Kinh 42 Chương giảng giải

Chương 39



Chánh văn:

Phật dạy: “Người học đạo phải tin thuận lời Phật dạy. Như ăn mật, trong ngoài đều ngọt. Kinh pháp của Ta cũng vậy. Nếu yêu thích nghĩa kinh, thực hành ý kinh thì sẽ đắc Đạo.”

Giảng:

Học đạo phải tin và làm theo lời Phật dạy. Trong Kinh A Hàm, Đức Phật dạy: “Pháp của ta, đến để mà thấy.” Tức là Đức Phật dạy chúng ta khi nghe lời Phật dạy hãy suy nghiệm xem đúng chân lý hay không, nếu thấy đúng thì phải tin nhận và thực hành theo. Giả sử thấy không đúng thì đừng tin, đừng thực hành. Vì sao? Trong kinh Du Hành, trước khi nhập Niết-bàn, Đức Phật dạy đệ tử khi có ai nói đây là lời Phật dạy, đây là lời kinh dạy, đây là lời thiện tri thức dạy, đây là lời thượng tôn trưởng lão dạy, đừng vội tin ngay, mà phải xét xem lời dạy đó có phù hợp chân lý không, nếu phù hợp thì tin nhận vâng làm, nếu không phù hợp thì không tin theo.

Lúc Đức Phật còn tại thế, vì Ngài là bậc đã nhận được chân lý nên những lời Ngài dạy đều phù hợp chân lý. Nhưng sau khi Đức Phật Niết-bàn, những vị khác nói lại lời Phật có hoàn toàn thật đúng với lời Phật hay không thì chúng ta phải xem xét. Pháp của Phật là “đến để thấy”, không phải “đến để tin”, tức là mình phải xét rõ xem lời đó có thật là lời Phật, phù hợp với chân lý, giúp mình thoát khỏi khổ đau hay không. Nếu đúng, mình mới tin nhận và làm theo.

Từ bi và Trí tuệ là hai đặc điểm nhận dạng đạo Phật. Đã là đệ tử Phật thì không thể làm ác, không thể thiếu lòng từ, cũng không thể ngu si rồi rơi vào mê tin dị đoan. Đệ tử Phật phải có trí tuệ, làm việc gì cũng xem xét có phù hợp nhân quả không, phù hợp chân lý không, chớ không phải nghe ai nói cũng tin và vội làm theo.

Giả sử nghe ai nói hội Long Hoa đã mở, Đức Phật Di Lặc đã ra đời, liền vội tới tham gia để được gặp Phật Di Lặc. Người hiểu Phật pháp sẽ không tin lời này, vì Đức Phật Thích Ca đã nói rõ trong một thời điểm, một nơi chỗ, không thể có hai Đức Phật cùng giáo hóa. Giáo pháp của Đức Phật trước còn thì Đức Phật sau chưa ra đời. Đức Phật Di Lặc là Phật vị lai, hiện tại làm Giáo chủ cõi Ta Bà là Đức Phật Thích Ca, Phật Di Lặc không thể ra đời trong thời điểm này. Nên ai nói hội Long Hoa đã mở ở đâu đó, hoặc là sắp mở ở đâu đó, Phật Di Lặc sắp ra đời… là mình không tin, vì không đúng lời Phật dạy.

Đức Phật ví lời dạy của Ngài như mật trong chén, nếm chỗ nào cũng ngọt. Bất cứ lời dạy nào của Phật cũng đem lại lợi ích cho chúng sanh. Như pháp Tứ Niệm Xứ xuất hiện nhiều trong kinh điển Nguyên Thủy, nhưng vẫn có giá trị đặc biệt trong kinh điển Đại thừa. Vì trong hệ A Hàm, giảng dạy Tứ niệm xứ, Đức Phật không nhắc gì đến tự tánh, nhưng thật chất Ngài đang dạy chúng ta sống với tự tánh. Thực hành Tứ niệm xứ là đang dần sống trở lại với bản tâm, thể nhập Niết-bàn thanh tịnh ngay trong tâm mình. Tùy theo căn cơ và thời điểm mà Đức Phật chọn lựa cách giảng dạy thích hợp.

Hoặc như trường hợp Đức Phật giáo hóa cho con dâu của Trưởng giả Cấp Cô Độc. Ngài dạy cô về bảy loại vợ, trong đó đặc biệt tán thán loại vợ như nô tỳ. Tại sao? Vì Đức Phật dựa trên luật nhân quả mà dạy, làm sao để người được dạy có được phúc báo tốt nhất. Khi người nữ làm vợ như nô tỳ sẽ chuyển nghiệp nhanh nhất, nếu nghiệp xấu sẽ chuyển tốt, nghiệp tốt càng tốt hơn.

Tất cả lời dạy của Phật đều dựa trên chân lý, trên luật nhân quả, nên lời dạy của Ngài đều đem lại lợi ích cho người, đưa người đến hạnh phúc thật sự, và cuối cùng là giải thoát tự tại.

Giới của Đức Phật chế được gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa, dịch nghĩa là biệt giải thoát, tức là giải thoát từng phần. Giữ giới nào là giải thoát phần đó.

Tóm lại, mỗi lời dạy của Đức Phật đều đem đến cho mình niềm vui khác nhau, lợi ích khác nhau. Ở đây Ngài đã khẳng định, chỉ cần chúng ta yêu thích nghĩa kinh và thực hành ý kinh, nhất định sẽ đắc đạo.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.