Chánh văn:
Phật nói: Ta xem ngôi vị vương hầu như bụi qua kẽ hở, xem vàng ngọc quý báu như ngói gạch, xem y phục lụa là như giẻ rách, xem đại thiên thế giới như một trái kha tử, xem nước ao A-nậu như dầu thoa chân, xem pháp môn phương tiện như đống báu hóa hiện, xem pháp Vô thượng thừa như trong mộng được vàng lụa, xem Phật đạo như hoa trước mắt, xem thiền định như núi Tu-di đứng vững, xem Niết-bàn như ngày đêm đều thức, xem sự đảo chánh như sáu con rồng múa, xem pháp bình đẳng như chỗ đất chân thật, xem sự hưng hóa như cây bốn mùa.
Giảng:
Phật dạy chúng ta phải có cái nhìn giống như Phật, tức là cái nhìn của người giác ngộ. Chỉ có nhìn đúng như vậy mới là chánh kiến.
Trước hết nói về danh lợi thế gian. Người đời tranh danh đoạt lợi, đức Phật thấy danh vị vua chúa chẳng khác nào những hạt bụi trong kẽ hở lăng xăng, không có nghĩa lý gì.
Thế gian ham muốn vàng bạc, ngài xem chúng như ngói gạch, để ngó chơi chứ không tham tiếc.
Thế gian chọn đồ mặc sang đẹp, ngài thấy y phục lụa là như giẻ rách, vì vậy người tu phải mặc áo bá nạp là áo do lượm giẻ rách giặt giũ, chắp vá lại, kết thành áo. Người tu hạnh đầu đà thường mặc y này.
Ngài xem đại thiên thế giới như trái kha tử. Trái kha tử có chỗ nói giống trái cau, có chỗ nói giống trái xoài. Thế giới tam thiên đại thiên đối với mình rất lớn, đức Phật chỉ xem bằng trái xoài, trái cau chứ không có gì quan trọng.
Ngài xem nước ao A-nậu như một chút dầu thoa chân. Ao A-nậu rất lớn giống Biển Hồ ở nước Miên, nhưng ở trong núi Tuyết nên gọi là ao. Đức Phật chỉ xem nó như một chút dầu thoa chân.
Hai việc: Xem thế giới tam thiên như trái kha tử; xem nước ao A-nậu như chút dầu thoa chân. Đứng về mặt lý, khi đạt lý, đối với tất cả tướng không còn phân biệt lớn nhỏ; đứng về mặt sự, đức Phật đã thấy trùm hết cả mười phương thế giới, cái thấy của ngài bao quát khắp cả nên thế giới tam thiên dù lớn bao nhiêu đối với ngài cũng là một chút xíu, không đáng kể, giống như một trái kha tử. Và dù ao A-nậu to mấy, đối với ngài, cũng chỉ như một chút dầu.
Ngài xem pháp môn phương tiện như một đống của báu hóa hiện. Những phương pháp Phật dạy chỉ là những phương tiện tùy người chỉ dạy chứ không thật. Cũng như thầy thuốc tùy bệnh cho toa, nếu người không bệnh, những toa đó đem bỏ sọt rác, không còn nghĩa lý gì. Vì vậy, phương tiện Phật giáo hóa là tùy người, tâm bệnh thế nào Phật dạy phương pháp đối trị thế ấy. Người nào tâm bệnh hết, các phương pháp Phật dạy không còn giá trị nữa. Tổ Huệ Năng nói: Kinh Phật dạy để trị tất cả tâm bệnh chúng sanh, tâm ta không bệnh, đâu cần gì kinh. Tất cả những lời Phật dạy trong các kinh là những phương tiện giáo hóa chúng sanh. Khi mình còn bệnh phải thấy kinh điển hết sức quan trọng. Thí dụ có người bị bệnh đau bụng, toa thuốc trị đau bụng rất cần thiết, không thể bỏ quên. Khi nào hết đau, toa thuốc quăng bỏ không cần nhớ nữa.
Chúng ta tu phải hiểu phương tiện Phật dạy. Thí dụ có người tu pháp môn niệm Phật, niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà để được giải thoát. Người tu thiền thì đếm hơi thở, hít vô đếm một, thở ra đếm hai, tới mười bỏ, đếm trở lại v.v… Nếu người niệm Phật chê người tu thiền đếm hơi thở đâu có nghĩa lý gì, phải niệm Phật mới linh nghiệm, bởi vì niệm Phật, Phật cứu, còn đếm một hai ai cứu mình? Nói như vậy là không hiểu phương tiện Phật dạy.
