Nội dung:
Cho đến nay, thế giới chúng ta ở còn chưa thể gọi là thế giới tịnh độ. Nơi chúng ta ở, trên thực tế là sự khắc họa của tâm cảnh. Mỗi người vì tâm cảnh khác nhau nên cảm thọ cảnh giới khác nhau. Lúc trong tâm vui sướng hớn hở thì thấy thế giới tốt đẹp, nếu trong tâm mệt mỏi hay có phiền não thì thấy thế giới, môi trường xung quanh đều không được như ý. Trước khi thành Phật, trước khi giải thoát, hoàn cảnh ảnh hưởng đến tâm chúng ta, cho nên có câu ‘tâm theo cảnh chuyển’. Đương nhiên tâm chúng ta cũng có thể làm thay đổi hoàn cảnh, đó là ‘cảnh theo tâm chuyển’.
Vào thời Cổ đại, Mạnh Mẫu ba lần dời nhà, vì cho rằng môi trường tốt sẽ khiến con bà phát triển toàn diện, khỏe mạnh về mặt nhân cách và tâm lý. Theo lập trường Phật giáo, thế giới này có sức cám dỗ rất mạnh, chướng ngại rất nhiều, không cách gì khiến chúng ta tu hành thuận lợi, do đó Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mới giới thiệu Đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây phương Cực Lạc. Đức Phật A Di Đà có nguyện lực từ bi rộng lớn, chúng sanh nào có ý nguyện sanh về thế giới Tây phương Cực Lạc, Ngài sẽ đến tiếp dẫn. Sau khi đến Tây phương, sống trong môi trường tốt đẹp, tu hành sẽ dễ thành công. Cho nên nhất định phải thay đổi môi trường, làm cho môi trường thanh tịnh, cho nên có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, làm cho môi trường ảnh hưởng chúng ta khiến nhân cách chúng ta được thăng hoa, tâm được thanh tịnh.
‘Cảnh theo tâm chuyển’ là theo một cách nhìn khác. Thế giới này tuy chẳng phải tịnh độ, tuy không giống cõi tịnh của Phật A Di Đà, nhưng nếu dựa vào sự nỗ lực của mình, tuy chưa đến thế giới Tây phương Cực Lạc, ngay nơi thế giới này cũng thấy thanh tịnh.
Tâm chia làm hai: Vật chất và tinh thần. Tâm vật chất là chỉ trái tim, bộ não. Người ta thường nói: “Tâm tôi buồn quá!” hay “Việc phiền phức thế này làm cho tôi đau đầu!” Tâm buồn là tâm nôn nóng, trái tim phụ tải quá nhiều; đau đầu là trong tâm phiền não, tâm tình nóng nảy.
Tâm tinh thần bao gồm tình cảm, lý tính, tư tưởng, quan niệm v.v… Mấy thứ này tuy có liên quan đến bộ não, nhưng bộ não không có nghĩa là tinh thần, bộ não là chỗ tinh thần nương tựa, tinh thần là công năng sinh ra từ bộ não.
Theo lập trường Phật học, ý căn trong tế bào não cộng thêm ý thức mới là tâm. Người chết rồi, não tuy còn nhưng không có tình cảm, tư tưởng. Máy tính, băng ghi âm có thể ghi lại ký ức, nhưng chúng không có tư tưởng. Bộ não có sinh mạng, có tinh thần mới gọi là tâm.
Tâm của Phật giáo là chỉ tâm phiền não và tâm thanh tịnh. Bạn, tôi, anh ấy, tham, sân, si, vô thường, khổ v.v… là tâm phiền não. Bạn, tôi, anh ấy là ý phân biệt, là phản ứng sinh ra khi tiếp xúc với người, vật, việc.
Có người hỏi tôi: “Kinh Phật nói không chấp trước thì không phân biệt, không phiền não, chúng ta có thể không phân biệt hay không?”
Tôi đáp: “Không thể được. Ngay lúc này anh hỏi tôi đáp, giữa chúng ta không có phân biệt sao?”
– “Tất cả tôn giáo đều giống nhau, chỉ là dùng danh từ khác nhau mà thôi, có tôn giáo gọi là Phật, có tôn giáo gọi là Giê-su, Thượng đế, Thần…”
Tôi nói: “Không giống nhau, trong giống có khác, trong khác có giống.”
Như một người nữ, đối với cha, cô là con gái, đối với chồng, cô là vợ, đối với con, cô là mẹ, đối với thầy, cô là học sinh. Tuy đồng là một người, nhưng từ góc độ, tầng lớp, cách nhìn khác nhau thì không hẳn là một người. Do đó, vì lập trường tôn giáo, hay lập trường thân phận khác nhau nên cách nhìn hoàn cảnh hay đối tượng cũng khác nhau. Thế nên, làm sao có thể không phân biệt chứ?
