Kinh Pháp Cú giảng giải

XXIV. Phẩm Ái Dục



Pháp Cú 334.

Nếu say đắm buông lung thì tham ái tăng lên hoài như giống cỏ mạn-la mọc tràn lan, từ đời này tiếp đời nọ, như vượn chuyền cây tìm trái. 

Cỏ mạn-la giống như cỏ cú ở Việt Nam. Nếu trong vườn có cỏ cú mà một năm không cuốc củ lên, thì nó mọc tràn lan rất khó diệt. Cũng vậy nếu buông lung thì tham ái tăng lên hoài, vì hưởng được cái vui này lại muốn hưởng cái vui khác. Như vậy ngày càng tăng trưởng chứ không bao giờ dừng, như vượn chuyền cây tìm trái, ăn được trái này vin qua cành khác để bẻ trái khác.

Như có người dự định làm ăn được một số tiền rồi lo tu. Khi làm ăn kha khá nhưng thấy chưa đủ, lo làm kiếm thêm tiền chứ chưa chịu tu, cứ lo tính toán làm ăn cho nhiều của cải, được cái này muốn thêm cái kia, bị lòng tham thôi thúc tăng thêm chứ không biết dừng, đó là chướng ngại lớn lao đối với người tu. Cho nên chúng ta phải hạn chế tâm không cho buông lung, mới mong tu hành đến chỗ viên mãn.

Pháp Cú 335.

Ở thế gian này nếu bị ái dục buộc ràng thì những điều sầu khổ càng tăng, như loài cỏ tỳ-la gặp mưa. 

Người bị ái dục buộc ràng thì sầu khổ càng tăng, như loài cỏ tỳ-la gặp mưa, lên nhanh làm không kịp. Người tu phải buông bỏ ái dục được chừng nào tốt chừng ấy. Nếu để ái dục trói buộc thì khổ não tăng thêm.

Pháp Cú 336.

Ở thế gian này, nếu hàng phục được những ái dục khó hàng phục, thì sầu khổ tự nhiên rơi rụng như nước giọt lá sen. 

Ngũ dục gồm có tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. Người không quan tâm đến ngũ dục thì cuộc sống an lành tự tại, như nước nhỏ lên lá sen, tuột mất không dính dáng. Tham ngủ là bệnh khó trừ, cho nên lỡ tham ngủ thì phải tự nhắc mình, cuộc đời vô thường chết tới nơi sao không lo tu, biết vậy rồi nỗ lực tu, đó là dùng quán vô thường để trị bệnh tham ngủ.

Kinh Di Giáo Phật dạy, trong nhà có con rắn độc chưa đuổi ra thì không dám ngủ yên. Cũng vậy tham sân si còn ngủ ngầm trong tâm thì người tu không nên mê ngủ, phải ráng tỉnh thức buông bỏ tham sân si cũng như đuổi rắn độc ra khỏi nhà, thì lúc đó mới nằm ngủ an ổn. Tóm lại trong năm dục, chúng ta phải biết mình nặng cái nào gắng sức để trừ, đó là người biết tu. Nếu không như thế thì tu không đến nơi đến chốn.

Pháp Cú 337.

Đây là sự lành mà ta bảo với các ngươi; các ngươi hãy dồn sức vào để nhổ sạch gốc ái dục, như người muốn trừ cỏ tỳ-la thì phải nhổ gốc nó. Các ngươi chớ lại để bị ma làm hại như loài cỏ lau gặp con nước lũ. 

Pháp Cú 338.

Đến cây mà chưa đào lấy gốc rễ thì được vẫn ra hoài, đoạn trừ ái dục mà chưa sạch căn gốc thì khổ não vẫn sanh trở lại mãi. 

Đức Phật dạy chúng ta trừ ái dục thì phải dứt tận gốc rễ, nếu không trừ tận gốc rễ thì khổ não còn hoài. Vậy muốn trừ gốc rễ thì phải trừ bằng cách nào?

Gốc là ở chính mình, cho nên trước phải nhìn lại mình, khi ưa thích danh lợi thì hãy quán thân này vô thường nay còn mai mất. Biết thân này vô thường, danh lợi cũng vô thường thì dứt được lòng ưa thích. Đức Phật dạy muốn diệt tận gốc rễ của ái dục là phải tu sửa tâm mình. Nếu chỉ trừ những cái ở bên ngoài thì chẳng khác nào đốn cây chỉ chặt nhánh mà không đào rễ, nó sẽ mọc trở lại. Vì vậy phương pháp tu của đạo Phật chỉ chúng ta xoay về cái gốc, là đoạn trừ tham sân si. Do si mê nên mới có ái dục, muốn hết ái dục thì phải hết si mê, đó là dứt trừ tận gốc rễ.

