Thiền Và Ngộ

Bài 11. Thiền - Đi Như Đến Như



∗ Lời Dẫn

Có người cho rằng Thiền và Tịnh độ hoàn toàn khác nhau, thật ra hai môn này không hề xung đột nhau. Điều này chư vị Tổ Sư xưa nay đã nhiều lần nói rõ. Người niệm Phật lúc lâm chung nếu nhất tâm bất loạn sẽ sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, tức là dùng Định lực của mình cộng với nguyện lực của Đức Phật tự nhiên sẽ thành tựu. Người tu thiền nếu có thể minh tâm kiến tánh, tâm tịnh thì ngay nơi cõi đang ở cũng tịnh. Do đó, thiền và tịnh độ không cần thiết phải phân chia hoàn toàn. Tôi không những  dạy người pháp tu thiền, cũng khuyến khích người niệm Phật.

I/ Thiền là gì?

Gồm 3 nội dung:

1. Thiền là phương thức sống an định, bình ổn, hòa hợp, vui vẻ

Người đời thường sống trong tâm thái và hoàn cảnh không an, vì tâm không an nên cách sống, lời nói, hành động đều không bình ổn, dẫn đến không khí giữa mình và người thiếu đi sự hòa hợp, vui vẻ. Hòa có nghĩa là hai bên quan tâm lẫn nhau, chiếu cố lẫn nhau. Nếu chúng ta có thể làm cho niệm trước, niệm sau, niệm quá khứ, niệm hiện tại không xung đột nhau, và có thể quan tâm đến người sống chung, thì cuộc sống làm sao không vui được?

2. Thiền là đời sống trí tuệ khai mở, khoáng đạt, hàm dung

Chúng ta sống chung với người, lúc không vui nhất chính là lúc tâm không khai mở. Không khai mở còn gọi là “khóa cửa”, ngăn cách mình với người, không có chỗ thông nhau. Nguyên nhân người ta hay “khóa cửa” là vì bảo hộ mình, cầu sự an toàn cho tự thân, tránh bị tổn thất hay bị tổn thương khi qua lại với người. Nhưng càng khóa cửa, càng ngăn cách với người, tổn thất đến với mình càng lớn. Chỉ có tấm lòng khai mở mới làm ta mát mẻ, vui vẻ, thuận lợi…

Rất ít người chịu khoan dung, tha thứ cho người, nhưng lại dễ dàng tha thứ cho mình. Bản thân không từ bi với người, không chịu tiếp nhận người. Người nào tâm lượng càng hẹp hòi càng không dám hy sinh, không dám phụng hiến. Loại người này là đau khổ nhất, họ không bạn bè, cũng không nhận được sự giúp đỡ, giả sử có người muốn giúp, họ cũng sẽ sợ. Tu thiền có thể giúp chúng ta mở rộng tấm lòng, dung nạp tất cả người, vật, giống như biển lớn hay dung chứa tất cả. Biển không từ chối bất cứ sinh vật nào tồn tại, bất kể là cá lớn hay cá nhỏ, thậm chí là cá có độc.

3. Thiền là nguyên tắc sống hợp tình, hợp lý, hợp pháp

Trên thế giới chúng ta, có người trọng tình, có người trọng lý, cũng có một số ít người trọng pháp luật. Tất cả những người này đều là có chấp trước, có chỗ thiên lệch. Thái độ sống tốt nhất là lúc cần dùng tình thì dùng tình, lúc phải dùng lý thì dùng lý, lúc cần dùng pháp luật thì dùng pháp luật.

“Tình” thường là tự tư, không thanh tịnh. Tình vô tư là lòng từ bi, là tình thanh tịnh. “Lý” lẽ ra là tốt, nhưng nếu một mực nói lý sẽ khiến người sống không tự tại. Lý giống như là “một ốc vích dùng một cây đinh, một củ cải chiếm một lỗ đất”, đối xử người mà như xử lý máy móc, không để một khe hở nào để có thể thông dung, xoay chuyển được. Do đó, đối với những vấn đề lớn hay với chính mình, chúng ta nên xử lý theo “lý tính”. Còn với những việc nhỏ hay những khó khăn của người, chúng ta phải xử lý theo “tình”. Nếu làm ngược lại, với người dùng lý, với mình dùng tình, chắc chắc sẽ gặp phiền phức. Thế nên nên xử theo “tình” hay “lý” phải xem sự việc nặng nhẹ thế nào.