Tuy mọi việc, mọi hiện tượng, mọi người đều có vị trí, lập trường và hoàn cảnh khác nhau, nhưng trên mặt cảm thọ của mình, đừng cho là chúng có xung đột hay không xung đột với mình. Loại cảm thọ phân biệt này càng ít thì sẽ thấy thế giới càng thân thiện.
“Nhà anh có việc, nhà anh ấy có việc, nhà tôi không việc”, tôi thường dùng ba câu này để khai thông những vấn đề liên quan đến anh, tôi, anh ấy. Tuy có phân biệt anh, tôi, anh ấy, nhưng chính mình không sanh phiền não, đây là tâm cảnh và tâm lượng của Bồ-tát. Chúng ta tuy không phải là Bồ-tát, nhưng cũng có thể học theo, bắt chước theo. Nhà anh ấy có việc giúp anh ấy, nhà anh có việc giúp anh, nhưng chính mình không việc, những gì mình làm đều là vì anh, vì anh ấy. Dùng tâm thái này quan tâm nhiều đến người khác thì sẽ giảm thiểu những xung đột và mâu thuẫn với người, do đó cũng không sanh phiền não.
Tham sân si là biểu hiện cụ thể của anh, tôi, anh ấy. Cái gọi là anh, tôi, anh ấy thật ra là ngã chấp. Có ngã (tôi) mới biết có anh, có anh ấy, có các tâm niệm tôi muốn, tôi không muốn v.v…
Người đời thường khuyên người khác đừng tham, đừng sân. Nếu muốn bản thân một người hoàn toàn không tham không sân là rất khó. Người hoàn toàn không tham không sân là Thánh nhân rồi. Lấy tiêu chuẩn Thánh nhân để tự kỳ vọng thì được, chớ không nên yêu cầu kẻ khác hay chính mình đều lập tức trở thành Thánh nhân.
Với người, vật, cảnh chán ghét muốn bỏ mà không bỏ được, với người, vật, cảnh ưa thích muốn có mà không có được, thì sẽ có tâm sân. Những điều này có quan hệ rất lớn với thân thể và quan niệm. Thân và cuộc sống tương quan mật thiết với nhau, có lợi cho cuộc sống thì tham, tham không được thì sân. Có lợi cho thân, không muốn chia lìa mà bị bức bách phải chia lìa liền khởi lòng sân. Có xung đột với danh lợi của mình, hay quan điểm khác với mình, liền khởi tâm không thích, đây cũng là sân.
Tâm thanh tịnh cũng là tâm trí tuệ Phật. Tâm phiền não làm ta đau khổ, khiến ta trôi lăn trong sáu đường. Tâm phiền não càng ít, cấp bậc đầu thai càng cao, trí tuệ càng tăng trưởng. Trí tuệ như gương, phiền não như đất, gương bị đóng bụi là ngu si, phủi bụi đi liền hiện trí tuệ. Khi Lục Tổ Huệ Năng đến đạo tràng của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn thì xảy ra một việc: Ngũ Tổ sắp Niết Bàn, muốn truyền y bát, bảo các đệ tử mỗi người làm một bài kệ. Đại đệ tử Thần Tú viết một bài kệ lên tường: “Thân là cây Bồ đề. Tâm như đài gương sáng. Luôn luôn phải lau chùi. Chớ để dính bụi bặm.” Ý bài kệ này là bỏ trừ những phiền não trong tâm để hiển thị trí tuệ. Ngũ Tổ xem bài kệ rồi dạy các đệ tử đốt hương lễ bái, siêng năng thực hành thì sẽ có công đức rất lớn.
Lục Tổ làm một bài kệ khác: “Bồ đề vốn không cây. Gương sáng cũng chẳng đài. Xưa nay không một vật. Chỗ nào dính bụi bặm.” Ngài cho rằng Bồ đề vốn không phải là cây, tâm cũng không phải là gương, đã không cây không gương làm gì có bụi trần, vậy bất tất phải phủi bụi, cảnh giới này càng cao hơn.
Nhưng pháp thân phải dựa vào sắc thân tu hành, phải lấy sắc thân máu thịt này tu hành Phật đạo mới có thể khai ngộ, giải thoát, thành Phật. Cho nên thân thể rất quan trọng, nó là công cụ tu hành, và cũng là nơi tụ tập của phiền não.
