Nguồn Thiền Giảng Giải

Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự



Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập là biên tập lời của các Thiền gia nói về đạo lý nguồn cội của thiền môn, những câu văn, bài kệ góp thành một bộ (một trăm quyển) để lưu lại đời sau, cho nên tóm đề tên này.

Thiền là tiếng Ấn Ðộ, nói đủ chữ thì gọi là Thiền Na (Dhyàna). Trung Hoa dịch là Tư duy, cũng gọi là Tịnh lự, đều là lời nói chung cả định huệ.

Thiền là tiếng gọi chung của phương pháp tu định và huệ. Như trước đã nói, chúng ta ngồi thiền, biết vọng tưởng dấy lên không theo là huệ, không theo vọng tưởng tâm lặng lẽ an nhiên là định. Ðịnh huệ đầy đủ đó là thiền. Tông Thiên Thai gọi là Chỉ quán (Chỉ là định, quán là huệ)

Nguyên là chơn tánh bản giác của tất cả chúng sanh cũng gọi là Phật tánh, cũng gọi là tâm địa. Ngộ đó gọi là huệ, tu đó gọi là định, định huệ chung gọi là Thiền Na.

Chữ Nguyên chỉ cho chơn tánh bản giác của chúng sanh, cũng gọi là tâm địa, cũng có tên là Phật tánh, có chỗ gọi là chơn như, chơn tâm, Viên giác v.v… Nếu ngộ được nơi mình có cái chơn tánh bản giác đó thì gọi là huệ, y nơi đó để tu cho lặng vọng tưởng, tâm nhất như gọi là định, có định có huệ thì gọi là Thiền Na.

– Tánh này là cội nguồn của thiền, cho nên gọi là Thiền Nguyên (nguồn thiền), cũng gọi là “Lý Hạnh thiền na”. Lý hạnh thiền na tức là cội nguồn này là thiền lý, quên cả mọi nghĩ tưởng để khế hội là thiền hạnh. Nên gọi là lý hạnh. Nhưng, nay góp lời của các thiền gia phần nhiều bàn về thiền lý, ít luận về thiền hạnh, cho nên lấy hai chữ “Thiền Nguyên” (Nguồn Thiền) làm đề.

Phật tánh là cội nguồn của pháp Thiền, vì vậy gọi là Nguồn thiền, cũng gọi là Lý Hạnh thiền na, chúng ta ngộ nơi mình có tánh bất sanh bất diệt gọi đó là thiền lý, y đó để tu dứt hết vọng tưởng là thiền hạnh. Vì các thiền gia hay bàn về thiền lý tức là nói chúng ta có cái bất sanh bất diệt, có Phật tánh v.v… mà ít luận về thiền hạnh tức là ít bàn về cách trừ vọng tưởng cho nên ngài mới lấy hai chữ Thiền Nguyên làm đề.

– Thời nay, có người gọi chơn tánh là thiền tức không đạt được ý chỉ lý hạnh, cũng không rành tiếng Trung hoa và Ấn độ. Song, cũng không phải rời chơn tánh riêng có Thiền thể. Chỉ chúng sanh mê chơn hiệp trần gọi là tán loạn, trái trần hiệp chơn gọi là thiền định.

Ngài nói: nếu chỉ gọi chơn tánh là thiền thì chúng ta chỉ biết thiền lý mà không biết thiền hạnh, như vậy ngài cho rằng chúng ta không rành tiếng Trung hoa và Ấn độ. – Tại sao vậy? – Vì thiền là gồm cả định và huệ, mới thấy được lý tánh tức là huệ, như vậy là thiếu sót nên nói là chưa đạt cả lý và hạnh. Song cũng không thể rời lý tánh mà riêng có thiền thể chỉ vì chúng sanh mê chơn hiệp trần nên gọi là tán loạn, trái trần hiệp chơn gọi là thiền định. Mê chơn tức là mê tánh giác của mình, hiệp trần là theo sáu trần bên ngoài, quên tánh giác chạy theo sáu trần là loạn động, bỏ sáu trần sống với tánh giác là thiền định. Nguyên tắc đó chúng ta nắm chắc thì tu dễ dàng. Khi nào tâm dính mắc sáu trần là biết lúc đó tâm chúng ta đang tán loạn, khi nào tâm không chạy theo sáu trần, yên lặng thì biết chúng ta đang thiền định. Giả sử chúng ta đi dưới hàng dương chơi, hay ngồi chơi một mình mà tâm không dấy niệm thì lúc đó chúng ta đang thiền định. Còn thân chúng ta ngồi im lìm bất động, mà tâm chúng ta chạy lăng xăng hết chỗ này đến chỗ kia, thì lúc đó là tán loạn. Hiểu rõ chỗ này rồi thì ứng dụng tu không sợ lầm.

– Nếu nói thẳng về bản tánh tức phi chơn phi vọng, không trái không hiệp, không tịnh không loạn, cái gì gọi là thiền?

