Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng Giải

Phần 2 - Vấn Đáp Về Các Tranh Chăn Trâu (giảng)



Trong phần thứ nhất chỉ là những lời luận giải của ngài Quảng Trí trước khi vào đề, đến đây mới đi thẳng vào đề là Mười tranh chăn trâu. Ngài Quảng Trí trình bày rất rõ ràng thấu đáo chỗ thấy hiểu của Ngài, chúng ta ứng dụng tu sẽ có kết quả tốt.

Sắp giải lời tụng Tranh chăn trâu nên ngài Quảng Trí đặt câu hỏi đáp để làm sáng tỏ.

Kính nghe, Tổ đạo mới hưng, phần diệu Bồ-đề làm đổi mới cả hai cõi. Ngọn chân phong riêng hiển lộ, pháp Đạt-ma đầu tiên mở mang ở phương Đông.

Mở đầu ngài Quảng Trí nói: Cung kính nghe được Tổ đạo. Tổ đạo tức là Thiền tông từ Tổ Đạt-ma truyền sang. “Mới hưng” là mới được hưng khởi hay mới được hưng thạnh.

“Phần diệu Bồ-đề làm đổi mới cả hai cõi” là phần Bồ-đề mầu nhiệm này làm đổi mới cả Ấn Độ cũng như Trung Hoa. Đức Phật dạy đạo giác ngộ rất là sâu mầu, nhưng lúc đầu Ngài chỉ dạy các giáo lý nặng về phân chia đối đãi, còn phần sâu thẳm này Ngài chưa nói rõ. Chỉ từ Tổ Ca-diếp mãi đến Tổ Đạt-ma, hai mươi tám vị Tổ mới đem diệu Bồ-đề này làm cho hai nước Ấn Độ và Trung Hoa có một nguồn sinh lực kỳ đặc trong Phật pháp, vì vậy nói phần diệu Bồ-đề làm đổi mới cả hai cõi.

Ngọn chân phong riêng hiển lộ, pháp Đạt-ma đầu tiên mở mang ở phương Đông.

Ngọn gió chân được hiển bày thì Tổ Đạt-ma là người đầu tiên đem pháp này truyền đến Trung Quốc ở phương Đông.

Ngưỡng trông Tổ đạo từ Tây sang, thầm bày ý chỉ riêng truyền. Cơ linh chợt gõ, tâm nguyên không vô Thánh. Bẻ cành lau thẳng ra biển, chín năm ngó vách công đức cao vời. Chiếc dép trở về Tây, ngàn năm đạo hưng thạnh mãi mãi. Ân thấm khắp nơi, rừng thiền gánh vác vun bồi. Gương tuệ treo cao, nơi học địa càng mới thêm giác chiếu. Bởi Tổ đạo tùy nghi, lại thuận theo đời mà trọn lặng. Chẳng bỏ lòng từ, mới đến nơi đây, ai hay kiêng tránh?

“Ngưỡng trông Tổ đạo từ Tây sang” tức là Thiền tông từ Tổ Đạt-ma ở Ấn Độ Tây Thiên Trúc truyền sang Trung Quốc. “Thầm bày ý chỉ riêng truyền” là thầm chỉ bày ý chỉ biệt truyền. Giáo ngoại biệt truyền gọi là riêng truyền.

Cơ linh chợt gõ, tâm nguyên không vô Thánh.

Câu này mới nghe rất là khó hiểu. Tổ Đạt-ma khi đến phương Nam nước Trung Hoa, gặp vua Lương Võ Đế, Vua nghe Tổ đến liền cho người đón về triều. Khi Tổ vào triều, câu hỏi đầu tiên của nhà vua là: Bạch Ngài, tôi đã từng cất chùa, độ Tăng, cúng dường… như vậy có công đức nhiều ít? Tổ trả lời: Không công đức. Đó là tạt một gáo nước lạnh vào mặt nhà vua, Vua không vui mới hỏi tiếp: Thế nào là Đệ nhất Thánh đế? Tức là ở đây câu “tâm nguyên không”, nghĩa là tâm thể rỗng lặng, Tổ đáp ngay: Thênh thang không Thánh. Nói không Thánh làm cho vua Lương Võ Đế thất vọng. Vua hỏi thêm: Vậy đối trẫm là ai? Tổ trả lời: Không biết. Luôn ba câu đáp dường như là ba gáo nước lạnh tạt vào mặt nhà vua nên Vua không vui. Tổ biết cơ duyên không thuận, nhà vua không hiểu mình nên:

Bẻ cành lau thẳng ra biển, chín năm ngó vách công đức cao vời.

Do đó Ngài qua sông, nói cành lau qua biển nhưng thật ra là cành lau qua sông vì chỗ của vua Lương Võ Đế là đất Nam Kinh, ở gần bờ sông Trường Giang hay sông Dương Tử, nay muốn sang phương Bắc, Ngài đến bờ sông bẻ cành lau bỏ xuống làm như con thuyền đi qua sông. Ngài đi thẳng về phương Bắc đến chùa Thiếu Lâm, chín năm ngồi xây mặt vào vách.

Như vậy đoạn này diễn tả khi Tổ Đạt-ma sang Trung Hoa, Ngài muốn truyền bá câu châm ngôn “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Vua Lương Võ Đế tuy hiểu kinh rất giỏi, rành rẽ kinh Kim Cang, kinh Bát-nhã, nhưng qua lý này nhà vua không lãnh hội được, nên khi hỏi về công đức cất chùa độ Tăng v.v… Tổ đáp không công đức, Vua thấy có một cái gì không ổn; Vua hỏi tiếp: thế nào là Đệ nhất Thánh đế, thì Tổ đáp rỗng thênh không Thánh, đó là điều thứ hai không ổn; đến câu thứ ba: vậy đối trẫm là ai, Tổ đáp không biết. Một mạch ba câu, không câu nào nhà vua chấp nhận, cho nên Tổ biết duyên chưa đến, liền ban đêm lén bỏ cung vua qua sông đi về phương Bắc đến chùa Thiếu Lâm. Đến đấy Tổ biết cơ duyên độ người chưa đến, Tổ mới chín năm ngồi xây mặt vào vách. Sau Thần Quang đến và Tổ hướng dẫn cho ngộ đạo rồi trao y bát cho Thần Quang, đổi tên là Huệ Khả. Từ đó Tổ mới quảy một “chiếc dép trở về Tây, ngàn năm đạo hưng thạnh mãi mãi”. Tổ quảy một chiếc dép trở về Ấn Độ, nhưng ở Trung Hoa cả ngàn năm sau, đạo Tổ hay là Thiền tông vẫn hưng thạnh.

