Nguồn Thiền Giảng Giải

Năm Thứ Thiền



– Chơn tánh không nhơ không sạch, phàm thánh không khác, nhưng thiền có cạn có sâu, giai cấp sai biệt.

Ðứng về mặt chơn tánh thì không có cạn sâu, phàm thánh. Nhưng về phương pháp tu để ngộ chơn tánh, thì có cạn sâu, nên sau đây ngài giải thích cho chúng ta hiểu rõ có năm thứ thiền khác nhau:

1. Người chấp khác, ưa cõi trên chán cõi dưới mà tu, là thiền ngoại đạo.

Thiền ngoại đạo là do nơi chấp khác, nghĩa là chấp ngoài tâm mình có một pháp nào khác để giúp mình đắc đạo. Như khi ngồi thiền, mong có thiêng liêng tới dựa vào hay là điểm đạo v.v… Hoặc ngồi thiền để luyện được không già, sống lâu. Hoặc là tu theo pháp thiền xuất hồn ngao du nơi này nơi kia. Hay tu luyên theo pháp thiền chuyển luân xa. Hoặc ngồi thiền lựa giờ tý, ngọ, mẹo, dậu gọi là những giờ linh thiêng để có đấng thiêng liêng nào đó về tựa cho mình thêm sức mạnh v.v… Nói tóm lại, hễ một pháp tu nào không nhắm vào sự gạn lọc tự tâm, loại bỏ vọng tưởng mà chỉ trông cậy vào sự linh hiển bên ngoài thì đó là thiền ngoại đạo. Người tu theo đạo Phật, dù cạn dù sâu đều chủ yếu là gạn lọc tâm mình từ thô đến tế. Gạn lọc cho đến khi nào tâm hoàn toàn thanh tịnh, đó là y tánh khởi tu. Nên nhà Phật thường dùng câu: “Ngoài tâm cầu Phật là ngoại đạo”.

Nhưng bây giờ đa số tin theo sự đồn đại của nhiều người, hoặc tin theo sự giới thiệu của báo chí, hầu hết tu theo thiền ngoại đạo. Vì họ nói rằng:

– Nhập thiền sẽ ngao du tự tại,sẽ thấy những cảnh giới lạ, thấy Phật đến xoa đầu thọ ký, biết được quá khứ, vị lai.

Họ giới thiệu không biết bao nhiêu là chuyện huyền bí, không nhắm vào sự loại trừ vọng tâm, đó là lối tu lầm lạc. Là người Phật tử học đạo, phảisáng suốt, muốn học một pháp tu nào phải nghiên cứu cho kỹ, đâu là chánh, đâu là tà, chớ vội tin mà lầm lạc. Trong kinh Phật nói: “Một khi lầm đường rồi khó quay đầu trở lại”, khi phát tâm tu chúng ta mong tu để thành Phật mà lạc vào ma đạo rồi muốn trở lại thật là khó khăn, người tu nên cẩn thận.

2. Người tin chắc nhơn quả, cũng do ưa chán mà tu, là thiền phàm phu.

Tin chắc nhơn quả tức là căn cứ vào lý nhơn quả mà tu thiền. Như trong kinh nói: chúng ta tu chứng Sơ thiền sẽ được sanh lên cõi trời Sơ thiền. Chứng được Nhị thiền sẽ sanh về cõi trời Nhị thiền, cho đến chứng được Tứ thiền sẽ sanh về cõi trời Tứ thiền. Cõi trời Sắc giới cũng thế. Như vậy vì ham thân đẹp đẽ, vì thích được sống lâu ở cõi trời cho nên từ cái nhơn phàm phu này mà tu thì sẽ sanh về cõi trời Sắc giới sung sướng an nhàn. Nhưng dù sanh được cõi trời, khi hết phước cũng bị đọa lạc. Tứ thiền chẳng những có trong nhà Phật mà cả ngoại đạo cũng có tu. Theo đạo Phật, người tu được Tứ thiền rồi, nếu khéo léo từ Tứ thiền tiến qua Diệt thọ tưởng định, chóng giải thoát. Hoặc từ Tứ thiền qua Tứ không rồi mới qua Diệt tận định và giải thoát. Những người kém, tu chứng được Tứ thiền sanh lên cõi trời Sắc giới, còn ở trong Sắc giới là còn ở trong vòng phàm phu.

