Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng Giải

Phần 2 - Luận Giải Các Bài Tụng Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng 9 - Soi Một Mình)



Giác thiên hoảng lộ – Riêng chiếu (độc chiếu)

Âm:

Ngưu nhi vô xứ mục đồng nhàn,
Nhất phiến cô vân bích chướng gian.
Phách thủ cao ca minh nguyệt hạ,
Qui lai du hữu nhất trùng quan.

Tạm dịch:

Con trâu vắng bóng mục đồng nhàn,
Một mảnh mây đơn núi chắn ngang.
Vỗ nhịp dưới trăng cao tiếng hát,
Trở về còn có một lớp ngăn.

Giải thích:

– Lìa chấp y tha, chứng trí pháp không.

– Hoặc vi tế đã hết, lý tinh diệu chưa tròn.

– Mới được quê nhà thật tin chắc, trở lại nơi đầu bờ sanh tử.

– Việc vượt lên trên sanh tử cần biết rõ, trọn ở ngoài núi xanh.

Luận rằng:

Đây chính là tâm rỗng rang chiếu soi một mình, chẳng ngăn ngại nơi đạo. Cũng như người huyễn, ngựa gỗ, tình thức đều không, mới hay thõng tay vào chợ, chuyển thân vào trong dị loại. Phải biết niềm vui này không phải là niềm vui của tình thức quên niệm không còn biết gì, mà chính là niềm vui của chân thật thanh tịnh vô vi. Cũng như trong cửa Khổng, ông Nhan Hồi vui nơi ngõ hẹp mà chẳng thay đổi, ông Tăng Sâm ở đàn Vũ Vu ngâm vịnh mà trở về, đều mang được niềm vui chân không vô sanh này. Người xưa nói: Là nam là nữ thảy tu được, hoặc trí hoặc ngu đều có phần. Chỉ hay hồi quang phản chiếu, mới biết bản thể nguyên không. Nên nói: Một hòn ngọc sáng sủa sạch bụi thì linh đài chói rực tợ gương soi. Đồng tử sáng tỏ hết màng che, thì xem lại trời trong không có hoa. Bốn câu tụng “soi một mình” này, ý đại khái như trên.

GIẢNG

Mục thứ chín là “Soi một mình”. Trong bức tranh dưới, chú mục đồng đứng chơi, giơ tay nhìn trăng nhìn mây. Còn hình trên là một vị Tăng đến đây rồi thích quá vỗ tay cười. Hình ảnh vị Tăng nói: Nay mới giác ngộ trần lao là giấc mộng mà mình nhận được hạt châu. Trong áo nhơ nhận được hạt châu, tôi thường dụ là trong đống rác lượm được hạt châu nên rất vui thích.

Đến đây dưới bóng trăng thảnh thơi vỗ tay hát chơi. Tại sao được thảnh thơi? Vì đã làm mục đồng chăn giữ trâu mà đến đây trâu mất tiêu rồi, không còn trâu để chăn nên thảnh thơi ngó trời mây hát chơi. Đó là hiện tượng không còn bận tâm đối với cảnh, chỉ còn một trí độc lập không có gì ngăn trở lôi kéo nên nói là nhàn, gọi là độc chiếu tức riêng một mình soi.

Giải thích:

“Con trâu vắng bóng mục đồng nhàn” là “lìa chấp y tha, chứng trí pháp không”.

Trong Duy thức cũng như trong kinh Lăng-già nói ba tánh (tam tánh), tánh thứ nhất là Biến kế sở chấp, tánh thứ hai là Y tha khởi, tánh thứ ba là Viên thành thật. Người chăn trâu tới chỗ trâu mất còn chăn thì lìa cái chấp Y tha tức là lìa cái chấp Y tha khởi, chứng được trí Pháp không. Tu thì phải đạt hai trí Nhân không và Pháp không. Những người tu theo Thanh văn phá được ngã chấp tức là Nhân không mà chưa phá được pháp chấp. Đến khi lìa được chấp Y tha là phá được pháp chấp nên gọi là Pháp không. Như vậy bậc tu hành đến đây đã lìa được chấp Y tha, chứng được trí Pháp không.

