Kinh Tứ Thập Nhị Chương giảng giải

Chương 3



Phật dạy: “Cạo bỏ râu tóc làm bậc Sa-môn, là người thọ nhận Đạo Pháp, từ bỏ tiền của thế gian, khất thực chỉ nhận đủ dùng, giữa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây nghỉ một đêm. Hãy thận trọng đừng tham nhiều, vì ái dục khiến người ngu mê.”

Cạo bỏ râu tóc làm bậc Sa-môn, là người thọ nhận Đạo Pháp.

Người xuất gia chân chánh là người thọ nhận Đạo pháp. Đạo pháp là pháp đưa đến giải thoát, ra khỏi luân hồi sinh tử, chấm dứt mọi khổ đau.

Đạo còn có nhiều tên khác là tự tánh, tự tâm, chân như, bản thể, vô vi v.v… Nếu chúng ta quay lại, dám nhận, dám sống, từ từ thể nhập thì đến một lúc, chúng ta sẽ hoàn toàn sống được với Đạo, với bản tâm, bản tánh mình.

Pháp đây là Chánh pháp, là pháp của tự tâm, là diệu dụng của tự tâm, như pháp từ, bi, hỷ, xả v.v…, những pháp ích người lợi mình. Ích lợi trong Phật pháp là ích lợi chân chánh, có lợi cho sự tu tập giải thoát, như các pháp không tham, không sân, không si v.v…; có lợi cho quả báo, như các pháp bố thí, cúng dường, tùy hỷ v.v…

Người thế gian chỉ thấy cái lợi trước mắt, không nghĩ đến ích lợi lâu dài, nên không thích bố thí cúng dường. Họ cho rằng tài sản kiếm được rất khó khăn, phải để tự mình hưởng thụ, sao lại cúng cho người không quen? Nhưng như vậy là xài phước cũ của đời này, mà không tạo nhân lành mới cho đời sau. Người nông dân khi thu hoạch xong, không dùng hết mà để dành một số làm giống cho năm sau, đó là cách làm ăn lâu dài. Nếu dùng hết là đoạn dứt kho lúa của mình. Cũng vậy, đời này giàu có là do hưởng quả bố thí đời trước, nếu đời này không tiếp tục tạo nhân, đời sau sẽ không còn giàu nữa.

Bà Vi-sa-kha, một đại thí chủ thời Phật, thuộc gia đình Phật tử thuần thành, từ nhỏ đã theo cha mẹ học Phật pháp. Lớn lên lập gia đình, nhưng gia đình chồng lại tu theo ngoại đạo. Một hôm, bà đứng hầu cha chồng ăn cháo, một Tỳ-kheo khất thực dừng lại trước cửa,  bà nhắc cha chồng để bát cúng dường nhưng ông làm ngơ. Bà thưa với Tỳ-kheo: “Tôn giả,  xin hãy đi! Cha con đang ăn cháo thiu.” Cha chồng tức giận, ông đang ăn thức ngon sao lại nói ăn cháo thiu. Bà giải thích vì cha chỉ biết xài phúc báo đời trước mà không biết bố thí cúng dường để tạo phúc cho đời sau, có khác gì đang ăn thức ăn của ngày hôm qua, tức ăn đồ thiu.

Người biết tu hiểu rõ nhân quả, kiếm lợi chân chánh theo Đạo pháp. Những việc bố thí cúng dường thấy như không có lợi trước mắt, nhưng lợi lớn sau này thì nhiều vô cùng. Làm ra nhiều tiền không thực sự là “ích mình”, biết cho ra, biết làm thiện mới đúng thật “ích  mình”, không phải chỉ lợi một đời mà còn kéo dài đến nhiều đời sau.

Tương tự, người tu biết nhẫn chịu là biết làm lợi ích cho tâm đạo của mình. Thường khi thấy một người tu bị bắt nạt mà dường như phải nhẫn chịu, chúng ta hay khởi tâm xót thương, đâu biết vị đó mới là người giàu có bậc nhất, vì có công đức của nhẫn.

Công đức của nhẫn rất lớn, bố thí, trì giới không thể sánh bằng. Ai càng bị ăn hiếp, càng nhẫn thì sẽ càng giàu công đức. Đạo pháp của người xuất gia là vậy, là pháp thoát ly sanh tử, là đạo vô vi, đi ngược với quan niệm thông thường của thế gian. Nên nói tu là đi ngược tình đời.

Từ bỏ tiền của thế gian.

Đã là người tu thọ nhận Đạo pháp, đi ngược tình đời, theo con đường thoát ly sanh tử, thì phải từ bỏ tiền của thế gian, không cất chứa, giữ riêng. Nếu có tiền cũng đem bố thí cúng dường tạo phước. Trong chùa, chỉ có thủ bổn là được giữ tiền, vì đó là tài sản chung của chùa, dùng để chi trả tiền điện, nước, ăn uống, bệnh tật v.v… của chúng. Giả sử gặp lúc khó khăn, Tam Bảo không có nhiều tiền, chúng phải sống kham khổ, bệnh không tiền điều trị…,  chúng ta cũng hoan hỷ nhẫn chịu, chấp nhận mọi nghịch cảnh.

