới lý tưởng của nó có thể đọc thấy trong “Ứng Thời Phẩm” (Chánh Pháp Hoa Kinh quyển 3): “Người người bình đẳng, vui vẻ, thân hình cao lớn, sáng rỡ, uy nghi, các hành thanh tịnh, cõi đất vững vàng, lúa gạo ngũ cốc dồi dào, nhân dân đông đúc, nam nữ đều nhiều, đầy đủ tất cả.”
Hiện giờ trên thế giới này cái mà chúng ta cảm nhận được là sự bất an, âu lo, không có gì bảo đảm, và cảm thấy thiếu thốn đủ thứ, những thứ muốn có thì không dễ gì có được, những thứ không muốn nhận thì lại rất nhiều, cho nên nơi này không phải là tịnh độ. Nhưng chúng ta có thể xây dựng cảnh giới tịnh độ nơi cõi này chăng? Có thể! Nếu không, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã không cần phải xuất hiện nơi nhân gian. Trước đây nơi này có từng là tịnh độ chăng? Có. Hoặc là cá nhân nhìn thấy cảnh tịnh độ, tức “duy tâm tịnh độ”. Hoặc cảnh tịnh độ do một gia đình, một khu vực, một phạm vi nào đó tạo nên.
Vì Phật ở tại nhân gian thành Phật, sau khi thành Phật, đối tượng mà Ngài giáo hóa chủ yếu là người, và trong tất cả chúng sanh chỉ có người mới có khả năng tu đạo thành Phật. Cho nên chúng ta đã ở trên nhân gian, lại gặp được Phật pháp, đương nhiên phải bắt đầu từ xây dựng tịnh độ nhân gian. Hơn nữa việc tu hành Phật pháp phải bắt đầu từ căn bản “người” rồi tu hành mới thành Phật, nếu không làm tốt bổn phận làm người, thì cũng khó có thể tu hành thành Phật.
Đoạn trước chúng ta đã nói những người thọ tam quy, giữ năm giới, tu thập thiện có thể sanh làm người hay lên cõi trời. Nhưng có phải những người đó chỉ sanh ở trời người? Không phải, nếu người nào chưa nghe Phật pháp, chưa hành trì Phật pháp thì chưa thể giải thoát, cho nên chỉ sanh trong nhân gian hay thiên giới. Còn người nào nghe được Phật pháp, biết được đạo lý Vô ngã, Không thì sẽ ra khỏi ba cõi, tiến nhập Phật đạo.
Còn về đạo lý tu hành Phật pháp thì có tầng lớp của nó. Bước đầu dạy chúng ta không tạo nhân ác. Tạo nhân ác phải đọa địa ngục, cho nên để không đọa địa ngục nên không tạo nghiệp ác. Bước hai là tu thiện nghiệp, vì tu thiện nghiệp sẽ được làm người hoặc lên cõi trời, như thế chúng ta sẽ không làm việc xấu. Mấy phương pháp này đều dựa trên tự ngã để giáo hóa. Vì chúng sanh đều có lòng tự tư, tự ngã, cho nên vì sự lợi hại cho chính mình mà bỏ ác tu thiện, đây là những tầng lớp căn bản của Phật pháp. Đây thuộc về nhân thừa, thiên thừa, lấy đây làm cơ sở. Chúng cho chúng ta thấy sau khi hưởng hết phúc báo cõi trời sẽ lại sanh xuống. Cho nên phúc báo nhơn thiên không đáng tin cậy.
Thế nên lấy tâm tự tư, tự ngã tu hành thì phúc báo có giới hạn, thời gian hưởng phúc cũng giới hạn. Nếu không tu vì tự ngã mà vì quảng độ tất cả chúng sanh, không cầu phúc báo, không mong đền đáp, tu mãi không dừng nghỉ thì chắc chắn sẽ thành Phật.
Chúng ta biết rằng cầu sanh cõi trời người để được thọ mạng và phúc báo có hạn, cùng với pháp tu hành cầu giải thoát và pháp tu hành để thành Phật, căn bản giống nhau, chỉ khác nhau ở nơi tâm niệm và quan điểm mà thôi.
Xây dựng tịnh độ nhân gian có thể theo hai phương diện: Một là xây dựng vật chất, hai là xây dựng tinh thần. Về vật chất thì có thể nỗ lực xây dựng bằng khoa học kỹ thuật. Về mặt tinh thần thì phải xây dựng bằng lòng tin và sự tu hành Phật pháp. Theo cách nhìn của Phật giáo, xây dựng vật chất hoặc có hoặc không, hoặc ít hoặc nhiều đều không phải là việc quan trọng, xây dựng tinh thần mới là cần thiết. Xin hỏi các vị, đối với một người tham muốn không dừng, nếu đã có một căn lầu to lớn, ông ta sẽ không tham cầu căn thứ hai, thứ ba chăng? Tôi nghĩ rằng người ta không ai sợ có tiền nhiều! Giả sử một người nào đó điều kiện vật chất đầy đủ tất cả, người đó có thấy rằng mình đang sống trong tịnh độ chăng?