3. Người ngộ lý thiên chơn, thấy ngã không mà tu, là thiền Tiểu thừa.

Ngộ lý thiên chơn tức là thấy rõ thân ngũ uẩn này không thật. Những vị này chỉ ngộ được ngã không, chứ chưa chứng được pháp không. Nghĩa là khi tu thấy được cõi đời là vô thường, đau khổ, không có cái ta thật nên cố gắng tu cho được Niết bàn thanh tịnh an vui.Vì còn thấy có Niết bàn nên gọi là pháp hữu, hay là thấy ngã không thật, mà thấy Tứ đế, Thập nhị nhân duyên v.v… là thật, đó là pháp hữu, gọi là Tiểu thừa.

4. Người ngộ ngã pháp đều không, hiển bày chơn lý mà tu, là thiền Ðại thừa.

Ngộ ngã pháp đều không tức là khi tu theo thiền tông, nhận ra được cái ngã không thật, và các pháp như: Niết bàn, sanh tử, Tứ đế, Thập nhị nhân duyên cho đến Lục độ cũng không thật, chẳng qua là do tùy bịnh cho thuốc mà đặt tên đó thôi, rõ hai lẽ đó cho nên ngã pháp đều không chấp. Những vị này hằng dùng trí Bát nhã quán chiếu để tâm được định, ấy là thiền Ðại thừa.

5. Người đốn ngộ tự tâm xưa nay thanh tịnh, vốn không có phiền não, trí tánh vô lậu sẵn tự đầy đủ, tâm này tức là Phật, cứu cánh không khác, y đây mà tu là thiền Tồi Thượng thừa, cũng gọi là thiền Như Lai Thanh Tịnh, cũng gọi là Nhất Hạnh Tam Muội. Ðây là căn bản của tất cả Tam muội. Nếu người hay niệm tu tập tự nhiên dần dần được trăm ngàn Tam muội. Môn đệ Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma lần lượt truyền nhau là thiền này.

Ðây là Tối Thượng thừa thiền, hay gọi là Như Lai Thanh Tịnh thiền, cũng gọi là Nhất Hạnh Tam Muội. Người tu theo thiền này là đốn ngộ tự tâm xưa nay thanh tịnh, nghĩa là nhận ra nơi mình có cái tâm bất sanh bất diệt, tâm ấy không ô nhiễm, không tăng không giảm, không cấu không tịnh v.v… trí tánh tự đầy. Nhận ra tâm thể rồi, y nơi đó mà tu cho đến khi viên thành Phật quả thì gọi là thiền Tối Thượng thửa. Nhưng làm sao y nơi đó mà tu? Khi chúng ta nhận ra nơi mình có bản tâm thanh tịnh, song còn bị vọng tưởng che mờ, nên khi tu vọng tưởng dấy lên chúng ta không theo, bao giờ vọng tưởng sạch rồi thì chơn tâm hiện bày. Như vậy, gọi là y cứ nơi bản tâm mà tu, gọi là thiền Như Lai Thanh Tịnh.

