Phổ Đà Sơn Dị Truyện

07. Bữa Cơm Chay Ngàn Vị Sư Tăng; Đức La Hán Hiển Thân Cúng Dường



Trong núi này, từ xưa đã có truyền thuyết rằng khi nào có trai chủ đàn việt đến núi, làm cỗ chay cúng ngàn Sư Tăng, thì thế nào cũng có một vị La Hán giáng trần ứng cúng. Nhưng vị La Hán xuống ứng cúng phần lớn là hiện hình thành một vị Tỷ khưu, trà trộn trong đám Sư Tăng người phàm khó mà nhận ra được. Vào mùa Xuân Dân Quốc năm thứ 17, có một vị cư sĩ đại nguyện tên là Bành Đại Dung ở đất Giang Tây, đến núi dâng hương, ông ta hiểu rằng khi chưa thành được Phật đạo thì trước hết phải kết được nhân duyên, và ông cũng hiểu rằng phải làm được việc phúc đức lớn lao ở chốn Tam Bảo, cho nên ông đã thành tâm phát tâm vô thượng Bồ Đề, tổ chức một bữa chay cúng cho một ngàn Sư Tăng, để kết thiện duyên với chúng Tăng. Đúng là người có thành tâm, Phật có cảm ứng, quả nhiên được gặp La Hán, ngài đã ban tặng cho ông ta một bức tượng Phật cổ, sau đó ông ta đi tìm khắp không thấy vị La Hán đó đâu nữa. Để tỏ lòng biết ơn, ông đã làm một đôi liễn dài, treo ở điện Đại Viên Thông để ghi nhớ ơn đó. Nay tôi xin chép đôi liễn cùng với lời bạt ở dưới đôi liễn đó ra đây: “Hằng hải triêu Phổ Đà, biến trực trai cúng thiên Tăng, mông lão Tỷ khưu, thí ngã cổ đồng Thánh tượng, tưởng thị ứng chân A La Hán. Thê sơn lễ Đại Sĩ, hỉ du trì lưỡng danh sát, xu Phạm Âm động, khan tha diệu tướng phân hình, lộ xuất phu tọa tử kim thân”. (Vượt biển đến Phổ Đà, soạn bữa chay cúng ngàn Tăng, ơn được sư già cho tượng Thánh cổ đồng, ắt là La Hán ứng chân thân. Đến núi lễ Đại Sĩ, vui du ngoạn hai tháp báu, tới động Phạm Âm, thấy diệu tướng biến hình, hiện thân vàng ngồi phu tọa). Lời bạt viết: “Dân Quốc năm Mậu Thìn, tháng trọng Xuân, theo lời hẹn ước của Trúc Lão sư tôn chùa Nghênh Giang tỉnh Giang Tây, đến đây dâng lễ, và nguyện bày bữa cơm chay cúng dàng chư Tăng, sau đó lên đại điện Viên Thông lễ Phật, Đại Dung cư sĩ đứng trước cửa điện đón tiếp chư Tăng, bỗng có một vị Tỷ khưu già trao cho một bức tượng đồng cổ, lúc ngửa mặt lên xem, thì không thấy bóng hình ngài đâu nữa, cho là A La Hán hiện thân thị pháp. Nay soạn đôi liễn treo trước cửa điện, để làm kỷ niệm, và để cúng khách thập phương, phát tâm tín nguyện, để trọn tấm lòng thành cảm ngộ. Bành Đại Dung, Đệ tử quy y Tam Bảo huyện Cát An tỉnh Giang Tây – Kiền thành kính soạn”.

