Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Chăn Trâu Đất



CHĂN TRÂU ĐẤT

Một con trâu đất, một mình chăn
Xỏ mũi lôi về chẳng khó khăn.
Đem đến Tào Khê buông thả quách
Mênh mông nước chảy đánh cầu tròn.

Giảng:

Theo chữ Hán con trâu và con bò viết cùng một chữ “ngưu” nhưng chữ “ngưu” thường chỉ con bò, còn chữ “thủy ngưu” thường chỉ con trâu. Con bò thì màu vàng sừng ngắn, ở trên khô không lội nước, con trâu màu đen sừng dài và cong lội nước được, nên nói trâu nước.

Ở đây Thượng Sĩ nói chăn con trâu đất. Vậy trâu đất là trâu hay bò? Đúng ra là trâu chớ không phải bò. Vì ở Việt Nam trâu hay nằm ở vũng bùn tẩm đất đầy mình nên gọi là trâu đất, thay vì ở Trung Hoa gọi là trâu nước. Vậy nói theo Việt Nam là chăn trâu chớ không phải chăn bò. Chúng ta đừng hiểu lầm con trâu đất là con trâu làm bằng đất, trâu bằng đất thì vô tri làm sao chăn? Như vậy con trâu đất là con trâu dính bùn đầy mình, vì chữ “nê” là bùn chớ không phải đất.

Một con trâu đất một mình chăn.

Một con trâu đất một mình chăn thì dễ quá, chăn con trâu của mình chớ không phải của ai. Nhưng chăn bằng cách nào?

Xỏ mũi lôi về chẳng khó khăn.

Xỏ mũi lôi đầu nó chuyện đó không khó. Như vậy muốn con trâu thuần thục và qui thuận thì phải xỏ mũi lôi đầu nó mới đi, chớ chăn mà không xỏ mũi thì không được. Cũng vậy, những vọng tưởng của chúng ta nhà Thiền tạm gọi con trâu, nó không có hình tướng chợt sanh chợt diệt. Nếu chăn mà không có phương tiện thì làm sao chăn? Vì vậy phải dùng phương tiện. Phương tiện ở đây dùng cho người sơ cơ là quán hơi thở, người thuần thục thì vọng tưởng khởi nhìn cho nó lặng xuống, không để nó tự do hoạt động. Nếu chúng ta chăn thật kỹ thì con trâu dễ điều phục. Con trâu chúng ta đang chăn có ai biết hình dáng nó thế nào không? Nó có bốn chân hai sừng phải không? – Thật ra, con trâu Thượng Sĩ nói không có hình dáng cụ thể, chẳng qua do người xưa nương lời dạy của đức Phật trong kinh Di Giáo về việc kềm chế năm căn không cho buông lung chạy theo năm dục. Ví như người chăn trâu coi chừng trâu không cho nó xâm phạm lúa mạ của người. Mượn hình ảnh con trâu để soạn ra mười bức tranh với ý chỉ hàng phục những vọng tưởng loạn động của mình gọi là chăn trâu.

Đem đến Tào Khê buông thả quách.

Thả quách là buông tay chớ không còn nắm mũi, không còn kềm chế, nghĩa là để cho nó tự do. Nhưng muốn thả thì phải chăn cho thuần thục rồi mới thả. Chừng nào chúng ta được Nhất hạnh tam-muội và Nhất tướng tam-muội, như lời Lục Tổ dạy trong kinh Pháp Bảo Đàn thì mới thả cho con trâu tự do. Nhất tướng tam-muội là đối với tất cả tướng dù đẹp dù xấu, dù lớn dù nhỏ, chúng ta đều không dính mắc, tức là nhìn thấy tất cả tướng tâm không dấy động, luôn luôn ở trong chánh định. Nhất hạnh tam-muội là trong bốn oai nghi đi đứng ngồi nằm, khi tiếp duyên xúc cảnh tâm vẫn an nhiên tự tại, không dính không kẹt với sáu trần bên ngoài. Như vậy nếu người tu hành đạt được hai tam-muội này thì không còn phải chăn trâu, nên nói đem đến Tào Khê buông thả quách.

Mênh mông nước chảy đánh cầu tròn.

Câu kết hơi khó. Ở trong dòng nước chảy xiết mà đánh cầu. Để dễ hiểu tôi dẫn câu chuyện mang ý này:

Có vị Tăng đến hỏi ngài Triệu Châu: “Trẻ con mới sanh có đủ sáu thức chăng?” Triệu Châu đáp: “Trên dòng nước chảy xiết đá cầu.” Sau vị Tăng ấy đến hỏi ngài Đại Đồng Đầu Tử: “Trên dòng nước chảy xiết đá cầu, ý nghĩa thế nào?” Sư đáp: “Niệm niệm chẳng tạm dừng.”