Ân thấm khắp nơi, rừng thiền gánh vác vun bồi.

Ân đức của Tổ truyền bá, mọi nơi đều thấm nhuần, đều mang ân trọng. Trong rừng thiền, những người sau, các Thiền sư đều là người gánh vác vun bồi.

Gương tuệ treo cao, nơi học địa càng mới thêm giác chiếu.

Gương trí tuệ của Ngài chỉ cho mọi người nhận ra hiểu thấu chẳng khác nào gương sáng treo trên cao; mỗi người trên phương diện tu học tiến vào hàng học đạo cao siêu, càng ngày càng được lối đi sáng suốt, tỉnh giác chiếu soi rõ ràng. Đó là tán thán công đức của Tổ Đạt-ma.

Bởi Tổ đạo tùy nghi, lại thuận theo đời mà trọn lặng.

Đạo Thiền là đạo tùy theo trình độ, tùy theo hoàn cảnh của mỗi nơi, đó là tùy nghi; lại thuận theo đời, nơi nào xứ nào cũng tùy theo tâm tánh những người nơi đó mà khéo uốn nắn, khéo hướng dẫn cho họ đều trở thành hoàn toàn thanh tịnh.

Chẳng bỏ lòng từ mới đến nơi đây, ai hay kiêng tránh?

Tổ muốn đem chánh pháp nhãn tạng truyền bá ở phương Đông, đó là lòng từ bi lớn lao của Tổ, nên Ngài mới đến Trung Hoa. Như vậy Tổ là người có tấm lòng hi sinh cao cả, đem đạo truyền bá một nơi xa lạ, không ngại những khó khăn, nên nói “ai hay kiêng tránh” tức là không tránh né, không e sợ. Tổ xuống thuyền ra biển trải qua một thời gian khá dài mới đến Trung Hoa truyền đạo. Đó là chuyện hi hữu, phải là một con người can đảm kiên cường mới có thể làm được. Đây là phần tán thán công đức Tổ Đạt-ma đối với Thiền tông.

Vả lại chánh pháp nhãn tạng là chỗ truyền bày của Phật Tổ. Cửa lớn cam lồ, thật là chỗ ước mong của người học. Rộng tu nơi hệ quán, ai bảo là siêu phàm nhập Thánh? Dứt sạch không dấu vết, xưa nay thông suốt cả đất trời. Ý chỉ của đức Phật chúng ta, khó lường khó nghĩ. Công của tự tánh, trọn vẹn thủy chung. Như tâm cấu nhiễm chẳng thôi dứt, thôi dứt tức Bồ-đề. Tâm nhơ sạch đã sáng tỏ, thì xưa nay chính là Phật.

Đến đây ngài Quảng Trí nói thẳng về Thiền tông, nói về chủ yếu của chánh pháp mà Tổ Đạt-ma đã truyền sang Trung Quốc và các nước sau này. “Chánh pháp nhãn tạng” nói theo nghĩa thường, chánh pháp là pháp chân chánh, tạng là kho, nhãn tạng là kho tàng con mắt, tức là cái chánh pháp mà đức Phật chỉ cho Tổ Ca-diếp, cũng như Tổ Đạt-ma truyền sang cho Tổ Huệ Khả. Chánh pháp nhãn tạng là kho con mắt của chánh pháp tức là cái gốc của sự giác ngộ, là chỗ truyền bày của Phật của Tổ.

Cửa lớn cam lồ thật là chỗ ước mong của người học.

Cam lồ có chỗ đọc là cam lộ, lòng từ bi của chư Phật thường dụ như nước cam lồ. Chánh pháp nhãn tạng này đem chỉ dạy cho mọi người, là lòng từ bi mở rộng của Phật của Tổ, nên nói cửa lớn cam lồ, tức là cửa lớn của từ bi, cũng là cửa lớn của chánh pháp.

Thật là chỗ ước mong của người học.

Ai học cũng mơ ước đến chỗ cứu kính mà đây là pháp cứu kính.

Rộng tu nơi hệ quán, ai bảo là siêu phàm nhập Thánh?

Trước khi Tổ Đạt-ma sang, ở Trung Hoa những vị tu thiền đều dùng pháp quán chiếu hoặc là quán về Tứ niệm xứ như các vị tu theo hệ A-hàm, hoặc quán các pháp là không theo hệ Bát-nhã v.v… Nhưng dù tu theo các hệ quán đó cũng chưa phải là siêu phàm nhập Thánh, vì còn có chỗ cột tâm. Quán là phải quán chiếu, thí dụ như hệ Bát-nhã quán các pháp như huyễn, lúc nào cũng thấy tướng huyễn hóa của các pháp mà không thấy được tướng chân thật, như vậy chưa phải là siêu phàm nhập Thánh.

Dứt sạch không dấu vết, xưa nay thông suốt cả đất trời.

Thiền tông là dứt sạch không còn hai bên, không còn huyễn cũng không còn thật, không còn có cũng không còn không, tức là dứt sạch hết không có dấu vết. Khi tâm mình không còn một vết nào thì đó là thông suốt cả đất trời.

Ý chỉ của đức Phật chúng ta khó lường khó nghĩ.

Thế nên chỗ đức Phật chú tâm lưu ý để dạy những đệ tử lớn là chỗ thật khó lường khó nghĩ.

Công của tự tánh trọn vẹn thủy chung.

Công của Tự tánh tức của Tánh giác mới thật là trọn vẹn thủy chung. Thủy là trước, chung là sau, nghĩa là Tánh giác của chúng ta là một cái từ xưa mãi đến sau này không bao giờ đổi thay, không bao giờ sanh diệt nên nói là trọn vẹn thủy chung.

Như tâm cấu nhiễm chẳng thôi dứt, thôi dứt tức Bồ-đề.

Trong tâm chúng ta hiện nay có những thói quen cấu nhiễm. Cấu nhiễm là nhơ bẩn. Những gì là nhơ bẩn? Tham, sân, si là nhơ bẩn, ngã mạn, kiêu căng … là nhơ bẩn, tất cả đều là tâm cấu nhiễm. Phàm phu thì tâm cấu nhiễm chẳng thôi dứt, mà một khi thôi dứt tức là Bồ-đề, là giác ngộ chớ không có gì lạ, như để bàn tay úp, lật lại là ngửa. Đang nuôi dưỡng cấu nhiễm dụ như bàn tay úp, nay buông bỏ cấu nhiễm là như bàn tay lật ngửa lại, dễ hay khó? xa hay gần? Cấu nhiễm cũng nơi đó, Bồ-đề cũng nơi đó, không có hai. Đó là mục tiêu, chủ yếu mà đức Phật và chư Tổ chỉ cho chúng ta tu, tu là dứt sạch những cấu nhiễm, cấu nhiễm dứt thì Bồ-đề hiện.