Có lần một cư sĩ chở tôi đến nhà anh ta, đó là một gian biệt thự, vườn thật rộng, nhà cũng rất đẹp, vào trong nhà nhìn những thứ trần thiết bên trong giống như đang ở trong thế giới cực lạc. Tôi nói: “Anh ở đây chắc là rất vui sướng!” Anh đáp: “Sư phụ! Nếu con ở đây được vui sướng thì con đã không mời Thầy đến.” Anh nói: “Điện thoại của con mỗi nửa tháng phải đổi số mới, khóa cửa đã thay mấy lần, hệ thống bảo hiểm và ngừa trộm thường bị phá hoại, con ở đây vô cùng đau khổ, con định chuyển nhà đi.” Tôi thì thấy đây là một thế giới cực lạc, thật muốn nói: “Nhà của anh cho tôi được không?” Cho nên tôi nói với anh: “Vấn đề không phải ở bên ngoài, mà là ở nơi bản thân anh, tâm anh trống rỗng, không có được cảm giác an toàn, nếu anh có thể xem sự nghiệp, tài sản chỉ là tạm thời. Có thì tốt, không có cũng chẳng sao, tôi nghĩ khi ấy anh sẽ thấy bình an, và sẽ thấy nơi này thật tốt.” Nhưng anh lại nói với tôi: “Sư phụ! Ngài chẳng hiểu việc đời, hiện nay trên thế giới này bản thân mình muốn là người tốt, mình buông bỏ được, nhưng người khác lại không buông tha mình. Mình nhìn thấu, nhưng người ta nhìn không thấu thì sao? Cho nên, cho dù con cho rằng tối nay mọi thứ đều mất hết cũng chẳng sao, nhưng vấn đề sẽ không được giải quyết, trong xã hội có những kẻ chuyên môn bắt cóc tống tiền sẽ chuyên kiếm những người lái xe con và những doanh nhân. Một xã hội như vầy, con buông được nhưng họ không buông a!”
Gần đây tôi lại gặp một cư sĩ khác và gia đình của cô ta. Nhà cô rất sang trọng, một hôm có năm sáu người phá cửa vào và trói gia đình cô lại, sau đó lục lọi đồ đạc trong nhà. Cô vừa quy y không bao lâu, lúc quy y tôi dạy cô khi nào gặp phải bất cứ khó khăn nào, lúc chẳng ai có thể cứu cô được thì sẽ có người đến cứu cô, người đó chính là Bồ-tát Quán Thế Âm, cô chỉ cần niệm Quán Thế Âm Bồ-tát là được. Lúc đó cô niệm lớn lên “Quán Thế Âm Bồ-tát”, mấy tên cướp đó bèn nói: “Đừng niệm nữa, chúng tôi cũng là Phật giáo đồ đây!” Sau đó chúng chỉ vơ vét tiền bạc, không lấy thêm vật gì khác, cũng không làm hại ai. Sau khi bị cướp họ lập tức dời nhà. Cô kể sự việc cho tôi nghe, tôi nói: “Ai da! Cô chẳng cần dọn nhà đi. Chúng đã đến một lần rồi, cũng biết cô niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, và chúng cũng là Phật giáo đồ, lần sau sẽ không đến nữa, dù có đến nữa, chỉ cần cô thường niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, có tu hành, có tín tâm, thì cô sẽ được bình an.”
Nếu chúng ta học Phật, tu hành, khuyên người thọ tam quy, giữ năm giới thì sẽ có chư Phật, chư Bồ-tát và chư thiện thần hộ pháp bảo hộ chúng ta.
Xây dựng tịnh độ nhân gian phải bắt đầu từ nội tâm của mỗi người, mỗi người phải có tâm làm thiện, đừng có tâm tự tư. Kế đến phải chăm sóc gia đình, mong cả nhà được bình an và đều thành đệ tử Phật, sau đó khiến những ai có quan hệ với mình đều biết niệm Phật, làm điều lành, không còn lòng tự tư. Như thế từ cá nhân mở rộng đến gia đình, rồi đến đoàn thể, dần dần sẽ làm cho cõi này biến thành thế giới tịnh độ. ¤