Chánh văn:
Phật dạy: “Phật tử xa Ta ngàn dặm mà thường nghĩ nhớ giới luật của Ta thì ắt được Đạo quả. Còn ở bên trái phải của Ta, tuy thường thấy Ta nhưng không nương theo giới luật của Ta thì rốt cuộc cũng sẽ không đắc Đạo được.”
Giảng:
Chữ Phật tử ở đây không phải chỉ riêng những vị cư sĩ chưa xuất gia, chỉ mới thọ tam quy ngũ giới, mà là chỉ chung đệ tử Phật, cả tại gia và xuất gia.
Nếu thực sự là đệ tử Phật, dù ở cách xa Ngài cũng phải thường nghĩ nhớ giới luật của Ngài. Cần chú ý giới luật ở đây không phải chỉ là những giới luật, quy định của Phật, mà là tất cả những lời dạy của Phật, đều phải được ghi nhớ và vâng làm theo. Nếu được như vậy thì dù ở xa cũng như ở bên cạnh Ngài. Còn nếu ở sát bên cạnh mà không vâng lời Ngài thì cũng không phải là đệ tử chân chánh của Ngài, không thể đắc đạo được.
Khi Đức Phật giáo hóa ở cõi trời Đao Lợi trở về, đệ tử cung đón rất đông. Ngài Liên Hoa Sắc, vị đệ nhất thần thông bên Ni, muốn là người đón Phật trước tiên nên đã hóa làm Vua Chuyển Luân Thánh Vương tiền hô hậu ủng, mở đường cho Ngài lên trước. Thế là Ngài trở thành vị đầu tiên đón Phật. Sau khi đảnh lễ Phật xong, Ngài vui vẻ thưa: “Con đón Thế Tôn trước hết”. Đức Như Lai phủ nhận, nói: “Con không phải là người đầu tiên đón Ta, mà là Tu-bồ-đề”. Hội chúng đều ngạc nhiên, vì tôn giả Tu-bồ-đề hiện đang không có mặt, làm sao lại thành người đón Phật trước nhất? Đức Phật giải thích Tu-bồ-đề đang thiền định trong một hang động, dùng công phu tu tập của mình để đón Phật. Thế nên, đối với đức Thế Tôn, cung kính Ngài, đón mừng Ngài không gì bằng vâng lời Ngài dạy mà dụng công tu hành.
Tôn giả Tu-bồ-đề thường nhập định Bát-nhã, là cảnh giới thiền định không có nhập xuất. Tức là Ngài luôn sống với tự tánh, thể nhập sâu vào tự tánh, tự tại giữa thế gian. Cho nên, tôn giả lặng lẽ ngồi đó, không nói năng mà trời Đế Thích tán hoa, tán thán Ngài là chân thật thuyết pháp. Người sống được với tự tánh là người thuyết pháp sống động nhất.
Ngài Tu-bồ-đề đã làm đúng theo lời Phật dạy, tự sống trở lại với bản tâm thanh tịnh của mình, được Đức Phật khen ngợi là người đón Phật trước nhất. Do đó thấy, đức Thế Tôn rất xem trọng việc tu tập của đệ tử, không cần ở cạnh Ngài, không cần mỗi ngày thăm viếng vấn an, chỉ cần tu có niềm vui, sống được với đạo là Đức Phật hoan hỷ. Ở sát cạnh Ngài, nghe Ngài giảng dạy thường xuyên mà không chịu thực hành thì cũng không thể nào thấy đạo được.
Như tôn giả A-nan, làm thị giả hầu cận Đức Phật suốt 25 năm mà không chứng được Thánh quả A-la-hán, dù Ngài thuộc lòng tất cả lời Phật dạy, nhưng vì chưa để hết tâm dụng công nên không chứng đạo. Chỉ đến khi Thế Tôn nhập diệt, Ngài buông bỏ tất cả, tâm hoàn toàn thanh tịnh mới chứng thành đạo quả. Thật ra, vì Ngài làm thị giả, nên phần lớn tâm ý dành cho Phật, muốn lo cho Phật thật chu đáo, lại cố ghi nhớ mọi lời dạy của Phật không để thiếu sót, nên không thể toàn tâm toàn ý dụng công tu hành. Tuy vậy, Ngài vẫn đắc quả Tu-đà-hoàn, tức là đã nhận được chân lý, chỉ là chưa hành sâu để gột sạch tập khí, chưa sống trọn vẹn được với thể tâm nên mới không đắc A-la-hán.
Người ở sát Phật mà không nhận được chân lý chính là chúng ta đây. Ngày ngày đọc kinh, nhắc đi nhắc lại lời dạy của Phật thì có khác gì đang ở cạnh Phật. Người thế gian đâu có thời gian học kinh, đọc kinh, nghe kinh, họ phải lo cơm áo gạo tiền, đâu có nhiều ngày giờ nghiên cứu kinh điển, tức là không được ở cạnh Phật. Còn chúng ta ngày nào cũng nghe, cũng học, cũng đọc, lại còn được nghe các vị đi trước giảng giải tỉ mỉ, ấy vậy mà vẫn không thấy đạo. Lý do là vì mình nghe mà không hành. Đức Thế Tôn chỉ mong đệ tử lo tu, chẳng đòi hỏi gì khác. Chúng ta ngày ngày lễ Phật, tụng kinh, nghe pháp… mà không ứng dụng tu thì không kể là đệ tử chân chánh của Phật, không phải là đệ tử Phật đúng nghĩa.