Kinh Tứ Thập Nhị Chương giảng giải

Chương 9



Phật dạy: “Thích nghe nhiều và đắm mê Đạo, rất khó lãnh hội Đạo. Chỉ giữ vững ý chí, một lòng hành đạo, Đạo sẽ rất lớn.”

Thích nghe nhiều là đa văn, một trong bảy tài sản của bậc thánh. Bảy tài sản của thánh là: tín, giới, tàm, quý, thí, văn, huệ.

Tín là lòng tin. Tin Phật là bậc đã hoàn toàn giác ngộ, những lời Ngài dạy là chân lý. Tin pháp, tức tin chân lý, như lý nhân quả nghiệp báo, lý vô thường, lý khổ, lý vô ngã, lý nhân duyên hòa hợp v.v… Tin tăng, tức tin những vị xuất gia theo Phật cũng sẽ được thanh tịnh giải thoát. Tin mình, tức tin chính mình, nếu tu theo lời Phật dạy chắc chắn sẽ thoát khổ.

Giới là giữ giới, giới Phật chế đều là tịnh giới, giúp người giữ được thanh tịnh tâm, thẳng tiến đến giải thoát.

Tàm là xấu hổ với mình, nếu tu hành mà không xứng đáng là người xuất gia, còn để tham sân si chi phối thì cảm thấy xấu hổ với chính mình.

Quý là thẹn với người, khi phạm lỗi chẳng những thấy xấu hổ với mình, còn thấy hổ thẹn với thầy tổ, huynh đệ, thí chủ v.v… Do xấu hổ nên quyết tâm sửa đổi, nhờ vậy càng tu càng tiến bộ.

Thí là bố thí. Bố thí có ba: tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí gồm nội tài thí và ngoại tài thí. Ngoại tài thí là đem tài sản vật chất ra thí cho người vật, như thí cơm cháo, quần áo, xây nhà, cho tiền, phóng sanh v.v… Nội tài thí là đem sức lực, trí tuệ, bộ phận trên cơ thể ra thí cho người, như đưa giùm người già qua đường, đỡ giùm đồ nặng cho sản phụ, đem những kiến thức kỹ năng có được dạy miễn phí cho người, hiến máu, hiến tạng v.v…

Pháp thí là đem giáo pháp đã học, đã hành ra chỉ dạy cho người, giúp người có được niềm vui pháp, có được sự giải thoát an lạc trong cuộc sống, tìm được hạnh phúc chân thật.

Vô úy thí là đem sự an ủi giúp đỡ khi người hay vật đang bị lo âu sợ hãi. Như dỗ một đứa trẻ đang khóc, an ủi người đang gặp nạn, trợ giúp người đang khổ đau v.v…

Bố thí khiến tâm mình an vui, vì thuận với thiện tâm, ngay lúc thí được vui, đời sau càng vui hơn.

Văn là đa văn (nghe nhiều). Tức là hay nghiên cứu kinh điển, nghe các vị giáo thọ, giảng sư giảng giải nghĩa lý sâu xa trong Phật pháp. Biện được nghĩa chánh tà, chân tục, thể dụng, lý sự v.v…

Huệ là trí huệ. Nhờ học có trí huệ, nhờ trí huệ phá vô minh, nhờ hết vô minh nên thoát sanh tử, tự tại ra vào ba cõi.

Bảy pháp này làm thành cho bậc Thánh, nên nói là tài sản của Thánh. Đa văn là một trong số này, vì sao Thế Tôn nói không thể lãnh hội được đạo? Bởi đa văn là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Muốn hội đạo phải có trí huệ. Trí huệ chia làm ba bậc: văn huệ, tư huệ và tu huệ. Trí huệ có được do nghe nhiều là văn huệ; trí huệ có được do tư duy nghiền ngẫm là tư huệ; trí huệ có được do tu tập là tu huệ.

Văn huệ lấy chỗ ngộ của Phật Tổ làm chỗ hiểu của mình, chỉ biết trên văn tự mà chưa thấu được nghĩa thâm sâu, chỉ là trí huệ ngoài da, không phải thật của mình.