Tâm nhơ sạch đã sáng tỏ thì xưa nay chính là Phật.

Tâm nhơ, tâm sạch mình đã biết, đã thấy tường tận thì cái thấy tường tận tâm nhơ tâm sạch chính là tâm Bồ-đề, tâm chư Phật. Cho nên chúng ta đừng đi tìm Phật ở đâu mà chính chúng ta phải sạch hết những tâm đối đãi tức là tâm chấp nhơ, tâm chấp sạch đều thấu rõ tường tận thì Phật ngay chúng ta chớ không ở đâu xa.

Bởi Phật Tổ tùy nghi lập giáo, nên những người tu trước, hoặc sau đều nhận được ân huệ. Song theo tánh tu thân để đạt đạo trong hoàn vũ. Vui với lý thiên nhiên biết rõ tánh mạng là thiền siêu vật ngoại. Khóa vàng chóng mở, thì không luận mình hay người đều giải thoát. Khối nghi đã vỡ, cần gì phải trù tính kia đây? Nên nói: “Về nguồn không hai lối, phương tiện có nhiều môn.” Bởi tranh này chính là tranh chỉ thẳng, vốn vì hàng sơ cơ trung hạ mà lập bày; còn bậc căn khí Đại thừa trí bén, thì chẳng ở lời này.

“Bởi Phật Tổ tùy nghi lập giáo, nên những người tu trước, hoặc sau đều nhận được ân huệ.” Đức Phật và chư Tổ tùy theo hoàn cảnh, phương tiện mà lập ra giáo pháp chỉ dạy mọi người, nên những người tu trước hoặc những người tu sau đều nhận được ân huệ của Phật, Tổ. Như trong kinh A-hàm, đức Phật dạy tu thiền quán Tứ niệm xứ là quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Đức Phật nói rõ người nào nơi Tứ niệm xứ, trụ tâm không dời đổi trong vòng bảy năm thì người đó sẽ chứng quả từ Tu-đà-hoàn đến Cứu kính trí hoặc A-na-hàm. Rồi Phật bớt dần xuống còn bảy tháng, bảy ngày bảy đêm nếu trụ tâm không dời đổi nơi Tứ niệm xứ thì sẽ chứng Cứu kính trí hoặc A-na-hàm. Vậy tu khó hay dễ? Bảy ngày không có nhiều, chỉ trong vòng bảy ngày thì chứng quả, chớ đâu có nói mười năm, hai mươi năm, một kiếp, hai kiếp. Nhưng chúng ta trụ tâm được không? Chỉ có khoảng một giờ mà nó còn chạy tứ tung, ngồi ngó xuống chăm chăm mà nó còn chạy ngược chạy xuôi, huống nữa là đến một ngày! Đó là nói về Thiền. Về Tịnh độ thì trong kinh dạy rất rõ: Hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày hoặc bốn ngày cho đến bảy ngày niệm danh hiệu Phật A-di-đà, nhất tâm bất loạn thì khi nhắm mắt được về cõi Phật. Nghĩa là hoặc một ngày, hoặc hai ngày… đến bảy ngày trụ nơi danh hiệu đức Phật A-di-đà không dời đổi, tức là không có niệm nào chen vào thì khi nhắm mắt nhất định được về cõi Phật. Như vậy cả hai cũng giống nhau, đó là phương tiện. Người thích niệm Phật thì dạy niệm Phật, người thích thiền quán thì dạy thiền quán, đều phải trụ tâm bảy ngày không dời đổi mới thành công. Nay tôi chỉ yêu cầu một giờ thôi, người nào một giờ mà tâm không dời đổi thì người đó cũng là khá rồi, là hàng thiện tri thức bậc một đó. Một giờ nghe gần quá, nhưng chưa hẳn một giờ chúng ta trụ tâm nổi vì chúng ta quen chạy ngược chạy xuôi, chạy đông chạy tây, không biết chạy để làm gì! Nhiều niệm vô lý vô cớ mà cũng cứ nghĩ, đó là cái tâm dao động không làm chủ được. Nhưng khi chúng ta làm chủ được thì nó sẽ dừng lại rồi từ đó chúng ta mới có sức mạnh điều khiển hoặc dẹp được nó. Còn nếu chúng ta chạy theo nó thì suốt kiếp chạy theo tâm vọng tưởng. Vọng tưởng là nhân tạo nghiệp, chạy theo nó là chạy theo nghiệp, nên khi nhắm mắt nó dẫn chúng ta chạy hết chỗ này đến chỗ kia, gặp chỗ đúng thì ở lâu, chỗ không đúng thì năm ba năm, hai ba tháng lại bỏ đi kiếm chỗ khác, cứ như thế mà chạy nên nói nó dẫn chúng ta đi trong luân hồi, tức là trầm luân trong sanh tử. Nay muốn hết luân hồi thì phải làm chủ nó. Chuyện rất đơn giản. Tại sao chúng ta luân hồi? Vì vọng tưởng tạo thành nghiệp dẫn chúng ta đi, nay muốn dừng nghiệp thì chúng ta phải làm chủ vọng tưởng. Khi nào vọng tưởng lặng hết, chỉ còn một tâm sáng rỡ, thì lúc đó hết luân hồi, đó là giác ngộ là giải thoát, nói hơi to một chút thì đó là Phật. Như vậy việc tu dường như khó mà không phải khó, không phải khó tức là dễ, mà cũng không phải dễ. Phải là người gan dạ can đảm lắm mới làm mau, còn người nào nhút nhát yếu đuối thì không thể thành tựu. Đó là chỗ chân thật Phật Tổ đã dạy. Dầu cho quán Tứ niệm xứ hay niệm Phật được nhiếp tâm đều có lợi ích.

Song theo tánh tu thân để đạt đạo trong hoàn vũ. Vui với lý thiên nhiên biết rõ tánh mạng là thiền siêu vật ngoại.

Những pháp tùy nghi lập giáo là những pháp ai tu cũng đều có lợi ích. Nhưng ngay trong cõi đời này, chúng ta nhận ra Bản tánh của mình để tu ngay nơi thân mình, sống với lý thiên nhiên, biết rõ tánh mạng, không phải là tánh mạng theo Nho, mà là biết rõ được nơi mình có Tánh giác bất sanh bất diệt, đó là người tu thiền siêu vật ngoại, vượt ngoài tất cả các hiện tượng đối đãi sanh diệt. Đó là lối tu thiền cao siêu hơn cả, không phải là tùy nghi lập giáo, mà là chỉ thẳng tâm tánh của chính mình. Nhận được Tánh giác hằng nhiên bất sanh bất diệt, ngay nơi đó mình tu, thì đó là thiền siêu vật ngoại.

