Nội dung:
Như voi xuất trận hứng chịu cung, ta nhẫn chịu mọi điều phỉ báng, bởi đời lắm người phá giới.
Ở đời nhiều người hung dữ phá giới, thấy người tu hành hiền đức không biết kính trọng lại còn kiếm chuyện gièm pha chế nhạo, làm cho người thối chí nản lòng. Cho nên chúng ta phải kham nhẫn khi bị người phỉ báng, giống như con voi ra trận đánh giặc luôn hứng chịu cung tên.
Chính đức Phật cũng còn chịu nhiều điều phỉ báng, huống nữa là phàm phu chúng ta làm sao tránh khỏi những sự chế giễu của mọi người. Hãy noi gương đức Phật, bỏ ngoài tai những lời gièm pha của người khác, để vững tiến trên con đường tu học.
Luyện được voi để đem dự hội, luyện được voi để đem vua cưỡi là giỏi, nhưng nếu luyện được lòng ẩn nhẫn trước sự chê bai, mới là người có tài điêu luyện hơn cả mọi người.
Người tu một ngày đêm có thể tụng được sáu thời kinh, niệm mười muôn danh hiệu Phật, ngồi thiền suốt sáu tiếng đồng hồ, nhưng khi bị người chê bai nhịn không nổi là chưa luyện được tâm mình, như vậy chứng minh mình chưa tu nhiều. Ngược lại khi bị mắng chửi mà vẫn cười hà hà như Phật Di-lặc, đó là người biết tu. Cho nên ở đây nói luyện được lòng ẩn nhẫn trước sự chê bai, mới là người có tài điêu luyện hơn cả mọi người.
Người luyện tâm làm chủ được mình trước những nghịch cảnh, tự thắng trong mọi trường hợp, tâm an nhiên tự tại, đó là người thật tu.
Con la thuần tánh là con vật lành tốt, con tuấn mã Tín-độ là con vật lành tốt. Con voi lớn Kiều-la cũng là con vật lành tốt, nhưng kẻ đã tự điêu luyện được mình lại càng lành hơn.
Ở Ấn Độ người ta cho con la, con tuấn mã Tín-độ, con voi lớn Kiều-la là những con vật lành tốt, nhưng ở đây Phật nói không lành tốt bằng những người đã tự điêu luyện được mình. Chủ yếu đức Phật dạy chúng ta tu là điêu luyện thân tâm trong mọi trường hợp.
Thí dụ đang tụng kinh, mà nghe ở ngoài có ai nói xầm xì thì nghĩ họ nói xấu mình, nên tụng cho mau rồi ra cãi lại cho đã giận. Như vậy chưa phải tụng kinh, vì tụng kinh là tâm duyên theo lời kinh và tay đánh chuông mõ không cho lộn xộn, nếu ngoài kia có ai chửi mặc họ không quan tâm tới, thì không phiền não và biết làm chủ mình,
Cho nên dù ở nhà hay ở chùa, người tu đều phải thúc liễm thân tâm thanh tịnh cho thuần thục để trở thành một con người hoàn thiện.
Chẳng phải nhờ xe hay ngựa mà đến được cảnh giới Niết-bàn, chỉ có người đã điêu luyện lấy mình, mới đến được Niết-bàn.
Niết-bàn theo quan niệm thông thường là an vui. Vậy muốn an vui thì phải chính mình điêu luyện thân tâm. Nên nói không phải do xe hay ngựa đưa mình đến cảnh giới Niết-bàn.
Có người lầm tưởng nhiều tiền của, nhà lầu xe hơi là an vui. Nhưng tôi đã chứng kiến rất nhiều gia đình có bạc triệu, bạc tỷ, nhà lầu xe hơi, mà họ cũng than khổ như thường, vì họ quá lệ thuộc vào vật chất nên không bao giờ được an vui. Vậy muốn được an vui thì phải tự điêu luyện thân tâm cho thuần thục. Nếu chưa thuần thục thì những thứ bên ngoài không làm cho ta an vui.
Tóm lại người tu chân chánh phải biết điêu luyện thân tâm, mới thật sự an vui và đạt đến Niết-bàn. Ngược lại nếu không làm chủ được mình, thì ở cảnh nào cũng không an ổn.