Trong các kinh dạy về Tịnh độ, Phật nói do chúng sanh tâm tán loạn, không bao giờ dừng một chỗ, muốn họ phát trí tuệ thanh tịnh phải làm cho tâm họ yên lặng. Đối với người nhiều niềm tin, Phật dạy họ niệm danh hiệu Phật, Nam-mô A-di-đà Phật, cứ niệm luôn luôn, miệng niệm, tai nghe, tâm không nhớ nghĩ việc khác, được vậy là tâm định. Nên nói: Niệm một niệm để phá tất cả niệm. Kinh Di-đà dạy: Nhược nhất nhật, nhược nhị nhật, nhược tam nhật, nhược tứ nhật, nhược ngũ nhật, nhược lục nhật, nhược thất nhật, nhất tâm bất loạn. Kỳ nhân lâm mạng chung thời, A-di–đà Phật dữ chư Thánh chúng hiện tại kỳ tiền. Nghĩa là nếu một ngày hoặc hai ngày cho đến bảy ngày được nhất tâm, tức là một niệm không xao lãng, nhắm mắt sẽ thấy Phật Di-đà hiện ra, tiếp dẫn về Tây phương.
Nhất tâm đó trong nhà thiền gọi là định. Tâm định, trí tuệ sáng suốt là Phật tánh hiện, đó là Phật Di-đà chứ không đâu xa. Như vậy người niệm Phật nhất tâm liền thấy Phật Di-đà, cũng như người tu thiền được định thì trí tuệ phát ra, trí tuệ là Phật. Chúng ta bị kẹt trong danh từ, nghe nói Phật Di-đà phóng quang tiếp độ rồi cho là niệm Phật linh, còn đếm hơi thở không linh. Phương pháp đếm hơi thở vừa nhớ hơi thở ra vào, vừa nhớ số mình đang đếm, chăm chú không nghĩ gì khác, như vậy là tâm định. Việc làm tuy khác nhưng mục đích trụ tâm không hai. Do đó, pháp môn phương tiện là Phật tùy người mà giả lập.
Đối với người trẻ, sức tin vào mình mạnh mẽ, Phật dạy họ tu thiền, nhắm thẳng vào mình mà tu. Còn đối với người tin Phật, nhớ Phật, ngài mượn danh hiệu Phật cho họ niệm, cốt cho tâm thanh tịnh. Vì vậy Phật dạy chúng ta phải hiểu pháp môn phương tiện của ngài chỉ là những thứ báu hóa hiện tạm thời, không có thật. Ngài xem pháp Vô thượng thừa như trong giấc mộng được vàng lụa. Pháp Tối thượng thừa là pháp cao nhất của Phật dạy mà ngài chỉ xem như vàng lụa trong mộng. Còn mộng thì còn dùng, tỉnh rồi vàng lụa đâu còn! Tất cả những pháp Phật dạy, từ Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa cho đến Tối thượng thừa đều là pháp đối đãi, còn mê thì còn lập phương tiện từ thấp lên cao cho tới cao tột đỉnh, nhưng khi giác ngộ hoàn toàn, tất cả đều không dùng nữa. Kinh Lăng-nghiêm nói Niết-bàn sanh tử đẳng không hoa, nghĩa là Niết-bàn hay sanh tử đều là hoa đốm trong không.
Ngài xem Phật đạo như hoa trước mắt. Phật đạo là đạo giác ngộ cứu cánh. Phật đạo là đối với chúng sanh đạo. Đến chỗ giác ngộ viên mãn, chúng sanh đạo không còn, Phật đạo cũng không lập, nên nói như hoa trước mắt, không bền, không thật, vì nó còn nằm trong vòng sanh diệt.
Xem thiền định như núi Tu–di vững vàng, không bao giờ lay động.
Xem Niết-bàn như ngày đêm đều thức. Chúng ta tu, khi nhớ việc thế gian là mê, sực tỉnh sống lại với hiện tại tu hành là tỉnh, khi mê khi tỉnh, cũng giống như ngày thức đêm ngủ, thức là tỉnh, ngủ là mê, ngủ thức luôn luôn nối tiếp nhau. Nếu chúng ta tu hành đến cứu cánh tột bậc, tức Niết-bàn, lúc đó hoàn toàn tỉnh giác, nên nói Niết-bàn như ngày đêm đều thức.
Xem sự đảo chánh như sáu con rồng múa. Đảo chánh là chuyện phải quấy thế gian. Thế gian mê lầm chấp chặt phải quấy, tranh đua nhau không cùng, còn với Phật, ngài thấy phải quấy thế gian chẳng khác nào rồng múa, khi đổi đầu làm đuôi, lúc lộn đuôi làm đầu, không thật, không nghĩa lý. Thí dụ ở một nơi nào đó, người lớn đặt ra quy luật thế này là phải, làm khác là quấy, những người nhỏ ở dưới cứ theo đó mà làm và định việc phải quấy. Nhưng ở nơi khác lại quy định phải quấy ngược lại. Vậy phải quấy lấy đâu làm tiêu chuẩn? Nó thay đổi tùy theo quan niệm của con người, người hiểu thế này cho thế này là phải, người hiểu thế khác cho thế khác là phải, không cố định. Nếu cứ cố chấp rồi rầy rà nhau là làm việc vô ích.
