Nội dung:
Thường nói lời vọng ngữ, có làm nói không làm, người tạo hai nghiệp ấy, chết cùng đọa địa ngục.
Người làm quấy khi người ta hỏi thì không dám nhận, như vậy là nói vọng ngữ. Đây là đã tạo hai nghiệp thân làm sai, miệng nói dối, người ấy chết sẽ đọa địa ngục.
Dù mặc áo ca-sa, không ngăn trừ ác hạnh, người ác vì nghiệp ác, chết phải đọa địa ngục.
Người tu hành mặc áo ca-sa ra vẻ đạo đức, nếu không trừ những nghiệp ác thì khi chết sẽ đọa địa ngục, đừng cho rằng người xuất gia không đọa địa ngục. Phật dạy người xuất gia mà không trừ nghiệp ác, không tu thiện pháp thì vẫn bị đọa địa ngục như thường, vì nghiệp ác không tha ai hết.
Phá giới chẳng tu hành, thà nuốt hòn sắt nóng, hừng hực lửa đốt thân, còn hơn thọ tín thí.
Người xuất gia không giữ giới luật, không cố gắng tu hành, thà nuốt hòn sắt nóng đang cháy hừng hực, còn hơn lãnh thọ của tín thí. Đức Phật nói thân chúng ta dù bị lửa thiêu đốt ra tro bụi cũng không khổ bằng đọa địa ngục. Vì đọa địa ngục thì chịu khổ rất lâu dài, còn thân này bị lửa thiêu đốt khổ lắm thì chỉ mấy chục ngày hay mấy năm là cùng.
Buông lung theo tà dục, phải mắc vào bốn nạn: mắc tội, ngủ không yên, bị chê, đọa địa ngục.
Người buông lung chạy theo tà dục, sẽ bị bất an, đêm nằm lo lắng ngủ không yên, bị người ta chê là kẻ hư hèn xấu xa, và sau khi chết phải đọa địa ngục.
Vô phước, đọa ác thú, thường sợ hãi, ít vui, bị quốc vương kết trọng tội, đó là kết quả của tà dâm.
Trong năm giới của Phật tử, giới thứ ba là giới tà dâm, nếu phạm giới này thì sẽ không có phước, sẽ đọa ác thú, bị khủng bố, ít vui và bị quốc vương kết trọng tội, đó là kết quả của tà dâm. Vì thế Phật răn cấm người tại gia không nên phạm giới tà dâm.
Vụng nắm cỏ cô-sa thì bị đứt tay, Sa-môn mà theo tà hạnh thì bị đọa địa ngục.
Ở Ấn Độ có giống cỏ cô-sa lá rất bén, nếu nắm không khéo thì bị đứt tay, cỏ này giống cỏ tranh hay cỏ tre ở Việt Nam. Cũng vậy, người xuất gia nếu không giữ đúng hạnh Sa-môn mà làm theo tà hạnh không chân chánh thì sẽ bị đọa địa ngục.
Những người giải đãi, giới hạnh nhiễm ô, hoài nghi việc tu phạm hạnh sẽ không thể chứng quả lớn.
Người tu mà lười biếng, không giữ giới, ưa dính mắc các việc trần tục, hoài nghi pháp mình đang tu thì không thể tiến tới chỗ cao siêu.
Kinh nói tín vị công đức mẫu, niềm tin là mẹ của tất cả công đức. Tin ở đây không phải gặp đâu tin đó, mà dùng trí tuệ nhận xét tà chánh rồi mới tin và thực hành theo thì mới đầy đủ công đức lớn, nếu không thì dễ bị thối lui. Vì vậy đức Phật dạy người muốn thành tựu đạo quả, thì phải dứt bỏ lười biếng, nhiễm ô và hoài nghi, đó là những chướng ngại lớn của sự tu tập.
Việc đáng làm nên làm, phải làm cho hết sức, xuất gia mà phóng túng rong chơi, chỉ tăng thêm dục trần.
Những người không hiểu nên thích phóng đãng rong chơi, không thích làm những việc thiện. Đức Phật khuyến khích chúng ta những việc phúc thiện phải nỗ lực làm cho kỳ được, còn những việc không đáng làm như phóng đãng rong chơi, chỉ tăng thêm lòng trần tục chứ không ích lợi gì.
Không tạo ác nghiệp là hơn, làm ác nhất định thọ khổ, làm các thiện nghiệp là hơn, làm lành nhất định thọ vui.
Đức Phật đưa ra hai trường hợp, tạo ác nghiệp thì kết quả khổ đau, tạo thiện nghiệp thì kết quả an vui, chúng ta tự chọn lấy. Là người trí thì nhất định chọn con đường an vui.
Như thành quách được phòng hộ thế nào thì tự thân các ngươi cũng nên phòng hộ như thế, một giây lát cũng chớ buông lung, hễ giây lát buông lung là giây lát sa đọa địa ngục.
