Chánh văn:
Phật dạy: “Ra khỏi ác đạo được làm người là khó. Đã được làm người, bỏ thân nữ được thân nam là khó. Đã được làm người nam mà sáu căn đầy đủ là khó. Sáu căn đã đủ mà được sanh ở trung tâm đất nước là khó. Đã được sanh ở trung tâm đất nước mà gặp được Phật ra đời là khó. Đã gặp được Phật ra đời mà gặp được người tu đạo là khó. Đã gặp được người tu đạo mà phát khởi tín tâm là khó. Đã phát khởi tín tâm mà phát tâm Bồ-đề là khó. Đã phát tâm Bồ-đề mà đạt đến chỗ Vô Tu, Vô Chứng là khó.”
Giảng:
Ở chương 13, Phật dạy 20 điều khó. Đó là những cái khó nói chung ngoài thế gian, còn những điều khó tăng dần ở chương này là những điều khó đối với người tu đạo.
Ra khỏi ác đạo được làm người là khó.
Khi đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh mà trở lại được làm người là rất khó. Vì ba cõi đó khổ đau nên không tu được, phải thọ khổ đến khi trả hết nghiệp mới được sanh lên, thậm chí khi thế giới này tan hoại, nếu vẫn còn nghiệp thì những tội nhân ở địa ngục, sẽ dời qua một thế giới khác tiếp tục thọ hình, đợi đến khi thế giới này hình thành trở lại, sẽ quay trở về. Để thấy, kể cả thế giới vào kiếp hoại cũng không chắc có thể ra khỏi địa ngục.
Thời gian để chúng sanh trả hết nghiệp trong ba cõi dữ là rất lâu. Trừ trường hợp có thân nhân giúp làm công đức hoặc hồi hướng công đức cho thì họ mới có thể sớm tiêu nghiệp, hoặc bản thân họ thức tỉnh, thành tâm sám hối. Nhưng việc tự thức tỉnh là rất khó, bởi những cõi đó luôn phải chịu đau khổ, muốn niệm một danh hiệu Phật cũng khó. Ở địa ngục, ngạ quỷ phải bị hành hạ liên tục, quá đau đớn, hoặc quá đói khát, không còn tâm trí để niệm. Còn ở súc sanh thì bị ngu mê che đậy, cũng không thể tu.
Cho nên được trở lại làm người là cả một việc khó, trả hết nợ dưới địa ngục, nếu còn dư báo sẽ tiếp tục thọ khổ ở ngạ quỷ, hết kiếp ngạ quỷ cũng chưa chắc lên làm người, có thể phải đọa làm súc sanh một hoặc nhiều kiếp để trả tiếp phần dư còn lại. Nên nói từ ba cõi dữ mà trở lại làm người là rất lâu, rất khó. Điều này Đức Phật dạy rất kỹ trong kinh Lăng Nghiêm.
Đã được làm người, bỏ thân nữ được thân nam là khó.
Theo nhân quả, thân nam thù thắng hơn, phước báo hơn thân nữ. Khi người nam tạo tội, sẽ mất thân nam làm thân nữ; còn người nữ tạo phúc, sẽ bỏ thân nữ làm thân nam. Người xưa trọng nam khinh nữ, thậm chí còn cho rằng: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (sanh một trai cũng xem là có, đẻ 10 gái cũng kể là không). Điều này không phải không có lý do. Thời nay, tuy nêu quan điểm nam nữ bình đẳng, cái gì nam làm được thì nữ cũng làm được, nhưng nhìn thực tế, nam luôn thành công hơn nữ. Trên trường chính trị, quan nam nhiều hơn quan nữ; trên thương trường, đại gia nam chiếm số đông… Và rất nhiều lĩnh vực khác cũng vậy. Không phải xã hội phân biệt đối xử, mà vì khả năng người nữ thực sự không bằng người nam. Ai cũng có quyền ra ứng cử, cũng có quyền kinh doanh…, nhưng người nam thành công nhiều hơn. Đó là vì phúc báo của người nữ không bằng người nam, nhân quả vận hành như vậy, chớ không phải có ai áp đặt.
