Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Vui Thích Giang Hồ



VUI THÍCH GIANG HỒ

Tâm xưa hồ hải chửa từng khuây
Ngày tháng như tên dường tợ thoi.
Gió mát trăng thanh sanh kế đủ
Non xanh nước biếc nếp sống đầy.
Sáng sớm giương buồm băng nước thẳm
Chiều nâng sáo thổi cợt khói mây.
Tạ Tam nay đã không tin tức
Để chiếc thuyền trơ bãi cát này.

Giảng:

Bài thơ này diễn tả cái thú giang hồ của những người có tinh thần hào phóng, tâm hồn thích tự do rày đây mai đó.

Tâm xưa hồ hải chửa từng khuây.

Hồ hải chỉ cho ngũ hồ tứ hải. Lúc nhỏ đã có tâm hào phóng, nay tuy già mà vẫn còn thích đi đây đi kia chớ không chịu ở một nơi.

Ngày tháng như tên dường tợ thoi.

Ngày tháng trôi qua nhanh như tên bắn như thoi đưa, không chờ đợi ai cả. Hai câu này ý nói tâm hồn của Thượng Sĩ lúc nào cũng muốn dạo chơi hồ hải, nhưng bây giờ nhìn lại thì ngày tháng trôi qua nhanh và tuổi đã già. Tuy nhiên:

Gió mát trăng thanh sanh kế đủ
Non xanh nước biếc nếp sống đầy.

Sanh kế của Thượng Sĩ là gió mát trăng thanh. Có gió mát trăng thanh là đủ sống rồi, không cần phải ăn ngon mặc đẹp. Nếp sống của Ngài là phải gần gũi thiên nhiên, cho nên non xanh nước biếc làm cho đời sống của Thượng Sĩ thêm đầy đủ. Đó là phong độ sống của Ngài. Chúng ta bây giờ ở Thiền viện Trúc Lâm có đủ những điều kiện về sanh kế như Ngài nói chưa? Ở đây cũng có rừng thông xanh mướt, gió thổi vi vu, hồ nước Tuyền Lâm trong vắt, mỗi đêm trăng sáng soi bóng xuống hồ… Chúng ta có đủ cả, có thể nói là dư thừa. Vậy có ai là người có tâm hồn giang hồ muốn tìm non xanh nước biếc gió mát trăng thanh nữa không? Hay đã an lòng ở đây vừa tu vừa thưởng thức cảnh đẹp?

Sáng sớm giương buồm băng nước thẳm
Chiều nâng sáo thổi cợt khói mây.

Sáng thả buồm rong chơi, chiều nâng sáo thổi cợt đùa với mây gió. Thượng Sĩ là một cư sĩ thì sống như thế được. Chúng ta là Thiền sinh thì phải sửa hai câu này lại cho phù hợp: “Sáng sớm vác cuốc ra làm cỏ, chiều ôm tọa cụ đến Thiền đường.”

Tạ Tam nay đã không tin tức
Để chiếc thuyền trơ bãi cát này.

Tạ Tam là Tạ Tam Lang, tức Thiền sư Huyền Sa Sư Bị, lúc còn cư sĩ ông là một người thả thuyền câu dưới sông, vui thú giang hồ nay đầu ghềnh mai cuối bãi. Đến ba mươi tuổi ông đem thuyền lên bãi để, rồi bỏ đi tu, sau trở thành một Thiền sư nổi tiếng. Do đó nên Thượng Sĩ so sánh Tạ Tam trước là một chú chèo thuyền câu cá, bây giờ không còn nghe tin tức, mà chỉ thấy chiếc thuyền nằm trơ trên bãi cát cạn. Ý muốn nói tuy tâm hồn hồ hải, là tâm hồn của những người thích phóng khoáng tự do, nhưng không phải chỉ thỏa mãn cái tâm yêu thích non xanh nước biếc, gió mát trăng thanh của thi sĩ, hoặc của kẻ thường tình hướng về cõi hồng trần để lụy thân, mà là tinh thần tự do phóng khoáng của người hướng về với đạo. Vì người ưa thích thiên nhiên tâm hồn phóng khoáng dễ phù hợp với Thiền, nên Thượng Sĩ nói “Tạ Tam nay đã không tin tức, để chiếc thuyền trơ bãi cát này”. Ai là chàng Tạ Tam Lang bỏ thuyền trên bãi cát đi tu? Ai có tâm hồn hồ hải thì hãy bắt chước Tạ Tam Lang!


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.