Chúng ta đi qua các cơ sở quân sự thì thấy mấy chú lính lúc nào cũng cầm súng đứng canh gác, vì muốn bảo vệ cơ sở nên họ phải giữ gìn kỹ lưỡng. Cũng vậy chúng ta phải giữ tâm không cho buông lung, nếu một giây lát buông lung thì sa đọa địa ngục.
Như khi ngồi niệm Phật, tâm không chuyên nhất vào danh hiệu Phật mà nghĩ chuyện thế gian, bỏ giác chạy theo mê, mà mê tức là cảnh địa ngục. Cũng vậy nếu người đang ngồi thiền mà mơ màng ngủ gục thì lạc vào cảnh giới tối tăm. Cho nên chúng ta phải phòng hộ, đừng buông lung tâm ý, chạy ngược chạy xuôi như trâu hoang, hay mơ màng tối tăm trong khi đang tọa thiền. Phải nỗ lực tu để thắng hai bệnh vọng tưởng và hôn trầm thì mới an vui.
Không đáng hổ lại hổ, việc đáng hổ lại không, cứ ôm tà kiến ấy, địa ngục khó lánh xa.
Khi làm việc chánh đáng mà bị ai gièm pha thì xấu hổ không dám tiếp tục làm. Thí dụ rằm, ba mươi, Phật tử đi chùa, bị người hàng xóm nói giả bộ đạo đức chứ có tu hành gì đâu. Hoặc có người làm việc phúc thiện hay niệm Phật tụng kinh mà bị người khác chê, bề ngoài trông như Bồ-tát mà trong lòng không tốt. Nghe như thế rồi hổ thẹn không dám đi chùa, không dám tu hành gì cả, đó là hổ thẹn những điều không đáng hổ.
Đi chùa, nghe kinh học đạo là việc làm tốt, họ chê mặc họ mình cứ an nhiên không có gì hổ thẹn. Hằng ngày chúng ta cần có nhận định đúng đắn, việc gì đáng hổ thẹn thì hổ thẹn, đừng vì lời gièm pha mà bỏ những việc tốt không làm. Bởi vì người ta có thể bịa ra trăm ngàn cách để chế giễu, nhưng mình phải có lập trường, nếu thấy đúng cứ gan dạ làm, thì mới được lợi ích.
Ngược lại như lén ăn cắp của người, đó là việc xấu đáng hổ thẹn mà cứ tiếp tục làm là hết sức sai lầm, dễ rơi vào địa ngục. Cho nên ăn cắp nói dối là tội lỗi, nếu bị chê thì phải hổ thẹn chừa bỏ không làm, đó là người có chánh kiến.
Không đáng sợ lại sợ, việc đáng sợ lại không, cứ ôm tà kiến ấy, địa ngục khó lánh xa.
Chúng ta thường sợ dư luận, nhưng những điều dư luận cũng có khi đúng khi sai mà cứ sợ, nên nói không đáng sợ lại sợ. Ngược lại ý nghĩ, lời nói, hành động ác sẽ dẫn tới quả khổ là những điều đáng sợ mà không sợ để chừa bỏ, đó là điều vô lý.
Cũng như mấy chú ăn trộm, thấy công an thì sợ bị bắt, nhưng tối nào cũng đi khoét ngạch đào tường. Vậy điều đáng sợ là tội trộm cắp, tại sao không sợ mà sợ công an bắt, đó là sai lầm. Cho nên chúng ta phải thấy cho đúng để bỏ điều xấu làm điều tốt, mới được lợi ích an vui.
Không lỗi tưởng là lỗi, có lỗi lại tưởng không, cứ ôm tà kiến ấy, địa ngục khó lánh xa.
Lỗi biết rằng lỗi, không lỗi biết không lỗi. Giữ tâm chánh kiến ấy, đường lành thấy chẳng xa.
Cư sĩ giữ năm giới và trường chay, nhưng cha mẹ không thể ăn chay, nên phải sắm thức ăn mặn cho cha mẹ, khi đó trong lòng khởi nghi làm như vậy có tội không? Phật không cấm những điều đó vì khi có lòng thành hiếu dưỡng cha mẹ, khuyên cha mẹ ăn chay như mình thì tốt, nếu không được vì bổn phận đối với cha mẹ mà làm thì không có lỗi. Không có lỗi mà tưởng lỗi đó là sai lầm.
Tuy nhiên, có người phát tâm ăn chay một thời gian rồi thèm mặn, nên hôm nào đó muốn ăn một bữa, vậy có lỗi hay không? Ông trạng sư của mình bênh vực là không lỗi, nhưng có lỗi với chính mình vì lòng tham ăn thúc đẩy. Hôm nay đầu hàng, mai mốt cũng đầu hàng chứ không thắng được, đó là lỗi mà tưởng là không lỗi. Nếu tà kiến như vậy thì địa ngục khó tránh xa.
Vì thế câu 319 Phật dạy, có lỗi biết rằng lỗi, không lỗi biết không lỗi, nếu người có chánh kiến thì vững tiến trên con đường lành.