Chánh văn:
Phật nói: Phàm người hành đạo như con trâu kéo nặng qua chỗ bùn sâu, mệt mỏi cũng không dám ngó phải ngó trái, ra khỏi bùn lầy mới có thể nghỉ ngơi. Sa-môn phải xem tình dục còn hơn bùn lầy, phải trực tâm nhớ đạo mới có thể khỏi được khổ vậy.
Giảng:
Phật nói người hành đạo như con trâu kéo nặng chỗ bùn lầy, tuy nhọc nhằn, mệt mỏi lắm cũng không dám ngó phải ngó trái, chỉ một bề cố sức kéo xe ra khỏi chỗ bùn lầy, sau đó mới có thể nghỉ ngơi. Lúc qua chỗ này, người biết đánh xe phải đánh mạnh một hai roi để con trâu biết chỗ lầy thì khi qua mới không bị lún. Nếu chần chừ không đi thì càng lúc bánh xe càng lún sâu xuống bùn và bị kẹt luôn.
Cũng vậy, Sa-môn phải xem tình dục thế gian còn nguy hiểm hơn con trâu chở nặng đương mắc lầy. Bấy giờ phải trực tâm nhớ đạo, nghĩa là tâm luôn luôn một bề nhớ giáo lý Phật dạy, không nghĩ tới ngũ dục thế gian, như vậy mới có thể khỏi được khổ. Nếu mình cứ lừng chừng, coi thường việc tu thì giống như con trâu bị lầy lún luôn cả các bánh xe, không thể nào kéo lên nổi. Cho nên muốn thoát vòng ngũ dục thế gian, tâm luôn luôn nghĩ nhớ pháp mình đang tu không bao giờ quên, gọi là nhớ đạo. Như đang quán lý vô thường thì đi đứng nằm ngồi gì cũng nhớ vô thường, đang quản lý nhân duyên thì đi đứng nằm ngồi đều nhớ nhân duyên, không nghĩ chuyện khác, như vậy mới có thể thoát khỏi sự khổ. Còn người nào quên hoài, cái khổ đó chưa chắc hết nổi.