Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng Giải

Phần 2 - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng 1 - Chưa Chăn)



Khoan hoài du ngoạn ẩm tửu

Âm:

Sanh nanh đầu giác tứ bào hao,
Bôn tẩu khê sơn lộ chuyển dao.
Nhất phiến hắc vân hoành cốc khẩu,
Thùy tri bộ bộ phạm giai miêu.

Tạm dịch:

Đầu sừng dữ tợn quá hung hăng,
Vượt suối băng rừng mãi xa dần.
Một mảnh mây đen ngang cửa động,
Ai hay bước bước phạm mạ non
.

Giải chung:

– Ngang ngạnh ngu dốt mà hay khoe khoang.

– Rong ruổi theo trần cảnh chẳng chịu quay đầu.

– Vô minh che phủ tâm, điên đảo chướng nặng.

– Mống tâm động niệm liền trái phép tắc.

Luận rằng:

Chính tất cả hạng ngu dốt ngang ngạnh, tình như vượn ngựa, chẳng sống đúng theo pháp luật. Trên chẳng sợ lẽ trời, dưới chẳng tin địa ngục, trong tối chẳng sợ quỉ thần, ngoài sáng chẳng sợ phép nước, chỉ biết cậy mạnh hiếp yếu, nên nói rằng: “đầu sừng dữ tợn”. Lại khoe khoang là anh hùng, bạo ngược ngu si, nên nói: “quá hung hăng”. Lại còn kết bè làm ác, thành đội thành lũ, rong ruổi theo cảnh trần, nghiệp thức mênh mang, nên nói: “Vượt suối băng rừng mãi xa dần.” Chỉ bởi vô minh che lấp ruộng tâm, nên nói: “Một mảnh mây đen ngang cửa động.” Do tham mà khởi sân, nhân sân lại khởi si, tạo nên mọi thứ tội lỗi, chẳng đoái nghĩ đến việc làm thương tổn người khác, nên nói: “ai hay”. Nhưng lại đắm say ngũ dục, nên nói: “bước bước phạm mạ non”.

Những lời giải thích trên đây, chính là thế gian kết chặt hắc nghiệp, tạo tác bao nhiêu tội lỗi sâu dày. Nếu người xuất gia thì chẳng như vậy. Nên trong thơ Hàn Sơn nói:

Thượng nhân tâm bén nhạy,
Một nghe liền biết diệu.
Trung lưu tâm thanh tịnh,
Nghĩ xét cho quan trọng.
Hạ sĩ chậm ngu si,
Cứng dày khó xé vỡ.
Đợi đến máu đầy đầu,
Mới biết tự trừ dẹp.
Xem kẻ cướp ban ngày,
Chợ búa người họp giết.
Thây chết bỏ như bụi,
Lúc này nói với ai?
Nam nhi đại trượng phu,
Một đao đứt hai đoạn.
Mặt người lòng dạ thú,
Tạo tác bao giờ dứt.

Đây là điều bậc Tiên Thánh khích lệ như thế, người có trí hãy ghi nhớ đó.

Giải riêng:

– Bỏ mất giới luật tình còn thô tháo.

– Đuổi theo danh lợi, chẳng hay tỉnh xét trở lại.

– Vô minh che phủ, quên mất Chân tâm.

– Mống tâm động niệm liền trái phép tắc.

Luận rằng:

Cho nên dù có tuổi cao mà không có giới đức, bụng trống lòng cao, chẳng chịu gần gũi với bạn tốt. Chỉ biết cống cao, một mình ở một phương, tự ỷ lại nơi mình mà lấn hiếp người, nên nói “đầu sừng dữ tợn”, lại hay ăn to nói lớn, phát ngôn bừa bãi, nên nói “quá hung hăng”. Lại còn vin theo trần cảnh, đạo học sơ sài, chẳng hay chiếu soi trở lại, nên nói “vượt suối băng rừng mãi xa dần”, lại không có trí tuệ quán xét, không có hổ thẹn, tà kiến thị phi, nên nói“một mảnh mây đen ngang cửa động”. Trái lại, chẳng biết lo tính, bên trong không có thắng được niệm, miệng thì nói ra lời quấy, chẳng dính dáng gì đến kinh luật, ai ai cũng thế, kẻ kẻ đều như vậy, nên nói “ai hay”. Như thế cho là phải, không ích gì với tâm đạo, đồng thời làm thương tổn thật đức, không trau sửa mình để tu tiến, cốt tam thường đầy đủ, nên nói “bước bước phạm mạ non”.

