Chánh văn:
Phật dạy: “Chúng sanh lấy mười việc làm lành, cũng lấy mười việc làm ác. Những gì là mười? Thân ba, miệng bốn, ý ba. Thân ba là sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Miệng bốn là nói hai lưỡi, nói thô ác, nói dối, nói thêu dệt. Ý ba là tham, sân, si. Mười việc như thế không thuận Thánh Đạo, nên gọi là mười hạnh ác. Nếu dứt mười hạnh ác, gọi là mười hạnh lành.”
Giảng:
Mười hạnh lành này Đức Phật giảng rất rõ trong kinh Thập Thiện. Ở đây nói tóm tắt.
Chúng sanh lấy mười việc làm lành, cũng lấy mười việc làm ác.
Mười việc lành này quyết định chúng sanh đời sau là trời, người, hay súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Nếu giữ mười điều lành này chắc chắn sẽ sanh cõi trời người; ngược lại, làm mười điều ác cũng chắc chắn đọa ba đường dữ. Mười hạnh lành này là pháp tu của Thiên thừa, nếu giữ đủ mười điều sẽ sanh lên cõi trời, giữ ít hơn một chút thì sanh cõi người, còn không giữ thì tùy theo không giữ nhiều ít mà đọa các đường dữ khác nhau.
Những gì là mười? Thân ba, miệng bốn, ý ba. Thân ba là sát sanh, trộm cắp, tà dâm.
Ba hạnh ác ở thân là sát sanh, trộm cắp, tà dâm.
Sát sanh là giết hại sanh mạng chúng sanh. Số lượng chúng sanh bị giết nhiều ít, phước báo dày mỏng mà tội báo mình chịu nặng hay nhẹ. Chúng sanh thân thể càng lớn, giết chúng tội càng nhiều; còn chúng sanh thân nhỏ nhưng mình giết số lượng lớn, tội cũng thành nhiều và nặng.
Ví dụ giết một trăm con heo phải đọa địa ngục, giết một trăm con cá kèo, chưa đến nỗi rơi địa ngục, nhưng nếu giết ngàn vạn con thì cũng phải đọa. Như mẹ ngài Quang Mục trong kinh Địa Tạng, mỗi ngày đều ăn cá trạnh con, số cá chết do miệng bà không biết bao nhiêu, nên chết rồi phải đọa địa ngục. Thế nên, giết một chúng sanh nhỏ lỗi không nhiều, nhưng giết số lượng lớn gom lại cũng thành nhiều. Tốt nhất là tập tâm từ bi, đừng sát hại bất cứ chúng sanh nào, bởi tâm sát còn thì sớm muộn cũng phạm tội. Dù người hay súc, mình đều nên khởi tâm từ bi không giết hại. Vì hễ sát sanh là có tội, hoặc lớn hoặc nhỏ. Đã có tội phải trả quả, quả nặng nhất là tội giết người, dù sau này tu đắc Thánh quả cũng phải trả báo. Vì người có tánh linh cao và phúc báo lớn hơn các loài khác, vả lại, được thân người rất khó, giết một mạng người là đoạt cơ hội làm người của họ, nên chiêu cảm quả báo nặng nhất, lại thêm bị người đó oán giận, ghi hận trong tàng thức, gặp duyên sẽ đòi lại, dù lúc đó mình đắc đạo, họ cũng không tha.
Ngài An Thế Cao, Tổ Sư Tử, Tổ Huệ Khả v.v…, do thuở xưa hại mạng người mà đời nay phải trả báo, bị họ giết lại. Kết oán với chúng sanh tự nhiên phải đền mạng, nhân quả vận hành như vậy.
Những chúng sanh thân nhỏ như trùng kiến…, vì si mê sâu nặng, không đủ sáng suốt nhận ra kẻ hại mình là ai, nên thoát được nợ “mạng đền mạng”, nhưng sự hình thành quả báo trên nhân quả vẫn vận hành, nếu giết quá nhiều cũng đọa đường dữ, ít một chút thì chiêu những tai họa khác như tật bệnh, gặp việc không thuận v.v…
Ngược lại, nếu cứu chúng sanh nhỏ với số lượng lớn, cũng sẽ được phúc báo lớn. Có một Phật tử không có tiền phóng sanh, mỗi ngày ông ra chợ xin trứng cá mà người bán bỏ đi rồi đem thả xuống sông, rất nhiều trứng cá đã nở thành con, xem như ông đã cứu được rất nhiều sinh mạng.