Tâm chúng ta chẳng tham thì sân, ngu si không trí tuệ, cho nên phải bắt đầu từ việc giảm thiểu tham sân mới biết được trí tuệ là gì. Có người lúc niệm Phật hay tụng kinh sanh khởi tạp niệm vọng tưởng, không thanh tịnh, đây là việc bình thường. Vì tâm không thanh tịnh nên phải tu hành. Người mới tu phải tin mình có phiền não mới phải tìm cầu trí tuệ. Phiền não đoạn tận thì thấy được trí tuệ, trí tuệ viên mãn là đồng với tâm Phật. Tâm Phật và tâm chúng sanh vốn giống nhau, khác nhau là vì tâm chúng sanh có phiền não, tâm Phật không phiền não. Đây là tâm trí tuệ thanh tịnh, đạt được tâm này thì có thể thấy được tính Bất động và tính Không của Phật.
Tâm thanh tịnh là trí tuệ tự chiếu và hay chiếu người, Phật tính là bản lai diện mục của mình, ở phàm không bớt, ở Thánh không thêm. Có vị Thiền sư sau khi khai ngộ, có người hỏi Ngài đã thấy gì, Ngài đáp: “Sáng sớm sau khi thức dậy, xoay mình đụng vào vách tường, mới phát hiện té ra lỗ mũi tôi hướng xuống.” Ý là Phật tính chỗ nào cũng có, vốn tự đầy đủ. Lúc tâm phiền não còn, tức còn trong mê thì không thấy được Phật tính. Lúc trí tuệ hiển hiện, tức đã khai ngộ, bất cứ thấy cái gì thì cái đó là Phật tính, đó cũng gọi là Tâm Vô Phân Biệt, hay Tính Vô Sai Biệt.
Câu “Tâm tịnh quốc độ tịnh” xuất xứ từ “Phẩm Phật quốc” trong kinh Duy Ma Cật, nguyên văn là “Do tâm tịnh mà cõi Phật tịnh”. Ý là nói sau khi tâm thanh tịnh thì ngoại cảnh cũng sẽ thanh tịnh. Ngoại cảnh chỉ cảnh giới năm dục của mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm, cũng gọi là năm trần. Hình sắc đẹp là hình sắc đẹp, âm thanh hay là âm thanh hay, thức ăn uống ngon là thức ăn uống ngon…, đối diện với tất cả những thứ này, tâm tuy rõ biết mà không khởi tham đắm, đấy là tâm bất động thanh tịnh. Tâm bất động hay tâm không ô nhiễm không tùy thuộc vào chúng ta có tiếp xúc hay không tiếp xúc với ngoại cảnh, mà tùy thuộc vào chúng ta buông được không, bỏ nỗi không. Nếu có thể luyện tập từ từ, không phiền não vì những việc quá khứ, không lo nghĩ những việc tương lai, thì tâm sẽ từ từ tiếp cận tới cảnh giới thanh tịnh.
Trong những công án Thiền tông của Nhật bản có một tắc rất thú vị: Có hai vị Tăng là sư huynh đệ, rất nỗ lực tu hành. Một hôm trên đường hành cước, họ đi đến một con sông và chuẩn bị qua sông thì gặp một cô gái cũng muốn qua sông, nhưng sau cơn mưa lớn, nước sông dâng cao và không có thuyền bè, cô gái rụt rè chẳng dám lội qua. Người sư huynh khởi tâm nghĩa hiệp bồng cô gái qua sông, sau đó thì đường ai nấy đi. Nhưng suốt chặng đường tiếp đó, người sư đệ không ngừng trách sư huynh: “Huynh là người xuất gia sao lại tiếp xúc với nữ nhân, huynh ôm cô gái qua sông là phạm đại giới.” Sư huynh chẳng nói chẳng rằng, mặc nhiên như không. Tối hôm đó, người sư huynh nằm xuống là đánh một giấc tới sáng, còn người sư đệ thì trăn qua trở lại, đối với việc làm ban ngày của sư huynh ôm ấp không buông, cho rằng huynh ấy đã phạm giới mà không biết sám hối. Sư huynh thức dậy thấy sư đệ cả đêm không ngủ mới hỏi nguyên nhân, rồi nói: “Tôi ôm cô gái qua sông rồi liền buông xuống, còn đệ tại sao đến giờ vẫn còn ôm cứng cô ấy chẳng buông?”
Câu chuyện này cho thấy người sư huynh không bị ngoại cảnh làm ô nhiễm. Tuy có tiếp xúc với ngoại cảnh nhưng không bị ngoại cảnh làm tâm dao động, hoặc khởi tham sân, tiếp xúc với cái gì thì chỉ là tiếp xúc với cái đó. Đối với ngoại cảnh đã tiếp xúc, qua rồi là cho qua, không còn vướng mắc nơi tâm, đó chính là tâm thanh tịnh. Thường giữ tâm thanh tịnh không phải việc dễ, nhưng nếu làm thử theo cách trên, tuy chưa thể đối với mọi sự đều giữ được tâm không động, nhưng có thể giảm bớt phiền não.
