Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng Giải

Phần 2 - Luận Giải Các Bài Tụng Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng 2 - Mới Điều Phục)



Tĩnh lự – Mới chăn (sơ điều)

Âm:

Ngã hữu mang thằng mạch tỹ xuyên,
Nhất hồi bôn cạnh thống gia tiên.
Tùng lai liệt tánh nan điều chế,
Du đắc sơn đồng tận lực khiên.

Tạm dịch:

Ta có dây thừng xỏ mũi rồi,
Mỗi lần rong chạy quất thêm roi.
Xưa nay tánh dở khôn điều chế,
Vẫn được mục đồng ráng sức lôi.

Giải thích:

– Giữ mình sống theo luật, khắc khắc chẳng sai lệch.

– Tâm động thì tình sanh, giờ giờ ghi nhớ kỹ.

– Sơ cơ còn yếu kém, hôn trầm tán loạn khó kềm chế.

– Phát tâm lập chí, dụng công hết sức mình.

Luận rằng:

Ví như ngọc báu ma-ni to, Thể tánh sáng sạch mà có dính bụi bẩn quặng nhơ. Nếu người dù nghĩ nhớ tánh báu, mà chẳng dùng các thứ phương tiện mài giũa thì trọn không trong sạch. Cũng như pháp Chân như, chẳng dùng các thứ phương tiện huân tu thì cũng không được thanh tịnh. Đâu chẳng thấy, trong mười lực của Phật, hai lực to nhất: nhân Nghiệp lực nên vào trong sanh tử, lại nhân Định lực nên ra khỏi sanh tử. Bốn câu tụng về “mới điều phục” này, ý đại khái là như trên.

GIẢNG

Trong bài “Mới điều phục” này, chúng ta thấy trong bức tranh dưới hình ảnh chú mục đồng xỏ mũi trâu, lôi đầu nó lại, tay cầm roi để đánh nó. Còn bức tranh trên là một vị Sư đang tọa thiền hai tay kềm cứng lại, đó là hình ảnh mới điều phục. Theo tinh thần Thiền sư Quảng Trí, Ngài nói rằng hình dưới là sự, hình trên là lý. Nói theo hiện nay cho dễ hiểu hơn thì hình ảnh người mục đồng lôi mũi trâu trở lại là hình ảnh biểu trưng, còn hình ảnh vị Sư tọa thiền là thật lý. Như vậy mục đồng và con trâu là biểu trưng cho sự tu hành của chúng ta, chớ không phải là sự thật, sự thật là một nhà Sư ngồi thiền. Khi ngồi thiền đem hết sức mình chinh phục nội tâm đó là sơ điều. Trong tranh, chúng ta thấy hình ảnh chú mục đồng lôi trâu mà thương, cố sức lôi cổ nó, lại còn đưa roi lên chực quất vào mình nó.

Giải thích:

Ta có dây thừng xỏ mũi rồi.

Ngài Quảng Trí giải thích:

Giữ mình sống theo luật, khắc khắc chẳng sai lệch.

Nghĩa là giữ mình sống đúng giới luật, một phút một giây cũng không để cho lệch lạc. Như vậy sợi dây thừng xỏ mũi trâu là dụ cho giới luật. Người tu phải lấy giới luật làm sợi dây cột, không cho mình ra ngoài phạm vi giới luật cho phép, tự kềm chế, không đi sai lệch. Trâu bị dây thừng xỏ mũi, nhờ sợi dây thừng mà điều được con trâu. Cũng như nhờ giới luật mà điều chế được sự phóng túng của người tu.

Mỗi lần rong chạy quất thêm roi.

Khi lôi mũi mà trâu còn vùng vằng muốn chạy thì có cây roi sẵn để đánh. Roi đánh trâu là cái gì? Ngài giải thích:

Tâm động thì tình sanh, giờ giờ ghi nhớ kỹ.