Khóa vàng chóng mở, thì không luận mình hay người đều giải thoát.

Khóa vàng là dịch chữ kim tỏa, trong nhà thiền là chỉ chúng ta bị những vòng dây xích bằng vàng xiềng lại. Những dây xích bằng sắt, bằng chì, kẽm với dây xích bằng vàng xiềng mình thì chúng ta chịu cái nào hơn? Dây xích bằng sắt, chì, kẽm xem xấu quá, khổ quá, nếu xích bằng vàng thì khổ không? Người ta tưởng xích bằng vàng là đẹp vì con người thích những gì quí giá, nhưng thật ra xích bằng vàng mới là đáng sợ hơn. Ở thế gian người ta thường sợ những cảnh trái nghịch mà thích những cảnh tốt thuận. Người tu thì ngược lại. Thí dụ như có một Phật tử hâm mộ tu hành, nếu Phật tử đó bị anh em ghét bỏ, cha mẹ không ưa thì đi tu rất dễ. Gia đình không thương, đó là nghịch cảnh nhưng đối với sự tu hành lại rất là thuận. Trái lại có người thích đi tu mà cha mẹ thương không nỡ rời một ngày, anh em cũng quí trọng thì người đó rất khó đi tu. Đó là cái khóa vàng. Dây xích bằng kẽm, bằng sắt, bằng chì chúng ta sợ, chúng ta tránh, còn khóa vàng thấy đẹp quá nên thích thành ra bị khóa lại mở không được. Nói thẳng, người tu khi vào đạo được thầy thương bạn quí muốn gì cũng được như ý, người đó tu khó tiến. Còn người tu bị những trận rầy quở, rồi phiền não v.v… mà vượt qua được thì tu mới tiến. Cho nên đừng đòi hỏi vào đạo phải được mọi điều như ý. Chính những điều bất như ý là cơ hội tốt để mình tiến lên, còn những việc như ý là những khóa vàng làm chúng ta dính kẹt mãi. Khóa sắt mở ra, được giải thoát là chuyện thường, khóa vàng mở chúng ta cũng được giải thoát. Người ta trói mình bằng dây xích sắt hay trói mình bằng dây xích vàng thì hai cái khổ cũng giống nhau, vì đều là bị trói. Cho nên đây nói khi thoát được khóa vàng thì không luận mình hay người đều được giải thoát.

Khối nghi đã vỡ, cần gì phải trù tính kia đây?

Nếu người tu thiền mà khối nghi nát rồi thì đừng nói là kia là đây, tức là không còn thấy hai nữa, đều đi tới giải thoát.

Nên nói: “Về nguồn không hai lối, phương tiện có nhiều môn.”

Về nguồn là trở về cội gốc, nguồn chỉ là một thôi nhưng phương tiện thì dường như có nhiều thứ nên nói có nhiều môn.

Bởi tranh này chính là tranh chỉ thẳng.

Mười bức tranh chăn trâu là mười bức tranh chỉ thẳng theo tánh cách Thiền tông.

Vốn vì hàng sơ cơ trung hạ mà lập bày.

Vì người tu còn bậc hạ căn, bậc trung căn nên lập ra để chỉ cho họ tu.

Còn bậc căn khí Đại thừa trí bén, thì chẳng ở lời này.

Ai thuộc về hạng thượng căn thượng trí Đại thừa thì nhìn liền hiểu khỏi cần phải học từng bức tranh. Vậy những bức tranh này dành cho người trung căn, hạ căn muốn tu thiền. Quí vị nhắm mình thuộc hạng nào? Nếu thượng căn thì xếp lại, nếu trung hạ căn thì phải học kỹ.

Luận rằng:

Trong giáo bảo: Chỉ nhân gió cảnh thổi động, đến phải khiến cho sóng to nổi dậy. Sóng và nước tuy khác mà tánh nó thì không hai. Song nước hay chở thuyền, sóng thì hay lật úp thuyền.

Giáo tức là kinh. Câu thí dụ này rất cụ thể, đây là dẫn trong kinh:

Chỉ nhân gió cảnh thổi động, đến phải khiến cho sóng to nổi dậy.

Tâm thể nguyên là không động, do gió cảnh thổi mới động, gió cảnh là dụ cho cảnh bên ngoài. Như chúng ta đang yên, lòng mình bình thản sáng suốt, chợt có ai đi ngang chỉ mặt mình nói: anh là đồ ngu, thì lúc đó ra sao? Tâm đang yên phẳng lặng liền dấy lên. Nếu dấy nhẹ thì còn kháng cự được, dấy mạnh thì thốt ra lời, đến một lúc thành chửi nhau. Như thế chỉ có gió cảnh thổi đến một chút mà tâm đang bình thản liền dấy động, cái nóng giận dấy lên gọi là sóng. Từ gió cảnh thổi, sóng nổi lên nếu không hạn chế, không ngăn cản được thì nguy hiểm cho nên nói:

Sóng và nước tuy khác mà tánh nó thì không hai.

Lúc tâm bình thản là ví dụ như nước bằng phẳng ở mặt hồ, mặt sông hay biển. Rồi gió cảnh thổi liền nổi sóng, khi ấy sóng với nước là một hay là hai? Thể nó không hai, nhưng không thể nói nước là sóng vì nước đâu có từng lượn.

Như vậy bản thân lượn sóng là nước, nhưng khi dấy lên từng lượn rồi thì thấy nước và sóng thành như hai. Tuy hai nhưng thể nó là một.

Song nước hay chở thuyền, sóng thì hay lật úp thuyền.