Pháp Cú 339.

Những người có đủ ba mươi sáu dòng ái dục, họ mạnh mẽ giong ruổi theo dục cảnh. Bởi vậy người có tâm tà kiến hằng bị những tư tưởng ái dục làm trôi giạt hoài. 

Ái dục có ba thứ; dục ái, hữu ái và phi hữu ái. Trong sáu căn ngoài sáu trần đều là ái, hợp thành dục ái 12, hữu ái 12, phi hữu ái 12, cộng thành 36, Dục ái dính líu tới thường kiến, phi hữu ái tương quan với đoạn kiến. Ba mươi sáu ái dục lưu động không ngừng như dòng nước, nên gọi là dục lưu.

Người nào có ba mươi sáu thứ ái dục, hay lòng yêu thích cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới thì trôi lăn mãi trong dòng sanh tử luân hồi. Cho nên Phật nói nếu người có đủ ba mươi sáu dòng ái dục, họ mạnh mẽ giong ruổi theo dục cảnh chẳng chút ngại ngùng. Thế nên người có tâm tà kiến (đoạn kiến và thường kiến), hằng bị những tư tưởng ái dục làm trôi giạt hoài.

Pháp Cú 340.

Dòng ái dục tuôn chảy khắp nơi, như giống cỏ mạn-la mọc tràn lan mặt đất. Ngươi hãy xem giống cỏ đó để dùng tuệ kiếm đoạn hết căn gốc ái dục. 

Người có lòng ái dục nhiều thì nó phát ra sáu căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý như giống cỏ mạn-la mọc tràn lan trên mặt đất. Như người thấy tiền khởi lòng tham, dùng trí tuệ quán xét tất cả của cải thế gian là vô thường, là gốc của khổ đau, nếu tham thì khổ không biết bao giờ thoát được. Quán xét như thế thì hết ưa thích, đó là dùng kiếm trí tuệ chặt đứt gốc ái dục. Cho nên người muốn hết khổ, phải phát huy trí tuệ cho sáng, nghĩa là phải mài thanh kiếm cho bén, để đoạn trừ ái dục.

Pháp Cú 341.

Người đời thường vui thích theo ái dục, ưa giong ruổi lục trần, tuy họ có hướng cầu an lạc, vẫn bị quanh quẩn trong chốn trầm luân. 

Người thường vui theo ái dục, tâm còn giong ruổi theo sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Tuy họ muốn an lạc mà vẫn còn bị quanh quẩn trong chốn trầm luân. Cho nên người nào dứt được lòng ái dục, không giong ruổi theo sáu trần, dù không cầu an lạc cũng vẫn được an lạc như thường.

Pháp Cú 342.

Những người theo đuổi ái dục, vùng vẫy khác nào thỏ bị sa lưới. Càng buộc ràng với phiền não, càng chịu khổ lâu dài. 

Người chạy theo ái dục thì khổ não đeo theo không bao giờ dứt, như con thỏ vướng vào lưới thì đau khổ vô cùng, vì cái chết kề một bên. Cho nên đức Phật nói rằng càng buộc ràng với phiền não, là còn nhiều tham sân si thì phải chịu khổ lâu dài, không biết bao giờ hết.

Pháp Cú 343.

Những người theo đuổi ái dục, vùng vẫy khác nào thỏ bị sa lưới. Hàng Tỳ-kheo vì cầu vô dục nên phải tự gắng lìa dục. 

Người xuất gia đã biết chạy theo ái dục thì khổ, chẳng khác nào con thỏ bị mắc lưới. Vì vậy hàng Tỳ-kheo phải cố gắng lìa dục, đừng cho dính mắc thì mới thật sự an lành.

Pháp Cú 344.

Người đã lìa dục, vui ở chốn sơn lâm, lìa dục rồi trở lại theo dục, hãy xem hạng người đó đã được mở ra rồi lại tự trói vào. 

Người lìa dục xuất gia, đã gỡ hết những mối dây ràng buộc, đang thong thả tự do ở chốn sơn lâm mà trở về nhà, Phật nói hạng người này là kẻ được mở ra rồi lại tự trói vào. Người xuất gia là đã thoát ra khỏi vòng ràng buộc của ái dục, nếu không khéo tu hành, thì tâm thối chuyển trở về thế gian để chịu khổ, như người được mở trói rồi tự trói lại, thật đáng thương!