Mỗi người có cách làm thiện khác nhau, không phải có tiền mới làm được. Người có tâm từ bi sẽ có mọi cách làm thiện, linh hoạt, không giới hạn. Tâm lớn tới đâu quả báo tương ứng tới đó, việc thiện nhỏ mà tâm lành lớn, quả báo cũng theo đó mà lớn.
Không sát sanh không phải vì sợ tội mà vì lòng từ thương yêu chúng sanh mới là pháp lành trọn vẹn nhất.
Một thời, Đức Phật và tôn giả A-nan tọa thiền trong rừng, một chú chim sẻ bị chim ưng săn đuổi, nó sợ hãi bay đậu vào người ngài A-nan mà vẫn run rẩy. Chợt thấy Phật, nó bay sang chui vào y Ngài, nằm im an ổn, không còn run sợ. A Nan hỏi Phật:- Thế Tôn! Sao con cũng thương nó, mà nó ở chỗ con vẫn run, khi qua với Ngài thì hết? Phật đáp:- Vì ông còn tâm sát, nó cảm nhận được nên vẫn sợ. Còn Ta đã nhiều đời không sát hại chúng sanh, chỉ thương yêu che chở, nó cảm nhận được nên không còn sợ hãi.
Tâm quyết định tất cả. Do thương yêu, không muốn hại chúng sanh, không muốn chúng sanh đau khổ nên không đành giết, trộm, tà hạnh, đó là tâm lành bậc nhất, sẽ theo mình đời đời kiếp kiếp. Còn nếu vì sợ tội, chỉ giữ trên thân, tâm ác vẫn còn, qua đời khác, không gặp Phật pháp, không biết nhân quả, không còn sợ tội nữa, chắc chắn sẽ lại làm ác.
Sở dĩ người ta sát sanh hại vật, mua gian bán lận, cướp gạt, hiếp dâm v.v…, làm các việc ác không ngừng là vì họ không biết nhân quả, không tin tội phước, chỉ nghĩ lợi trước mắt. Còn người biết sợ tội sẽ không bao giờ dám làm não hại chúng sanh.
Với người hiểu chân lý, biết mọi pháp đều bắt nguồn từ tâm, tự nhiên sẽ vâng lời Phật dạy tu tập tâm từ, nuôi dưỡng lòng từ. Tâm đó theo mình mọi lúc mọi nơi, đời này và mãi những đời sau. Dù gặp Phật pháp hay không, chỉ cần có lòng từ tự nhiên sẽ không nỡ hại mạng chúng sanh, không nỡ xâm phạm tài sản người, phá hoại tiết hạnh người, phá gia cang người v.v… Tất cả những điều làm chúng sanh đau khổ đều không làm.
Khổng tử nói nghĩa vụ của một người quân tử là “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Muốn bình thiên hạ trước phải trị quốc, muốn trị quốc trước phải tề gia, muốn tề gia trước phải tu thân. Tu thân mở đầu mọi sự nghiệp. Chư Thánh kiến giải tương đồng, quý Ngài đều xem trọng tu sửa bản thân, tức tu tâm.
Chư tiên đức đạo Nho Khổng quan niệm Tu tâm có bảy thứ bậc và lấy đó làm thước đo một vị chính nhân quân tử. Đó là Đạo, Đức, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Cảnh giới cao nhất của tâm là thấu đạo, tức hiểu rõ chân lý. Chân lý của vũ trụ là vạn pháp vô thường biến dịch, nhân duyên hội hợp mà thành; chân lý của nhân sinh là tất cả chúng sanh đều bình đẳng, đều chịu khổ sanh già bệnh chết, không ai tôn quý hơn, đê tiện hơn. Thấu đạo rồi tự nhiên tâm thanh tịnh, vui với đạo, không còn tâm não hại chúng sanh.
Đức là hiền lành, giàu lòng từ. Người có đức thường quay lại tự tâm, tu sửa bản thân, không thấy lỗi người, không muốn hại ai, chỉ siêng trau dồi pháp lành trong tâm, tránh ác làm lành để thành tựu tâm đức.
Nhân là thương người. Người có lòng nhân ưa giúp người, thích đem niềm vui cho người, lấy niềm vui của người làm niềm vui của mình, khổ đau của người làm khổ đau của mình, nên chẳng sanh tâm hại ai.