GIẢNG

Giải chung:

Đầu sừng dữ tợn quá hung hăng, là để chỉ những người “ngang ngạnh ngu dốt mà hay khoe khoang”.

Vượt suối băng rừng mãi xa dần là “rong ruổi theo trần cảnh chẳng chịu quay đầu”, chạy theo ngũ dục mãi mà không biết quay đầu trở lại.

Một mảnh mây đen ngang cửa động. Mây đen che cửa động tức là không biết đường trở về. Mây đen dụ cho vô minh che phủ tâm thức chúng ta nên điên đảo chướng nặng.

Ai hay bước bước phạm mạ non là nói “mống tâm động niệm liền trái phép tắc”. Mống tâm chạy hoài nên như trâu ngông cuồng chạy vào lúa mạ luôn. Con trâu quí vị hiền chưa? Thấy lúa mạ có chạy vào không? Nay kiểm lại mình, chúng ta cảm thấy xấu hổ vì con trâu mình không lương thiện, cứ chạy mãi vào lúa mạ người.

Luận rằng:

Chính tất cả hạng ngu dốt ngang ngạnh, tình như vượn ngựa, chẳng sống đúng theo pháp luật. Trên chẳng sợ lẽ trời, dưới chẳng tin địa ngục, trong tối chẳng sợ quỉ thần, ngoài sáng chẳng sợ phép nước, chỉ biết cậy mạnh hiếp yếu, nên nói rằng: “đầu sừng dữ tợn”.

Tâm tình của chúng ta giống như con vượn, con ngựa.

Hình ảnh “đầu sừng dữ tợn” là chỉ cho những người tâm như khỉ vượn, đã ngu dốt lại ngang ngạnh không sống theo pháp luật, cho nên “trên chẳng sợ lẽ trời”, tức là lẽ thiên nhiên của trời đất, “dưới chẳng tin địa ngục”, cho rằng không có địa ngục. “Trong tối chẳng sợ quỉ thần”, khi tối thì lén làm những điều sai quấy mà không sợ quỉ thần thấy biết. “Ngoài sáng chẳng sợ phép nước”, ban ngày đối với phép nước vẫn dối gạt người mà phạm những điều tội lỗi. “Chỉ biết cậy mạnh hiếp yếu” là ỷ mình mạnh hiếp người yếu, nên nói “đầu sừng dữ tợn”. Con trâu đầu sừng dữ tợn là con trâu hung dữ ngang ngạnh.

Lại khoe khoang là anh hùng, bạo ngược ngu si, nên nói: “quá hung hăng”.

Đã ngông cuồng rồi mà còn xưng anh hùng nữa nên gọi là quá hung hăng.

Lại còn kết bè làm ác, thành đội thành lũ, rong ruổi theo cảnh trần, nghiệp thức mênh mang, nên nói: “Vượt suối băng rừng mãi xa dần.”

Lại rủ nhau kết bè kết đảng làm những chuyện tội lỗi đó là ví dụ con trâu vượt suối băng rừng.

Chỉ bởi vô minh che lấp ruộng tâm, nên nói: “Một mảnh mây đen ngang cửa động.”

Một mảnh mây đen ngang cửa động là chỉ cho vô minh che lấp tâm mình.

Do tham mà khởi sân, nhân sân lại khởi si, tạo nên mọi thứ tội lỗi, chẳng đoái nghĩ đến việc làm thương tổn người khác, nên nói: “ai hay”. Nhưng lại đắm say ngũ dục, nên nói: “bước bước phạm mạ non”.

Đối với ngũ dục con người say mê, không chịu dừng cũng giống như trâu chạy trong đám mạ, đám lúa của người, nó cứ bước tới ăn mãi không ngừng.

Những lời giải thích trên đây, chính là thế gian kết chặt hắc nghiệp, tạo tác bao nhiêu tội lỗi sâu dày.

Tạo hắc nghiệp là tạo nghiệp đen tối tội lỗi nên dùng con trâu đen tượng trưng cho hắc nghiệp.