Viết đến đây, có người đề nghị tôi kể qua cuộc nghi thức chứng trai của ngàn Sư Tăng, để tứ chúng đệ tử cửa Phật tỉnh Đài Loan chưa từng được đến nội địa biết thêm đôi điều. Song tiếc rằng lời lẽ, văn chương của tôi quá ư kém cỏi, nên cũng chỉ xin nói qua loa vài lời để thỏa phần nào tâm nguyện của vị Đại đức ấy. Nói đến duyên khởi của việc cúng trai, ấy là bởi xưa kia, hồi đức Phật còn tại thế, Mục Liên tôn giả có nguyện muốn cứu mẫu thân của ngài thoát khỏi nỗi thiêu đốt của đám ngạ quỷ đói khát dày vò, nên vào đúng ngày rằm tháng bảy, đặt trai cúng dàng chư Bồ tát Hiền Thánh Tăng, nhân đó mà được công đức hồi hướng việc mẫu thân ngài được thoát khổ, lên sống tầng trời, sau này các cư sĩ tín chủ đàn việt thập phương muốn siêu độ cho ông bà cha mẹ đã khuất, hoặc để tạo dựng phúc điền, sống lâu trăm tuổi, bèn đến các chốn danh sơn, bảo tháp, làm chay cúng dường chư Tăng phúc điền thanh tịnh ở chốn đại Tùng lâm. Tên gọi các cuộc cúng chay đó cũng có tên gọi khác nhau, như ở vùng tỉnh nhà thì gọi là “hồng trai”, hoặc “hương trai” hoặc trong nội địa lại có tên gọi khác như “hủ trai” (cơm chay đậu phu), “bình trai”, “thượng đường trai”, “thiên Tăng trai” v.v… nếu làm cơm chay lấy tên là “hủ trai”, “bình trai” (cơm chay bình thường), hoặc “như ý trai” thì không có gì đặc biệt lắm, nhưng nếu tổ chức một bữa “thượng đường đại trai” thì phải thỉnh được Pháp sư (Hòa thượng) bản tự (trụ trì) lên điện đường thuyết pháp. Ở núi Phổ Đà, đến dịp hội chùa hàng năm (từ ngày mồng một tháng giêng đến mười chín tháng hai), hầu như ngày nào cũng có vài cuộc “thượng đường đại trai”, đó là lệ thông thường. Nghi thức “thượng đường trai” cũng tương tự như trong các cuộc truyền giới ở chùa Đại Tiên mà ta thường thấy. Nay tôi muốn giới thiệu về “Thiên Tăng Trai” một chút.

Trong dịp hội chùa, thường phải có vài ba lần “Thiên Tăng Trai” (ngàn tăng). Ở các am nhỏ thường không tổ chức “Thiên Tăng Trai”, ngay cả ở Phật Đỉnh Sơn là một trong ba tùng lâm lớn cũng không đủ điều kiện tổ chức, mà chỉ ở Chùa Trước, Chùa Sau làm làm được, vì ở hai chùa này có địa bàn rộng rãi, người chấp tác cũng đông, nếu có một ngàn vị Sư Tăng đến ứng cúng (có khi lên đến sáu ngàn vị), nhất định phải có một cái nồi lớn để nấu cơm cho một ngàn vị Tăng ăn. Song, “cháo ít, sư nhiều” cũng lôi thôi phiền phức lắm. Muốn tổ chức “Thiên Tăng Trai” thì phải treo biển thông báo trước ba ngày ở cửa lớn Chùa Trước, để thỉnh Sư Tăng ở các chùa trong núi đúng ngày đến ứng cúng. Nghi thức Thiên Tăng Trai rất long trọng, buổi lễ Pháp sư thuyết pháp trên điện đường và trai chủ thỉnh pháp cũng long trọng trang nghiêm như các vị hoàng đế ra buồi chầu vậy. Lễ Tiết tôn sư trọng đạo thỉnh Tăng thuyết pháp, ai thấy cũng phải thán phục và cho là dịp may hiếm gặp. Trước tiên, do một vị sư phụ trách trật tự ở nhà khách tập hợp các Sư Tăng đến pháp đường, rồi Tăng Tri khách dẫn thí chủ tổ chức tăng trai đến lễ đường thuyết pháp (giảng đường) đứng nghiêm tại chỗ, thầy Duy Na thỉnh khánh tuyên bố “thỉnh trống, thỉnh chuông, đến phương trượng nghênh thỉnh Hòa thượng!” Đến phương trượng, trai chủ cầm hương do thầy Tri khách dẫn đến trước Hòa thượng làm lễ, Hòa thượng đăng tọa, sau khi trai chủ dâng hương đảnh kễ, thấy Tri khách thăp hương làm lễ, chắp tay quỳ dưới chiếu, thay mặt trai chủ thưa lời, nghênh thỉnh Hòa thượng. Đại ý thưa rằng: “Ngưỡng bạch Hòa thượng, đại từ mẫn nghe, nay có mỗ tỉnh, mỗ huyện, mỗ mỗ tín sĩ, đến núi dâng hương, mong cầu gây phúc diên thọ, kính bày Thiên Tăng Đại Trai, cúng dàng chư vị Sư Tăng, cung thỉnh Hòa thượng, thượng đường thuyết pháp, rộng lợi nhân thiên. Duy nguyện Hòa thượng từ bi, lặng tâm hạ cố, những mong chấp thuận. Muôn phần cầu xin, lòng thành khẩn khoản!”