“Pháp” không giống với lý, cũng không giống với tình. Pháp là nguyên tắc mà đại chúng cùng tuân thủ, nó có thể chỉnh sửa, nhưng khi đa số người cùng chấp nhận dùng nó thì chúng ta phải tuân thủ.

Nhưng hiện nay trong xã hội có rất nhiều người đang theo đuổi những lợi ích không hợp lý, không hợp pháp. “Không hợp lý” là không chịu bỏ công sức và giá phải trả mà muốn khơi khơi có được lợi ích. Thu lợi không hợp pháp tức là làm ra việc đại chúng không chấp nhận.

Có vị quan Hải quân nói với tôi: Đài Loan có nhiều thuyền cá đến Đại Lục (Trung Quốc) mua cá rồi đem về Đài Loan bán lại. Theo pháp luật, đó là hành vi buôn lậu, nhưng dân chài lại cho rằng mua cá ở Đại Lục ít tốn thời gian, vốn thấp, lời nhiều. Việc tốt như vậy sao lại không làm? Huống nữa còn có thể tiết kiệm tài nguyên cho Đài Loan, kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Vì vậy, họ hy vọng pháp luật có thể cải đổi. Vậy, đối với những việc hợp lý nhưng không hợp pháp thì chúng ta nên tuân thủ pháp luật hay làm theo lý đây?

Phật pháp giảng nhân duyên và nhân quả, đối với những điều luật mà đại chúng cho rằng nên thay đổi, nếu thật sự nó có hại cho đại chúng hiện tại, tương lai không lợi ích, cũng không bảo đảm an toàn thì pháp luật cần phải sửa đổi, đây là nhân duyên sanh. Ngược lại, nếu chỉ một ít người được lợi, đại đa số người chịu thiệt thì không nên làm, vẫn cần tuân thủ luật pháp. Ví dụ buôn lậu súng sẽ được lợi cực lớn, nhưng nếu mỗi người đều có súng, chắc chắn sẽ gây ra ảnh hưởng đáng sợ cho xã hội.

Những thứ mà người đời tìm cầu không ngoài những gì người xưa đã nói: Công, danh, lợi, lộc. “Công” là công huân, “lợi” là tiền tài, “danh” là tiếng tăm, “lộc” là chức vị. Nếu tìm cầu hợp tình, hợp lý, hợp pháp thì Phật pháp cũng khuyến khích. Cho nên, trong quá trình truy cầu, chúng ta phải nghĩ đến ngoài mình còn có người, ngoài người còn có chúng sanh. Nếu xã hội chúng ta người nào cũng chỉ nghĩ đến mình, trong mắt không người thì không biết xã hội này sẽ loạn đến mức nào. Lúc đó, chúng ta liệu có được an ổn, an định không? Thế nên, cá nhân không thể tách rời xã hội mà có hạnh phúc. Nếu cái lợi của mình có được từ thiệt hại của người thì cái lợi này không đáng tin, không an toàn.

Trên xã hội có rất nhiều người thích không làm mà được, muốn được tiền phi nghĩa, tiền bất chính. Họ không biết đây là một loại hành vi hại mình, hại xã hội. Theo Phật pháp đó là đi ngược nhân quả, không trồng nhân lành mà muốn hưởng quả lành, không thể có tác dụng xây dựng mình và xã hội. Cho nên cầu lợi tốt nhất nên vì lợi ích của tất cả người trong thiên hạ mà cầu, vì lợi ích của tất cả chúng sanh mà nỗ lực, đừng tham lợi riêng, lợi nhiều cho cá nhân.

Hiện nay trên xã hội đầy dẫy hiện tượng tham công nhanh, háo lợi nhiều. Bất luận trong nước ngoài nước, thường có nhiều người hỏi tôi, có phải có pháp tốc thành khiến người lập tức khai ngộ? Tôi thường trả lời họ: “Cho đến giờ chưa có, nếu có, tôi sẽ dùng trước khi cho anh!” Hoặc có một số người bị bệnh đến nhờ tôi giúp đỡ, tôi bảo họ đi bác sĩ, họ bảo: “Bác sĩ trị không được mới tìm Thầy, Thầy có tu hành nhất định có biện pháp.” Tôi nói: “Xin lỗi! Thầy bệnh cũng phải đi bác sĩ.” Họ nói: “Vậy tu hành vô dụng sao?” Tôi đáp: “Hữu dụng chứ! Người khác bệnh thường cho là bị xui xẻo, mong mau hết, tâm oán hận, miệng than khổ. Còn tôi bệnh đi bác sĩ, chừng nào hết mặc kệ, bệnh không hết là nghiệp báo, bệnh hết là nghiệp tiêu. Thân bệnh mà tâm ít não, chính là chỗ tốt, chỗ đắc dụng của tu Phật.