Tâm vừa dấy niệm thì tình cảm theo một bên. Thế nên người tu từng phút từng giây luôn luôn nhớ vừa dấy niệm theo ngoại cảnh thì phải quở phạt rầy la, không cho nó chạy. Thí dụ vừa nghe ai nói làm việc gì đó sẽ có lợi nhiều, chúng ta liền nghĩ mình có khả năng làm việc đó. Vừa nghĩ như thế, chúng ta phải ngăn chặn lại, phải quở liền: Ngu! Đi tu rồi mà còn tham lợi tham danh sao? Niệm khởi liền dừng lại, đó là đánh một roi. Chớ không phải khi khởi nghĩ, chúng ta để một lúc nó sẽ dẫn mình chạy không biết bao xa. Vì vậy người tu luôn luôn phải có cái roi sẵn một bên để đánh nó trong trường hợp như vậy. Vừa dấy niệm chạy theo ngoại cảnh liền quở rầy không cho chạy, đó là ví dụ cho chú mục đồng cầm roi chực sẵn, trâu vừa muốn vùng chạy liền lôi đầu nó lại, quất một hai roi cho nó sợ.

Như vậy quí vị thấy trường hợp thứ nhất là lấy giới luật để kềm chế, trường hợp thứ hai là dùng lời răn nhắc để cảnh tỉnh.

Xưa nay tánh dở khôn điều chế.

“Liệt tánh nan điều chế” là tánh hư dở khó mà điều chế. Ngài giải thích

Sơ cơ còn yếu kém, hôn trầm tán loạn khó kềm chế.

Tánh dở là hôn trầm, là tán loạn. Trong giờ ngồi thiền hết hôn trầm thì sanh tán loạn, hết tán loạn thì trở lại hôn trầm. Hai việc đó lôi dẫn cho nên người ngồi thiền luôn mắc phải hai bệnh nặng này, hết ngó lên trời tức là chạy, thì đến gục xuống đất tức là hôn trầm, ít khi nghiêm trang nhìn thẳng. Đó là bệnh yếu dở mà người mới tu luôn mắc phải, không ai tránh khỏi. Do đó phải tự răn nhắc luôn đừng để nó có sức mạnh lôi mình chạy theo. Nếu hôn trầm, để thiu thiu một lúc thì đi thăm bà con, rồi vui rồi buồn v.v…, trái lại nếu vừa hơi hôn trầm mình mở mắt ra, chỉnh đốn lại thì nó tan. Còn khi tán loạn mà để nó tán loạn thì ngồi ở trên ngọn núi này mà đi dạo hết thành phố Đà Lạt đến Vũng Tàu rồi thành phố Hồ Chí Minh… nghĩa là chạy khắp nơi. Thế nên khi hơi yếu, muốn buồn ngủ thì phải nhìn trừng lên để tan cơn buồn ngủ, còn nếu nó chạy tứ tung thì phải kềm chế lại, chú tâm vào một điểm hoặc là hơi thở, hoặc một hình thức quán chiếu nào để tâm dừng lại. Như vậy là khéo tu, là sức điều trị ban đầu của mình.

“Vẫn được mục đồng ráng sức lôi” là gì? Đó là nói người tu “phát tâm lập chí, dụng công hết sức mình”. Mục đồng gắng sức lôi là để biểu trưng người tu quyết tâm nhất định phải thắng con trâu, không để con trâu thắng mình, tức là nhất định phải thắng vọng tâm, thắng hôn trầm không để chúng lôi kéo mình. Như vậy thắng được bệnh hôn trầm, bệnh tán loạn là nhờ chúng ta quyết tâm lập chí cố gắng tột cùng mới thắng được. Còn những ai lơ là có thắng được không? Nếu chú mục đồng lơ là thì con trâu lôi chú chạy luôn. Người tu nếu trong trường hợp phát tâm tu mà bị bệnh hôn trầm, tán loạn làm rối, làm mất thì giờ thì phải quyết tâm, phải lập chí vững chắc, đừng vì những trở ngại đó mà thối tâm thì sẽ không đi đến đâu. Như vậy qua bài kệ và lời giải chúng ta thấy người tu không phải là kẻ yếu đuối, bất lực, không phải là kẻ bại trận mà phải là người thắng trận, người đầy đủ nghị lực. Vậy ai phát tâm tu cũng phải dũng mãnh tinh tấn chớ không thể lừng chừng cho qua ngày cho hết tháng không đi đến đâu, đó là điều rất quan trọng. Nhìn hình ảnh người mục đồng chăn trâu, chúng ta thấy và biết được khả năng điều phục của mình là ở ngay nơi nội tâm.