Nói đến thiền Như Lai Thanh Tịnh, tôi nhớ có một lần tôi về Huệ Nghiêm, mấy chú đem lại một tờ báo, đọc cho tôi nghe. Trong đó nói khi nhập Như Lai Thanh Tịnh thiền, hào quang rực rỡ, tôi bảo: “Ðó là thiền ngoại đạo”. – Tại sao? – Vì kinh Kim Cang có câu: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”. Nghĩa là phàm cái gì có hình tướng đều là hư dối. Cho nên khi nhập Như Lai Thanh Tịnh thiền mà hiện hào quang rực rỡ ấy là lầm nhận cái hư dối cho là chân thật. Nhưng Phật tử không biết, nghe nói có hào quang thì hay lắm theo rất động. Với người có mắt sáng biết đó là lầm. Vì bất cứ một hiện tượng nào hiện ra trong khi tu đều là hư vọng, dù cho hiện hào quang, dù cho hiện Phật đều là tướng hư dối. Khi nào tâm chúng ta sạch hết vọng tưởng, thanh tịnh như như mới không lầm lạc… Cho nên, người biết tu thiền rồi, khi nghe người khác nói cách tu là biết người ấy tu lạc hay tu đúng. Còn người chưa biết tu nghe người khác diễn tả hào quang rực rỡ thì ham thích. Hiện tại nó hấp dẫn một số người tương đối trí thức. vì những người ấy quá chuộng hình tướng cho nên người ta lợi dụng danh từ Như Lai Thanh Tịnh thiền của Phật Tổ và lồng pháp tu của ngoại đạo, khiến Phật tử không biết hăm hở tu theo, thật là đáng thương!

Nhân đây, tôi kể một câu chuyện có thực trong thời đại này cho quý vị nghe: Một lần nọ, tôi về Saigon, gặp Thượng Tọa Thiện Siêu, Thư ký của Giáo Hội PGVNTN, Thượng Tọa nói:

– Người ta đồn có một vị xưng là Giáo chủ hội Pháp Hoa và được thiên hạ nể lắm.

Tôi hỏi:

– Vì sao nể?

Thượng Tọa nói:

– Có hai điểm mà người ta khâm phục:

a. Một là ông ấy có gia đình, ăn mặn, hút thuốc thơm… Ông ấy cũng như bao nhiêu người tầm thường khác. Nhưng đặc biệt có nhiều người dùng nhiều câu nói nặng nề chỉ trích ông, ông chỉ im lặng an nhiên không giận, không tỏ vẻ bất bình. Họ cho rằng quý thầy tuy tu từ nhỏ giữ giới thanh tịnh, song nếu ai nói gì sai, các thầy nổi giận, điều ấy chứng tỏ ông ấy cao quý hơn thầy. Vì vậy họ khâm phục.

Nhưng chuyện này đối với tôi thì khác. Tôi ví dụ như có một người không có lỗi lầm gì hết mà bị người khác rầy rà, họ có cãi lại không? – Dạ cãi – Bởi vì họ không có lỗi mà rầy họ cho nên họ cãi. Còn một người quá nhiều lỗi lầm bị người khác chê, họ có cãi không? – Dạ không – Vì biết mình bậy nên không cãi. Cũng vậy, ông ấy không cãi mà phải gượng gạo tỏ ra hơn người, đặng làm thầy thiên hạ mới được. Nếu thật sự ông ấy thanh tịnh, bị chỉ trích mà không giận mới đáng khâm phục, còn tội lỗi thật nhiều bị chê dở không cãi lại ấy là chuyện thường có gì lạ đâu?

b. Hai là ông ấy chủ trương: Ông là người ra đời để phá chấp, cho nên có ai tới thấy ông ăn mặn, hút thuốc thơm, có gia đình, chỉ trích thì ông ấy nói: “Chấp!”. Thiên hạ cho ông là người phá chấp và lấy kinh Duy Ma Cật ra dẫn chứng.