Tu Phật phải lấy quá trình tu làm mục đích mới không thối tâm. “Chỉ bàn việc cày ruộng, không nói việc thu hoạch.” Chỉ cần chúng ta cố gắng dụng công tự nhiên có kết quả. Nếu quá mong cầu kết quả đến sớm, hoặc mong kết quả quá cao, chắc chắn sẽ phát sinh vấn đề.

II/ Nội dung Thiền là Như Lai (Đến Như)

Thiền là phương pháp thành Phật. Phương pháp thành Phật bao gồm: Trì giới, tu định, tu huệ.

1. Trì Giới

Mục đích của trì giới chẳng những là làm lợi ích cho người, cũng là làm lợi ích cho mình, đây mới là tinh thần của trì giới. Nhất thiết đừng vì trì giới mà câu chấp nơi giới điều, khiến cuộc sống của mình không thông.

Có lần tôi quét nhà quét ra một đống kiến, có người trách tôi: “Sao Thầy không từ bi, làm chết bao nhiêu là kiến!” Tôi nói: “A Di Đà Phật, vậy Thầy quét đi.” Vị ấy đáp: “Tôi cũng sẽ quét chết kiến.” Tôi hỏi: “Vậy làm sao đây? Không lẽ chúng ta dọn nhà đi chỗ khác.”

Lúc Phật tại thế, có lần Ngài cùng đệ tử đến một Tinh Xá đã bỏ hoang, lâu lắm không người ở, không ai quét dọn. Trong bồn tắm sinh rất nhiều lăn quăn, các Tỳ Kheo không ai dám tắm, thỉnh Đức Phật dạy nên làm thế nào. Đức Phật dạy: “Làm sạch bồn tắm”, chư Tỳ Kheo sợ sẽ làm chết lăn quăn, Phật bảo: “Ta không bảo các ông giết chúng, mà bảo các ông làm sạch bồn tắm.” Có nghĩa là mục đích của chúng ta là làm sạch bồn tắm, chứ không phải đem tâm sân giận sát sanh, cho nên không kể là phạm giới.

Do đó, giữ giới là không làm bất cứ việc gì không hợp với nguyên tắc từ bi, trí tuệ. Và phải tích cực làm tất cả những việc phù hợp với nguyên tắc từ bi, trí tuệ. Nếu không làm là phạm giới.

2. Định và Huệ

Thông thường nhiều người cho rằng nhập định là ngồi yên đó, việc gì cũng không quan tâm. Cho nên, có người lúc tu định muốn người khác đừng quấy rầy để mình tu cho tốt. Hạng người này tu đến cuối cùng sẽ thành con quỷ tự tư. Vì lúc họ tu định sợ bị quấy nhiễu, muốn tránh đám đông, sau khi tu thành, lại tham đắm nơi cái vui của định cảnh, do đó sẽ trốn tránh hiện thực, chán lìa thế gian. Đây không phải là quỷ tự tư thì là gì?

Thật ra, “Định” trong thiền tông là “tức định tức huệ”, định là trí huệ, trí huệ là định. Trí huệ là đầu óc sáng suốt, mọi việc rõ ràng, không phán đoán, xử lý sự việc theo lập trường chủ quan, tự tư. Thế nên, “Định” không phải là ngồi yên bất động, hay trốn tránh hiện thực. Thật nghĩa của “Định” là ở trạng thái thân tâm an định, bình ổn, hòa hợp, vui vẻ mà sống một cuộc sống tu hành, trì giới. Còn “Trí huệ” là dùng tâm lượng khai mở, khoáng đạt, hàm dung, vô ngã để dẫn đạo cho con đường trì giới, tu định của mình.

