Kinh 42 Chương giảng giải

Chương 38



Chánh văn:

Phật hỏi một Sa-môn: “Mạng người sống trong bao lâu?”

Thưa: “Khoảng một vài ngày.”

Phật dạy: “Ông chưa hiểu đạo.”

Phật lại hỏi một Sa-môn khác: “Mạng người sống trong bao lâu?”

Thưa: “Khoảng một bữa ăn.”

Phật dạy: “Ông chưa hiểu Đạo.”

Phật lại hỏi một Sa-môn khác: “Mạng người sống trong bao lâu?”

Thưa: “Trong hơi thở ra vào.”

Phật dạy: “Lành thay! Ông đã hiểu Đạo!”

Giảng:

Hiểu đạo, tức là hiểu được chân lí. Nếu nói mạng người sống trong khoảng vài ngày hay khoảng một bữa ăn, nghe như là rất ngắn, nhưng hoàn toàn có thể bị bẻ lại: “Tôi đã sống bao nhiêu ngày rồi, thậm chí là tính tháng, tính năm; tôi đã ăn bao nhiêu bữa ăn rồi, vẫn sống sờ sờ đây.” Vì cách nói như vậy không đúng chân lý nên không thuyết phục được người. Còn nói mạng người sống trong hơi thở thì không ai bẻ được, vì nó là chân lý. Bất kể là sống bao lâu, nhưng hễ thở ra mà không hít vào là sẽ qua đời khác ngay.

Hơi thở quyết định mạng sống mình còn hay không. Như vậy, thọ mạng của mình nương vào hơi thở mà tồn tại nên rất mong manh. Vì hơi thở vốn mong manh. Chúng ta không biết trước được tuổi thọ mình bao lâu, chỉ biết không thở nữa là chết. Một người bệnh nặng, muốn kiểm xem họ còn sống không, người ta để cọng tóc ngang lỗ mũi, nếu cọng tóc còn nhúc nhích là người đó còn sống, còn cọng tóc đứng yên là biết người đó đã chết.

Trừ trường hợp người nhập Diệt thọ tưởng định, vị ấy tuy không còn hơi thở ra vào nhưng vẫn còn hơi ấm, cơ thể vẫn đang hoạt động nhưng nó hoạt động rất vi tế, chỉ diễn ra thầm lặng bên trong, không toát năng lượng ra ngoài. Các cơ quan đều dừng lại, chỉ giữ một hơi ấm, nên người nhập Diệt tận định không già đi. Vì bên ngoài không có hơi thở nên dễ bị hiểu lầm rằng đã chết.

Còn người bình thường của mình, khi hơi thở ra mà không quay lại là đi qua đời sau ngay, bất kể lúc đó mình bao nhiêu tuổi, hoặc 5-7 ngày tuổi, hoặc 5-7 năm tuổi, hoặc 50-70 tuổi không chừng. Cho nên nói “mạng người trong hơi thở ra vào” là phù hợp chân lý, là hiểu đạo.

Biết mạng sống mong manh như vậy thì đừng bám vía vào xác thân giả tạm này làm chi. Nên có vị nói con người vừa ra đời là đã mang án tử, chỉ không biết khi nào án đó được thi hành. Sanh ra là biết mình sẽ chết, còn ham muốn gì nữa? Nhưng rất tiếc, không phải ai cũng nhận ra chân lý này, người ta dùng thân người khó được này để tạo ác nghiệp, để hưởng thụ dục lạc, không hề nghĩ làm sao dùng thân này để tu hành thoát khổ, nên Phật Bồ-tát luôn nói chúng sanh khổ vì si mê là vậy.

Đức Phật dạy chương này là muốn mình ghi nhớ mạng người mong manh mà sớm thức tỉnh tu tập.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.