Pháp Cú 345.

Đối với người trí, sự trói buộc bằng dây gai, bằng cây, bằng sắt chưa phải bền chắc, chỉ có lòng luyến ái vợ con, tài sản mới thật là sự trói buộc chắc bền. 

Trói buộc bằng dây gai tức là trói buộc bằng dây, trói buộc bằng cây thì ngày xưa mang gông bằng gỗ, trói buộc bằng sắt là còng cái còng bằng sắt. Dây, gông, sắt ba thứ trói buộc đó có thể gỡ ra nhẹ nhàng hơn, còn sự luyến ái vợ con tài sản thật là sự trói buộc chắc bền. Như vậy người có trí tuệ phải thấy rằng điều khiến chúng ta chịu trầm luân sanh tử là sự ràng buộc của gia đình.

Pháp Cú 346.

Đối với người trí, điều khiến người sa đọa là sự trói buộc chắc bền. Nó hình như khoan dung hòa hoãn mà thật khó lòng thoát ra. Hãy đoạn trừ đừng dính mắc, lìa dục mà xuất gia. 

Phật nói điều khiến người sa đọa là sự trói buộc chắc bền, nó hình như khoan dung hòa hoãn mà thật khó lòng thoát ra. Dắt người vào sa đọa là sao? Thí dụ Phật tử nam quy y thọ năm giới và giữ giới không uống rượu rất chín chắn. Có người bạn thân đi xa về, đến thăm gặp mặt vui mừng, rủ uống vài chung rượu lấy thảo, thì thấy đâu có gì là khó khăn. Nhưng rủ rê như vậy là dắt mình vào chỗ sa đọa. Tuy nói uống lấy thảo, nghe rất là khoan dung hòa nhã, không phải chửi mắng rầy rà, mà thật là khó từ chối, nếu từ chối được thì mới hay.

Ở đây đức Phật dạy đoạn trừ đừng dính mắc, lìa dục mà xuất gia là muốn khuyến khích những người nhận chân được sự khó khăn khổ não lâu dài, ràng buộc trong vòng tam giới, phải gan dạ để lìa dục mà xuất gia.

Pháp Cú 347.

Những người say đắm ái dục, trôi theo ái dục là tự lao mình vào lưới trói buộc, như nhện mắc lưới. Ai dứt được sự buộc ràng, không còn dính mắc, thì sẽ lìa mọi thống khổ mà ngao du tự tại. 

Có hai hạng người, một là đang bị trói buộc khổ đau, hai là thong thả ngao du tự tại. Người đang bị trói buộc khổ đau là người say đắm theo ái dục, đức Phật nói tự lao mình trong lưới buộc, như nhện giăng tơ rồi kẹt trong tơ của nó. Cũng vậy chúng ta say đắm theo ngũ dục rồi tự cột mình trong ngũ dục, bị nó lôi cuốn từ đời này đến kiếp khác.

Người dứt sự buộc ràng, không còn bị ngũ dục lôi kéo thì sẽ xa lìa mọi thống khổ, chứng Niết-bàn giải thoát, không còn gì trói buộc, muốn đi đâu thì đi, ngao du tự tại ra vào sanh tử.

Pháp Cú 348.

Bỏ quá khứ, hiện tại, vị lai mà vượt qua bờ kia, tâm giải thoát tất cả, không còn bị sanh già trở lại. 

Người nào đối với thân quá khứ, thân hiện tại, thân vị lai không còn luyến ái thì sẽ qua bờ kia, là bờ Niết-bàn. Tâm đã giải thoát tất cả đắm mê trong cõi dục thì không còn sanh già trở lại. Như vậy người dứt được lòng luyến ái thân trong ba đời và hiện tại không tham đắm ngũ dục thì được giải thoát chứng Niết-bàn.

Pháp Cú 349.

Những kẻ bị tư tưởng xấu làm não loạn, cầu mong dục lạc thật nhiều. Người mong dục lạc tăng nhiều là tự trói mình thêm bền chắc. 

