Lìa Danh lìa Tướng
Dứt bặt cả hai.
Mặt thật xưa nay trả lại ta.
Chỗ thân chưa có, một vầng trăng.
Bài tụng ở kinh Phật:
Chư Phật in như gương tròn lớn,
Thân ta giống hệt ngọc ma-ni.
Pháp thân chư Phật vào thân ta,
Thân ta thường vào thân chư Phật.
Âm:
Nhân ngưu bất kiến yểu vô tung,
Minh nguyệt quang hàm vạn tượng không.
Nhược vấn kỳ trung đoan đích ý,
Dã hoa phương thảo tự tùng tùng.
Tạm dịch:
Người trâu chẳng thấy bặt hình tung,
Trăng sáng bao gồm vạn tượng không.
Ý tột trong kia cần hỏi đến,
Cỏ thơm hoa dại tự um tùm.
Giải thích:
– Tâm và pháp cùng quên cùng bặt.
– Linh diệu sáng ngời dứt đối đãi, thể chiếu soi không nương tựa.
– Ý tột này đồng đạo mới rõ biết.
– Chứng nhập cảnh giới không thể nghĩ bàn.
Giải riêng:
Rõ suốt năm ấm, ba độc nên nói: “Người trâu chẳng thấy bặt hình tung.” Người và trâu đều chẳng thấy, chính là lúc trăng sáng, nên nói: “Trăng sáng bao gồm vạn tượng không.” Trong tánh tịch diệt này, chẳng ở trên lời nói biện luận đến được, cần phải thân chứng mới được, cũng không thể dùng tình thức đo lường tới, nên nói: “ý tột trong kia”. Người xưa bảo: “mây tan nước trôi chảy, lặng lẽ trời đất không”, nên nói: “Cỏ thơm hoa dại tự um tùm.”
Luận rằng:
Đây chính là cảnh giới Viên giác, thầm hợp chân thể một vị không tịch. Một tin tức này, giả sử ngàn vị Thánh ra đời, lại đầy đủ biện tài vô ngại cũng nói chẳng đến được. Buông ra một lối đi, lại nhằm trong cửa dựng lập giáo hóa; tạm nương lời nói hội lấy, thì gắng gượng mà nói đó. Đây là cảnh giới bậc đại nhân Văn-thù, Phổ Hiền, tất cả chúng sanh dù ở trong đó mà chẳng tự hay biết, những người Tiểu thừa cũng chẳng hay đến được. Cảnh giới này chẳng Thánh chẳng phàm, cũng khó có thể thấy, nhưng chỉ ở trước mắt: núi cao biển rộng, bách ngắn tùng dài, cỏ thơm hoa dại, liễu biếc đào hồng, oanh ngâm nhạn hót… Suy theo đó thì, muôn tượng sum la, chạm mắt gặp duyên, thế giới núi sông đều đồng một thể, trọn không phải vật gì khác.
Như Hòa thượng Khuê Phong nói: “Nhạt nhẽo rỗng lặng, nhiệm mầu tinh túy, chói rực sáng ngời, không đi không đến, thầm hợp ba mé, chẳng trong chẳng ngoài, rỗng suốt cả mười phương, chẳng diệt chẳng sanh, bốn núi há có thể hại? Lìa danh lìa tướng, năm màu sao có thể che mờ?” Nên thể này là Phật tánh sẵn có của tất cả chúng sanh, là cội nguồn phát khởi của tất cả thế giới. Bởi vậy, công phu của người học đã đến địa vị tột mức này thì, một phen được là được mãi, một phen chứng là chứng mãi. Nên gọi đó là “tâm không được đậu” thấy suốt mặt thật trước khi cha mẹ chưa sanh. Đến chỗ đại an lạc này, làm một việc vô vi vô sự này, chính là bậc đạo nhân chân thật xuất cách. Nên nói: Việc tham học một đời đã xong.
Bốn câu tụng “dứt bặt cả hai” này, ý đại khái như trên. Hàng hậu tiến phải biết rõ.
GIẢNG
Trên bức tranh quí vị thấy ngài Quảng Trí nêu lên câu “nan danh nan trạng”. “Song dẫn” là hai cái hết. Hai bên để hai câu liễn:
Hoàn ngã Bản lai chân diện mục,
Vị sanh thân xứ nhất luân minh.
Câu một là trả lại cái Chân diện mục cho ta. Đến chỗ không còn trâu, không còn chăn, chỉ một vòng sáng, đó là trả lại cái Chân diện mục cho ta. Câu hai là một vầng trăng khi chưa sanh.