Tư huệ nhờ suy ngẫm, chiêm nghiệm mà thấu được phần nào lý đạo, chuyển được chỗ ngộ của Phật Tổ thành kiến giải của mình. Trí huệ này đã vào thức tâm, đã thành tài sản của chính mình, nhưng chưa đủ sức để phá cội gốc vô minh.

Tu huệ là ứng dụng những điều đã ngộ giải điều phục tâm mình, phá trừ vô minh si ám, nhổ gốc sanh tử, thể nhập bản tâm, nhận lại trí huệ sẵn có, và đây mới là trí huệ chân thật, là diệu dụng của tự tâm, có sẵn và tự đầy đủ.

Như một học sinh lên lớp nghe thầy cô giảng bài, hiểu được là văn huệ. Về nhà, học thuộc, suy gẫm, hiểu sâu là tư huệ. Ứng dụng kiến thức đã hiểu tự giải bài tập, tự xử lý đa dạng các loại đề tài, biến nó thành kiến giải riêng của mình, chỗ hiểu như thầy cô không khác, đó là tu huệ. Đạt đến giai đoạn thứ ba mới là học sinh giỏi.

Cũng vậy, người tu chỉ khi đến được tu huệ mới thật là có trí huệ, thật là đạt đạo. Văn huệ như đếm tiền thay người khác, tư huệ được lãnh chút lương, tu huệ mới là chủ mọi tài sản.

Đa văn thuộc văn huệ nên Phật nói khó lãnh hội đạo là vậy. Đạo là bản tâm thanh tịnh, văn huệ là kiến giải bên ngoài, đương nhiên không lãnh hội được.

Đắm mê đạo cũng không lãnh hội được đạo. Lỗi ở tâm đắm mê. Đạo vốn là tự tánh, là chính mình. Khởi tâm mến thích tức xem đạo là cái bên ngoài, ngay từ ban đầu đã lầm phương hướng thì càng đi càng xa, thay vì quay về nhà, lại quay lưng đi ra, biết bao giờ đến nhà? Như vua Trần Thái Tông nói: “Lang thang làm khách phong trần mãi, ngày cách quê hương muôn dặm trùng”. Huống chi tâm đắm thích đã là trái đạo, vì đạo vốn không thương ghét, không lấy bỏ…

Giữ vững ý chí, một lòng hành đạo, đạo sẽ rất lớn.

Giữ vững ý chí là lòng tin bất thối. Đức Phật dạy: Tin là mẹ sanh tất cả công đức. Nhờ tin Phật, tin pháp mới chịu nương theo tu hành, sửa mình, điều tâm… Nhờ tin mình chắc chắn sẽ giải thoát mới cố gắng vượt mọi khó khăn, không nản lòng khi gặp nghịch duyên. Sanh được lòng tin bất thối là vào quả vị Tu-đà-hoàn của thanh văn, Thập Tín của Bồ tát, chỉ có tiến chớ không còn lùi.

Một lòng hành đạo là chánh tinh tấn. Kiên trì bền bĩ giữ pháp, hành pháp, mỗi ngày đều tu, mỗi ngày đều tiến, thẳng đến giải thoát, quyết không dừng lại giữa chừng. Như dùi cây lấy lửa, khi được lửa mới thôi, không dừng nghỉ giữa chừng.

Nhờ tin chắc không nghi và kiên trì tu hành không chán mỏi, nên tâm ngày càng thanh tịnh, thể nhập tự tánh ngày càng sâu, cho đến khi hoàn toàn thể nhập là công phu viên mãn. Nên Thế Tôn nói đạo sẽ lớn là vậy.

Đức Phật thường dạy đệ tử hai con đường: Một là pháp học, hai là pháp hành. Pháp học là đi sâu nghiên cứu Phật pháp, thông suốt tam tạng, kiến giải rộng sâu, đem chỗ hiểu đó chỉ dạy cho người, làm Giáo thọ A xà lê dạy giáo pháp, làm Yết ma A xà lê dạy giới luật. Pháp hành là nương vào một câu kệ, một pháp tu, kiên trì thực hành cho đến khi phá vỡ vô mình, diệt trừ phiền não, thành tựu Thánh đạo.