Chúng ta thường nghĩ người lớn có ý thức phân biệt thế này thế kia, con nít thì ý thức còn non nớt nên không phân biệt. Ở đây, vị Tăng này hỏi: “Con nít có đủ sáu thức không?” Ngài Triệu Châu trả lời: “Trên dòng nước chảy xiết đá cầu.” Nghe qua vị Tăng không hiểu mới đến hỏi Thiền sư Đại Đồng, Ngài đáp: “Niệm niệm chẳng tạm dừng.” Qua câu đáp của Thiền sư Đại Đồng chúng ta mới hiểu câu trả lời của ngài Triệu Châu “trên dòng nước chảy xiết đá cầu”. Ý nói sáu thức nơi con nít đang trên dòng phát triển liên tục từ sơ sanh dần dần lớn lên. Như khi còn bé chúng ta cũng thấy nghe mà chưa khởi phân biệt đẹp xấu hay dở. Tuy nói chưa khởi phân biệt, chớ đứa bé thấy cái gì có màu sắc nó cũng đưa tay chụp, cái gì không thích thì nó giẫy nẩy không chịu, nghe tiếng nói ngọt ngào nó cười vui vẻ, nghe tiếng nói nặng nề mắng mỏ nó cũng biết tủi biết buồn. Như vậy tuy nó có cái biết phân biệt nhưng rất sơ khai chưa rõ ràng. Từ từ lớn lên cái thấy nghe hiểu biết nó càng rõ ràng hơn. Ngài Triệu Châu nói đứa bé vẫn có đủ sáu thức, nhưng phát triển dần dần từ sơ khai đến trưởng thành, liên tục như dòng nước chảy xiết, hạt nước này tiếp nối hạt nước kia chảy liên tục. Chúng ta thấy như một dòng nước nhưng thật ra nó biến chuyển không dừng.

Còn đá cầu, nghĩa là sao? Chính nhờ Thượng Sĩ mà chúng ta hiểu được ý này. Xin nhắc lại hai câu:

Đem đến Tào Khê buông thả quách
Mênh mông nước chảy đánh cầu tròn.

Nếu chúng ta tu điều phục được con trâu của mình rồi, nó không còn kéo lôi chống trả nữa, lúc đó chúng ta được tự do. Như vậy là trong dòng biến chuyển của sáu thức chúng ta được tự tại. Giống như người đánh cầu trên dòng nước chảy xiết. Đánh cầu hay đá cầu của ngài Triệu Châu, ý nói người tu Thiền thì không bị sự biến chuyển của sáu thức lôi kéo nhận chìm. Giống như người đứng trên dòng nước chảy xiết mà đánh cầu một cách tự do, việc này ngoài sức tưởng tượng của con người. Vì người thế gian luôn luôn bị sáu thức kéo lôi nhận chìm. Hiểu được ý này chúng ta mới thấy giá trị của bài thơ. Bài thơ chỉ có bốn câu mà Ngài nói lên được tiến trình tu tập từ khi bắt đầu dụng tâm tu cho đến khi đạt được kết quả.

Tôi xin nhắc lại toàn bài để quí vị nắm cho vững:

Một con trâu đất một mình chăn.

Mấy hôm rồi quí vị chăn một mình hay có ai phụ không?

Xỏ mũi lôi về chẳng khó khăn.

Quí vị xỏ mũi được chưa hay vẫn còn cay đắng gian nan? Tuy đã xỏ mũi rồi có khi lôi nó không chịu đi, vì sức mình yếu nên lắm lúc cũng bị nó lôi lại. Như vậy đối với quí vị thì “xỏ mũi lôi về rất khó khăn”. Nếu “chẳng khó khăn” thì sẽ:

Đem đến Tào Khê buông thả quách.

Khi trâu thuần thục thì mình nằm ngủ khò chẳng còn lo lắng gì nữa, bấy giờ thì:

Mênh mông nước chảy đánh cầu tròn.

Tuy ở trong dòng sanh diệt mà chúng ta an nhiên, không lo sợ không dính mắc gì cả. Chỉ tóm gọn trong bốn câu thơ mà Ngài nói lên được tiến trình tu tập của một hành giả từ khi bắt đầu cho đến khi viên mãn. Chúng ta nên ghi nhớ để mà tu tập.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.