Tuy nhiên, không phải tất cả những người mang thân nam đều do phúc, mang thân nữ đều do tội. Có trường hợp mang thân nữ không phải do tạo ác nghiệp, hay thiếu phúc báo mà do thệ nguyện. Như các vị Bồ-tát nguyện làm nữ để độ nữ. Hoặc có vị thích làm nữ vì tướng nữ đẹp, quyến rũ. Bồ-tát Quán Thế Âm tùy duyên mà hiện hình tướng khác nhau, hoặc nam hoặc nữ. Nhưng ở Trung Quốc hay Việt Nam thì thường thờ Ngài ở tướng nữ. Vì tướng nữ là tướng của mẹ, mà mẹ thì thương và gần gũi con hơn cha. Dân Việt Nam ta thích gọi đức Quán Âm là mẹ Quán Âm hay Phật bà Quán Âm. Thế nên, trên nhân quả thông thường thì tướng nam thù thắng hơn tướng nữ, nên có phước mới được làm nam, nhưng trên nguyện lực hay sở thích thì không nhất định, bởi nguyện lực hay sở thích cũng ảnh hưởng đến sự vận hành của nhân quả.
Đã được làm người nam mà sáu căn đầy đủ là khó.
Đã có phúc được làm thân nam hay thân nữ mà có được sáu căn đầy đủ cũng không phải dễ. Như có những người rất đẹp nhưng bị câm điếc hay mù lòa…
Sáu căn đã đủ mà sanh ở trung tâm đất nước là khó.
Trung tâm đất nước là chỉ những chỗ thành thị phồn hoa, văn hóa, kinh tế, xã hội… phát triển. Tuy được làm người, sáu căn đầy đủ, nhưng được sanh ở thành thị cũng là rất khó. Như tỉnh Long An đây, có nhiều nơi là vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội… đều không bằng thành thị.
Đã sanh ở trung tâm đất nước mà gặp được Phật ra đời là khó.
Tuy sanh ở thành thị, nhưng sanh trong thời Phật ra đời là rất khó. Chúng ta hiện nay tuy không sanh trong thời Đức Phật còn tại thế, nhưng vẫn đang ở trong thời kỳ giáo hóa của Đức Phật Thích Ca, nên cũng tạm gọi là sanh trong thời Phật. Thời giáo hóa của Đức Bổn sư, Chánh pháp 500 năm, Tượng pháp 1.000 năm, Mạt pháp 10.000 năm; tổng cộng là 11.500.000. Bây giờ đã hơn hai ngàn năm trăm năm, còn khoảng tám ngàn mấy trăm năm nữa mới hết thời giáo hóa của Phật Thích Ca. Nếu chúng ta sanh vào thời điểm đó cũng là không có Phật. Kể ra thời có Phật là rất ít ỏi so với tuổi thọ của trái đất.
Đã gặp được Phật mà gặp được người tu đạo là khó.
Tại sao? Vì tuy chúng ta sanh trong thời Phật pháp còn ở thế gian, nhưng nếu sanh trong quốc gia hay những vùng không có Phật giáo cũng không gặp được đệ tử Phật. Hơn nữa, người tu đạo ở đây là chỉ người tu chân chánh, có công phu thật, có sự chứng nghiệm, không phải chỉ chung người cạo đầu. Gặp được người như vậy là rất khó.
Đã gặp người tu đạo mà phát khởi tín tâm là khó.
Gặp được người tu chân chánh rồi mà phát khởi được lòng tin với vị đó, nương vị đó tu học là rất khó.
Đã phát khởi tín tâm mà phát tâm Bồ-đề là khó.
Phát tâm Bồ-đề là dám nhận mình có Phật tánh, quay về tự tâm, hướng đến đạo Vô thượng Bồ-đề. Tin mình là Phật sẽ thành, quay trở về tu làm sao để thành Phật như Phật không khác. Đây là điều rất khó.
Nhiều vị tuy tu, gặp được Thiện tri thức chỉ dạy, nhưng không dám nghĩ mình sẽ là Phật, không dám nhận mình cũng sẽ thành Phật như Phật, chỉ nhận làm nô tỳ của Phật thôi. Hoặc tu chỉ mong đời sau bớt khổ, được sanh làm người có phúc báo, hoặc sanh lên trời hưởng phước, hoặc sanh về cõi Phật nương Phật tu hành v.v… Tức là chỉ dám phát những lời nguyện nhỏ nhoi, không dám phát nguyện mạnh mẽ.
