Kinh Tứ Thập Nhị Chương giảng giải

Chương 8



Phật dạy: “Người ác hại người hiền như ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời, trở lại rơi vào mặt mình. Hoặc như ngược gió tung bụi, bụi không đến chỗ khác mà trở lại làm dơ thân mình. Người hiền không thể hại, mà họa tất sẽ đến bên mình.”

Ác quả ác báo là việc tất nhiên. Càng làm ác với người hiền, quả ác càng lớn. Như thủa đất mầu mỡ, gieo lúa bội thu, mà rải cỏ cũng sum suê. Người hiền như đất mầu mỡ, cúng dường bố thí cho họ hưởng phước báo lớn, mắng chửi đánh đập họ chịu ác báo nặng. Luật nhân quả là vậy.

Người hiền hay giữ giới, thích tu phước, giỏi điều phục tâm nên công đức rất lớn. Hại các vị rất khó, lại có thể rước họa về mình. Vua Kế Tân chặt đầu Tổ Sư Tử, liền đó bạo tử, dù Tổ trả nợ cũ mà vua phải đoản mạng, lại rơi địa ngục. Vua Lưu Ly tàn sát dòng họ Thích, vốn đều đã vào quả vị, tuy cả họ đền mạng, mà vua Lưu Ly cùng tùy tùng cũng bị tai nạn tử vong, đồng sanh vào địa ngục.

Tuy nhiên, đánh giá một người hiền cũng khó, nhất là với người xuất gia. Thế Tôn nói có ba thứ tuy nhỏ mà không thể xem thường: Một là đám lửa nhỏ, vì nó có thể gây họa cháy rừng. Hai là con rắn nhỏ, vì nó có thể cắn chết người. Ba là một Sa di nhỏ, vì ngài có thể đã vào quả thánh.

Xưa con gái một tể tướng phát tâm cúng áo khoác cho chúng tăng tại núi Ngũ Đài. Cô vốn đã chuẩn bị đủ số, nhưng khi phát xong lại dư ra một Tỳ-kheo rách rưới. Tỳ-kheo này cương quyết đòi áo, buộc cô phải cởi áo khoát trên mình để lại. Tức giận, cô về thưa lại với cha. Tể tướng cho là con bị làm nhục, sai quan binh lên núi phá chùa bắt tăng. Quan tổng binh cho đóng binh dưới chân núi, một mình lên núi xem xét thực hư. Trên đường, gặp một nhóm Tỳ-kheo tụ nhau đánh bạc, ông càng không vui. Đánh một hồi chia làm hai nhóm cự cãi, cãi đến đỏ mặt tía tai, rồi động tay múa chân, cùng bay lên hư không phun nước phun lửa choảng nhau, sau đó biến mất. Quan tổng binh ngẩn người, từ bất bình chán ghét đến kinh hãi rụng rời, biết đã đụng vào đất thánh, chư thánh thị hiện nhắc nhở, nếu không dừng lại ắt chịu họa lớn. Ông vội kéo binh về, thà đắc tội tể tướng còn hơn có lỗi với thánh hiền. Chẳng ngờ, lúc ấy tể tướng cũng đang tìm ông ra lệnh rút quân, bởi tiểu thư khi thưa với cha xong, trở về khuê phòng thấy áo khoác nằm trên giường với mảnh giấy bên cạnh: “Cúng dường không thành tâm, vật trả về nguyên chủ.” Cô biết đã trách lầm thánh nhân, chẳng những mất cơ hội tăng phước, còn vô tình rước họa. Từ đó, cha con tể tướng một lòng kính Phật trọng tăng, không còn đánh giá các vị qua hình tướng hay việc làm bên ngoài nữa.

Cõi này phàm thánh đồng cư, thánh phàm lẫn lộn, khó biết ai thật hiền thật ác, nên tốt nhất đừng hại ai, tránh rước họa lớn vào thân. Đối với những vị xuất gia tu hành, chúng ta vì kính Phật nên trọng tăng, kính lễ y ca sa quý ngài đắp, còn các vị tu thế nào tự có nhân quả định đoán, chúng ta mắt phàm không thể biết được, bàn luận việc phải quấy của người là tự hại mình, chẳng có ích gì. Lỡ đụng phải bậc hiền nhân, tai họa càng lớn hơn. Thế nên, nếu thương mình thì nên nghe lời Phật, dè dặt đừng làm ác.

Trang trước

Mục Lục

Trang sau


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.