Tôi lặp lại, ngài Quảng Trí dùng con trâu dụ cho năm thức trước. Năm căn (nhãn nhĩ tỹ thiệt thân) sẵn có năm thức luôn luôn chạy theo ngũ dục thế gian, tức là lúa mạ. Người chăn trâu là dụ cho ý thức, tức thức thứ sáu. Nhưng ý thức có hai mặt, ý thức mê phụ họa với năm thức trước để tạo nghiệp đó là chú mục đồng thả mặc trâu đi đâu thì đi. Còn ý thức tỉnh giác thì ngừa đón, chận đứng những lỗi lầm không phụ họa cùng năm thức để tạo nghiệp, đó là chú mục đồng chăn trâu.

Như vậy qua bài kệ và hình ảnh, chúng ta đã thấy rõ bước đầu trên đường tu là dễ dàng hay khó khăn. Nhiều người ở ngoài nhìn vào Thiền viện thấy quí thầy quí cô tu có vẻ thảnh thơi nhàn hạ, không lao động nhiều, không phải bận rộn lo đói lo no nhiều, nhưng khi vào Thiền viện độ ba hôm là xá rút lui. Tại sao? Thấy thì dễ nhưng khi vào ngồi thiền hai tiếng đồng hồ, ráng lắm thì ngày đầu, đến ngày thứ hai có vẻ tê chân rồi, đến ngày thứ ba đi hết muốn nổi nên xin rút lui. Khi ấy mới thấm tu không phải dễ, chớ còn đứng ngoài thì thấy dễ quá, đâu có gì quan trọng. Quí vị thấy chúng ta điều phục ngoại cảnh tuy khó mà dễ. Ví dụ như trong sân mình có một gò đất, muốn san bằng thì chỉ tốn công cuốc chừng một buổi. Nhưng trong tâm chúng ta có những tạp niệm, chúng ta dẹp độ bao lâu mới hết? Thật là cay đắng, phá dẹp mãi mà không dứt. La nó thì nó mất, lơ là thì nó trồi lên. Đó là việc hết sức khó, nên thấy những người điều phục tâm, bên ngoài dường như thảnh thơi nhưng bên trong thật là cay đắng. Chỉ có những người tu để mà tu thì mới thảnh thơi, còn tu thật tình muốn tiến đến chỗ chân thật thì rất khó, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm, phải dũng mãnh chớ không thể lơ là được, đó là điều thiết yếu. Nhìn chú mục đồng thì biết sự quyết tâm mãnh liệt của chú như thế nào. Con trâu với chú mục đồng ai mạnh ai yếu? Con trâu lôi ba bốn chú cũng được, nhưng đặc biệt nhờ có sợi dây thừng xỏ mũi cho nên tuy mạnh mà nó cũng phải thua. Cũng thế người tu vào đạo nhờ có giới luật, nguyện giữ giới luật là sức mạnh để điều phục nội tâm. Nếu không giữ giới thì không bao giờ điều phục nổi, như con trâu không sợi dây mũi thì dầu ba bốn chú mục đồng cũng không làm gì được. Đó là lẽ thật người biết tu phải nhớ điều này.

