Kinh Tứ Thập Nhị Chương giảng giải

Chương 5



Phật dạy: “Người có nhiều lỗi mà không tự hối, cũng không chịu sửa đổi thì tội kéo đến thân như nước chảy về biển, dần dần thành sâu rộng. Nếu người có lỗi tự biết sai trái, sửa ác làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh được ra mồ hôi, từ từ thuyên giảm.”

Một vị Tổ từng nói: Chẳng sợ tâm sân khởi, chỉ sợ giác ngộ chậm. Có lỗi không đáng sợ, nhưng có lỗi không chịu nhận mới thật tai họa. Vì không nhận lỗi chắc chắn sẽ không sửa, lỗi ác ngày càng nhiều, tích dần thành họa lớn.

Một kẻ cướp bị kết án tử hình, trước khi bị hành quyết, hắn xin gặp mẹ. Giữa đám đông, hắn tát mẹ một cái thật mạnh, khóc nói:- Lúc tôi còn nhỏ, lần đầu trộm bút chì của bạn, được bà hết lời khen ngợi, khiến tôi nghĩ rằng đó là việc làm hay giỏi, lời khen đó của bà đã dẫn đến án tử hôm nay, nên tôi hận bà đã không chỉ lỗi còn khuyến khích tôi làm ác.

Nếu ngày xưa người mẹ này chỉ lỗi cho con ắt tội ác đã được ngăn dứt khi vừa mới chớm mầm, đâu tích thành tội nặng như thế.

Mẹ của Mạnh tử ba lần chuyển nhà, tìm cho con một môi trường sống thiện lương, giúp con gieo mầm tốt đẹp từ thuở ấu thơ, nhờ đó, xã hội sau này mới có thêm một vị Thánh nhân.

Nhà Phật có câu:- Đồ tể buông đao liền thành Phật. Kẻ ác biết thức tỉnh sửa đổi là người đại thiện, sẽ ngày một tốt đẹp hơn. Ăng-gu-li-ma-la giết người hàng loạt, thậm chí còn định giết cả mẹ, nhờ Phật giáo hóa mà thức tỉnh, chuyển tâm tu hành chứng thành Thánh quả. Gặp một sản phụ sanh khó, đang chuyển dạ bên đường, mạng sống nguy kịch, ông vội về xin Phật cứu giúp. Thế Tôn dạy ông phát nguyện:- Từ lúc sinh ra con chưa từng làm ác, nguyện đem công đức này hồi hướng cho sản phụ được mẹ tròn con vuông. Ngài thưa:- Bạch Thế Tôn! Con là người cực ác, đã từng giết 999 người. Phật bảo:- Từ lúc ông nhận lỗi tu hành đã không còn làm bất cứ việc ác nào, hãy đem công đức này hồi hướng cho sản phụ kia. Ngài nghe lời Thế Tôn đến trước sản phụ phát nguyện, ngay tức thời đứa bé ra đời bình yên, mẹ con đều khỏe mạnh.

Như vậy, khi biết lỗi và quyết tâm sửa lỗi, công đức lớn vô cùng. Đức Phật quy định chúng đệ tử mỗi nửa tháng phải phát lồ sám hối, tự nhận ra lỗi mình, đồng thời cầu thỉnh đại chúng chỉ lỗi thêm, rồi hoan hỷ nhận lỗi, ở trước đại chúng hứa không tái phạm. Bởi chỉ có như vậy nghiệp chướng mới tiêu, đường tu mới tiến, tâm sẽ dần khế hợp với đạo,  bước vào con đường giải thoát tử sanh. Giống như người bệnh ra mồ hôi, dần dần hết bệnh.

Đức Phật nói có bốn hạng người: Một là từ tối vào sáng, hai là từ sáng vào tối, ba là từ tối vào tối, và bốn là từ sáng vào sáng.

Từ tối vào sáng là những người vốn hung dữ, phạm nhiều lỗi lầm đời trước và đời này, sau biết lỗi sửa mình trở thành người tốt, từ đó phúc báo tăng dần, càng sanh càng sướng. Như tướng cướp Ăng-gu-li-ma-la ở trên, trước giết người không gớm tay, sau thành Thánh hiền lương.

Từ sáng vào tối là những người đời trước vốn hiền lành, tạo nhiều phúc báo, nay được sanh vào nhà giàu có, có thế lực, nhưng giờ lại nương vào của cải, quyền thế mà tạo nhiều ác nghiệp khiến phúc dần tiêu mất, tích ác thành họa. Như các vị tham quan ác bá, bị pháp luật trừng trị, cuối đời vào tù ra khám, thậm chí chịu án tử, chết rồi phải rơi ác đạo.

Từ tối vào tối là những người do đời trước không hiền, đời này sanh vào nhà nghèo khó, thất học, xấu xí v.v… Đã không nhận ra lỗi mình, trở lại oán hận thế gian, chán ghét xã hội, trút hận lên người khác bằng những hành động ác như cướp, giết, dâm v.v…, tội ác lẫy lừng. Đời này bị pháp luật nghiêm trị, nhiều đời sau thọ khổ hình trong ba đường dữ, không biết ngày nào được sanh lên.

Từ sáng vào sáng là những người nhờ đời trước gieo nhân lành, đời này sanh ra giàu có, xinh đẹp, hạnh phúc, có chức quyền v.v… Lại biết nương phúc báo của mình giúp đỡ người nghèo, thương dân, lo nước…, cả đời làm lợi ích cho mọi người. Khi sống được người kính thương, chết rồi sanh cõi trời người hưởng phước báo thù thắng.

Lời dạy của Phật ở chương này rất đơn giản, dễ hiểu, nhưng đem lại lợi ích to lớn và lâu dài. Nếu chúng ta vâng theo thì càng tu càng tiến, càng tu càng vui, đạo Thánh không còn xa. Đây cũng là hai trong bảy tài sản của bậc thánh, là hổ và thẹn. Kinh Di Giáo Phật dạy hổ thẹn là trang sức bậc nhất. Không biết hổ thẹn, tức không biết nhận lỗi sửa lỗi, thì không xứng là người xuất gia, cũng không xứng làm người, chỉ như cầm thú mà thôi.

Trang trước

Mục Lục

Trang sau


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.