Tiếp đó, thầy Duy Na hô “Đi từ dưới lên!”, thế là chuông trống nổi lên, lúc này toàn ban chấp sự đi theo, phía trước có hai người cầm hai cờ lớn có trường phan dẫn đường, hai hàng Sư Tăng đi theo, trước mặt Hòa thượng có hai chiếc lư hương xách tay, có thị giả truyền lư hương, bên cạnh Hòa thượng có bốn thị giả, một người cầm trượng thuyết pháp, một người cầm phất trần, một người cần bát, một người ôm bình, Hòa thượng mặc áo đại bào Hải Thanh màu vàng, khoác tổ y màu đỏ thắm, cổ đeo chuỗi tràng hạt lớn, nghiêm túc uy nghi, đi đến pháp đường, thầy Duy Na hô thỉnh một tiếng khánh, ngừng tiếng trống. Hòa thượng lễ Phật thăng toà, chư Tăng xướng hương tán xong, lúc đó có một vị Tăng ra thắp hương đảnh lễ ba lễ, rồi lên nhận pháp trượng của thị giả, bốn thị giả đi xuống, cúi đầu lễ ba lễ. Thầy Duy Na lại hô “Phạm âm long tượng chúng, đương quan đệ nhất nghĩa”, Hòa thượng cầm pháp trượng gõ xuống đất một cái, bắt đầu thuyết pháp, trai chủ quỳ nghe. Thuyết pháp xong, Duy Na lại hô: “Đế thính Pháp vương Pháp, Pháp Vương Pháp như thị” (Lắng nghe pháp của Pháp vương, Pháp của Pháp vương như vậy). Hô xong, Hòa thượng đi xuống, trai chủ tạ pháp, thầy Duy Na hô: “Chuông trống nổi lên, dưa Hòa thượng trở về trượng thất”.

Sau đó dâng cúng trước Phật, Hòa thượng đến trai đường ứng cúng, trai chủ bái trai, sau khi chứng trai xong, lên Phật điện tụng kinh lễ Phật, do Hòa thượng dẫn lễ, trai chủ theo sau Hòa thượng, chư Tăng tập hợp, theo hàng nhiễu Phật trước đại điện. Lúc đó các thầy Tri khách ở Chùa Sau, các thầy trật tự, thầy Tri khách… đều tề tựu mỗi người đều cầm hương bảng trực tăng cảnh sách, đứng nghiêm bốn góc, lại có rất nhiều thầy tuần chiếu, tay cầm cành liễu (hoặc roi mây) đi lại tuần tra xem xét, theo dõi các Sư Tăng, xem có ai có cử chỉ khinh mạn làm sai, như bá vai bá cổ, vi phạm uy nghi. Các thầy Tri chúng, Tri khách, trật tự (củ sát) như ông Đại Đội Trưởng chỉ huy bộ hạ của mình, thầy tuần chiếu, cầm roi duy trí trật tự như cảnh sát đang chấp hành phận sự, trông thật là uy nghiêm như đại quân sắp ra trận, người xem cũng phải sợ hãi. Hơn một ngàn Sư Tăng tề chỉnh, tĩnh tâm trì tụng lễ Phật. Nhiễu Phật xong, Hòa thượng tiến vào đại điện đứng quay mặt ra ngoài, trai chủ quỳ trước Hòa thượng, chắp tay nghênh đón chư Tăng tiến vào. Những người đứng ở cửa đại điện, phát lộc để kết pháp duyên, nghi thức đại để là như vậy.

Truyện này không phải là điều chủ yếu mà tôi muốn nói, nhưng cũng bổ sung thêm đôi chút. Các bậc Thượng tọa bề trên, cố nhiên là chẳng muốn nghe những chuyện thường tình này làm gì, nhưng đối với những vị mới phát tâm chưa được nghe đến bao giờ, cũng có thể lấy làm tham khảo.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.