Giữ tâm thanh tịnh không phải là việc cực kỳ khó khăn, nếu không thể hằng thanh tịnh, thì chỉ cần một giờ thanh tịnh, thậm chí một phút thanh tịnh cũng tốt. Chỉ cần luyện tập thanh tịnh thì có thể hưởng thọ được một phút thanh tịnh, khoái lạc, tự tại.
Người hiểu lầm Phật pháp, hoặc không biết tu hành rất có thể sẽ phát sanh hiện tượng ngăn cách hoặc chán ghét thế giới hiện thực.
Tôi lấy thêm một tắc công án khác cung cấp cho quý vị tham khảo: Vào thời Đường, có hai mẹ con nọ cúng dường một hành giả trong nhiều năm. Một hôm người mẹ muốn thử xem hành giả này tu có thành công không, nên bảo con gái: “Hôm nay khi đưa cơm xong, con ôm Thầy ấy một cái xem sao.” Cô gái vâng lời làm theo. Ngày hôm sau người mẹ hỏi hành giả: “Con gái tôi thế nào?” Hành giả đáp: “Cây khô tựa núi lạnh.”
Người đời thường cho rằng có thể đối với nữ sắc không động tâm đã là người tu hành có công phu. Nhưng bà già này cho rằng vị này tu chưa tốt, nên lấy chổi chà quét đuổi Thầy đi, rồi đốt cháy thảo am nơi Thầy đã cư trú. Câu chuyện này cho thấy vị hành giả trên đã có công phu nhưng chưa khai ngộ. Tuy đối cảnh không động tâm nhưng lại quay ngược với hiện thực cuộc sống, đó là cách tu chết. Cho nên, ý nghĩa của không bị ngoại cảnh làm ô nhiễm là phải nhận biết ngoại cảnh nhưng không bị ngoại cảnh làm dao động. Sau khi tâm thanh tịnh, ngoại cảnh sẽ thanh tịnh.
Làm thế nào để ngoại cảnh thanh tịnh, quốc độ thanh tịnh? Trước tiên phải khai ngộ từ trong nội tâm, tức là phải làm chánh quan niệm của mình và xây dựng lòng tin, đồng thời phải dùng giới định huệ để tịnh hóa thân tâm. Trong quá trình tu hành sẽ nhận ra thân không thanh tịnh, tâm không thanh tịnh. Nhận ra thân tâm không thanh tịnh chính là biểu hiện đang hướng đến thanh tịnh. Sau khi bản thân thanh tịnh, kế đó dùng thời gian và sự nhẫn nại của mình ảnh hưởng đến những người trong gia đình và tất cả những ai mà mình tiếp xúc hàng ngày. Rồi bản thân mình phải thường xuyên kiểm thảo mọi hành vi, quan niệm và tâm niệm mình, âm thầm thay đổi, gây ảnh hưởng đến xung quanh, thế là có thể khiến cho quốc độ thanh tịnh.
Hoạt động xây dựng Pháp Cổ Sơn của tôi đã bắt đầu tiến hành, mục tiêu của việc xây dựng Pháp Cổ Sơn là: “Nâng cao phẩm chất con người, xây dựng cõi Tịnh độ nhân gian.” Ý nghĩa của nó là bắt đầu cải thiện nội tâm của mỗi người. Lúc có phiền não, lúc đối với người không lành phải kịp thời phát hiện mình đang khởi tâm gì, động niệm gì. Chúng ta đương nhiên không có cách gì giống như Thánh nhân không khởi niệm xấu, không hành động xấu, nhưng có thể từ từ nhận biết mình đang làm gì, thường phải phản tỉnh, hoặc lỡ nói lời xấu, hoặc lỡ làm việc sai phải sanh lòng hỗ thẹn, sanh tâm sám hối. Nếu biết thật thà, thành khẩn thì phẩm chất con người nhất định tăng lên, nhân cách chắc chắn sẽ cao thượng hơn người thường, nên sẽ nhận được sự cung kính từ người khác. Nếu đệ tử Phật ai ai cũng đi theo con đường này thì ngoại cảnh sẽ càng ngày càng thanh tịnh. “Xây dựng cõi tịnh độ nhân gian” không phải là khẩu hiệu suông, không phải là mơ ước rỗng, mà là toàn thể dân chúng phải quan tâm đến xã hội hiện đại, là sự nghiệp mà mỗi người phải nỗ lực thực hành thì cõi tịnh độ nhân gian mới có thể sớm xuất hiện. ¤