Ngài dẫn bài tụng trong kinh:
Chư Phật in như gương tròn lớn,
Chư Phật như cái gương tròn lớn sáng rỡ không có chỗ nào bị bụi phủ.
Thân ta giống hệt ngọc ma-ni.
Người tu đến mục thứ mười này, thân giống như hòn ngọc ma-ni chiếu sáng.
“Pháp thân chư Phật vào thân ta”, tức là thân Phật và thân mình lẫn nhau không hai.
Thân ta thường vào thân chư Phật.
Thân ta vào thân chư Phật cũng không cách biệt.
Bài tụng thứ mười là “Dứt bặt cả hai”.
Giải thích:
Người trâu chẳng thấy bặt hình tung.
Hình tung là hình và dấu vết, giải thích là “tâm và pháp cùng quên cùng bặt”. Người, trâu tượng trưng cho tâm và pháp, cả hai đến đây đều dứt hết, không còn dấu vết gì.
Trăng sáng bao gồm vạn tượng không, đó là “linh diệu sáng ngời dứt đối đãi, thể chiếu soi không nương tựa”.
Như vậy đến đây tâm mình rỗng rang sáng suốt bao trùm muôn tượng, không còn một cái gì để gá nương.
“Ý tột trong kia cần hỏi đến” là “ý tột này đồng đạo mới rõ biết”.
Ai muốn biết chỗ này thì chỉ có tu đến đây mới biết, chớ người đứng ngoài không bao giờ hiểu nổi.
“Cỏ thơm hoa dại tự um tùm”, tức là “chứng nhập cảnh giới không thể nghĩ bàn”.
Cỏ thơm hoa dại, tất cả muôn cỏ hoa đều hiện Pháp thân không còn gì là ngại ngùng. Đó là diễn tả chỗ đến của người tu.
Giải riêng:
Rõ suốt năm ấm ba độc nên nói “người trâu chẳng thấy bặt hình tung”.
Đối với năm ấm ba độc đã thông suốt, nên nói người và trâu không còn thấy, không còn dấu vết gì.
Người và trâu đều chẳng thấy, chính là lúc trăng sáng, nên nói: “Trăng sáng bao gồm vạn tượng không.”
Khi không còn năng sở là tâm mình sáng ngời.
Trong tánh tịch diệt này, chẳng ở trên lời nói biện luận đến được, cần phải thân chứng mới được.
Đến đây là phải tu, tu rồi mới thấy chớ không thể tưởng tượng suy luận mà được.
Cũng không thể dùng hình thức đo lường tới, nên nói: “ý tột trong kia”. Người xưa bảo: “mây tan nước trôi chảy, lặng lẽ trời đất không”, nên nói: “Cỏ thơm hoa dại tự um tùm.”
Mây tan thì nước trôi chảy, khi lặng lẽ thì trời đất rỗng không. Như vậy chỗ này tràn đầy những cái đẹp quí, những cái cao cả mà ai tới thì được thấy, được biết, chưa tới thì nói không hết.
Luận rằng:
Đây chính là cảnh giới Viên giác, thầm hợp chân thể một vị không tịch. Một tin tức này, giả sử ngàn vị Thánh ra đời, lại đầy đủ biện tài vô ngại cũng nói chẳng đến được.
Chỗ này gọi là cảnh giới Viên giác. Viên giác là giác ngộ tròn đầy, đây là chỗ lặng lẽ thầm nhận, thầm hợp chớ không diễn tả được, không thể trình bày cho người hiểu. Vì vậy mà nói rằng giả sử ngàn vị Thánh ra đời, lại đầy đủ biện tài vô ngại cũng không thể nói đến được. Tại sao nói không được? Vì ngôn ngữ là đối đãi mà đây vượt khỏi đối đãi thì làm sao đem cái đối đãi diễn đạt cái không đối đãi được.
Buông ra một lối đi, lại nhằm trong cửa dựng lập giáo hóa; tạm nương lời nói hội lấy, thì gắng gượng mà nói đó.
Chỗ không thể nói mà tạm lập lời nói để giáo hóa người thì lời đó cũng là gượng nói thôi.