Bản tánh không chơn cũng không vọng, chơn là đối với vọng mà nói, nếu còn thấy chơn thấy vọng thì không thấy chỗ tột cùng của bản tánh. Vì còn loạn nên mới nói định, định là đối với loạn mà nói, tâm nhất như rồi thì chữ định cũng bỏ luôn. Cho nên khi hỏi các thiền sư có tu thiền không? Các ngài trả lời: “Ta chưa từng học thiền”. Nhưng chúng ta đừng nghe nói không định, không loạn, không mê, không giác, không vọng, không chơn, rồi lầm đó là không ngơ. Chúng ta hãy nghe ngài xác định:

– Huống là, chơn tánh này không riêng nguồn của thiền môn, cũng là nguồn của muôn pháp, cho nên gọi là Pháp tánh, cũng là nguồn mê ngộ của chúng sanh, cho nên gọi là Như Lai Tàng, Tàng thức; cũng là nguồn muôn đức của chư Phật, nên gọi là Phật tánh; cũng là nguồn muôn hạnh của Bồ tát, nên gọi là Tâm địa.

Chơn tánh này là nguồn cội của muôn pháp cho nên đứng về muôn pháp gọi là Pháp tánh, đứng về người thì gọi là Phật tánh. Chúng ta thấy nào là Pháp tánh, Như Lai tàng, Tàng thức, Phật tánh, Tâm địa v.v… Bao nhiêu tên đều để chỉ cái thể ấy, cho nên chúng ta đừng kẹt trên danh từ.

– Muôn hạnh không ngoài sáu pháp Ba la mật, thiền môn chỉ là một trong sáu pháp, nó ở phần thứ năm thì đâu thể gọi chơn tánh là một thiền hạnh? Song, một hạnh thiền định rất thần diệu hay phát khởi trí huệ vô lậu trên chơn tánh, tất cả diệu dụng muôn đức muôn hạnh cho đến thần thông quang minh đều từ định phát sanh, cho nên người học ba thừa (Tiểu thừa, Trung thừa, Ðại thừa) muốn cầu thánh đạo hẳn phải tu thiền, lìa thiền không có cửa nào khác, lìa thiền không có đường nào khác, đến như người niệm Phật cầu sanh Tịnh độ cũng phải tu thiền về mười sáu phép quán (thập lục quán) và niệm Phật Tam muội, Ban Châu Tam muội.

Trong sáu pháp Ba la mật, thiền định ở phần thứ năm nên đâu thể gọi chơn tánh là một thiền hạnh được. Nhưng thiền lại là nguồn cội của pháp tu, nếu muốn ngộ đạo, muốn thấy tánh, lìa tu thiền không làm sao được ngộ đạo thấy tánh. Như vậy hành thiền là hành đủ sáu pháp Ba la mật.

Ví dụ khi ngồi thiền đúng nguyên tắc, thì khi ngồi coi như thân đã chết, dù có muỗi cắn kiến bò, hay con gì chích cũng không cục cựa, không đuổi, không đập, gọi là giữ giới. Khi bị cắn, chúng ta liền phát nguyện: “Nguyện ngươi hút máu ta được no đủ mạnh khỏe, khi chết rồi được sanh làm người gặp Phật pháp tu hành”.

Như vậy là chúng ta đã tu hạnh bố thí rồi, Khi ngồi thiền bị ngứa ngáy đau nhức v.v.. chúng ta nhẫn chịu, chưa tới giờ nhất định không xả, ấy là tinh tấn. Trong khi ngồi, biết vọng tưởng không theo đó là có trí huệ. Không theo vọng tưởng thì tâm lặng lẽ như như, ấy là định. Tu một hạnh thiền định là chúng ta tu đủ lục Ba la mật. Chủ yếu là chúng ta phải gan dạ, phải có nghị lực mới làm chủ được mình, trước hết chúng ta phải làm chủ thân, rồi từ từ làm chủ tâm, nếu không gan dạ chinh phục được thân thì không sao chinh phục được tâm. Chúng ta gan dạ chịu đựng được những khó khăn trong khi tu, thì khi chết đến thân thể có nhọc nhằn chúng ta mới làm chủ được. Có lần tôi ngồi thiền trên tảng đá ngoài sân, con gì bò lên mình, bò lên hông, ngay chỗ nhột nhứt nó cào cào, rồi kẹp tôi một cái đau điếng. Tôi rởn ốc, nhưng mặc kệ nó, cùng là chết chớ có gì. Tới sáng tôi thấy chỗ ấy sưng một cục. Phải gan dạ! Ngồi thiền muỗi cắn chịu không được thì làm được gì? Có người ngồi thiền, muỗi cắn thì đập, ngứa ngáy thì gãi làm sao yên được? Chúng ta bây giờ tu, ngồi ở trong thiền đường hoặc trong thất an ổn quá. Còn các vị Tỳ kheo thuở xưa, ngồi trong rừng có đủ thứ nguy hiểm nào cọp, beo, muỗi mòng, rắn rít mà các ngài vẫn an nhiên chịu đựng, như vậy mới mau đắc đạo. Chúng ta ngồi trong chổ an lành, những cái khó khăn nho nhỏ hãy ráng chịu đựng cho quen.

Thiền là cội gốc của sự tu hành, người tu muốn cầu Thánh đạo, lìa thiền không có con đường nào khác để đi, cho đến người tu Tịnh độ cũng phải tu thiền. Vậy mà có người dám nói tu thiền điên, tu thiền lạc v.v… Chỉ có chúng sanh đời sau điên đảo lầm lạc nhiều, bỏ gốc theo ngọn “Y nhơn bất y pháp” mới nói như thế.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.