Luận rằng:

Ví như ngọc báu ma-ni to, Thể tánh sáng sạch mà có dính bụi bẩn quặng nhơ. Nếu người dù nghĩ nhớ tánh báu, mà chẳng dùng các thứ phương tiện mài giũa thì trọn không trong sạch.

Câu luận này rất là cụ thể, Ngài nói rằng chúng ta có một hòn ngọc quí lớn, Thể tánh nó là sáng suốt trong sạch nhưng nó có dính những bụi bẩn quặng nhơ. Biết hòn ngọc là sáng là sạch nhưng hiện tại nó đang dính bụi bẩn, đang ở trong quặng dơ, chúng ta phải làm gì cho nó được sáng sạch như trước? Nên nói “nếu người dù nghĩ nhớ tánh báu” tức là nhớ rằng hòn ngọc mình là quí, mà “chẳng dùng các thứ phương tiện mài giũa thì trọn không trong sạch”. Nếu nói ngọc tôi quí lắm, ngọc tôi là ngọc sáng trong, nhưng hiện tại nó đã dính bụi, đã bị quặng nhơ mà nói ngọc sáng, sạch là đúng giá trị của nó không? Thế nên muốn được đúng giá trị của nó thì phải chịu khó mài giũa lau chùi cho hết bợn nhơ thì mới đúng giá trị của một vật báu. Dụ này để chỉ chúng ta ai ai cũng có Tánh giác hằng sáng nhưng đang bị bụi phiền não bao phủ, bụi vọng tưởng che mờ. Biết như vậy chúng ta phải cố gắng lau chùi cho sạch bụi, làm sao cho các thứ che đậy nó phải tan hết thì Tánh giác mới sáng suốt trong sạch. Nếu không thì dù có Tánh giác nhưng muôn đời cũng ở trong tối tăm, đó là một lẽ thật. Biết mình có Phật tánh mà không chịu tu thì muôn kiếp vẫn là phàm phu. Trái lại nếu biết mình có Tánh giác rồi nỗ lực tu hành thì lần lần chúng ta có giác, có tỉnh rồi một ngày nào đó được hoàn toàn sáng suốt, đó là toàn giác.

Cũng như pháp Chân như, chẳng dùng các thứ phương tiện huân tu thì cũng không được thanh tịnh.

Hòn ngọc dụ cho Tánh giác, hay như ngài Quảng Trí nói là dụ cho pháp Chân như. Ai ai cũng có Chân như hay Chân tâm. Nếu chúng ta không dùng các thứ phương tiện huân tu, tức là luôn luôn tu tập xông ướp cho thành công, thì không bao giờ được thanh tịnh. Như vậy chúng ta có Phật tánh, có Chân tâm nhưng nếu chúng ta không chịu tu, không huân tập những điều tốt, đuổi dẹp những điều xấu thì không bao giờ Tâm chân như được thanh tịnh.

Đâu chẳng thấy, trong mười lực của Phật, hai lực to nhất: nhân Nghiệp lực nên vào trong sanh tử, lại nhân Định lực nên ra khỏi sanh tử.

Ngài Quảng Trí dùng hình ảnh mười lực (thập lực) của Phật, trong đó có hai lực to lớn là Nghiệp lực và Định lực. Nghiệp lực đưa vào sanh tử, định lực đưa ra khỏi sanh tử. Như vậy chúng ta càng tạo nghiệp thì càng đi sâu trong sanh tử, trái lại chúng ta tu thiền định, định lực mạnh thì thoát ly sanh tử.

Thập lực là mười sức mạnh của trí tuệ Phật.