Nghĩa là thấu tình đạt lý. Người có nghĩa là người biết ơn và đền ơn. Nhận của người một, muốn đền trả trăm ngàn; nhận một chút ơn nhỏ cũng ghi nhớ không quên.
Lễ là quy tắc ứng xử đối đãi với nhau. Người có lễ giữ gìn những quy điều đã được công nhận, như luật pháp, tập quán tổ tiên v.v…
Trí là biết tùy nghi ứng xử sao cho hợp lẽ. Người có trí chọn cách hành xử đúng đắn với mọi người mọi vật.
Tín là giữ uy tín. Người có tín đã hứa điều gì là giữ cho trọn, không hứa suông, hẹn hờ với bất cứ ai.
Đạo đứng đầu, là cảnh giới tâm cao nhất, thoát khỏi mọi buộc ràng, tùy duyên tiếp vật đối người, tự do tự tại. Nếu không thể đạt đạo thì tu đức, rèn luyện tâm, dứt ác hành thiện, trau dồi đức hạnh. Không thể luyện tâm trọn vẹn thì riêng tu lòng nhân, trải lòng yêu thương mọi người, giúp người cần giúp, không sanh tâm hại ai. Không sanh được tình thương rộng lớn thì giữ lấy nghĩa, ai giúp mình dù chỉ một giọt nước cũng cố gắng đền trả gấp bội; với thân bằng quyến thuộc giữ lấy nghĩa khí, không phản bội vong ân. Nghĩa vẫn không làm được thì giữ lấy lễ tiết, tuân thủ những gì xã hội quốc gia quy định, mọi người tán đồng; sáng suốt phân biện việc phải trái đúng sai để hành xử cho đúng; giữ lời với tất cả mọi người.
Người có đạo, sống thuận theo đạo nên đương nhiên không làm ác, theo duyên hành thiện. Người có đức vì rèn tâm thanh tịnh thiện lương nên luôn làm lành lánh dữ. Người có nhân vì thương người nên hay làm lành và không hại ai. Người giữ nghĩa vì biết ân cha mẹ sanh thành, thân quyến bảo hộ, bạn bè giúp đỡ, quốc gia che chở v.v… nên cũng siêng làm lành, không tạo ác. Người giữ lễ tuân thủ pháp luật, nên tuy ít làm lành, nhưng cũng không tạo ác. Người có trí phân biệt được tốt xấu nên ít khi làm ác. Người có uy tín, không muốn thất hứa với người nên cũng hiếm khi tạo ác.
Đây là bảy bậc quân tử của đạo Nho, tương ứng với bảy cảnh giới tâm.
Phật giáo cũng phân năm bậc, gọi là ngũ thừa: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ-tát thừa.
Nhân thừa dứt những việc ác ở thân miệng, làm một người lương thiện. Thiên thừa chẳng những dứt ác còn siêng làm lành, tu sửa lỗi lầm nơi thân miệng ý, tương ứng với tâm cõi trời. Thanh văn thừa thấy chúng sanh do ái nhiễm nên khổ não vô cùng, tu tập diệt ái để dứt khổ và ra khỏi ba cõi thế gian. Duyên giác thừa nhận ra các pháp vô thường biến dịch, không có gì tồn tại lâu dài, tâm ái diệt dứt mà ra khỏi luân hồi. Bồ-tát thừa nhận được bản tâm, thấy thế gian hiển hiện như huyễn, không thật có, nên tự tại sanh tử, vui vẻ dạo chơi khắp pháp giới, phương tiện đánh thức chúng sanh mê muội.
Ngũ thừa là năm thứ bậc quả chứng, tương ứng năm cảnh giới tu tập của tâm. Vì vậy, tu tâm giữ vai trò quan trọng trên con đường tu đạo. Trong Kinh Thập Thiện, Đức Phật dạy giữ mười điều lành kết hợp tu tâm sẽ đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Miệng bốn là nói dối, nói ác, nói hai lưỡi, nói thêu dệt.
Đây là bốn điều ác ở miệng. Nói dối là việc có nói không, việc không nói có, đặt thêm đặt bớt. Nói ác là dùng những ngôn từ hung dữ, thô bạo mắng chửi, xúc phạm người. Nói hai lưỡi là đến người này nói xấu người kia, đến người kia nói xấu người này khiến hai bên bất hòa, ghét bỏ nhau, dân gian gọi là đòn xóc hai đầu. Nói thêu dệt là dùng lời nói hoa mỹ khiến người yêu thích mình rồi nhân đó trục lợi.