Ngài Phú Lâu Na (trùng tên chứ không phải Tôn giả Phú Lâu Na, vị thuyết pháp đệ nhất), xin phép Phật tới một nơi nọ hành đạo. Phật bảo:- Ta nghe nơi đó dân chúng hung dữ, giả sử họ mắng ông thì sao? Tôn giả thưa:- Bạch Thế Tôn! Con sẽ cảm ơn họ vì không đánh con. – Nếu họ đánh ông thì sao? – Con sẽ cảm ơn họ vì không giết con. – Nếu họ giết ông thì sao? – Con càng cảm ơn họ vì đã giúp con xả được thân ô uế này. Phật khen ngợi:- Lành thay! Nếu ông làm được vậy thì hãy đến đó giáo hóa. Thế là, Ngài đến đó hành đạo. Với tình thương bao la và sức nhẫn mãnh liệt, Ngài đã cảm hóa được cả làng khiến đều quy y Tam bảo, bản thân Ngài cũng đắc Thánh quả A-la-hán, rồi Niết-bàn tại đây.

Với người chân chánh tu hành, khi cần xả thân sẽ vui vẻ xả bỏ, không luyến tiếc cũng không sân hận.

Khi hành hạnh thí xả phải hành từ dễ đến khó. Đầu tiên xả bỏ tài sản, vật chất bên ngoài, sau mới đến xả thân, rồi xả tâm. Nếu tài sản bên ngoài không xả được, làm sao có thể xả thân, nói gì đến xả tâm? Nên người tu muốn cầu đạo, nhất định phải bỏ được tiền của thế gian.

Khất thực chỉ nhận đủ dùng, giữa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm.

Người tu không chỉ xả tài sản, còn không được tham mê ăn uống, ngủ nghỉ. Bốn thứ cúng dường (thức uống ăn, y phục, giường ngủ, thuốc thang) chỉ nhận đủ dùng. Nếu thí chủ cúng nhiều cũng đem thí xả chớ không cất chứa.

Giữa ngày chỉ ăn một bữa, một gốc cây chỉ ngủ một đêm. Phật quy định dưới một gốc cây không được ngủ quá ba đêm. Vì Ngài không muốn chư tăng sanh tâm đắm nhiễm. Riêng với chư ni, Phật không cho ngủ bên ngoài, phải ngủ trong chùa, vì ni ở bên ngoài ban đêm sẽ nguy hiểm, dễ mất phạm hạnh.

Hãy thận trọng đừng tham nhiều, vì ái dục khiến người ngu mê.

Tham là do ái. Tham ái làm mất trí huệ, không thấy được các pháp vô thường biến đổi. Người có trí huệ thấu được sự vô thường của các pháp nên sẽ bỏ tâm tham dục dễ dàng. Chúng ta tuy chưa thấu lý vô thường nhưng cũng cố dứt hay bỏ bớt tâm tham, không để nó trói cột, làm chướng ngại sự tu tập. Tu là để sáng suốt cầu đạo giải thoát, cầu đạo vô vi, cầu ra khỏi sanh tử, không phải để lún vào tham ái, ngu mê. Thường tự nhắc nhở sách tấn mình, nếu không, tu một thời gian, chúng ta sẽ không biết là mình đang tu kiểu gì, tu như thế nào, sống tạm qua ngày đoạn tháng, ngày tụng hai thời kinh coi là xong, thời gian còn lại mặc tình buông lung. Nếu cứ như vậy, tâm đạo sẽ từ từ mỏng đi, tâm dục ngày một tăng lên, mất đi ý chí cầu giải thoát ban đầu.

Chư tôn đức thường nói: “Nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật thăng thiên, tam niên Phật nhập diệt”, nghĩa là lúc mới tu, vì cầu đạo mà xuất gia, nên ý chí mạnh mẽ, dám bỏ hết tài sản, nhà cửa, thân thuộc đi tu, đây là giai đoạn “nhất niên Phật tại tiền” (năm đầu tiên Phật ở trước mặt). Tu một thời gian bắt đầu lơ là, tâm đạo mỏng dần, tâm thế gian tăng lên. Lúc đó mình từa tựa như người thế gian, đây là giai đoạn “nhị niên Phật thăng thiên” (năm thứ hai Phật đã lên trời). Đến giai đoạn thứ ba “tam niên Phật nhập diệt” (năm thứ ba Phật đã Niết-bàn). Tâm đạo mất luôn, chỉ còn đầu tròn áo vuông, ham mê danh lợi, sân si như người thế gian.

Đây là tình trạng nhiều người tu không tìm được niềm vui thật sự trong đạo pháp, rồi đánh mất tâm cầu đạo ban đầu, trở thành như người thế gian, Phật gọi là cư sĩ trọc, Tổ gọi là hạng chim chuột (con dơi). Cư sĩ trọc nghĩa là hành xử như cư sĩ, chỉ khác là trọc đầu; con dơi có cánh giống chim, thói quen giống chuột, nên gọi là loài chim chuột, gọi chim cũng được, gọi chuột cũng đúng.

Tóm lại, người xuất gia chân chánh, đúng nghĩa phải là người thọ nhận đạo pháp, biết rõ và thực hành những pháp có lợi cho quả báo và sự tu tập giải thoát. Lúc nào cũng tự nhắc mình giữ vững tâm đạo, không buông lung theo tâm tham ái, trở thành cư sĩ trọc hay hạng chim chuột chốn thiền môn.

Trang trước Mục Lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.