Kinh Tứ Thập Nhị Chương giảng giải

Chương 40



Chánh văn:

Phật nói: Sa-môn tu hành, không giống con trâu kéo che, thân tuy hành đạo, mà tâm không hành. Tâm nếu hành đạo, còn dùng hành đạo làm gì? 

Giảng:

Phật dạy bất cứ chúng ta tu hạnh gì, hoặc bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, hay tụng kinh, niệm Phật v.v.. tất cả những việc đó đều do mình tự nguyện phát tâm làm, không ai bắt buộc. Cũng vậy, chúng ta xuất gia có ai bị cha mẹ ép không? Tự mình nguyện xuất gia nên khi tu mình cũng tự nguyện tu, đừng đợi chờ. Giả sử đến giờ tụng kinh, nếu có Phật tử thì ráng tụng, còn không ai tới thì nghỉ, như vậy là tụng kinh vì bị bắt buộc hoặc sợ người chung quanh chê cười, nghĩ mình làm biếng như vậy giống như con trâu, máng ách lên thì kéo, bỏ ách xuống liền thôi, không ý thức gì về việc kéo che. Nếu chúng ta không tự phát tâm, dù thân có tu cũng là tu bên ngoài, không có lợi ích chi, vì không dẹp được tham sân si.

Nếu thực phát tâm tu, giờ phút nào cũng chuyển hướng tâm mình, không để mê lầm, luôn luôn tỉnh táo sáng suốt biết niệm nào xấu, niệm nào tốt. Được vậy, dù bên ngoài không tu cũng không có lỗi. Cho nên Phật nói tâm nếu hành đạo, còn dùng hành đạo làm gì? Hành đạo là hành nơi tâm. Thế nên người tu theo đạo Phật cốt phải tự thệ, tự nguyện.

Có một số người phàn nàn Phật giáo vô tổ chức, tín đồ ưng đi chùa thì đi, không ưng thì thôi, không có sự bắt buộc. Nhưng Phật giáo luôn luôn chủ trương tự nguyện, tự phát tâm làm, việc làm mới có ý nghĩa. Nếu bị bắt buộc làm, việc làm đó gọi là vô ý thức, tuy có làm nhưng không hợp với đạo. Tuy nhiên, không có nghĩa là không khuyên Phật tử đi chùa, mình cũng khuyên, giảng cho họ hiểu việc tới chùa là cần thiết, lợi ích như thế nào, tự họ thấy cần thì họ đi, chứ không bắt buộc. Việc tu cũng vậy, chúng ta không xúi giục người khác tu, nhưng vẫn giải thích lợi hại, hay dở của sự tu hành, khi hiểu được, tự họ phát tâm tu, đó là rất tốt.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.