Nếu người xuất gia thì chẳng như vậy. Nên trong thơ Hàn Sơn nói:

Thượng nhân tâm bén nhạy,
Một nghe liền biết diệu.
Trung lưu tâm thanh tịnh,
Nghĩ xét cho quan trọng.
Hạ sĩ chậm ngu si,
Cứng dày khó xé vỡ.
Đợi đến máu đầy đầu,
Mới biết tự trừ dẹp.
Xem kẻ cướp ban ngày,
Chợ búa người họp giết.
Thây chết bỏ như bụi,
Lúc này nói với ai?
Nam nhi đại trượng phu,
Một đao đứt hai đoạn.
Mặt người lòng dạ thú,
Tạo tác bao giờ dứt.

(Thượng nhân tâm mãnh lợi,
Nhất văn tiện tri diệu.
Trung lưu tâm thanh tịnh,
Thẩm tư vân thậm yếu.
Hạ sĩ độn ám si,
Ngoan bì tối nan liệt.
Trực đãi huyết lâm đầu,
Thủy tri tự tồi diệt.
Khán thủ khai nhãn tặc,
Náo thị tập nhân quyết.
Thi tử khí như trần,
Thử thời hướng thùy thuyết.
Nam nhi đại trượng phu,
Nhất đao lưỡng đoạn tiệt.
Nhân diện cầm thú tâm,
Tạo tác hà thời hiết.)

Đây là bài thơ ngũ ngôn của ngài Hàn Sơn. Ngài nói:

Thượng nhân tâm bén nhạy.

Người bậc thượng thì tâm nhạy bén, khéo thấy khéo biết.

Một nghe liền biết diệu.

Chỉ cần nghe một câu kinh, một bài kệ, một lời hay, một lẽ phải liền biết điều hay, điều phải, sự mầu nhiệm của nó.

Trung lưu tâm thanh tịnh,
Nghĩ xét cho quan trọng.

Người bậc trung, tâm cũng còn khá, còn trong sạch, muốn tu hành cho tốt là nhờ quán chiếu xem xét, đó là việc quan trọng. Người bậc trung phải nhờ khéo quán sát. Thí dụ thấy món vật quí, vừa khởi niệm tham liền quán nó là duyên hợp hư dối, không có gì thật, hoặc quán nó là vô thường, nay nó đẹp mới, thời gian sau nó sẽ cũ, sẽ hư xấu, mục nát, không có gì đáng quí.

Hạ sĩ chậm ngu si,
Cứng dày khó xé vỡ.

Người bậc hạ chậm lụt ngu si, họ chấp cứng, khó đập tan cái cố chấp của họ.

Đợi đến máu đầy đầu,
Mới biết tự trừ dẹp.

Đến khi tranh cãi với ai, người biết điều khuyên can cũng không nghe, để cãi một lúc rồi đánh nhau đổ máu, khi ấy mới biết đau, đó là kẻ ngu.

Ngài ví dụ:

Xem kẻ cướp ban ngày,
Chợ búa người họp giết.

Như những kẻ đi ăn cướp ở chợ lúc ban ngày, người đang đông vầy mà vào ăn cướp, giết hại sanh mạng người.

Thây chết bỏ như bụi,
Lúc này nói với ai?

Chúng ta thường nói “bỏ như rạ”. Khi ấy còn than trách gì nữa, còn gì mà khoe khoang. Đó là chỉ hạng ngu si.

Nam nhi đại trượng phu,
Một đao đứt hai đoạn.

Đến đây Ngài khuyên: Chúng ta là nam nhi, là bậc đại trượng phu phải một đao cắt đứt liền, đừng để dây dưa. Nói nam nhi, tất cả đều là nam nhi, đừng mặc cảm nghĩ quí thầy mới là nam nhi, còn tôi là nữ nhi. “Nam nhi đại trượng phu” là chỉ người có ý chí mãnh liệt, người có khả năng mạnh mẽ thì một đao cắt đứt luôn. Tôi thường nói khi tu thì dứt khoát tu, không lôi thôi, đó là cắt đứt. Biết chuyện nào là dở là xấu chúng ta cắt đứt luôn, đừng hối tiếc, như vậy mới là kẻ nam nhi trượng phu.

Mặt người lòng dạ thú,
Tạo tác bao giờ dứt.

Người nào trong lòng cứ ôm ấp những điều xấu ác, tức là lòng dạ thú, thì người đó tạo nghiệp không biết khi nào dừng, khi nào hết.

Đây là điều bậc Tiên Thánh khích lệ như thế.

Tiên Thánh là bậc Thánh trước, tức là ngài Hàn Sơn, khích lệ chúng ta như vậy.