Chúng ta nên biết trường hợp của ngài Duy Ma Cật thị hiện là để phá chấp cho những vị Thanh văn Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên… Các ngài đã tu đắc quả thánh rồi, sợ các ngài kẹt trong Niết bàn vắng lặng, không phát tâm đại thừa làm lợi ích chúng sanh, nên Duy Ma Cật thị hiện phá chấp cho những vị đó. Còn bây giờ, phàm phu đang nhiễm ngũ dục mà nêu cái gương ô nhiễm, là phá chấp hay là khuyến khích cho người ta lún sâu hơn trong bùn lầy ngũ dục? Chúng ta là người tu theo Phật phải đặt lại câu hỏi cho vấn đề này: Hai vị giáo chủ, Thiên chúa giáo là chúa Jésu và Phật giáo là Phật Thích Ca, cả hai đều từ bỏ gia đình đem cuộc đời son trẻ phục vụ cho chúng sanh. Các Ngài là người đi ngược dòng trần tục, còn vị “Giáo chủ” này đã không từ bỏ mà có tới hai vợ. Như vậy làm sao tin được? Kinh Viên Giác, kinh Lăng Nghiêm, đức Phật dạy: “Chúng sanh nếu còn một niệm ái là còn luân hồi sanh tử”. Nếu tự mình cởi trói không được thì làm sao đưa người đến chỗ giải thoát được? Vậy mà một số Phật tử cũng tin theo, thật là đáng thương xót! Vì họ lợi dụng danh từ Như Lai Thanh Tịnh thiền nên Phật tử lầm, vả lại tuyên truyền bằng báo chí nên dễ tin.

Khi ngồi thiền tâm thanh tịnh thấy có hào quang, chúng ta không nên mừng, vì đó là huyễn tướng do tâm tạo ra, nếu mừng là bịnh. Trong lúc ngồi tu, những hiện tượng lạ xảy ra chúng ta đừng lấy đó làm chỗ an trụ. Chúng ta tu cốt làm sao cho tâm được thanh tịnh là đủ, tâm thanh tịnh là trở về bản chất bất sanh bất diệt của mình, còn hiện tượng là có hình tướng, mà có hình tướng là có sanh diệt, nếu chúng ta chấp vào cái sanh diệt cho là chân thật thì lạc vào đường tà. Phải phân biệt chánh tà cho rành rẽ, đừng nghe người ta nói đâu tin đó, không khéo tu là mong cầu giải thoát mà trái lại trói buộc gỡ không ra. Cho nên đây nói Như Lai Thanh Tịnh thiền là tu thiền, nhận ra được bản tánh thanh tịnh của mình xưa nay là thanh tịnh, nhận ra cái đó rồi y cứ tu hành, gọi lả Kiến tánh khởi tu. Tôi xin lặp lại, tu thiền là chủ yếu dẹp hết vọng tưởng cho tâm thanh tịnh, nếu mong cầu tướng lạ, thì sẽ lạc vào đường tà. Hãy cẩn thận! Ngài Khuê Phong nói:

– Thiền này là căn bản của tất cả chánh định, nếu người hay niệm tu tập tự nhiên dần dần được trăm ngàn Tam muội.

Nếu từ phút giây chúng ta luôn luôn không theo vọng tưởng và sống được với bản tánh thanh tịnh của mình thì lần lần sẽ được trăm ngàn tam muội, cho nên gọi đó là vua của Tam muội, cũng gọi là Nhất Hạnh Tam muội, đều chỉ cho Như Lai Thanh Tịnh thiền.

Học kỹ năm cách tu thiền, chúng ta sẽ thấy rõ đường lối tu không còn lầm lẫn nữa.

– Tổ Ðạt Ma chưa đến Trung Hoa, xưa nay các nhà nhận hiểu đều là bốn thiến, tám định ở trước, chư vị cao Tăng tu hành đều được công dụng. Ngài Nam Nhạc, Thiên Thai dạy y lý tam đế tu tam chỉ quán, giáo nghĩa rất là viên diệu, nhưng cửa tiến vào có thứ lớp cũng chỉ là hành tướng các thứ thiền ở trước.