Biến kế sở chấp tánh là chỉ kẻ phàm phu mê muội không thấy được lẽ thật. Trong Duy thức học thường ví dụ như ban đêm chúng ta đi thấy sợi dây luột bỏ ngang đường, chúng ta tưởng là con rắn, đó là Biến kế sở chấp tức cái chấp không có lẽ thật, chấp một cách sai lầm. Hoặc là thấy một gốc cây đen bên vệ đường, chúng ta nói là ma hoặc có người núp. Vì mê muội thấy không đúng lẽ thật, chúng ta chấp vào đó rồi sanh ra ý niệm sai lầm nên gọi là Biến kế sở chấp tánh, đó là cái mê muội của phàm phu.

Đến bậc tu hành Bồ-tát đạo thì thấy tất cả pháp do nhân duyên tụ hội thành, không có một pháp thật, như kinh Kim Cang nói “tất cả pháp tức chẳng phải tất cả pháp”. Tất cả pháp do nhân duyên họp là Y tha, y là nương, tha là cái khác, vật khác. Mỗi sự vật thành tựu là từ các nhân khác họp lại thành chớ không phải một nên gọi là Y tha khởi. Thấu đạt được lý nhân duyên, biết rõ các pháp không thật gọi là chứng trí Pháp không, chứng được trí thấy các pháp là không. Đó là đã vượt bực, không chỉ phá ngã chấp mà đi tới phá luôn cả pháp chấp. Đó là Bồ-tát hạnh, tiến khá cao rồi. Khi nào đến Viên thành thật tánh thì mới hoàn toàn. Viên là tròn, tức là hoàn toàn thấy được sự thật của các pháp, không còn sai sót, không còn phân biệt quán chiếu gì nữa gọi là Viên thành thật tức là đến chỗ tròn đầy đúng như thật. Như vậy mục thứ chín này là tương đương với bậc phá được chấp ngã chấp pháp, nhưng đây nghiêng về pháp chấp hơn.

Một mảnh mây đơn núi chắn ngang.

Tuy vậy mà đến đây cũng còn có một mảnh mây chắn ngang núi, tìm đường về cũng còn chút trở ngại, nên giải thích “hoặc vi tế đã hết, lý tinh diệu chưa tròn”. Hoặc vi tế là mê lầm vi tế đã sạch nhưng chỗ tinh diệu chân thật chưa tròn đủ nên nói còn một chút mây chắn ngang chưa thấy được suốt ngọn núi.

“Vỗ nhịp dưới trăng cao tiếng hát” là “mới được quê nhà thật tin chắc, trở lại nơi đầu bờ sanh tử”.

Đến đây là trở về tới quê nhà nên vui thích ca hát chơi. Nhưng chỗ này mới được thật tin chắc đây là quê nhà mình, mà “trở lại nơi đầu bờ sanh tử” là đến đầu của bờ sanh tử chớ chưa nhảy qua khỏi.

“Trở về còn có một lớp ngăn” là “việc vượt lên trên sanh tử cần biết rõ, trọn ở ngoài núi xanh”.

Còn một lớp ngăn tức là phải nhảy vượt qua khỏi lớp ngăn mới ra khỏi sanh tử. Như vậy quí vị thấy đường tu dài thăm thẳm. Ví dụ như con đường này dài khoảng mười ngàn cây số, thì chúng ta đi được bao nhiêu cây rồi? Ở đây có người giỏi chân, có người yếu chân, người nào đi được một ngàn cây chưa hay là mới được năm, mười cây?

Luận rằng:

Đây chính là tâm rỗng rang chiếu soi một mình, chẳng ngăn ngại nơi đạo. Cũng như người huyễn, ngựa gỗ, tình thức đều không, mới hay thõng tay vào chợ, chuyển thân vào trong dị loại.

Tu đến chỗ này không còn cảnh để chăn giữ nữa, chỉ còn một mình tức là chỉ còn một trí soi sáng không ngăn ngại.

Cũng như người huyễn, ngựa gỗ, tình thức đều không, mới hay thõng tay vào chợ, chuyển thân vào trong dị loại.