Hai cái công dụng khác nhau, nước chở thuyền mà sóng làm lật úp thuyền. Vậy nước và sóng cái nào hại? Tâm đang phẳng lặng là dụ cho nước bằng phẳng. Nếu tâm phẳng lặng thì không hại mình hại người, chỉ gió cảnh thổi tới thì nổi sóng đùng đùng lên, đó là bắt đầu có hại. Sóng không phải từ đâu lại, cũng ngay trong tâm yên tịnh mà ra. Từ tâm yên tịnh dấy lên nóng giận buồn phiền, từ nóng giận buồn phiền tạo thành tội ác. Như vậy chúng ta thấy rõ nếu tâm chúng ta an tịnh luôn thì chúng ta không tạo thành tội lỗi, không tạo khổ đau cho mình cho người. Chỉ vì những lượn sóng tham sân si dấy động nên tạo ra bao nhiêu thứ tội lỗi. Nếu người tu khéo giữ tâm bình thản an nhiên từ sớm đến chiều thì chắc đời mình ít tạo tội. Trái lại nếu tâm mình loạn động, nổi sóng ầm ầm thì ra cửa, vào nhà gặp ai cũng tranh cãi, cũng gây chuyện, không úp thuyền này thì cũng úp thuyền khác, sóng dậy thì hại người hại vật không tránh khỏi. Thế nên người tu chúng ta phải khéo dừng tâm loạn động gọi là sóng đó, để trở về tâm thanh tịnh tức là mặt nước bằng phẳng. Làm thế nào mà được người khen chúng ta vẫn thản nhiên, bị người chửi chúng ta cũng thản nhiên, như vậy cả ngày chắc là bình an vô sự. Nếu được người khen mình mừng vui, bị người chửi mình nổi giận, thì cả ngày dao động hoài, vì có người khen thật, có người khen dối để lừa gạt hoặc có người chê thẳng hoặc chê mỉa mai thành ra mình phiền não cả ngày. Như vậy cuộc đời có bình an hay không là tại tâm chúng ta có an hay không.

Phật tử đến chùa thắp hương lạy Phật, luôn khấn nguyện Phật gia hộ cho được bình an, mà không chịu hạ lượn sóng lớn trong tâm xuống. Sóng không lặng thì có bình an được không? Quí vị nên mỗi sáng thắp hương rồi hướng vào tâm mình, nguyện ngày nay tâm tôi được bình an, đừng nổi sóng gió. Như vậy bảo đảm hơn, còn nguyện Phật mà sóng trong tâm không dừng thì Phật làm sao cứu kịp? Vì thế người tu quay lại nhìn thẳng vào mình để tự giải quyết thì đó là sự thật, còn cầu bên ngoài mà không chịu sửa mình thì đó là chuyện hư dối. Người tu thiền phải là người dám nhìn lẽ thật để quyết định một hướng đi, một đường lối tu hành, chớ không trông cậy ỷ lại vào ai cả. Đó là lời mở đầu Ngài nói cho chúng ta hiểu.

Lại tranh chăn trâu này vốn lấy thức thứ sáu làm chăn, năm thức trước làm trâu.

Ngài nói thẳng rất là dễ hiểu, chăn là thức thứ sáu, trâu là năm thức trước. Nay hỏi chúng ta chăn là chăn cái gì? Mắt thấy sắc đẹp xấu, tai nghe tiếng phải quấy, mũi ngửi mùi thơm hôi, lưỡi nếm vị ngon dở, thân xúc chạm vật thô mịn, chăn những căn đó. Nhưng thật ra là chăn năm thức của năm căn khi xúc chạm với năm trần. Mắt vừa thấy sắc đẹp xấu thì chăn đừng cho nó mến cái đẹp, ghét cái xấu. Mũi ngửi mùi thơm hôi thì chăn đừng cho nó thích mùi thơm, ghét mùi hôi. Lưỡi nếm vị ngon dở thì chăn đừng cho nó thích vị ngon, ghét vị dở, nếu không, đến bữa cơm vừa và một đũa cơm với thức ăn vào miệng, thấm vào lưỡi, vừa với lưỡi thì ăn xem có vẻ hăng hái, còn không thì bất mãn, để chén xuống. Nếu là người có uy trong gia đình thì dằn chén rầy la. Đến lỗ tai nghe tiếng khen chê, chăn đừng cho thích tiếng khen, đừng cho oán tiếng chê, cả ngày luôn luôn chăn mắt tai mũi lưỡi thân. Như vậy, gọi năm căn là con trâu. Năm căn của chúng ta có thích chạy không? Hẳn là rất thích. Thế nên đức Phật dạy các Tỳ-kheo đi ngó xuống cho mắt đỡ chạy, ở chỗ vắng cho tai ít nghe, thì chăn đỡ nhọc một chút, chớ đi ra chợ, ngó tứ phía thì chăn không nổi, khi về nhà nó cũng lồng lộn, không chịu đứng yên.

Cái gì chăn? Ý nghĩ của chúng ta biết chăn, vì ý nghĩ có hai: ý nghĩ a dua theo năm căn và ý nghĩ chăn giữ năm căn. Ý nghĩ a dua theo năm căn là mắt vừa thấy sắc liền chạy ra phân tích sắc đẹp xấu, rồi khởi niệm khen chê; tai vừa nghe tiếng liền chạy theo phân biệt là tiếng khen hay chê rồi thương ghét v.v… Đó là người chăn a dua theo con trâu, trâu đi đâu nó cũng vui, cũng mặc kệ không lôi kéo trở lại, nên trâu ăn lúa mạ của người, bị người đánh đòn, bị người trói cột. Trong bài này nói cái ý ngăn chận không cho năm căn tạo nghiệp gọi là chăn. Ý ngăn chận là ý biết tu, còn ý a dua là ý chạy theo dục lạc chưa biết tu, chúng ta phải nhớ như vậy. Quí vị kiểm lại xem hiện nay mình có ý a dua theo năm căn hay là ý chăn giữ năm căn. Chỉ bao nhiêu đó đủ biết đạo đức của mình cao thấp. A dua theo là chưa có đạo đức, là phàm tục. Nếu a dua theo đôi chút thì còn đỡ, còn a dua theo trọn vẹn thì không thể dùng được nữa. Biết chăn giữ là bắt đầu quay về đạo đức, cho nên hiểu được chỗ này, nghiệm lại thì thấy rõ chúng ta đang là người tu hành tỉnh táo sáng suốt hay là người đang đắm theo ngũ dục lạc: sắc thanh hương vị xúc.

Tóm lại, để cho ý thức a dua theo năm căn đuổi theo ngũ dục, đó là đắm mê trần tục. Nếu biết chăn giữ không cho nó chạy theo ngũ dục, đó là quay về đạo đức, tức là gìn giữ, lôi con trâu trở lại không cho đi nữa. Hiểu được ý này thì vào trong bài mới hiểu được chỗ tu hành. Chăn là cái ý thức đạo đức tu hành, tức là chuyển ý thức trở về tu hành cho nên nó thành thằng chăn để chăn con trâu tức là năm căn.

Hỏi: Thế nào là chăn?