Con voi tên Tài Hộ đến kỳ phát dục thì hung hăng khó trị, buộc trói thì bỏ ăn mà chỉ nhớ mẹ ở rừng sâu.
Con voi tên Tài Hộ, dù được vua săn sóc cho ăn ngon ở nơi đẹp, nhưng không chịu ăn uống vì nghĩ đến bổn phận làm con đối với cha mẹ, vẫn luôn nhớ mẹ nơi rừng sâu. Đức Phật kể câu chuyện này để nhắc nhở chúng ta, là người khôn ngoan bao giờ cũng hiếu thuận với mẹ cha và nuôi dưỡng chu đáo.
Như heo kia ưa ngủ lại tham ăn, kẻ phàm ngu vì tham ăn ưa ngủ, nên phải bị tiếp tục vào bào thai.
Đức Phật chê người ưa ngủ tham ăn giống như heo, nên phải tiếp tục sanh mãi trong vòng luân hồi. Tại sao vậy? Bởi vì tham ăn ưa ngủ không có thì giờ tu, như tám giờ tối đã xổ mùng xuống, cho tới tám giờ sáng mới thức dậy, ngủ suốt đêm đâu có tu hành. Ban ngày thì sáng trưa chiều tối lo ăn ba bốn bữa, thì giờ đâu mà tu. Chính việc ăn ngủ chiếm hết thì giờ, khiến chúng ta không tiến tu đạo nghiệp, nên tiếp tục đi mãi trong vòng luân hồi. Vì thế chúng ta phải cân nhắc để nỗ lực tu hành.
Trong những thời quá khứ, tâm ta thường chạy theo dục lạc, tham ái ưa nhàn du, nhưng nay ta đã điều phục được tâm, như người quản tượng lấy móc câu chế ngự con voi luông tuồng.
Đức Phật lấy bản thân mình làm bằng chứng để nhắc nhở chúng ta, trong thời quá khứ ngài cũng từng buông lung theo dục lạc, theo tham ái và thích thong thả dạo chơi khắp nơi như chúng ta bây giờ. Nhưng hiện tại ngài đã điều phục được tâm, như con voi luông tuồng đã bị điều phục dưới tay người quản tượng tài giỏi.
Cũng vậy nếu đời quá khứ chúng ta đã lỡ buông lung theo dục lạc, theo tham ái thích nhàn du thì bây giờ tập điều phục tâm làm chủ nó. Bao giờ điều phục dễ dàng như anh quản tượng tài giỏi điều phục con voi, thì chúng ta cũng thành công như đức Phật. Ngài là người phàm tục nhưng nỗ lực tu hành nên giác ngộ, chúng ta cũng là người phàm tục, nếu cố gắng tu hành vẫn giác ngộ như ngài. Chứ nói rằng Phật tu vô lượng kiếp, còn mình phàm phu không theo nổi rồi buông xuôi, thì suốt kiếp chịu trầm luân đau khổ.
Hãy vui vẻ siêng năng, phòng hộ, tự cứu khỏi nguy nan, như voi gắng sức vượt khỏi chốn sa lầy.
Vui vẻ siêng năng là hai đức tính cần thiết của con người. Chúng ta thấy con trâu hay con bò kéo xe qua những chỗ sình lầy, khi chân và bánh xe bị lún sâu xuống bùn, thì người đánh xe đánh mạnh hai ba roi để nó gắng sức vượt qua. Nếu ở ngay đó mà nhúc nhích một hồi thì càng lún sâu rồi mắc kẹt, không tài nào qua khỏi.
Cũng vậy, chúng ta bây giờ đang ở trong trần tục nhiễm ô, muốn ra khỏi chỗ nguy nan thì phải siêng năng vui vẻ, gìn giữ tâm không cho ô nhiễm. Như hoa sen ở trong bùn mà tinh khiết, là tự cứu mình ra khỏi chỗ nguy nan, chứ không ai cứu được.