Tu đến đây là tâm như như nên giống như người huyễn, ngựa gỗ, như hiện nay chúng ta nói giống như người máy. “Tình thức đều không” là không còn tình thức phân biệt nữa. Khi không còn tình thức phân biệt mới thõng tay vào chợ. Ở đây ai có khả năng buông thõng tay vào chợ? Thế mà thỉnh thoảng thấy có một hai thầy ngồi quán rượu, nếu hỏi sao thầy tu mà còn ngồi quán rượu, thì thầy đáp tôi thõng tay vào chợ mà! Thõng tay vào chợ mà tình thức chưa quên nên bị người cột tay! Đó là chỗ chưa biết sức của mình. Phải biết rõ tình thức đều không thì mới thõng tay vào chợ. “Chuyển thân vào trong dị loại” tức là đi trong các loài khác, nhưng nói gần là có thể đồng sự trong tất cả ngành nghề (một trong Tứ nhiếp pháp của Bồ-tát hạnh) như có thể làm thợ mộc, thợ hồ v.v… mà không có gì chướng ngại.

Phải biết niềm vui này không phải là niềm vui của tình thức quên niệm không còn biết gì, mà chính là niềm vui của chân thật thanh tịnh vô vi.

Nay giải thích hai niềm vui. Niềm vui của chúng ta ngày nay là niềm vui của tình thức, tức là niềm vui của phân biệt. Vừa qua có quí vị bên Công giáo đến nói chuyện, khi sắp về quí vị hỏi tôi một câu: Thưa Thầy chư Tăng ở đây có xem đá banh không? Tôi cười nói: Thích xem đá banh là thích sự hơn thua. Nếu bên ta thắng thì vỗ tay, bên ta thua thì buồn. Như vậy là chúng ta ham vui nơi sự được mất, sự thắng bại. Người được thì vui, người mất thì buồn, người thắng thì mừng, người bại thì khổ, đó là vui trong sự buồn khổ của người, người tu không thích điều đó. Tôi nói đối với chúng tôi thì chuyện vui đó “tào lao” lắm, chúng tôi không thích. Quí vị ấy đều cười. Như vậy niềm vui trong tình thức là vui của được mất hơn thua. Đó là niềm vui tạm bợ, vui cười đó rồi buồn đó, không phải vui chân thật. Còn niềm vui của người tu là niềm vui của Tâm chân thật thanh tịnh. Sống với Tâm thanh tịnh chân thật rồi, gương mặt tươi như mỉm cười mà không cười. Quí vị thấy tượng Phật có lúc nào buồn không? Niềm vui của người tu là như vậy. Còn vui cười ha hả thì một lát sẽ khóc. Đó là hai niềm vui khác nhau của đạo và của trần tục.

Cũng như trong cửa Khổng, ông Nhan Hồi vui nơi ngõ hẹp mà chẳng thay đổi, ông Tăng Sâm ở đàn Vũ Vu ngâm vịnh mà trở về, đều mang được niềm vui chân không vô sanh này. Người xưa nói: Là nam là nữ thảy tu được, hoặc trí hoặc ngu đều có phần. Chỉ hay hồi quang phản chiếu, mới biết bản thể nguyên không.

Người nam người nữ, kẻ trí người ngu đều tu được, không phân biệt ai, chỉ cốt là phải biết xoay lại chiếu soi chính mình. Do chiếu soi lại chính mình mới biết bản thể vốn không có tất cả tình niệm, ý niệm mà chỉ là một bản thể nguyên không.

Nên nói: Một hòn ngọc sáng sủa sạch bụi thì linh đài chói rực tợ gương soi.

Một hòn ngọc sáng sủa không dính bụi để trên đài linh thì nó sáng soi khắp cả bốn phương.

Đồng tử sáng tỏ hết màng che.

Đồng tử là con ngươi, con ngươi của mình sáng tỏ không có màng che. Nếu có màng che thì không sáng.

Thì xem lại trời trong không có hoa.

Không có hoa là không có hoa đốm. Khi mắt sáng không có màng che mới thấy trời trong không còn hoa đốm nữa. Nếu mắt bệnh thì nhìn ra ngoài trời nắng thấy hoa đốm lăng xăng. Người tu khi tâm sạch tất cả tình chấp điên đảo mới thấy được cái chân thật, mà thấy được cái chân thật là đến chỗ hoàn toàn trong sáng.

Bốn câu tụng “soi một mình” này, ý đại khái như trên.

Như vậy bốn câu tụng nói rõ rằng tất cả chúng ta tu đến đây thì mọi việc đều được trong sáng, nhưng còn một chỗ cách, tức là mới tới đầu đường sanh tử chớ chưa nhảy khỏi mức sanh tử.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.