Tôn giả La-hầu-la xuất gia lúc mới 7 tuổi, còn thích đùa nghịch ghẹo người. Khi có vị trưởng lão muốn gặp Phật, hỏi Ngài Phật ở đâu, nếu Phật ở phía đông Ngài nói phía tây, ở phía tây Ngài nói phía đông, khiến các vị trưởng lão phải tới lui nhọc nhằn. Một hôm, Đức Phật đến chỗ La-hầu-la, Ngài cung kính lễ Phật, trải tòa thỉnh Phật ngồi, rồi lấy nước rửa chân cho Phật. Rửa xong, Đức Phật cho đổ nước đi, chỉ chừa lại một ít, rồi dạy: Đời Sa-di quả thật không có nghĩa lý gì nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn. Lại bảo La-hầu-la đổ hết nước đi, dạy: Đời Sa-di quả thật như bỏ đi nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn. Ngài úp chậu xuống, dạy: Đời Sa-di quả thật bị đảo lộn nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn. Mở chậu lên, dạy: Đời Sa-di quả thật trống không và vô vị nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn. Với người nói dối mà không biết hổ thẹn, Như Lai tuyên bố không có điều tội lỗi, xấu xa nào mà người đó không làm. Do đó, La-hầu-la, con phải cố gắng lập tâm quyết định: Dù trong lúc chơi đùa, con cũng không nói dối”.
Khi Đức Phật quở trách và chỉ dạy xong, La-hầu-la quỳ xuống sám hối, nguyện rằng từ đây về sau sẽ không phạm lỗi nữa. Từ đó, Ngài siêng năng tu hành, giữ gìn ba nghiệp thanh tịnh cho đến khi đắc quả A-la-hán, được Phật khen là mật hạnh đệ nhất.
Chỉ một lần được chỉ dạy mà Ngài đã không phạm lỗi nữa, đây mới thật là “chân sám hối”, còn chúng ta bây giờ sám hối cốt để thầy hết rầy la, xong lại phạm tiếp.
Lỗi nói dối của Ngài La-hầu-la dù chưa đến mức nghiêm trọng mà Đức Phật đã rầy đến vậy, vì nếu không dạy, lỗi sẽ càng nhiều hơn, thấy như hại người, mà thật là hại chính mình, không thể thành tựu đạo quả, còn chiêu lấy ác báo.
Bốn lỗi ở miệng này, nếu thật sự yêu thương chúng sanh, tự nhiên sẽ không phạm. Chỉ vì không thương nên mới nhẫn tâm mắng chửi, lừa gạt, xúc xiểm…; nếu thương thì không có chuyện đó. Thế nên, muốn giữ giới ở miệng phải giữ từ tâm, phải có tình thương, không nỡ để miệng mình gây khổ não cho chúng sanh, nhờ đó giữ gìn khẩu nghiệp thanh tịnh, bỏ ác nghiệp dễ dàng.
Nếu giữ giới vì sợ tội, lúc sáng suốt còn giữ được, lúc nổi sân hay gặp nghịch cảnh sẽ quên, hay sẽ liều, không sợ nữa, thế là lại phạm tội, tạo ác nghiệp hại người và hại chính mình.
Có câu “gần chùa gọi Phật bằng anh”, khi còn là Phật tử ở xa chùa, hết lòng kính tin lời Phật dạy, sợ tội nên cố gắng giữ gìn ba nghiệp. Đến khi đủ nhân duyên xuất gia, lý ưng càng kính tin Phật hơn, càng giữ giới kỹ hơn, nhưng có một số vị ngược lại, lòng tin giảm dần, ngã mạn tăng lên, trở lại tạo ác nghiệp mà không biết sợ. Tu như vậy là không đúng. Tu là phải làm sao trí tuệ ngày càng tăng, lòng tin ngày càng kiên cố, tình thương chúng sanh ngày càng sâu rộng.
Giữ giới thanh tịnh một là vì tin sâu nhân quả và hiểu rõ chân lý, không muốn tâm đạo bị nhiễm nhơ. Hai là vì yêu thương chúng sanh, không nỡ gia hại dù chỉ chút ít. Đó mới đúng là một tu sĩ chân chánh, và chỉ như vậy mới thật là giữ giới trọn vẹn.
Ý ba là tham, sân, si.