Phật tử làm ăn bình thường, có nhà ở, đủ tiền nuôi con ăn học. Nhưng chưa bằng lòng, muốn giàu hơn để cất nhà lầu sắm xe hơi. Có xe hơi nhà lầu rồi lại bận rộn chạy theo cuộc sống vật chất, không có thì giờ tu hành. Cho nên đừng tưởng được nhiều của cải là tốt, vật chất nhiều chừng nào thì tự trói buộc nặng nề và khó tu chừng nấy. Phật dạy nếu người thường mong cầu dục lạc thật nhiều thì tự trói mình càng thêm chắc chắn.

Pháp Cú 350.

Muốn xa lìa ác tưởng, thường nghĩ tới bất tịnh, hãy trừ hết ái dục, đừng để ác ma buộc ràng. 

Câu kinh này đức Phật dạy quán bất tịnh để trừ ái dục. Quán thân mình có ba mươi hai hoặc ba mươi sáu vật như tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương v.v… những thứ đó đều không sạch. Thí dụ tóc trên đầu là quý, nhưng rớt vô chén cơm hay nồi canh thì thấy gớm không muốn ăn. Như vậy nếu sạch thì không chán chê, đã chán chê thì không phải sạch.

Muốn trừ sắc dục thì phải quán thân bất tịnh. Nếu quán thuần thục thì không còn chạy theo ái dục và ác ma không làm gì được mình.

Pháp Cú 351.

Bước tới chỗ cứu cánh thì không còn sợ hãi, xa lìa ái dục thì không còn nhiễm ô, nhổ mũi tên sanh hữu thì chỉ còn một thân này là cuối cùng. 

Người bước tới chỗ cứu cánh, thoát khỏi sanh già bệnh chết, nên không còn lo âu sợ hãi, đây là chỉ cho những bậc A-la-hán xa lìa ái dục và không còn nhiễm ô.

Trong mười hai nhân duyên từ vô minh, hành, thức, danh sắc v.v… cho tới hữu, sanh và lão tử. Hữu là chỉ cho cõi hay nghiệp, sanh là tiếp tục sanh đời sau. Nếu nhổ được mũi tên nghiệp lôi mình sanh vào đời sau, thì chỉ thọ thân một đời này thôi, không còn luân hồi sanh tử nữa, gọi là giải thoát. Cho nên ở đây nói nhổ mũi tên sanh hữu thì chỉ còn thân này là cuối cùng.

Pháp Cú 352.

Xa lìa ái dục không nhiễm trước, thông đạt từ vô ngại, thấu suốt nghĩa với pháp vô ngại, và thứ lớp của tự củ, đó là bậc đại trí, đại trượng phu, chỉ còn một thân này là cuối cùng. 

Người xa lìa ái dục tâm không còn nhiễm trước, thì được bốn điều kiện tài vô ngại. Từ vô ngại là đầy đủ lời lẽ, nói năng thông suốt; Nghĩa vô ngại là thấu suốt nghĩa lý; Pháp vô ngại là thông suốt giáo pháp của Phật và Diễn thuyết vô ngại là giảng nói thông suốt. Được bốn thứ vô ngại này gọi là bậc đại trí, đại trượng phu, chỉ còn thân này là thân cuối cùng, không còn tiếp tục sanh ra đời sau.

Pháp Cú 353.

Ta đã hàng phục tất cả. Ta đã rõ biết tất cả. Ta không nhiễm một pháp nào. Ta xa lìa hết thảy, diệt dục mà giải thoát và tự mình chứng ngộ, thì còn ai là thầy ta nữa! 

Sau khi thành đạo, Phật từ Bồ-đề đạo tràng đi đến Lộc Uyển, giữa đường gặp một ngoại đạo tên Ưu-ba-ca hỏi: “Ông xuất gia theo ai? Thầy của ông là ai? Ông tin theo tôn giáo nào?” Đức Phật nói câu pháp cú trên để trả lời, nghĩa là ngài đã chứng được trí vô sư, không còn ai là thầy.

Chúng ta là đệ tử Phật, cũng có trí vô sư, đó là vị thầy chân thật nơi mình, còn vị thầy bên ngoài chỉ là phụ thôi. Người tu hành hàng phục phiền não trong tâm, rõ biết tất cả, không nhiễm một pháp nào thì cũng tự chứng ngộ và được giải thoát như Phật.

Pháp Cú 354.

Trong các cách bố thí, pháp thí là hơn cả; trong các chất vị, pháp vị là hơn cả; trong các kỷ lạc, pháp hỷ là hơn cả. Người nào trừ hết mọi ái dục là vượt trên mọi khổ đau. 