  1. Tri giác xứ phi xứ trí lực. Xứ là chỉ chỗ đạo đức chân chánh, phi xứ là chỗ phi đạo đức. Trí lực của Phật biết rõ được chỗ đạo đức chân chánh, chỗ không phải là đạo đức.
  2. Tri tam thế nghiệp báo trí lực. Trí lực biết được nghiệp báo trong ba đời. Như vậy cái thứ hai này là điểm thứ nhất trong bài đã dẫn, nghĩa là do nghiệp lực mà đưa vào trong sanh tử. Phật biết nghiệp lực trong ba đời dẫn chúng sanh đi trong sanh tử.
  3. Tri chư thiền giải thoát tam-muội trí lực. Trí lực biết người tu thiền được các môn tam-muội thì sẽ giải thoát sanh tử. Như vậy thì nghiệp dẫn mình đi trong sanh tử, thiền định đưa mình thoát ly sanh tử, đó là hai điều cụ thể. Ngài Quảng Trí chỉ dẫn hai điều này để chứng minh chúng ta do nghiệp dẫn đi trong sanh tử, mà muốn ra khỏi sanh tử là do Thiền định.
  4. Tri chúng sanh thượng hạ căn trí lực. Trí lực biết chúng sanh người nào thuộc về thượng căn, người nào thuộc hạ căn.
  5. Tri chủng chủng giải trí lực. Trí lực biết các thứ hiểu biết của tất cả chúng sanh một cách rõ ràng.
  6. Tri chủng chủng giới trí lực. Trí lực biết rõ các cảnh giới của các loài chúng sanh.
  7. Tri nhất thiết trí sở đạo trí lực. Trí lực biết tất cả chỗ đến của tất cả chúng sanh, ai tạo nghiệp gì sẽ đến nơi nào.
  8. Tri thiên nhãn vô ngại trí lực. Trí lực biết được thiên nhãn vô ngại.
  9. Tri túc mạng vô lậu trí lực. Trí lực biết rõ túc mạng vô lậu.
  10. Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực. Trí lực biết rõ đoạn dứt hết tất cả tập khí.

Tôi thường nói có tu là có tiến không nghi, thỉnh thoảng thấy người này người kia tiến tôi rất hoan hỉ. Nhưng bên cạnh sự tiến bộ đó còn một bệnh gọi là bệnh tập khí. Tập là sự huân tập lâu ngày, khí là hơi, hơi hám thôi chớ không thật nhưng rất là khó trừ. Thí dụ như có người tu hiểu đạo, một đôi khi được sáng lý đạo, đó là điều đáng mừng. Hướng dẫn người tu, dạy người tu mà mình tu được tỉnh táo sáng suốt là đáng mừng, nhưng cạnh niềm vui đó thỉnh thoảng cũng có cái buồn xảy đến. Trình với tôi thấy được thế này thế kia, nhưng khi huynh đệ nói trái ý thì tập khí sân cũng ùn ùn trỗi dậy. Như vậy đạo thì hiểu mà tập khí thì chưa trừ. Ví dụ như quí Phật tử tại gia đi nghe tôi giảng khá lâu rồi chắc chắn biết rõ cái gì là tội, cái gì là phước. Nếu bị ai chê cười hay nhục mạ, chúng ta gây cãi để hơn người hoặc là chửi, hoặc là đánh để cho họ phải sợ mình, thì việc làm đó là tội hay phước? Giành phần thắng bằng miệng chửi tay đánh, chống cự bằng sức mạnh bằng ngôn ngữ để hơn người, đó là tội vì gây thêm oán thù. Trái lại, nếu ai chê bai khinh miệt, mình ẩn nhẫn nhường nhịn bỏ qua, tâm mình vẫn an nhiên thì đó là phước vì gỡ hết oan khiên. Như vậy ai cũng biết, nhưng gặp cảnh bị người khinh bỉ nói nặng thì chắc ít ai dùng phước lắm, mà lại làm tội liền. Biết là tội mà vẫn làm, biết là phước mà vẫn bỏ qua, đó là chỗ tôi gọi là tập khí. Biết thì biết mà sự huân tập lâu đời đã thành thói quen nên bỏ không được.