Đây là ba điều ác ở tâm. Tham là tham lam; sân là sân giận, hờn tức; si là ngu mê, tà kiến. Kinh Thập Thiện dùng tà kiến thay cho si. Tà kiến là những quan niệm, chủ trương, kiến chấp sai lầm, không phù hợp chân lý, có hại cho mình và người.
Tâm ý là gốc tạo nghiệp. Kinh Bát Đại Nhân Giác, Phật dạy: Tâm là nguồn ác, thân là rừng tội. Tâm là gốc tạo nghiệp, tâm ác, thân miệng sẽ tạo ác; tâm lành, thân miệng sẽ làm lành. Cho nên, chỉ cần giữ được tâm không ác, thân miệng tự nhiên sẽ không ác.
Đức Phật nói mười điều, nhưng chỉ cần giữ ba điều ở tâm, phúc báo sẽ ngày càng lớn, công đức ngày càng nhiều. Giảm được phân nửa tham sân sẽ được sanh làm người đầy đủ phúc báo; giảm được hai phần ba tham sân sẽ sanh lên trời hưởng ngũ dục lạc vi diệu; dứt tham sân sẽ đắc quả A-na-hàm, không còn sanh lại nhân gian; dứt hết tham sân si là thành Thánh A-la-hán, tự tại sanh tử.
Có nhiều vị tuy là vợ chồng nhưng quan hệ ái ân rất nhạt, họ không thấy có gì thú vị trong việc ấy. Những vị này sau khi chết thường được sanh lên cõi trời, vì tâm dục mỏng. Muốn sanh lên cõi trời, mọi tham dục đều phải nhẹ mỏng, như ăn uống thanh đạm, không sát sanh hại vật để thỏa miệng mình, lại biết bố thí, trì giới… làm các việc lành. Còn người đắm trong dục lạc, tâm dục nặng, nhất là dục nam nữ, sẽ không thể sanh lên cõi trời, nếu vì nó tạo ác nghiệp còn phải bị đọa đường dữ.
Khi tham sân si giảm, việc ác cũng tự dứt giảm, việc thiện tăng lên.
Người giữ đủ mười điều lành, chắc chắn sanh lên cõi trời, nếu sanh làm người cũng là người đầy đủ phúc báo: giàu có, xinh đẹp, gia đình hạnh phúc, thọ mạng lâu dài… Ngược lại, người không giữ mười điều sẽ đọa ba đường dữ trả báo, khi sanh lại làm người phải trả tiếp phần dư báo làm người khổ đau: nghèo thiếu, bệnh tật, xấu xí, cha mẹ không hiền, con cháu không thảo, bạn bè không tốt, vợ hay chồng không thủy chung… Nếu thức tỉnh sửa đổi, tạo nhân mới là nhân lành thì sẽ chuyển được nghiệp, nếu lại làm ác, đời sau tiếp tục vòng xuống ba đường dữ thọ khổ hình.
Tôn giả Đại Ca-diếp sở dĩ khất thực người nghèo là để giúp họ chuyển nhân đổi nghiệp. Chư tôn Hòa thượng thường quý sự cúng dường của người nghèo cũng vì nhân duyên tương tự. Do đời trước keo kiệt nên đời này mới nghèo khó, nay biết khởi tâm lành bố thí cúng dường tức là đại thiện, đáng để trân trọng. Các bậc chân tu thường không màng của cúng dường quý tiện, nhiều ít, chỉ xét tâm người cúng dường sâu cạn mà thôi. Người giàu cúng trăm ngàn lượng vàng với tâm khinh mạn, công đức và phước báo không bằng người ăn mày cúng một đồng với tâm chân thành tha thiết, vì từ đây họ đã phá được ác tâm keo kiệt bỏn sẻn, thành tựu thiện tâm hỷ xả, chuyển đổi được túc nghiệp của mình.
Mười việc như thế không thuận với Thánh Đạo, nên gọi là mười hạnh ác. Nếu dứt mười hạnh ác đó, thì gọi là mười hạnh lành.
Mười hạnh này là căn bản tu tập của đệ tử Phật, có vai trò vô cùng quan trọng, là nền tảng của mọi pháp giải thoát. Học kinh Thập Thiện chúng ta sẽ thấy rõ hơn ý này. Nếu mười điều này không tu được, không giữ được thì chỉ có đọa xuống ba đường dữ, không thể sanh cõi trời người, càng không thể thoát ly sanh tử.