Đáp: Chính như người học hay chuyển được thì thành Diệu quan sát trí. Thấy sắc chẳng dính sắc, nghe tiếng chẳng phải tiếng, thơm hôi chẳng phân biệt, ngọt đắng chẳng khác, thô tế một thể, mà thành trí tự nhiên. Đó là nói thức thứ sáu là người chăn.

“Chính như người học hay chuyển được thì thành Diệu quan sát trí.” Người học chuyển được ý thức, chăn giữ năm căn thì ý thức trở thành Diệu quan sát trí. Trong tám thức chuyển thành tứ trí thì ý thức biết chăn giữ trâu chuyển thành Diệu quan sát trí.

Thấy sắc chẳng dính sắc, nghe tiếng chẳng phải tiếng, thơm hôi chẳng phân biệt, ngọt đắng chẳng khác, thô tế một thể, mà thành trí tự nhiên. Đó là nói thức thứ sáu là người chăn.

Nói thức thứ sáu chớ thật ra đó là dụng của trí rồi. Chuyển thức thứ sáu thành Diệu quan sát trí, nó chăn năm căn, căn thứ nhất là “thấy sắc chẳng dính sắc”, căn thứ hai “nghe tiếng chẳng phải tiếng”, nếu nói chẳng kẹt với tiếng thì rõ hơn. Nói “thơm hôi chẳng phân biệt” thì không được. Thơm thì biết thơm, hôi thì biết hôi chớ không phân biệt thì mũi không còn dùng được. Đây nói chẳng phân biệt là thơm hôi mình vẫn thản nhiên, vẫn tự tại. “Ngọt đắng chẳng khác” cũng không được. Ngọt mà không biết ngọt thì lưỡi đó không còn dùng được, nên những chữ này cũng còn giới hạn, chúng ta phải hiểu cho rõ. Ngọt đắng chẳng khác là không đòi thêm ngọt cũng không bớt đắng. Chúng ta thường ưa những gì ngọt bùi và không thích những gì cay đắng. Nhưng ở đời cũng có người thích cay đắng như trong bữa ăn thiếu ớt thì không vui. Đây nói ngọt nói đắng là nói chung, ngọt là những thứ ngon, đắng là những thứ dở, lưỡi biết ngon mà không đòi thêm, biết dở mà không bảo bớt, đó là chỗ tu chân thật của chính mình. Thô là vật nhám cứng, tế là vật mịn nhuyễn. Thân cũng không đòi vật tế, ghét vật thô. “Mà thành trí tự nhiên” là đối với năm điều đó mình không ưa ghét, không dính mắc, thì được trí tự nhiên. Như vậy thức thứ sáu chăn năm thức kia hay năm căn kia không cho nhiễm ngũ dục, đó là thằng chăn ngừa con trâu.

Hỏi: Thế nào là dùng năm thức làm trâu?

Đáp: Năm thức này, mỗi thứ đều có cái dụng của nó, mỗi thứ đều nương cái thể của nó, chỉ nhân vì căn bên trong, trần bên ngoài chợt gặp nhau mà sanh khởi, nên tội nghiệp từ đó dấy thành. Chính như người học hay chuyển thức thành trí, bèn thành công thành sở tác. Đó là gọi năm thức là con trâu.

Năm thức là năm thức của năm căn. Đây nói rõ thức thứ sáu, nếu chúng ta mê thì nó là con khỉ, tạo thành nghiệp dẫn mình đi luân hồi. Trái lại nếu chúng ta biết chăn thì ý thức trở thành trí, gọi là Diệu quan sát trí, nó chăn năm thức của năm căn không cho nhiễm ngũ dục, thì năm thức trước biến thành Thành sở tác trí. Tại sao? Vì tự năm thức năm căn không biết tu. Mũi biết tu không? Nó ngửi thì cứ ngửi, thơm biết thơm, hôi biết hôi, nhưng thích mùi thơm, ghét mùi hôi là do thức ở trong hòa hợp với ý thức để phân tích thơm thế nào, đáng thích hay không, hôi thế nào, đáng ghét không v.v… Ý thức hợp tác với tỹ thức thành ra tạo nghiệp. Nay ý thức ngăn đón canh chừng năm căn không cho dính với năm trần thì nó là Diệu quan sát trí, năm thức của năm căn biến thành Thành sở tác trí, nghĩa là do công dụng của ý thức chăn giữ mà năm thức trước trở thành trí chớ không phải tự nó tu. Hiểu như vậy nên đi đâu chúng ta cũng dùng trí để quan sát mắt thấy sắc có nhiễm không để gỡ, tai nghe tiếng có dính không để xóa cho sạch. Đó là ý thức chuyển thành Diệu quan sát trí, ngăn ngừa không cho năm thức trước dính với ngũ dục, nên gọi là chăn trâu.

Nay hỏi ai chăn trâu dở chắc là đông lắm, còn hỏi ai chăn giỏi chắc chỉ có ít người, vì chúng ta là những chú mục đồng lười biếng cầm roi cầm dây mà trâu đi đâu cũng mặc. Nhiều khi chúng ta giống những chú chăn trâu dọc theo đường lộ, ngồi đánh đáo, đánh bài hoặc ngồi chơi mà trâu đi đâu cũng không hay. Những người mới tu cũng giống như vậy, cặm cụi lo việc này, việc kia mà quên trâu đang làm gì chạy đến đâu, nhiều khi từ sáng đến chiều hỏi trâu đi đâu, trâu ra sao, trắng hay đen, đều không biết. Đó là mục đồng quá dở lại thêm tội lười. Thế nên việc tu là chăn trâu thì phải biết chăn cho đúng.

Hỏi: Có thấy biết gì mà ở trên tranh lại vẽ thêm tranh?

Đáp: Dụng khởi từ nơi thể, thể đã thành lập, rồi sau dụng mới hiện hành. Cổ đức nói: Tâm vốn không, cảnh vốn tịch, phỏng theo lý thể thì sai mà không sai, căn cứ trên công dụng thì chẳng khác mà khác. Một hai đều vô ngại, mới vào cửa bất nhị. Thể dụng chẳng trái, mới đạp lên cảnh chân như. Chính tranh trên là thể, tranh dưới là dụng vậy.