Khi Tổ Ðạt Ma đến Trung Hoa, thì những vị cao Tăng ở đây cũng tu thiền, nhưng các vị tu theo Tứ thiền là: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Tám định là gồm Tứ thiền cộng với Tứ không là: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng Phi phi tưởng xứ. Các vị cao Tăng tu theo thiền này đều được công dụng như ngài Nam Nhạc, ngài Thiên Thai. Ngài Nam Nhạc tức là Huệ Tư thầy của Tổ Thiên Thai. Hai vị đó chủ trương ý lý tam đế, tu tam chỉ là tam quán. Thường thường trong nhà Phật chia ra: Chơn đế và Tục đế. Nhưng theo đường lối của Tổ Nam Nhạc, Thiên Thai thì lại thêm một đế nữa là: Chơn đế, Tục đế và Ðệ Nhất nghĩa đế. Các ngài căn cứ theo kinh điển Ðại thừa để lập ra một phương pháp tu cho tông Thiên Thai và thường dẫn bài kệ trong luận Trung Quán:

Nhơn duyên sở sanh pháp,

Ngã thuyết tức thị không.

Diệc danh vi giả danh.

Diệt danh trung đạo nghĩa.

Ngài Nam Nhạc ngộ bài kệ trên đây rồi y cú vào đó mà chia ra tam quán.

Nhơn duyên sở sanh pháp, Ngã thuyết tức thị không, là các pháp do nhơn duyên sanh ra, ta nói nó là không (chữ ta là chỉ các đức Phật).

Kinh Bát Nhã cũng nói: Các pháp do nhơn duyên sanh tự tánh đều không. Vậy thì từ nơi hình tướng mà chúng ta y nơi pháp nhân duyên nên thấy được tánh Không của các pháp. Ấy gọi là Không quán..

Diệc danh vị giả danh(Cũng gọi là giả danh). Vì tánh của các pháp là không, duyên hợp giả có, nên chỉ có giả danh. Ấy gọi là Giả quán.

Diệc danh trung đạo nghĩa (Cũng gọi là nghĩa Trung đạo). Biết các pháp tự tánh không, do duyên hợp giả có nên tâm không mắc kẹt ở hai bên (có, không), nơi đây nhận ra bản tánh bất sanh bất diệt, đó là nghĩa Trung đạo.

Không quán gọi là Chân đế, Giả quán gọi là Tục đế, Trung quán gọi là Ðệ nhất Nghĩa đế. dùng ba pháp quán trên tu được thành tựu thì tâm lặng hết vọng tưởng, ấy gọi là Tam chỉ; nhơn tam quán mà được tam chỉ. Ðó là tông chỉ của ngài Nam Nhạc truyền đến ngài Thiên Thai. Pháp quán này giáo nghĩa rất là viên diệu, tức là tròn đầy mầu nhiệm. Nhưng vì chỗ tiến vào từ từ chớ không trực chỉ như Thiền tông nên nói hành tướng như các thứ thiền trước.

– Duy chỗ truyền của Tổ Ðạt Ma đốn đồng với Phật thể, khác xa các môn, cho nên người tập Thiền tông khó đạt được ý chỉ, đạt được tức thành Thánh, chóng Bồ đề, không đạt được tức thành ma, mau vào địa ngục đồ thán (tro than).