Chữ khí tôi nghĩ thật là hay, khí là hơi, cũng như khi chúng ta đi qua một nơi có mùi thơm, chúng ta nghe mùi thơm mà không thấy, không nắm bắt được. Cũng thế những tập khí tốt xấu sẵn trong chúng ta, nó dấy lên thì biết nhưng qua rồi nó trốn mất, không biết nó ở đâu, nhưng gặp việc thì nó xông ra. Như vậy tập khí không có hình tướng nhưng rất mạnh, rất đáng sợ. Vì thế tôi luôn nhắc Tăng Ni tu thì nỗ lực tu để chiến thắng phiền não, nhưng muốn cho viên mãn thì phải thắng đến chỗ tập khí phải vĩnh đoạn. Chúng ta thì tập khí tạm đoạn, khi nào tu thì lúc đó đoạn, quên tu thì nó nổi dậy, đoạn không nổi. Như chúng ta đang bình thản thì cái thói quen nóng giận, tham lam đang nằm ở đâu? Không thấy, không biết nhưng gặp cái đáng tham là tham liền, gặp cái đáng giận là giận liền. Tôi nói đáng đây là nói theo thế tục, chớ người tu không có gì đáng tham, đáng giận cả. Cái chúng ta không thấy mà gặp duyên thì nó hiện ra đó là tập khí, vì thế tập khí rất khó trừ, tu đến chỗ giác ngộ viên mãn như đức Phật mới gọi là vĩnh đoạn tập khí, mới sạch các thứ phiền não, mới không còn rơi trong tam giới. Nếu tập khí còn, tuy nó không lôi mạnh thì nó cũng rủ nhẹ nhẹ rồi chúng ta cũng đi trong tam giới. Thí dụ như có người ghiền rượu nhiều năm, nay có ai khuyến khích bỏ rượu được khoảng đôi ba ngày, họ tưởng như thành công, nhưng giả sử có người dẫn họ tới quán rượu hay tiệc rượu, mời ngồi uống chơi, lúc đó mùi rượu còn hấp dẫn họ không? Nếu mùi rượu còn hấp dẫn thì chưa chắc đã giữ được. Đó là tập khí mới tạm đoạn thôi, nên khi gặp duyên mạnh thì khó thắng nó. Nếu bỏ được mười hay hai mươi năm, lại quán rượu ngồi chơi, không còn bị mùi rượu hấp dẫn nữa, đó là vĩnh đoạn. Như vậy người tu đừng bao giờ tự hào rằng tôi thắng được sân, sân nhỏ thì thắng được, sân lớn thì thắng không nổi. Như người nói nặng nhẹ mỉa mai một hai câu thì bỏ qua được, nhưng nếu chửi ngay mặt thì bỏ qua không nổi. Đến tham cũng như vậy, nếu ai làm rớt cái bóp, mở ra thấy khoảng vài trăm ngàn thì trả lại cho người, đó là thắng được cái tham vì số tiền không quá nhiều. Nhưng nếu hôm nào gặp ai rớt cái bóp, mở ra toàn là kim cương thì không biết có đủ can đảm tìm người để trả lại không? Như vậy mới thấy việc nhỏ thì có thể mình thắng nhưng việc lớn chưa chắc đã thắng. Nói như vậy để quí vị dè dặt, nếu không, một hôm nào huynh đệ nói nặng nhẹ vài câu mình nhịn được thì cho là mình hay lắm, thắng được sân, vì trong chùa có ai chửi ngay mặt đâu. Đến khi ra đường bị người chửi ngay mặt, khi đó thắng không nổi. Thế nên trên đường tu chúng ta phải cẩn thận tối đa, luôn luôn phải theo dõi, phải làm chủ, đừng để bất cứ việc gì lôi cuốn.

Kết thúc bài Ngài nói:

Bốn câu tụng về “mới điều phục” này, ý đại khái là như trên.

Ý đại khái là như vậy, chỉ cần hình ảnh này chúng ta biết rõ thì chúng ta tiến bộ được trên đường tu.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.