“Hỏi: Có thấy biết gì mà ở trên tranh lại vẽ thêm tranh?” Khi xưa chỉ vẽ tranh dưới thôi, không có vẽ phần trên. Tranh dưới chúng ta thấy con trâu đen chạy, chú chăn cầm roi đuổi theo để dụ nó. Hình ảnh trên là gì? “Khoan hoài du ngoạn ẩm tửu” là trong lòng thích vui chơi uống rượu. Hình vẽ ba người đang ngồi uống rượu với nhau. Hình trên là lý để nói lên lẽ thật, hình dưới là sự, là hình ảnh tượng trưng tức là thí dụ cho chúng ta biết. Thế nên có người nghi hỏi: Có thấy biết gì mà ở trên tranh lại vẽ thêm tranh? Vì từ xưa đến nay chỉ có bức tranh con trâu đen chạy đi, chú mục đồng cầm roi và nắm cỏ nhử để kéo nó về.

Đáp: Dụng khởi từ nơi thể, thể đã thành lập, rồi sau dụng mới hiện hành.

Tất cả dụng đều phát khởi từ thể, mà thể đã được thành lập rồi thì dụng mới hiện hành.

Cổ đức nói: Tâm vốn không, cảnh vốn tịch, phỏng theo lý thể thì sai mà không sai, căn cứ trên công dụng thì chẳng khác mà khác.

Tâm vốn là không, cảnh vốn là tịch, có gì dính mắc đâu. Thế nào là không? Thế nào là tịch? Như chúng ta đến trước chùa nhìn cây tùng, cây tùng là cây tùng, nó không mời rủ mình, cũng không khoe tôi đẹp, anh kia xấu. Tâm chúng ta trước khi nhìn cây tùng cũng không có gì, nhưng nhìn một lúc, ngắm nghía rồi khởi niệm cây tùng này đẹp. Từ khởi niệm cây tùng đẹp rồi thích, rồi có niệm mơ ước muốn trồng, đến niệm tìm chỗ xin hoặc mua. Nếu mua không có thì hôm nào lén cắt một cành về giâm, như vậy là trở thành ăn trộm. Cây tùng có quyến rũ chúng ta không? Nó là tịnh, nó như vậy thôi, không nói một lời, không dụ dỗ ai. Nếu thấy nó mà tâm mình vẫn lặng thì tâm không, nhưng vừa dấy niệm phân biệt liền ưa thích, từ ưa thích đi tới trộm cắp! Vậy lỗi ngay chỗ nào? – Ngay chỗ dấy niệm phân biệt. Nay nhìn cây tùng mà không dấy niệm thì tâm mình vẫn không, cảnh vẫn tịch, chỉ vì dấy niệm mới sanh chuyện. Từ việc này xét ra việc ngoài thế gian cũng như ở trong đạo. Có những người cứ đổ lỗi cho nhau. Có trường hợp xảy ra, một người rất thích tu, gởi thơ về tôi xin tập tu, nhưng vừa đến thành phố chợt gặp một cô rồi tu không được. Khi gặp lại tôi người đó nói: Tại cô này nên con tu không được. Cô đó đáp lại: Tại anh chớ tại tôi sao? Quí vị nghĩ tại ai? Nếu thấy cô đó mà đừng khởi niệm thì có chuyện gì mà “tại”? Cô đó nếu thấy người này cũng không khởi niệm thì đâu có gì mà “tại”. Nhưng người này dấy niệm thương người kia, người kia dấy niệm thương người này rồi trói buộc nhau, khi hỏi cứ đổ qua đổ lại, rốt cuộc là tại cái khởi niệm. Nếu thấy là thấy thì có chuyện gì mà “tại”. Như có nhiều người tu một thời gian rồi ra đời, khi gặp lại, tôi hỏi: Tại sao tu nửa chừng rồi bỏ cuộc, dở vậy? Đáp: Tại cô đó tìm đến xui con ra. Nếu mình đừng nói gì với cô ấy thì cô làm sao dám xúi? Thành ra người ta không thấy cái gốc của sự việc, nay học đây chúng ta mới thấy gốc của sự việc là ở chỗ dấy niệm. Không khởi niệm thì cây là cây, người là người, tâm mình yên lặng thì đâu có chuyện gì. Thế nên đây mới nói tâm vốn không, cảnh vốn tịch. Đừng đổ cây này quyến rũ tôi khiến tôi đi ăn trộm, cây không quyến rũ ai, nó là nó, nó là tịch.

Phỏng theo lý thể thì sai mà không sai.

Theo lý thể thì tâm cảnh tuy là hai mà nào có hai, vì cái không cái tịch đó là như nhiên, đâu có hai.

Căn cứ trên công dụng thì chẳng khác mà khác.

Nghĩa là tâm không cảnh tịch nhưng dấy niệm thì công dụng của nó từ không khác mà biến thành khác vì khởi niệm thương ghét v.v…

Một hai đều vô ngại, mới vào cửa bất nhị.

Một và hai đều không ngại tức là tâm và cảnh đều không ngại, không dính mắc mới vào cảnh bất nhị. Ở chùa thường hay để ngoài cổng câu “Bất nhị môn”, nhưng vào cửa bất nhị mà ai nấy đều nhị! Đó là tại không khéo giữ tâm, không khéo chăn tâm nên thấy cảnh thì khởi tâm, khởi tâm thì có đẹp có xấu, có khen có chê, có thơm có hôi, có ngon có dở v.v… Như vậy trong cái không hai mà thành hai thì đi vào nhị môn chớ không phải bất nhị nữa. “Thể dụng chẳng trái” là thể không rời dụng, cũng như sóng đâu có rời nước, “mới đạp lên cảnh chân như”, như vậy mới tiến lên được cảnh chân như.

Chính tranh trên là thể, tranh dưới là dụng vậy.

Tranh trên là chỉ cho thể, tức là lẽ thật, cũng là lý. Tranh dưới là dụng cũng là tượng trưng cho chúng ta hiểu biết để tu hành. Đây là trả lời tại sao ở dưới có bức tranh rồi trên lại vẽ thêm một bức tranh. Bức tranh này là do cái nhìn thấu suốt của Thiền sư Quảng Trí lập ra.

Hỏi: Thế nào là lúa mạ tốt?

Đáp: Đây là ngũ dục ở trong trần, nên nói là lúa mạ tốt.

Như vậy con trâu là tượng trưng cho năm thức trước hay là năm căn, còn lúa mạ tượng trưng cho ngũ dục. Năm căn và ngũ dục đuổi theo nhau.

Hỏi: Thế nào là dây thừng?

Dây thừng là sợi dây mũi.

Đáp: Đây là giữ vững giới luật, nên là dây thừng.

Dây xỏ mũi trâu là giới luật. Ở trong chùa, đối với Tăng Ni, giới luật là sợi dây mũi của con trâu. Tại sao? Phật dạy người tu phải giữ các giới không được phạm, chúng ta luôn luôn giữ giới cũng như sợi dây mũi giựt con trâu lại đi cho đúng đường. Còn ai không giữ giới là giống như con trâu không có dây mũi, muốn chạy đâu thì chạy, nghênh ngang không lường được.