Có một Bác sĩ Trung y đến nói với tôi ông xem qua không ít sách Phật, trên mặt lý giải giáo lý, nhận thức sự việc thì ông biết nên làm gì, nhưng khi ứng dụng vào cuộc sống thì làm không được. Ngay lúc tâm tham, sân, tật đố v.v…  nổi lên, ông không ngăn chặn kịp, sau khi việc xảy ra rồi mới cảm thấy hối hận, buồn bã. Tại sao tâm ông không dễ dàng chịu khống chế? Đó là do lúc thường ông không dụng công tu định. Công phu tu định bao gồm tọa thiền, lạy Phật, niệm Phật, tụng kinh v.v… Nếu có thể kiên trì mỗi ngày đều công phu, thời gian lâu, tâm tự nhiên sẽ bình ổn, tâm tính cũng không dễ bị hoàn cảnh ảnh hưởng mà nổi sóng.

Tóm lại, trì giới, tu định là phạm vị của trí huệ. Trí huệ là phạm vi của giải thoát tự tại. Nếu chúng ta lúc bình thường tâm tính ổn định, tư tưởng khai mở, tâm lượng khoáng đạt thì tự nhiên có tác dụng an định cho chính mình và cho mọi người.

III/ Như Lai (đến như) cũng là Như Khứ (đi như)

Kinh Kim Cang nói: “Như Lai là không từ đâu đến cũng không đi đâu.” Như Lai là một trong mười danh hiệu Phật, có nghĩa là không đến cũng không đi. Lão Hòa Thượng Quảng Khâm lúc còn tại thế từng nói một câu: “Không đến không đi, không có việc gì”, đã được nhiều người tôn là lời vàng ngọc. Câu này không khác câu trong kinh Kim Cang.

Sao là Như Lai Như Khứ? Giả dụ bạn mua cổ phiếu, cổ phiếu tăng mạnh, trong một đêm bạn trở thành phú ông, ngày mai cổ phiếu tụt dốc, khiến bạn trong một đêm thành kẻ bần cùng. Vậy rốt cuộc tiền có đến không? Hình như nó có đến và làm bạn phát tài. Nhưng rồi nó đi đâu? Tiền không phải của bạn. Đây gọi là “Đi như đến như” (Như Lai Như Khứ). Lúc đến bất tất vui mừng, lúc đi không cần buồn bã, vì đây là việc bình thường.

Người đời phiền não, đau khổ đều do không nhìn thấu được bản chất của người, vật, việc. Do đó mà “mê lầm”, mới bị gọi là “phàm phu”, cũng do đây mà não phiền. Chúng ta thường lấy giả làm chân, cho việc không bền lâu là việc vĩnh hằng. Chúng ta chấp trước vào tất cả những người, vật, việc liên quan đến mình. Đây là tôi, đây là sở hữu của tôi, đây là nhiều, đây là ít, đây là đến, đi, sanh, tử v.v… Các thứ chấp trước là nguyên nhân khiến tâm ta sanh phiền não.

Đức Phật dạy, tất cả hiện tượng đều là nhân duyên sanh, nhân quả tuần hoàn, biến hóa vô thường. Nhân duyên là nhiều nhân tố hợp lại tạo ra kết quả. Thế nên, các hiện tượng xuất hiện hay biến mất đều là do các nhân tố hình thành. Danh từ “Vô thường” hay khiến người hiểu lầm Phật giáo đồ tiêu cực, bi quan. Sự thật hoàn toàn ngược lại. Vô thường nghĩa là biến hóa, nghĩa là không có vật gì vĩnh viễn không đổi. Nên Vô thường có nghĩa tích cực của nó là dạy chúng ta luôn nỗ lực không biếng lười. Khi vận xui đến, vô thường làm nó thay đổi, không phải là việc tốt sao? Vận may đến, biến đổi vô thường làm nó qua, cũng chẳng cần phải buồn bã, chỉ cần liên tục cố gắng, vận may sẽ lại đến. Lúc việc xấu đến, vì nó vốn không vĩnh viễn nên cũng không cần thương tâm tuyệt vọng.

Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 16, Thiền Sư Bạch Triệu Khuê nói: “Như chim bay trong không, chẳng biết hư không là quê hương. Cá bơi trong nước, quên mất nước là tính mạng.” Chim bay lượn trong hư không, bản thân ở ngay trong hư không, nó không hề lo mình phải cần hư không, vì hư không đủ rộng cho nó tha hồ lượn lờ. Hay như cá trong nước, nước là thứ cần yếu của nó, nhưng nó chẳng hề nghĩ nước là thứ cực kỳ quan trọng rồi lo lắng, ưu tư. Nếu chúng ta có thể dùng thái độ này sống tích cực, cố gắng, chẳng cần phải lúc nào cũng phiền não, thì cuộc sống tự nhiên sẽ vui vẻ. ¤


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.