Người tu phải siêng năng, tới giờ tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật phải phấn chấn mạnh mẽ và vui vẻ trong lòng. Nếu tới giờ tu mặc áo tràng vô mà ngáp dài ngáp ngắn, dã dượi uể oải, bữa nay mệt quá để mai tu, rồi muốn cởi áo tràng nằm một chút, giải đãi như vậy là không xong.
Cho nên đức Phật khuyến khích chúng ta hãy vui vẻ siêng năng, phòng hộ tâm để cứu mình ra khỏi nguy nan, như voi gắng sức vượt khỏi chốn sa lầy.
Nếu gặp bạn đồng hành hiền lương, giàu trí lự hàng phục được gian nguy, hãy vui mừng mà đi cùng họ.
Trên đường tu nếu gặp những người bạn hiền lành có trí tuệ, chúng ta hãy vui mừng cùng đi chung với họ, vì người có trí tuệ và ý chí thì khi gặp những khó khăn nguy hiểm vẫn vượt qua được để cùng nhau tiến tu. Như vậy mới tiến đến mục đích cuối cùng của sự tu hành là giác ngộ giải thoát.
Nếu không gặp bạn đồng hành hiền lương, giàu trí lự, hãy sống một mình, như vua tránh nước loạn, như voi sống ở rừng.
Đức Phật dạy trên đường tu, nếu không gặp được bạn hiền lương có trí tuệ thì phải yên ở một mình lo tu, đừng theo bạn xấu ác mà mất sự lợi ích, như vua tránh nước loạn, như voi bỏ về rừng sống an ổn một mình.
Thà ở một mình hơn cùng người ngu kết bạn. Ở một mình khỏi điều ác dục, như voi một mình thênh thang giữa rừng sâu.
Ở một mình giữ ý chí tu hành đừng cho lệch lạc còn hơn cùng người ngu kết bạn, vì kết bạn với người ngu nhiều lúc họ xúi mình làm những điều xấu, hoặc dẫn dắt mình tới những chỗ hư dở thì còn khổ hơn. Cho nên đức Phật nói ở một mình rảnh rang khỏi điều ác dục, như voi một mình thênh thang giữa rừng sâu.
Gặp bạn xa lâu ngày là vui, sung túc phải lúc là vui, mệnh chung có được thiện nghiệp là vui, lìa hết thống khổ là vui.
Người có bạn thân ở xa lâu lâu mới gặp thật là vui mừng. Người làm ăn cực nhọc mà tiền của vô đúng thời, không tổn phước đức và không có những điều xui xẻo, đó là vui. Khi nhắm mắt tâm thuần thiện đó là niềm vui của người biết tu hành. Người bị mắng ngay giữa đám đông, mà không nổi nóng chống cự hơn thua, không buồn giận phiền não, tâm vẫn an nhiên tự tại, đó là lìa hết thống khổ được an vui.
Ở đời được kính dưỡng mẹ hiền là vui, kính dưỡng thân phụ là vui, kính dưỡng Sa-môn là vui, kính dưỡng Thánh nhân là vui.
Người biết kính thương cha mẹ và hết lòng nuôi dưỡng, đó là niềm vui của người con chí hiếu. Đối với những vị tu sĩ thanh tịnh, hay những bậc Thánh nhân mà biết cung kính cúng dường, đó là niềm vui của Phật tử chân chánh có chánh kiến.
Già vẫn giữ giới là vui, thành tựu chánh tín là vui, đầy đủ trí tuệ là vui, không làm điều ác là vui.
Người già tu hành biết giữ giới luật là vui, học hiểu đạo lý để cho niềm tin ngày càng vững mạnh là vui. Dùng trí tuệ suy xét phân biệt tà chánh, thiện ác để tu hành là vui. Không làm những điều ác, làm những điều lành mới là an vui chân thật.
Tóm lại ba pháp cú trên Phật nói những niềm vui khác nhau: Niềm vui của người thế gian, niềm vui của người con chí hiếu đối với cha mẹ, niềm vui của Phật tử đối với bậc tu hành thanh tịnh và niềm vui do mình nỗ lực tiến tu. Nếu người tu có đủ những niềm vui đó, thì tu hành tiến bộ và cuộc sống hằng ngày luôn an lạc.