Hỏi: Thế nào là roi vọt?

Đáp: Đây là chí khí cứng cỏi, nên là roi vọt.

Người biết tu khi thấy những cảnh trần tục mà có niệm quyến luyến liền tự mắng rầy: Ngu si, đã tu sao lại còn có những ý nghĩ như vậy? Tự quở mắng đó là ý chí cứng cỏi. Còn người ý chí yếu đuối, khi vừa khởi niệm quyến luyến cảnh trần tục, liền thả ý theo luôn. Như trong giờ ngồi thiền, nếu cứ nghĩ đông nghĩ tây, người cứng cỏi sẽ tự quở mắng: Muốn xuống địa ngục sao? Còn người yếu đuối thì đuổi theo vọng tưởng, một lúc nó sẽ dẫn mình đi xa.

Hỏi: Thế nào con trâu ban đầu đen?

Đáp: Đây là lâu ngày tắm nước trần cảnh, ô nhiễm với ngũ dục, nên là màu đen.

Con trâu đen là chỉ cho con trâu do tắm nước ngũ dục đã lâu nên đen. Người nào mê đắm chìm trong ngũ dục là con trâu đen, còn người không dính với ngũ dục là con trâu trắng. Nay hỏi con trâu quí vị đen hay trắng? Chắc đa số là đen, có trắng cũng chỉ vài đốm nhỏ thôi.

Hỏi: Thế nào là con trâu sau đó chóng trắng?

Con trâu sau đó chóng trắng là tại sao?

Đáp: Đây là màu chân thật sẵn vậy sờ sờ của con trâu trắng.

Cái đó là cái sẵn vậy, nó hiện tiền. Sờ sờ là hiện tiền. Con trâu nguyên không đen mà vì nó nhuộm màu ô nhiễm ngũ dục nên thành đen. Thể chân thật của trâu là trắng, thể đó là sẵn từ bao giờ, nó hiện tiền, vì vậy nếu chúng ta biết chăn, lôi đầu nó trở lại thì trâu đen chóng trở thành trâu trắng. Như vậy không phải con trâu đen, khi chăn nó chúng ta cạo hết lớp đen rồi phết lớp trắng vào, mà bản chất con trâu là trắng, chỉ vì nhuộm màu ngũ dục nên thành đen. Nay chúng ta gạt bỏ ngũ dục đi thì nó thành trắng chớ không có gì lạ. Cũng như vậy tâm chúng ta nguyên là thanh tịnh, vì năm thức, năm căn chạy theo ngũ dục nên nó trở thành ô trược. Nay chúng ta chăn giữ không cho thức căn dính với ngũ dục nữa thì cái ô trược không còn, tự tâm mình là thanh tịnh, không phải tìm thanh tịnh ở đâu, cũng không phải ai đem thanh tịnh đến cho mình, mà nó sẵn vậy, hiện tiền. Vậy chúng ta nhuộm trâu trắng thành trâu đen dễ hay tẩy trâu đen thành trâu trắng dễ? Lý đáng từ trâu trắng nhuộm thành trâu đen khó hơn, vì thể nó nguyên là trắng nay nhuộm thành đen là chuyện khó, còn hiện giờ đã lỡ đen rồi chúng ta tẩy thành trắng thì mau hơn. Vậy tu dễ hay khó? Thể tâm mình nguyên thanh tịnh, do gió thổi động, nay chận gió lại thì nó thanh tịnh, bất động. Như vậy đừng nghĩ tu là khó. Ai cũng có khả năng tu được, không ai là không có phần. Nhiều người nói: Việc đó có vẻ tôi vô phần, không thể làm được. Lời nói thật vô lý, vì đó là chuyện mình có sẵn, nếu không có thì mới nói là vô phần. Thế nên tôi hay trách những vị đến hỏi: Thưa Thầy xem căn con tu được không. Phải trả lời thế nào? Nếu muốn tu thì tu được, chớ không tu thì chịu, làm sao tôi coi được. Tôi nói tu được mà không chịu tu thì làm sao? Tự nó trắng rồi nhuộm thành đen, nay chỉ đừng nhuộm nữa, tẩy đi thì nó trắng trở lại. Chuyện đó ai không làm được? Chỉ muốn làm hay không muốn làm thôi, chớ không phải ai có phần, ai vô phần.

Hỏi: Thế nào là trước quên trâu?

Đáp: Đây là năm căn đã trở lại gốc ban đầu, nên là trước quên trâu.

Đến chỗ trâu là trâu, người chăn là người chăn, không cần phải chăn nữa, đó gọi là quên trâu. Đây là năm căn đã trở về gốc ban đầu, tức là con trâu đã trở thành trắng rồi nên là trước quên trâu, tức là không cần phải ngó, không cần phải nhớ tới nó.

Hỏi: Thế nào là người trâu đều chẳng thấy?

Tức là bức tranh thứ tám thứ chín.

Đáp: Đây là tình phàm Thánh hết sạch, năm uẩn đều không, lâu rồi về sau trí Bát-nhã tròn đầy, tâm cảnh cùng quên, nên người và trâu chẳng thấy.

Không còn dính với cảnh, không còn khởi tâm, đó gọi là tâm cảnh đều quên nên không thấy có người, không thấy có trâu nghĩa là không có chăn, không có trâu.

Hỏi: Thế nào là tướng tròn xuất hiện?

Tức là vẽ một vòng tròn trắng.

Đáp: Trả lại cho ta bộ mặt thật xưa nay vậy.

Đó là trở về bộ mặt thật xưa nay của chính mình. Bộ mặt thật của mình không phải là bộ mặt ở ngoài mà là bộ mặt ở trong. Nghĩa là nội tâm nguyên trước không nhiễm không động nên thanh tịnh, nay bỏ được cái động, cái nhiễm thì trở về cái thanh tịnh trong sáng, đó là bộ mặt thật của mình chớ không có gì lạ. Đó mới là cái không sanh không diệt.

Tóm lại, ở đây Ngài nói rất rõ ý nghĩa từng bức tranh để chúng ta thấy biết, nắm vững ý chánh không còn nghi ngờ.

Chưa chăn có hai ý: chung và riêng. Chung là tất cả quí và tiện. Riêng là có tại gia và xuất gia.

Người chưa chăn nói chung là chỉ cho kẻ quí người tiện, tức là kẻ sang người hèn chưa biết chăn. Còn nói riêng thì nói người tại gia chưa chăn, người xuất gia chưa chăn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.