Đây là cảnh giới bậc đại nhân Văn-thù, Phổ Hiền, tất cả chúng sanh dù ở trong đó mà chẳng tự hay biết, những người Tiểu thừa cũng chẳng hay đến được. Cảnh giới này chẳng Thánh chẳng phàm, cũng khó có thể thấy, nhưng chỉ ở trước mắt: núi cao biển rộng, bách ngắn tùng dài, cỏ thơm hoa dại, liễu biếc đào hồng, oanh ngâm nhạn hót… Suy theo đó thì, muôn tượng sum la, chạm mắt gặp duyên, thế giới núi sông đều đồng một thể, trọn không phải vật gì khác.
Chỗ này đặc biệt là khi người tu đạt đến đây rồi thì tất cả đều là cảnh giới Phật, như núi biển hay cây bách cây tùng, hoa dại liễu biếc v.v… cái gì chạm mắt đều là Bồ-đề, đều là Phật. Tại sao? Vì mê thì thấy cái gì cũng theo mê, còn ngộ thì thấy cái gì cũng theo ngộ. Khi mê nhìn Phật cũng thành mê, mà ngộ thì nhìn cỏ cây cũng thành ngộ chớ không phải khác. Quí vị thấy những người điên đảo, khi lạy Phật họ cũng điên đảo như thường. Còn người thanh tịnh thấy cái gì cũng thanh tịnh, lẽ thật là như vậy.
Như Hòa thượng Khuê Phong nói: “Nhạt nhẽo rỗng lặng, nhiệm mầu tinh túy, chói rực sáng ngời, không đi không đến, thầm hợp ba mé, chẳng trong chẳng ngoài, rỗng suốt cả mười phương, chẳng diệt chẳng sanh, bốn núi há có thể hại? Lìa danh lìa tướng, năm màu sao có thể che mờ?”
Chỗ này rất là phi thường, không có gì ngăn trở nên bốn núi sanh già bệnh chết không hại nó được. Vì nó lìa danh tướng nên năm màu, có thể là năm dục cũng không làm mờ nó được.
Nên thể này là Phật tánh sẵn có của tất cả chúng sanh, là cội nguồn phát khởi của tất cả thế giới. Bởi vậy, công phu của người học đã đến địa vị tột mức này thì, một phen được là được mãi, một phen chứng là chứng mãi. Nên gọi đó là “tâm không được đậu” thấy suốt mặt thật trước khi cha mẹ chưa sanh. Đến chỗ đại an lạc này, làm một việc vô vi vô sự này, chính là bậc đạo nhân chân thật xuất cách. Nên nói: Việc tham học một đời đã xong.
“Tâm không được đậu” tức là tâm không cập đệ qui. Người tu hành đến đây là một đời đã xong.
Bốn câu tụng “dứt bặt cả hai” này, ý đại khái như trên. Hàng hậu tiến phải biết rõ.
Như vậy bức tranh cuối này là chỗ cứu kính trên đường tu. Đây là nói theo mười bức tranh chăn trâu của Đại thừa chớ không phải của Thiền tông. Qua mười bức tranh này chúng ta nhận rõ đường tu là một con đường dài vô hạn mà chúng ta phải nỗ lực, phải cố gắng. Nhưng nói đường dài vô hạn, quí vị sẽ ngán, sẽ ngại, nay tôi nói đường tu chỉ ở ngay trước mắt chớ không phải dài vô hạn nữa. Nó ngay trước mắt, quí vị có ngán không? Thế nên ngày xưa khi hỏi thế nào là Chân tâm hay thế nào là Phật tánh, các Thiền sư trả lời hết sức dễ dàng. Hỏi: Phật tánh ở đâu? Đáp: Dưới gót chân ông. Gần thật là gần. Phật ngay ở dưới gót chân! Như vậy nói Phật ở xa cũng được mà ở gần cũng được. Tại sao nói Phật ở xa? Vì chúng ta mê, ở gần bên mà không thấy nên thành xa. Như nhìn vào gương thấy bóng đầu trong gương cho là đầu mình rồi ôm đầu thật chạy la mất đầu, thì chạy đến bao giờ mới tìm được đầu thật? Muôn kiếp ngàn đời tìm không ra. Chỉ ngay nơi đó, biết trong gương là bóng, còn đầu thật mình đang ôm thì ngay đó gọi là ngộ. Ngay tại chỗ chớ có xa đâu, không cần bước một bước nào mà nhận được đầu. Thế nên người khéo tu thì ở trước mắt, còn người vụng tu thì ba a-tăng-kỳ. Đó là chỗ đặc biệt của nhà Phật, gần thì rất gần, mà xa cũng thật là xa. Quí vị muốn gần thì ráng đừng quên đầu chạy theo bóng. Còn ai biết bóng mà quên đầu thì thật là xa!