Cho nên, gặp được Thầy giỏi, phát được lòng tin, nhưng dám nhận mình sẽ thành Phật, có chủng tự Phật, chịu quay trở về sống với tự tâm, không tìm cầu bên ngoài là rất khó.
Trong Mười bức tranh chăn trâu của Thiền tông, bức tranh đầu tiên “Tìm trâu” mang ý nghĩa bắt đầu chấp nhận mình có Phật tánh, và tìm phương cách “kiến tánh”. Điều này không phải dễ, bởi không phải ai cũng chịu tìm trâu, chịu quay về nhận lấy tự tánh mình, nên Đức Phật mới nói: “Phát tâm Bồ-đề là khó”.
Đã phát tâm Bồ-đề mà đạt đến chỗ vô tu vô chứng là khó.
Biết mình có tâm thanh tịnh sẵn đó, và muốn quay trở lại sống với nó, nhưng để thể nhập được tự tâm, sống hoàn toàn với tự tâm là rất khó. Vô tu vô chứng là chỉ giai đoạn hoàn toàn thể nhập tự tâm.
Nhiều vị nhận được nhưng không sống được, vì tập khí quá nhiều lại không đủ can đảm buông. Biết tham sân si không phải mình mà vẫn không bỏ được, cho đến mạng chung vẫn không sống được với chỗ thanh tịnh đó.
Biết bao chư Tổ ra đời, giáo hóa độ sanh vô số, nhưng số vị nhận được tâm ấn lại không bao nhiêu. Như Mã Tổ được xem là vị giáo hóa thành công nhất, vậy mà cũng chỉ có 81 đệ tử sống được với tự tâm. Các vị tổ sư khác còn ít hơn. Cho nên, tin là một lẽ, mà sống được hay không là lẽ khác, rồi sống được hoàn toàn hay không lại là một lẽ khác nữa. Việc này thật sự không đơn giản, nên nói khó là vậy.
Chương này nêu những cái khó tăng dần: Đầu tiên là được làm người; kế là làm người nam; sau đó sáu căn đầy đủ; tiếp là ở trung tâm đất nước được học hành đàng hoàng; rồi được ở trong thời giáo hóa của Đức Phật, gặp được chánh pháp, gặp người tu chân chánh, tu theo chánh pháp. Những cái khó tới đây mình đều đã được. Giờ chỉ còn hai cái khó cuối cùng là có dám tin mình có Phật tánh hay không, dám nhận và sống trở lại với tánh thật của mình hay không? Nếu mình dám, dần dần cũng sẽ thành tựu được cái cuối cùng là vô tu vô chứng.
Thật ra, sống trở lại với tâm mình rất đơn giản, rất dễ. Chỉ khó là vì mình không đủ can đảm chặt đứt những thói quen đã huân tập. Như người nghiện ma túy vẫn biết ma túy làm khổ mình, gây nhiều tác hại nghiêm trọng, nhưng khi muốn cai lại bị hành quá, họ không chịu nổi nên không cai được. Nếu người quyết tâm, ý chí mạnh mẽ thì sẽ làm được, họ phải trải qua đau đớn, vật vả kéo dài 7 ngày 10 ngày, vượt qua được là cai thành công, không còn nghiện nữa.
Việc tu cũng vậy, đi ngược lại thói quen chấp ngã, ái ngã là rất khó. Những cái không vừa ý, những cái khó chịu mà mình chịu được, buông được, tự nhiên sẽ thể nhập được tự tâm. Muốn được vậy phải dụng công dũng mãnh, nhưng dũng mãnh này là dũng mãnh trong tự tâm, không đòi hỏi mình phải ngày đêm dụng công tụng kinh, lễ Phật, tọa thiền…, đến bỏ ăn bỏ ngủ, hành hạ xác thân. Bởi dù có hành xác đến mấy mà tham sân không buông được cũng không gọi là dũng mãnh. Dũng mãnh phải là đủ dũng lực buông được tham sân phiền não, buông được ái ngã chấp ngã, những thói quen đã huân tập nhiều kiếp của mình.