Người có trí hãy ghi nhớ đó.

Người có trí phải ráng nghe và nhớ.

Giải riêng:

Bỏ mất giới luật tình còn thô tháo, đó là câu thứ nhất nói về “đầu sừng dữ tợn quá hung hăng”.

Đuổi theo danh lợi, chẳng hay tỉnh xét trở lại là “vượt suối băng rừng mãi xa dần”.

Vô minh che phủ, quên mất Chân tâm là “một mảnh mây đen ngang cửa động”.

Mống tâm động niệm liền trái phép tắc là “ai hay bước bước phạm mạ non”.

Đây là Ngài nói riêng giới xuất gia. Người xuất gia mà bỏ mất giới luật, tình còn thô tháo thì người đó là con trâu còn đang chạy ngông, là “đầu sừng dữ tợn quá hung hăng”.

Người tu còn đuổi theo danh lợi, không biết tỉnh xét trở lại, đó là cứ từng bước “vượt suối băng rừng mãi xa dần”. Lại người tu mà cứ ôm ấp vô minh, quên mất Chân tâm cũng như “một mảnh mây đen che cửa động”. Còn người tu mà cứ “mống tâm động niệm” không dừng là trái với phép tắc trong đạo, là con trâu bước bước ăn mạ non lúa non của người.

Luận rằng:

Cho nên dù có tuổi cao mà không có giới đức, bụng trống lòng cao, chẳng chịu gần gũi với bạn tốt. Chỉ biết cống cao, một mình ở một phương, tự ỷ lại nơi mình mà lấn hiếp người, nên nói “đầu sừng dữ tợn”, lại hay ăn to nói lớn, phát ngôn bừa bãi, nên nói “quá hung hăng”.

Ngài răn những điều này rất là tốt.

Lại còn vin theo trần cảnh, đạo học sơ sài, chẳng hay chiếu soi trở lại, nên nói “vượt suối băng rừng mãi xa dần”.

Học hành thì sơ sài mà không chịu quán chiếu.

Lại không có trí tuệ quán xét, không có hổ thẹn, tà kiến thị phi, nên nói “một mảnh mây đen ngang cửa động”.

Nghĩa là người tu mà không biết dùng trí tuệ quán chiếu rồi lại không biết hổ thẹn, thêm chấp tà kiến thị phi, đó là mây đen che cửa động.

Trái lại, chẳng biết lo tính, bên trong không có thắng được niệm, miệng thì nói ra lời quấy, chẳng dính dáng gì đến kinh luật, ai ai cũng thế, kẻ kẻ đều như vậy, nên nói “ai hay”. Như thế cho là phải, không ích gì với tâm đạo, đồng thời làm thương tổn thật đức, không trau sửa mình để tu tiến, cốt tam thường đầy đủ, nên nói “bước bước phạm mạ non”.

Người tu thì tam thường bất túc, nhưng người tu ở đây lại tam thường cụ túc. Tam thường cụ túc là ăn mặc ngủ đầy đủ: thích ăn nhiều, ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều, đó là từng bước phạm mạ non. Như vậy Ngài răn rất thiết tha. Học các mục chăn trâu của Thiền sư Quảng Trí, chúng ta thấy rõ việc tu hành của mình còn yếu ở điểm nào để ngừa đón, hay ở điểm nào để làm tăng trưởng thêm. Không phải chúng ta học cho biết nhiều hiểu rộng để khoe với người mà đây là để biết rõ lại mình, từng phút từng giây nhìn xem chúng ta đang như thế nào đối với sự tu hành, đó tức là chăn trâu. Vậy tất cả Tăng Ni cũng như Phật tử học để tu, biết rồi thì tu mới dễ, không biết thì tu rất khó. Như tôi đã nói con trâu nguyên là trắng nhưng vì đuổi theo ngũ dục nên nhuộm thành đen. Nay chúng ta tẩy cái đen đó đi. Những buổi học kinh, nghe pháp, những buổi tụng giới, sám hối là phương pháp tẩy cho con trâu trắng dần. Mỗi ngày mỗi tháng chúng ta đều tẩy thì lâu ngày con trâu nhất định trắng, sạch những nhơ nhiễm thì tự nó trắng. Đó không phải là việc khó mà là việc dễ, cố gắng thì được không nghi ngờ. Đây là lẽ thật tôi nhắc cho tất cả cố gắng.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.