Chánh văn:
Phật dạy: “Thấy người bố thí hoan hỉ trợ giúp sẽ được phước rất lớn”. Sa-môn hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn, phước đó hết chăng?” Phật đáp: “Như lửa một ngọn đuốc, dù trăm ngàn người đem đuốc đến, chia nhau lấy lửa, hoặc nấu ăn, hoặc thắp sáng…, lửa ngọn đuốc kia vẫn như cũ. Phước bố thí cũng vậy.”
Giảng:
Thấy người bố thí sanh tâm hoan hỷ, vui với việc lành của người, được phước rất lớn. Đạo Phật gọi là tùy hỷ, tùy là theo, hỷ là hoan hỷ, vui vẻ. Nghĩa là thấy người làm lành sanh tâm vui vẻ, tán thán, ca ngợi, chớ không đố kỵ, ghét hại. Tại sao chỉ vui theo thôi lại được phước lớn? Phước này xuất phát từ tâm lành, tức thuộc công đức, từ tâm lành khởi ra thân làm lành, miệng nói lành, nhờ đó tạo phước lớn. Như vậy, từ công đức sanh phước đức.
Công đức của bố thí và tùy hỷ bằng nhau, vì đều thuộc tu tâm. Bố thí phá tâm xan tham, keo kiệt, bỏn sẻn; tùy hỷ phá tâm đố kỵ, ghét hại.
Bố thí với tâm hoàn toàn lương thiện, vì tình thương bố thí, vì hỷ xả bố thí v.v… mới thuộc công đức; nếu vì danh lợi, tiếng tăm v.v… bố thí, hay bố thí rồi sanh hối tiếc, hoặc muốn người nhận thí nhớ ơn v.v…, thì có phước đức nhưng không công đức. Sau này có thể hưởng phước báo cõi trời người, cũng có thể hưởng ở súc sanh, quỷ thần. Chỉ có công đức, tức tu thiện lành nơi tâm mới bảo đảm càng sanh càng thăng, còn chỉ làm lành ở thân miệng, không chú ý sửa tâm, có thể sẽ gây họa cho đời thứ ba. Tức đời này tạo phước, đời sau giàu có quyền thế, nhưng tâm không hiền, nương thế lực tiền bạc tạo ác nghiệp lớn, thế là đời tiếp sau phải rơi ba đường dữ. Các vị hôn quân, bạo chúa, ác bá, cường hào v.v… thuộc nhóm người này.
Tùy hỷ cũng vậy, phải thật sự vui từ tâm. Bên ngoài tỏ ra vui vẻ, khen ngợi việc lành của người, trong tâm vẫn ghen ghét, đố kỵ, thừa dịp hãm hại v.v…, không gọi là tùy hỷ, nên không có công đức, cũng không có phước đức, còn là tạo nhân ác.
Người hoan hỷ với người bố thí được phước đức lớn, vậy người bố thí có bị chia bớt phước đức không? Bố thí và tùy hỷ có phước đức như nhau nhưng không giống nhau. Người bố thí được phúc báo giàu có; người tùy hỷ được thân tướng rạng rỡ, xinh đẹp, và thường làm quyến thuộc với người giàu, được người giàu thương yêu, giúp đỡ, nhưng không tự giàu. Như vậy gieo nhân nào gặt quả đó, dù đều là nhân lành, đều cho quả lành, nhưng do nhân khác nhau nên quả cũng khác nhau.
Đức Phật dùng ví dụ lửa của một ngọn đuốc, trăm ngàn người đến mồi, mỗi người đều được lửa đem về dùng khác nhau, ai cũng được lợi, mà ngọn lửa đầu tiên không mải mai ảnh hưởng.
Công đức cũng vậy. Người bố thí phá tâm xan tham, tăng tâm thí xả; người hoan hỷ phá tâm tật đố, tăng tâm tùy hỷ. Đều thành tựu công đức tâm, nhưng xu hướng khác nhau.