Bố thí có ba: tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí chia làm hai, nội tài và ngoại tài. Đem sức lực giúp đỡ người khác là bố thí nội tài, đem tiền của bố thí cho mọi người là bố thí ngoại tài. An ủi người bớt buồn khổ, làm cho bớt sợ hãi là vô úy thí. Trong các cách bố thí trên sánh với pháp thí là đem lời Phật dạy để nhắc nhở mọi người tu hành, pháp thí là hơn cả.

Trong các chất vị ở thế gian như ngọt, bùi, cay, chua, mặn, lạt v.v.. người đời ưa thích, đức Phật nói không bằng pháp vị. Khi đọc kinh mà hiểu nghĩa, cảm thấy thích thú là đã nếm được pháp vị. Nếu chúng ta bền chí siêng năng nghiên cứu giáo lý của đức Phật, khi hưởng được pháp vị thì mới thấy Phật cho mình những điều hạnh phúc vô cùng.

Như nghe ca nhạc thì vui, được tiền của thì vui, những cái vui đó chỉ trong chốc lát, được rồi mất không bền. Nhưng khi nghe Phật pháp ứng dụng tu hành, tâm được an vui hạnh phúc, niềm vui do tu mà được mới là bền bỉ lâu dài, Nên nói trong các sự hỷ lạc, chỉ có pháp hỷ là hơn cả.

Ái dục là gốc khổ đau, muốn trừ ái dục phải quán bất tịnh. Nếu thích tài sản danh lợi thì quán thân vô thường, cảnh vô thường có gì mà tham. Đối với danh lợi dửng dưng nên tâm an ổn tự tại, đó gọi là pháp hỷ. Cho nên Phật dạy người nào trừ hết ái dục thì vượt trên mọi đau khổ.

Pháp Cú 355.

Tài sản giàu có chỉ làm hại người ngu, chứ không phải để cầu sang bờ giác. Người ngu bị tài dục hại mình, như mình đã vì tài dục mà hại người khác. 

Người ngu rất ưa thích sự giàu sang, được một muốn hai, được hai muốn ba bốn, muốn hoài tới già chết không thoát ra được. Cho nên nói giàu sang chỉ làm hại người ngu, chứ không phải để cầu sang bờ giác.

Người ngu bị tài dục hại mình, như mình đã vì tài dục mà hại người khác. Thí dụ tên cướp vì tham tiền mà giết người nên bị ở tù, đó là tự hại mình. Chính vì tiền của mà giết người khác đó là hại người.

Pháp Cú 356.

Cỏ làm hại ruộng vườn, tham dục làm hại thế nhân. Vậy nên cúng dường cho người lìa tham sẽ được quả báo lớn. 

Cỏ làm hại ruộng vườn, tham dục làm hại người thế gian. Vì thế đức Phật khuyên cúng dường cho người lìa tham sẽ được quả báo lớn. Tại sao? Tham dục là gốc của tai họa, người còn nhiều tham dục là còn nhiều khổ đau, không tự cứu khổ huống là dìu dắt được ai. Người dứt hết tham dục thì tự cứu mình và có thể làm gương cho người khác noi theo. Cho nên đức Phật nói cúng dường cho những vị đó được quả báo lớn.

Hơn nữa, chúng ta biết kính trọng những vị tu hành thanh tịnh, noi theo gương hạnh tốt của họ, tập buông bỏ bớt lòng tham dục, sẽ được lợi ích cho mình đó là tự lợi. Nếu chúng ta cúng dường cho những vị đó, họ có phương tiện giáo hóa người khác thì thêm phần lợi tha, nên nói được quả báo lớn.

Pháp Cú 357.

Cỏ làm hại ruộng vườn, sân nhuế làm hại thế nhân. Vậy nên cúng dường cho người lìa sân sẽ được quả báo lớn. 

Pháp Cú 358.

Cỏ làm hại rất nhiều ruộng vườn, ngu si làm hại thế nhân. Vậy nên cúng dường cho người lìa si sẽ được quả báo lớn. 

Pháp Cú 359.

Cỏ làm hại rất nhiều ruộng vườn, dục vọng làm hại thế nhân. Vậy nên cúng dường cho người lìa dục sẽ được quả báo lớn. 

Ba câu pháp cú này đức Phật nói tương tự như trên, nhưng ở trên là lìa tham, ở đây là lìa sân, lìa si và lìa dục. Lìa được bốn thứ kể trên là người hoàn toàn thanh tịnh an lành. Chúng ta nên cúng dường cho những vị đó thì sẽ được quả báo lớn.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.