Phật ví pháp học như đếm bò cho người, tuy có nhiều bò nhưng đều không phải của mình. Còn pháp hành như người sở hữu một con bò, tuy chỉ một nhưng là tài sản của chính mình.

Thời Phật, những vị lớn tuổi thường chọn tu pháp hành. Nhận một pháp tu thích hợp với mình, ngày ngày tu tập, công phu ngày một sâu, không lâu đắc thánh quả. Lòng tin cứng chắc, ý chí vững bền, công phu miên mật, kiên trì không dừng thì đạo sẽ lớn lên từng ngày, sớm muộn cũng giải thoát.

Chúng ta hay vướng vào lỗi thích nghe nhiều, nhưng nghe chỉ để bàn luận suông, không ứng dụng tu tập để biến trí huệ đó thành của mình. Hoặc yêu thích đạo lại không hiểu đạo là gì, đắm chấp thành cuồng tín, tà tín. Khi tu, không vững lòng bền chí, dễ chán nản, thay đổi giữa chừng. Tu một thời gian thấy chưa đắc được gì là chuyển qua pháp tu khác, tu qua đổi lại mãi, rốt cuộc chẳng được gì, có khi còn thối chí, bỏ đạo.

Lúc ứng dụng tu chỉ nên chọn một pháp, muốn giáo hóa người nên nghe nhiều. Nghe hiểu nhiều mới có đủ phương tiện độ sanh, bởi người tu, ngoài làm lợi mình, phải nghĩ đến lợi quần sanh. Trước tự tu, sau độ người; trước ích mình, sau lợi sanh, đó là trọng trách của người xuất gia. Nên Phật nói đa văn là tài sản của bậc thánh.

Chư đại đệ tử Phật như tôn giả Xá-lợi-phất, tôn giả Mục-kiền-liên, tôn giả Phú-lâu-na v.v…, đều thông đạt Phật pháp, dùng vô số phương tiện nói pháp độ người. Có nghĩa là các Ngài thông cả pháp học và pháp hành, hai pháp này vốn không mâu thuẫn nhau. Như người vừa là chủ bò, vừa có nhiều bò.

Kinh Thiện Pháp, Phật dạy Tỳ-kheo biết 7 pháp sẽ được an ổn khoái lạc và thành tựu Niết-bàn. Trong đó biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết mình, biết tiết độ là để tự độ; biết chúng hội và biết sự hơn kém của người là để độ tha. Lúc nào Thế Tôn cũng muốn đệ tử đủ trọn vẹn pháp học và pháp hành, trừ trường hợp phải chọn một mới ưu tiên pháp hành. Với người xuất gia nhỏ tuổi, trước có thể đi sâu nghiên cứu Phật pháp (pháp học), sau ứng dụng tu hành (pháp hành), hoặc song song vừa nghiên cứu nội điển vừa dụng công sửa mình. Với người xuất gia lớn tuổi, không còn thời gian học nhiều, chỉ chọn một pháp thích hợp rồi chuyên tâm tu, tức chỉ nghiên về pháp hành.

Học nhiều, hiểu nhiều, nhưng chỉ dùng một pháp để tu. Hiểu rõ chỗ này rồi, sẽ không còn nghi giữa pháp học và pháp hành, biết lúc nào nên dùng pháp học, lúc nào dùng pháp hành.

Thấy được tính quan trọng của pháp hành, khi tu đạo, quyết tâm giữ vững ý chí, tu pháp nào phải tu đến nơi đến chốn. Nhất là khi lớn tuổi, càng chuyên nhất tu tập một pháp cho đến thuần thục.

Tóm lại, muốn thành tựu đạo lớn phải đủ lòng tin cứng chắc; khi hành pháp phải siêng năng, không ngại khó, kiên trì tu tập. Đa văn và mến đạo chỉ để trợ duyên, không phải là nhân tố quyết định.

Trang trước

Mục Lục

Trang sau


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.