Chỗ truyền của Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma đốn đồng với Phật thể. Tại sao đồng? Vì khi Phật ngộ đạo là ngộ đựợc bản tâm thanh tịnh, chúng ta bây giờ tu kiến tánh cũng là ngộ bản tâm thanh tịnh. Chỗ thấy thì đồng với Phật, nhưng Phật thành Phật là vì ngộ bản tâm rồi thì loạn tưởng sạch hết; còn chúng ta ngộ được bản tâm cũng tròn đầy như vậy, nhưng vọng tưởng phiền não chưa sạch, vì vậy chúng ta còn phàm phu. Ðứng về thể thì đồng với Phật, về dụng thì chúng ta còn phải tu từ từ, ấy là điểm khác xa. Cho nên đối với người tu theo Thiền tông rất khó đạt được ý chỉ cao siêu này, nếu đạt được thì rơi vài địa ngục tro than. Vì vậy, tôi thường nói thiền cũng như con dao bén, biết xử dụng thì rất lợi ích, không biết thì tai hại vô cùng! Tại sao vậy? Vì chúng ta nhận ra tự tánh, không theo vọng tưởng và sống với tự tánh thanh tịnh ấy. Nếu một đời chúng ta làm không xong, thì cũng tỉnh táo để đời khác làm tiếp; còn người không đạt được tự tánh, nghe nói không tội, không phước, không nhơn, không quả, không thiện, không ác, hay đói ăn, mệt ngủ v.v… rồi chấp vào những lời đó mà tha hồ thụ hưởng và không chịu tu hành, như vậy là sa vào địa ngục. Tu thiền mà không nhận ra ý chỉ thì dễ lạc lắm. Nên khi soạn dịch những cuốn sách Thiền, tôi không chịu giải thích, tùy ai đọc hiểu thì hiểu, không hiểu coi như đọc chơn ngôn thần chú cũng được. Có nhiều người phàn nàn: “Thầy dịch sách đọc không hiểu”. Tôi biết, nhưng vẫn không giải thích. Phải chăng tôi ích kỷ? – Không – Vì tôi thấy trường hợp Trúc Thiên dịch sách thiền, chỗ nào khó là ông giải thích, cho nên một số thanh niên thích lắm, nhưng rốt cuộc trở thành bịnh. Ðối với thiền khi nói đến chỗ cứu cánh thì vượt ngoài vòng đối đãi tầm thường: không thiện, không ác, đói ăn, mệt ngủ… Ðối với thanh niên bây giờ, không ưa ràng buộc, thích cái gì làm cái nấy, họ cho đó là sống theo thiền, nếu thích mà không làm là còn lẩn quẩn trong vòng tu thiện bỏ ác, còn tầm thường chưa phải là thiền. Nếu hiểu thiền như vậy là dễ đi xuống địa ngục. Vì vô chấp là tâm hết sạch vọng tưởng, sống phóng khoáng không còn bị cái nhìn nhị nguyên chi phối, người ấy sống được với bản tánh nhất như. Chúng ta còn đầy ấp vọng tưởng, đang bị phiền não phủ che mà nói là vô chấp, ưng chi làm nấy đó là phóng túng làm theo dục vọng, theo bản năng chứ đâu phải sống theo bản tánh. Cho nên trong bài Tín Tâm Minh của Tổ Tăng Xán có câu: “Hào ly hữu sai, thiên địa huyền cách”. Nghĩa là sai một ly, đất trời xa cách. Tôi đã từng nhắc nhở:

– Tu Thiền phải khéo léo, nếu hiểu lầm một chút là tai họa. Thà là để cho người không hiểu, nếu hiểu thì hiểu cho chín chắn, vì chỗ đó đó đẽ bị lầm lắm.

Mới nghe qua thấy dễ, tưởng chừng như sống được, nhưng đến khi dụng tâm tu mới thấy khó. Nên ở đây tôi chủ trương dịch sách không giải thích, để người mộ thiền muốn hiểu kỹ, tới hỏi, tôi sẽ giải thích và hướng dẫn cho tu một cách tường tận.

– Chư Tổ trước ngại sự lầm lạc nên một người truyền một người, đời sau có chỗ bằng cứ nên sự truyền bá rộng rãi. Pháp truyền đã lâu thành tệ, lầm lạc khá nhiều, nên người học kinh nghi báng cũng nhiều.

Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma sang Trung Hoa, ngài chỉ truyền cho Tổ Huệ Khả và một ít vị thôi, vì sợ người hiểu lầm. Nhưng sau này y cứ vào Ngữ lục và các Thiền sư trước, trong đó dạy rõ đường lối tu hành nên mới truyền bá rộng rãi. Bây giờ chúng tôi dám nói rộng với quý vị là vì căn cứ vào lời dạy của Phật trong kinh điển, lời dạy của Tổ trong Luận, trong Ngữ lục và hành trạng của các thiền sư. Nhưng vì truyền pháp đã lâu, nên thành tệ và lầm lạc khá nhiều khiến người đâm ra nghi báng cũng nhiều.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.