Kinh A-hàm có câu chuyện: Một thầy Tỳ-kheo sống trong rừng, một cô gái trong xóm thấy ngài tu hành thanh tịnh nên kính trọng, mỗi ngày đem cơm cúng dường. Được ít lâu, nàng bị người trong xóm đàm tiếu chuyện không hay. Vị Tỳ-kheo nghe rồi buồn khổ, tự nghĩ: Ta tu hành thanh tịnh lại bị nói xấu như vậy, tủi nhục quá! Ngài leo lên ngọn cây cao định thắt cổ tự vận, nhưng chưa kịp quyên sinh, chợt có vị thần hiện lên hỏi: Nếu có người nói ông chứng A-la-hán khi ông chưa chứng, ông có thành A-la-hán không? Đáp: Không. Thần lại hỏi: Nếu có người nói ông là tướng cướp, ông có thành tướng cướp không? Đáp: Không. Thần bảo: Như vậy ông tu hành thanh tịnh, nếu người ta nói ông phạm giới, ông cũng đâu thành kẻ phạm giới, việc gì phải tự tử. Nghe vậy, ngài liền thức tỉnh.
Hoặc ở thế gian có người trong lúc giận, mắng mình là con chó, mình có thành con chó không? Cũng vậy, mình tốt mà họ nói mình xấu, mình cũng đâu thành kẻ xấu. Chúng ta thường không hiểu, nghe ai nói xấu thì không chịu, nổi giận liền, đó là bị lệ thuộc lời nói. Người ta nói mình tướng cướp, mình không ăn cướp thì đâu thành tướng cướp, sao lại giận? Còn mình chưa chứng A-la-hán, người ta nói mình chứng, mình cũng đâu thành A-la-hán. Thí dụ mình tu hành lôi thôi, người ta nói mình chứng đạo liền vui mừng là lệ thuộc lời nói. Cho nên người tu phải nhận định chín chắn, nghe ai nói gì phải luôn luôn xét lại tâm mình, hành động mình. Nếu tâm mình thanh tịnh, hành động mình phải, ai nói gì cũng cười hết. Nếu tâm mình quấy, người ta nói đúng, mình phải tự xét mà ăn năn sám hối, như vậy mới có lợi ích. Nếu nghe chê, không xoay lại mình, vội giận là không nên, Đừng nghe khen vội mừng, nghe chê vội giận, vì khen chê chưa hẳn đúng sự thật. Thế nên, nghe chuyện phải quấy thế gian, đừng vội giận buồn thương ghét, phải xét lại tâm mình. Đừng nghe nói phải liền hùa theo cho là phải, nói quấy liền hùa theo cho là quấy rồi sanh phiền não là không được. Vì vậy Phật dạy phải quấy thế gian như sáu con rồng múa, lộn đuôi làm đầu, lộn đầu làm đuôi, lăng xăng không nhất định.
Xem pháp bình đẳng như chỗ đất chân thật, chỗ y cứ của mọi người, mọi vật. Vì pháp bình đẳng đó không bao giờ có trên sự tướng, chỉ có trên lý tánh. Thí dụ trong một xóm có ba bốn nhà lớn nhỏ mới cũ khác nhau, nhưng tất cả những nhà đó đều không tránh khỏi vô thường, hư hoại, cũ mục. Như vậy, lý vô thường bình đẳng đối với tất cả các nhà. Đó là giai đoạn một, nói về lý vô thường của Tiểu thừa. Đến giai đoạn hai, lý Bát-nhã bên Đại thừa nói: Tuy hình dáng mỗi người khác nhau, nhưng đều do tứ đại đất, nước, gió, lửa hợp thành. Về mặt tứ đại không ai khác ai.
Nếu chúng ta thường dùng con mắt ấy nhìn, thấy ai cũng như ai, đều là tứ đại hợp thành, đâu có chê người này xấu, khen người kia đẹp, đó là bình đẳng. Đến giai đoạn thứ ba, người đạt lý tánh, thấy ai ai cũng đồng một lý tánh, tất cả đều bình đẳng không hai, không khác. Đó chính là chỗ đất chân thật.
Phật xem sự hưng hóa như cây bốn mùa, Hưng hóa là sự suy thịnh ở đời, như cây bốn mùa, đông đổ lá, xuân đâm chồi, hạ kết trái, thu lá vàng. Đó là nói theo miền Bắc. Còn ở miền Nam, như trên núi này, mùa xuân khô, mùa hạ mưa bắt đầu thì cây xanh um, tới cuối mùa đông khô lại, năm nào cũng vậy, đảo đi đảo lại mãi. Việc suy thịnh của con người cũng vậy, khi mạnh lúc đau, mạnh là thịnh, đau là suy. Việc làm thế gian cũng vậy, được là thịnh, mất là suy; thăng quan tiến chức là vinh, bị giáng chức là nhục, đều là chuyện thường, không có gì quan trọng, như cây theo mùa, đổi thay không chừng. Hiểu như vậy, được không vui, mất không buồn.
Tóm lại, đức Phật có những cái nhìn đúng đắn như thế nên tâm ngài luôn luôn an tĩnh, không buồn phiền, lo sợ.
Trang trước | Mục lục | Về Trang Chủ |